Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 05/05/2014 Sửa đổi Quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh Quảng Nam kèm theo Quyết định 47/2009/QĐ-UBND (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 05-05-2014
- Ngày có hiệu lực: 15-05-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-07-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 420 ngày (1 năm 1 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-07-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2014/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 05 tháng 5 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ VIỆC LÀM TỈNH QUẢNG NAM BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 47/2009/QĐ-UBND NGÀY 22/12/2009 CỦA UBND TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 47/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 145/TTr-LĐTBXH ngày 27/9/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 47/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND tỉnh như sau:
1. Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 3. Nội dung sử dụng Quỹ như sau:
a) ”1. Cho hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chủ trang trại (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh) vay vốn để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, hạn chế lao động mất việc làm và thu hút thêm lao động mới”.
b) ”2. Tạo điều kiện cho hộ gia đình con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng có nguồn vốn để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ”.
2. Sửa đổi khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 4. Đối tượng được vay vốn như sau:
a) ”1. Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chủ trang trại (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh) có đủ điều kiện cho vay vốn từ 70 triệu đồng (bảy mươi triệu đồng) trở lên trên một dự án”.
b) ”2. Hộ gia đình có thành viên trong hộ là: con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sỹ; con đẻ của thương binh (hoặc người hưởng chính sách như thương binh) suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên; con đẻ của bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 81% trở lên (sau đây gọi tắt là con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; kể cả thương binh nặng, bệnh binh nặng đã từ trần) hiện đang có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam”.
c) ”3. Người lao động (độc thân) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hộ gia đình có lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”.
3. Sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 5. Điều kiện được vay vốn như sau:
a)”2. Đối với các đối tượng vay vốn nêu tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định này:
- Phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án.
- Phải có dự án vay vốn đảm bảo tạo thêm chỗ làm việc mới và được chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án xác nhận”.
b) ”3. Đối với cá nhân đi xuất khẩu lao động, phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay và được UBND xã, phường, thị trấn (nơi người vay cư trú) xác nhận;
Được bên tuyển dụng chính thức tiếp nhận đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”.
4. Sửa đổi khoản 2 Điều 6. Phương thức cho vay như sau:
“2. Cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên): áp dụng đối với đối tượng nêu tại điểm b, điểm c, khoản 2 Điều 1 Quyết định này; hộ vay vốn phải gia nhập và là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản nơi hộ gia đình đang sinh sống, được Tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gửi UBND cấp xã xác nhận (cơ chế cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội theo cơ chế cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội)”.
5. Sửa đổi điểm b, điểm c, khoản 1; bổ sung nội dung điểm b, khoản 3, Điều 7. Mức vốn, thời hạn, lãi suất cho vay như sau:
a)”1. Mức vốn cho vay:
b) Đối với đối tượng nêu tại điểm b, khoản 2 Điều 1 Quyết định này: mức vay tối đa là 20 triệu đồng trên hộ gia đình.
c) Mức vay tối đa bằng 100% tổng chi phí hợp đồng lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với bên tuyển dụng nhưng không quá 30 triệu đồng cho 01 lao động.
Riêng đối với lao động các huyện nghèo thì cho vay theo nhu cầu của người vay, tối đa bằng các khoản chi phí người vay phải đóng góp theo từng thị trường (mức trần cho vay của từng thị trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)”.
b) Sửa đổi, bổ sung nội dung điểm b khoản 3 Điều 7 như sau:”3. Lãi suất cho vay:
b) Đối với người đi xuất khẩu lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện nghèo có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đủ 12 tháng trở lên kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận cư trú hợp pháp: lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác”.
6. Sửa đổi Điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 8. Xây dựng dự án, thẩm định, quyết định cho vay và giải ngân vốn như sau:
a)”1. Xây dựng dự án:
b) Đối với đối tượng nêu tại điểm b, khoản 2 Điều 1 Quyết định này: chủ dự án phải lập 04 bộ hồ sơ vay vốn theo mẫu số 1b ban hành kèm theo Thông tư Liên tịch số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHDT ngày 29/7/2008 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
b) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Thẩm định dự án, thẩm quyền phê duyệt cho vay:
- Về thẩm quyền thẩm định:
+ Đối với các đối tượng nêu tại điểm a khoản 2 Điều 1 Quyết định này: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (đối với địa bàn thành phố Tam Kỳ) hoặc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định các dự án vay vốn bảo đảm các chỉ tiêu về tạo việc làm mới và bảo toàn vốn.
+ Đối với các đối tượng nêu tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định này: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị đang nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội) tổ chức thẩm định dự án.
+ Đối với các đối tượng nêu tại điểm c khoản 2 Điều 1 Quyết định này: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (đối với địa bàn thành phố Tam Kỳ) hoặc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị cho vay vốn đi xuất khẩu lao động trên cơ sở đề nghị của Tổ vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để phê duyệt cho vay đối với đối tượng này.
+ Đối với các đối tượng vay vốn nêu tại khoản 4 Điều 4: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (đối với địa bàn thành phố Tam Kỳ) hoặc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định các dự án vay vốn bảo đảm các chỉ tiêu về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và bảo toàn vốn.
- Về thẩm quyền phê duyệt cho vay:
Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố ra quyết định phê duyệt cho vay đối với các đối tượng nêu tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định này và đối tượng nêu tại khoản 4 Điều 4 có đủ điều kiện vay vốn. Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay gửi 01 bộ hồ sơ dự án (gồm: Dự án xin vay vốn, Phiếu thẩm định, Quyết định cho vay) về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố để theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, định kỳ hàng quý báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh”.
7. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 10. Xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn và xử lý rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng như sau:
“3. xử lý rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng:
a) Việc xử lý nợ rủi ro thực hiện theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 27/01/2011 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội về ban hành Quy định xử lý nợ rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi Chính phủ thay đổi cơ chế xử lý nợ rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội thì việc xử lý nợ rủi ro áp dụng tại Quyết định này cũng thay đổi phù hợp với cơ chế hiện hành”.
8. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ 4 điểm b khoản 2 Điều 11. Kinh phí quản lý Quỹ như sau:
“b) Nội dung sử dụng kinh phí quản lý Quỹ:
- Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, cho vay, sử dụng nguồn vốn.
Mức chi tiền thưởng tối đa cho tập thể, cá nhân thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký. Các nội dung của Quyết định số 47/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND tỉnh không thuộc phạm vi sửa đổi, bổ sung của Quyết định này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |