cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 11/08/2014 Sửa đổi Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu văn bản: 15/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Ngày ban hành: 11-08-2014
  • Ngày có hiệu lực: 21-08-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-08-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2556 ngày (7 năm 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-08-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2014/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 11 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BÃI BỎ, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 22/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước của tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai (ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai).

1. Sửa đổi khoản 5, điều 3 như sau:

“5. Có đơn xin dự tuyển, lý lịch rõ ràng; có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác cần tuyển theo quy định tại khoản 6 điều này; có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên.”

2. Sửa đổi điều 8 như sau:

“1. Căn cứ nhu cầu tuyển dụng công chức cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét việc tuyển dụng, tiếp nhận không qua kiểm tra sát hạch và kỳ tuyển dụng định kỳ hằng năm đối với người đảm bảo đủ các điều kiện trong những trường hợp sau:

a) Người tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ; người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi trở lên tại các trường công lập trong nước; người tốt nghiệp đại học loại khá trở lên ở nước ngoài có chuyên ngành phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng.

b) Người có bằng tốt nghiệp đại học đang công tác trong ngành, lĩnh vực đáp ứng được ngay yêu cầu của chức danh công chức cần tuyển dụng, có ít nhất 05 năm công tác (không kể thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, thời gian tập sự, thử việc; nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn) thuộc biên chế hưởng lương trong cơ quan của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan cơ yếu, trong danh sách trả lương của đơn vị sự nghiệp công lập và của doanh nghiệp nhà nước.

c) Người tham gia Đề án 03-ĐA/TU ngày 12/6/2009 của Tỉnh ủy Gia Lai, có đủ thời gian công tác theo quy định, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng.

d) Những người thuộc diện cử tuyển (theo quy định của Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc) phù hợp với nhu cầu tuyển dụng (ưu tiên trước cho người đăng ký dự tuyển theo đúng địa chỉ đã cử đi đào tạo).

đ) Cán bộ cấp xã thôi đảm nhiệm chức vụ mà có đủ các tiêu chuẩn và đáp ứng được ngay các nhiệm vụ của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng cần tuyển dụng theo quy định.

2. Khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức cấp xã hàng năm theo quy định, UBND cấp huyện có trách nhiệm xác định nhu cầu và biên chế thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận trong năm đối với các trường hợp tại khoản 1 Điều này.

3. Quy trình và hồ sơ tuyển dụng, tiếp nhận áp dụng theo quy định tại Điều 16, Điều 17 của Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác tại các cơ quan của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan cơ yếu, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác thì trong thời gian công tác này (05 năm gần nhất) được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Giao Giám đốc Sở Nội vụ thẩm định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ và thống nhất để Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tuyển dụng, tiếp nhận công chức cấp xã; đồng thời chịu trách nhiệm tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ kết quả thực hiện hàng năm theo quy định.

5. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về các điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và hồ sơ của người được đề nghị tuyển dụng, tiếp nhận.”

3. Sửa đổi khoản 2, điều 9 như sau:

“2. Hội đồng xét tuyển làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ thành lập các bộ phận giúp việc cho Hội đồng (Ban kiểm tra sát hạch, Ban phúc khảo); tổ chức thu phí dự tuyển và sử dụng theo quy định; tổ chức xét tuyển; báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện kết quả xét tuyển (chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày tổ chức xét tuyển xong) để Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định tuyển dụng theo quy định.”

4. Bãi bỏ khoản 3, điều 11 và bổ sung điều 11b về chức năng, nhiệm vụ của Ban Giám sát như sau:

Điều 11b. Ban Giám sát do Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập, độc lập với Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã, có chức năng giúp Chủ tịch UBND cấp huyện giám sát Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã và toàn bộ quá trình tuyển dụng theo đúng quy định. Thành phần Ban Giám sát gồm có Trưởng ban và các Giám sát viên với tổng số là 05 người. Nhiệm vụ cụ thể của từng Giám sát viên do Trưởng Ban Giám sát phân công.

1. Nội dung giám sát gồm: hồ sơ, tiêu chuẩn và điều kiện của người dự xét tuyển; tiếp nhận và xử lý kiến nghị trong quá trình nhận hồ sơ; quá trình thực hiện phỏng vấn theo quy chế; tổng hợp điểm xét tuyển của từng người dự tuyển; việc xử lý đơn đề nghị phúc khảo (nếu có); kết quả công bố người trúng tuyển; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có).

2. Địa điểm giám sát tại nơi làm việc của Hội đồng xét tuyển, nơi tổ chức phỏng vấn.

3. Thành viên Ban giám sát kỳ xét tuyển được quyền vào phòng phỏng vấn, có quyền nhắc nhở thí sinh, thành viên Ban kiểm tra sát hạch thực hiện đúng quy chế kỳ xét tuyển, khi phát hiện có sai phạm đến mức phải lập biên bản thì có quyền lập biên bản về sai phạm của thí sinh, thành viên Hội đồng xét tuyển, thành viên Ban kiểm tra sát hạch.

 4. Thành viên Ban giám sát khi làm nhiệm vụ phải đeo thẻ và tuân thủ đúng quy định của kỳ xét tuyển. Các thành viên của Hội đồng xét tuyển, Ban kiểm tra sát hạch, Ban phúc khảo nếu phát hiện Ban giám sát có hành vi vi phạm quy định của kỳ xét tuyển hoặc làm lộ, lọt bí mật ảnh hưởng đến kết quả của kỳ tuyển dụng thì báo cáo với Chủ tịch Hội đồng xét tuyển để kịp thời báo Chủ tịch UBND cấp huyện đình chỉ nhiệm vụ và xử lý theo quy định của pháp luật.”

5. Sửa đổi điều 13 như sau:

“1. Nội dung xét tuyển:

a) Xét kết quả học tập và phỏng vấn đối với các chức danh Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã), Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội theo quy định tại khoản 2 của Điều này.

b) Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự và Trưởng Công an cấp xã không thực hiện tính điểm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Sau khi có ý kiến thống nhất về nhu cầu tuyển dụng của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện thành lập Ban kiểm tra sát hạch để thực hiện việc kiểm tra về điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng theo yêu cầu của chức danh cần tuyển dụng; tiến hành sát hạch bằng hình thức phỏng vấn nhằm đánh giá hiểu biết chung về Nhà nước và pháp luật, kiến thức chuyên môn của người dự tuyển. Nội dung, câu hỏi sát hạch do Ban kiểm tra sát hạch căn cứ tiêu chuẩn và nhiệm vụ của chức danh công chức cần tuyển, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

Ban kiểm tra sát hạch có 05 thành viên gồm: Trưởng Ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; 01 Ủy viên là Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng Nội vụ làm Thư ký; các Ủy viên khác là lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy, lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện tùy theo chức danh công chức cần tuyển, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã nơi có nhu cầu tuyển dụng. Ban kiểm tra sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Căn cứ kết quả kiểm tra và sát hạch, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định.

2. Cách tính điểm:

a) Điểm học tập được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của chức danh công chức dự tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 2.

b) Điểm tốt nghiệp được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các bài thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.

c) Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.

d) Trường hợp người dự tuyển có bảng điểm hoặc học bạ ghi điểm trung bình toàn khóa, điểm thi tốt nghiệp theo thang điểm 4 thì phải quy đổi sang thang điểm 10 do cơ sở đào tạo xác nhận; người dự tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp (nếu không có điểm tốt nghiệp do cơ sở đào tạo xác nhận); người dự tuyển có kết quả học tập nhưng không có điểm tốt nghiệp thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp.

đ) Điểm xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn tính theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d tại khoản 2 của Điều này và điểm ưu tiên theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này (nếu có).

3. Điều kiện trúng tuyển và cách xác định người trúng tuyển:

a) Điều kiện trúng tuyển: Có điểm học tập (chưa nhân hệ số 2), điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên và ưu tiên xét người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại điểm b, khoản 3 của Điều này.

b) Xác định người trúng tuyển theo thứ tự:

b.1) Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.

b.2) Người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ; người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi trở lên tại các trường công lập.

b.3) Người dân tộc Jrai, Bah Nar.

b.4) Người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai từ đủ 36 tháng trở lên tính đến ngày nhận hồ sơ đăng ký dự xét tuyển (kể cả các trường hợp đã cắt chuyển ra khỏi tỉnh để đi học nay tốt nghiệp ra trường), xét theo thứ tự người có trình độ đào tạo cao hơn, có tổng số điểm xét tuyển cao hơn (theo thứ tự: xét trước loại hình đào tạo chính quy công lập, chính quy ngoài công lập, các loại hình đào tạo khác);

b.5) Nếu vẫn còn nhu cầu tuyển thì xét tiếp người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai chưa đủ 36 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển và hộ khẩu ở tỉnh khác theo thứ tự người có trình độ đào tạo cao hơn, có tổng số điểm xét tuyển cao hơn (theo thứ tự: xét trước loại hình đào tạo chính quy công lập, chính quy ngoài công lập, các loại hình đào tạo khác).

c) Nếu cùng địa chỉ tuyển dụng có nhiều người đăng ký dự tuyển có cùng điều kiện ưu tiên xét tuyển quy định tại điểm b.1 hoặc điểm b.2 của khoản 3 Điều này thì ưu tiên tuyển trước người dân tộc Jrai, Bah Nar. Trường hợp có 02 người trở lên có điểm xét tuyển và các điều kiện khác như nhau ở cùng vị trí cần tuyển dụng thì người có điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu kết quả điểm học tập bằng nhau thì người trúng tuyển là người có điểm ưu tiên cao hơn; nếu điểm ưu tiên bằng nhau thì người trúng tuyển là người có điểm tốt nghiệp cao hơn; nếu vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định người trúng tuyển.

4. Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ tuyển dụng lần sau.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 03/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng