Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 3218/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công thương
- Ngày ban hành: 11-04-2014
- Ngày có hiệu lực: 11-04-2014
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 02-10-2019
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-12-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1721 ngày (4 năm 8 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-12-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3218/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT MAY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu;
- Lấy xuất khẩu làm phương thức cơ sở cho sự phát triển của ngành, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành;
- Phát triển ngành dệt may phải gắn với bảo vệ môi trường và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các khu, cụm công nghiệp sợi dệt nhuộm tập trung để tạo điều kiện xử lý môi trường. Chuyển các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động về các vùng nông thôn, đồng thời phát triển thị trường thời trang dệt may tại các đô thị và thành phố lớn;
- Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ, công nhân lành nghề, chuyên sâu;
- Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển dệt may, kêu gọi những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu kinh nghiệm.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới;
- Đảm bảo cho ngành dệt may phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế;
- Phân bố dệt may ở các vùng phù hợp: thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển;
- Đến năm 2020, ngành dệt may xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng.
b) Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2013 đến 2015: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 11% đến 12%/năm, ngành may tăng 13% đến 14%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% đến 11%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 9% đến 10%/năm;
Giai đoạn 2016 đến 2020: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 13% đến 14%/năm, ngành may tăng 12% đến 13%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 10% đến 12%/năm;
Giai đoạn 2021 đến 2030: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 9% đến 10%/năm. Trong đó ngành dệt tăng 10% đến 11%/năm, ngành may tăng 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% đến 7%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 8% đến 9%/năm;
Cơ cấu ngành dệt, ngành may trong cơ cấu toàn ngành dệt may: đến năm 2015, ngành dệt chiếm tỷ trọng 45%, ngành may chiếm tỷ trọng 55%; năm 2020, tỷ trọng ngành dệt tăng lên 47%, ngành may giảm còn 53%; năm 2030, ngành dệt tăng lên 49%, ngành may còn 51% trong toàn bộ cơ cấu ngành dệt may.
Bảng: Các mục tiêu cụ thể của ngành dệt may đến năm 2030
Chỉ tiêu | ĐVT | Năm 2015 | Năm 2020 | Năm 2030 |
1. Kim ngạch XK | Tỷ USD | 23-24 | 36-38 | 64-67 |
Tỷ lệ XK so cả nước | % | 15-16 | 13-14 | 9-10 |
2. Sử dụng lao động | 1.000 ng | 2.500 | 3.300 | 4.400 |
3. Sản phẩm chủ yếu |
|
|
| |
- Bông xơ | 1000 Tấn | 8 | 15 | 30 |
- Xơ, sợi tổng hợp | 1000 Tấn | 400 | 700 | 1.500 |
- Sợi (kéo từ xơ cắt ngắn) | 1000 Tấn | 900 | 1.300 | 2.200 |
- Vải các loại | Tr. m2 | 1.500 | 2.000 | 4.500 |
- Sản phẩm may | Tr. SP | 4.000 | 6.000 | 9.000 |
4. Tỷ lệ nội địa hóa | % | 55 | 65 | 70 |
3. Định hướng phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch
a) Định hướng phát triển các sản phẩm, lĩnh vực quan trọng
Thứ nhất: tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường
- Đa dạng hóa và nâng cao đẳng cấp mặt hàng may mặc, phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao;
- Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong dịch chuyển phương thức sản xuất kinh doanh: từ hình thức gia công từ khâu đầu đến khâu cuối (CMT) sang các hình thức khác như gia công từng phần (OEM), mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm (FOB) hoặc thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan (ODM), tiến tới sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng (OBM);
- Nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực trong quản lý doanh nghiệp, thiết kế mẫu, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại;
- Dịch chuyển sản xuất may mặc từ các thành phố lớn về các địa phương có nguồn lao động và thuận lợi giao thông.
Thứ hai: xây dựng Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế
- Phát triển các mặt hàng dệt kim, dệt thoi là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc nhằm phát huy các lợi thế của các hiệp định thương mại như TPP, FTA,...; phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế;
- Tập trung vào các khâu trọng yếu nhằm tăng chất lượng sản phẩm và lòng tin khách hàng, trong đó khâu dệt nhuộm, hoàn tất là quan trọng nhất;
- Các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm, cần lựa chọn công nghệ phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường;
- Quy hoạch các nhà máy dệt nhuộm, hoàn tất vào một số địa điểm nhất định để thuận lợi cho khâu cung cấp nước và xử lý nước thải. Đầu tư các cụm công nghiệp dệt may đồng bộ hiện đại theo hướng chuỗi giá trị: sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may sản phẩm dạng FOB, ODM.
Thứ ba: phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu
- Triển khai chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng trồng bông có tưới nhằm tăng năng suất và chất lượng bông xơ trong nước, cung cấp cho ngành dệt;
- Lựa chọn, đầu tư bổ sung các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành dệt về chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa.
b) Quy hoạch theo vùng, lãnh thổ
Quy hoạch dệt may theo vùng lãnh thổ được phân bố ở các khu vực với những định hướng chính:
- Khu vực 1: Vùng Đồng bằng sông Hồng
+ Hà Nội là trung tâm về thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may, tiếp tục phát triển một số doanh nghiệp may các sản phẩm cao cấp, sản phẩm mẫu có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao;
+ Phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có cơ sở hạ tầng như Phố Nối - tỉnh Hưng Yên; Hòa Xá, Bảo Minh - tỉnh Nam Định; Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh - tỉnh Thái Bình; Tràng Duệ - thành phố Hải Phòng; Châu Sơn - tỉnh Hà Nam;...
+ Phát triển cụm công nghiệp dệt may tại khu công nghiệp Hải Yên - tỉnh Quảng Ninh;
+ Phát triển nhà máy sản xuất thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may tại khu công nghiệp Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc.
- Khu vực 2: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc
+ Tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông - tỉnh Phú Thọ, khu công nghiệp Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên đồng thời phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Cạn;
+ Định hướng sản xuất sợi, dệt, nhuộm cung cấp cho ngành may trong nước, đồng thời xuất khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế;
+ Phát triển vùng trồng bông, nguyên liệu tơ tằm tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên.
- Khu vực 3: Vùng Bắc Trung Bộ
+ Phát triển mạnh đầu tư sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp Bỉm Sơn B, Ghép Quảng Xương - tỉnh Thanh Hóa; khu sợi, dệt tại Nam Đàn, khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung tại Diễn Châu - tỉnh Nghệ An; khu sợi dệt Hồng Lĩnh, khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung - tỉnh Hà Tĩnh; khu sợi, dệt, nhuộm - tỉnh Quảng Bình; cụm công nghiệp Đông Ái Tử - tỉnh Quảng Trị; khu công nghiệp Phong Điền, Tứ Hạ, Phú Bài - tỉnh Thừa Thiên Huế;
+ Phân bố các nhà máy may tại các vùng ven đô, các thị trấn, thị tứ của các tỉnh trong khu vực này;
+ Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bông xơ tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình;
+ Phát triển nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo gắn với khu hóa dầu ở Nghi Sơn - tỉnh Thanh Hóa.
- Khu vực 4: Vùng Duyên hải Nam Trung bộ
+ Định hướng đầu tư công nghiệp dệt may phân bố theo trục quốc lộ Bắc - Nam với một số khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên;
+ Xây dựng các khu công nghiệp trọng điểm, trong đó các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tập trung tại các khu công nghiệp Hòa Khánh - thành phố Đà Nẵng; Tây An, Đông Quế Sơn, Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam; Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi, Nhơn Hội - tỉnh Bình Định; An Phú - tỉnh Phú Yên; Tân Đức - tình Bình Thuận;
+ Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bông xơ tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận;
+ Phát triển mội số nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu may; thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may tại khu vực này.
- Khu vực 5: Vùng Đông Nam Bộ
+ Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may;
+ Phát triển, đầu tư mở rộng các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có cơ sở hạ tầng như khu công nghiệp Bình An, Đồng An 1, Đại Đăng - tỉnh Bình Dương; Nhơn Trạch, An Phước, Dầu Giây, Long Khánh, Long Bình, Sông Mây 2, Gò Dầu - tỉnh Đồng Nai; Lê Minh Xuân, Tân Thới Hiệp, Củ Chi, Vĩnh Lộc 1; khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận - thành phố Hồ Chí Minh;
+ Phát triển cụm công nghiệp dệt may ở Tân Khai, Việt Kiều, Đồng Xoài, Chơn Thành 1, Bắc Đông Phú - tỉnh Bình Phước; khu công nghiệp Bourbon - An Hòa, Phước Đông - Bời Lời, Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh; khu công nghiệp Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;
+ Phát triển một số nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu may; thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may tại khu vực này.
- Khu vực 6: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Định hướng sản xuất sợi, dệt, nhuộm tại khu công nghiệp Xuyên Á - tỉnh Long An. Phát triển sản xuất may xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang.
- Khu vực 7: Vùng Tây nguyên
Định hướng đẩy mạnh chuyên môn hóa các cây nguyên liệu dệt như bông, dâu tằm,... gắn liền với chế biến, tạo ra các sản phẩm cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Đồng thời kết hợp phát triển các cơ sở may phục vụ nội địa hoặc làm vệ tinh cho đơn vị may xuất khẩu.
4. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch
a) Các chính sách và giải pháp thị trường
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa. Tiếp tục xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới, những thị trường ngách như Hàn Quốc, khối BRIC, khối ASEAN, khối châu Phi, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,...
Các cơ quan quản lý Nhà nước:
- Tập trung khả năng và cơ hội đàm phán mở rộng thị trường dệt may, tăng cường vai trò của các đại diện thương mại tại nước ngoài, xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại phù hợp với các nhà bán lẻ, các nhà mua hàng quốc tế;
- Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa các thủ tục; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, trốn thuế;
- Tăng cường công tác phổ biến pháp luật thương mại quốc tế giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản của các nước nhập khẩu.
Các doanh nghiệp trong ngành Dệt May: Tổ chức và mở rộng mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
b) Các chính sách và giải pháp về đầu tư
- Xây dựng các bản đồ quy hoạch dệt may, danh mục các dự án khuyến khích đầu tư một cách chi tiết hơn;
- Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung đảm bảo các điều kiện hạ tầng về điện, cấp nước, xử lý nước thải, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và nguồn lao động có khả năng được đào tạo;
- Khuyến khích đầu tư sản xuất vải, sản phẩm dệt kỹ thuật, y tế và phụ liệu phục vụ ngành may; ưu tiên đầu tư cho dự án sản xuất bông có tưới; nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm hóa dầu phục vụ cho dệt may;
- Quan tâm đầu tư về cung cấp dịch vụ, thương mại để phát triển mạng lưới tiêu thụ;
- Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải như bến cảng, đường bộ, đường sắt, hình thành các kho tàng, điểm tập trung hàng hóa ở các vùng kinh tế trọng điểm.
c) Các chính sách và giải pháp về quản lý ngành
- Nhanh chóng hình thành các cụm dệt may, tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành, phát triển chuỗi giá trị của ngành;
- Nâng cao năng lực quản lý chuỗi giá trị, hình thành nên các liên minh và các tổ chức hợp tác giữa các công ty dọc theo chuỗi cung ứng từ cung ứng nguyên liệu đến phân phối sản phẩm may mặc;
- Tăng cường hợp tác, học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài nhằm giải quyết các khó khăn cho một số công ty, hoặc điều hành các dự án mới, công nghệ mới;
- Tích cực áp dụng những công cụ giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng; sản xuất theo tiêu chuẩn; khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử;
- Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam.
d) Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may. Nội dung bao gồm đào tạo về kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản trị, phát triển sản phẩm, thiết kế và nghiên cứu thị trường, đào tạo nghề;
- Xây dựng kế hoạch đào tạo lao động ngành dệt may theo hướng hình thành cụm để phục vụ chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn ngành;
- Củng cố hệ thống đào tạo chuyên ngành dệt may, thành lập trường đại học chuyên ngành về công nghệ dệt may và thời trang;
- Hiệp hội Dệt May Việt Nam là đầu mối để phối hợp và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước triển khai Chương trình đạo tạo nguồn nhân lực cho ngành.
đ) Các giải pháp về khoa học và công nghệ
- Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt có tính năng khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn và bảo vệ cho người tiêu dùng; áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm dệt may;
- Tăng cường quản lý chất lượng, thử nghiệm, chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dệt may phù hợp và hài hòa với quốc tế; nâng cao năng lực tư vấn, nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ, khả năng thiết kế và sáng tác mẫu của các Viện nghiên cứu;
- Nhà nước hỗ trợ một phần cho công tác nghiên cứu thiết kế mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm, khắc phục các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước nhập khẩu; hỗ trợ nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may;
- Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi các kinh nghiệm quản lý, chuyển giao các công nghệ hiện đại.
e) Các giải pháp về cung ứng nguyên phụ liệu
- Xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành;
- Thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn vốn để đầu tư sản xuất các sản phẩm từ hóa dầu (xơ, sợi, hóa chất, thuốc nhuộm,...);
- Phát triển vùng trồng nguyên liệu bông xơ có tưới; Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch phục vụ cho cây nguyên liệu.
f) Các giải pháp bảo vệ môi trường
- Xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành dệt may theo hướng sản xuất “thân thiện với môi trường”, sản xuất sạch hơn, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao các hóa chất, chất phụ trợ, thuốc nhuộm, hơi, điện, nước,...
- Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường để đáp ứng các yêu cầu về môi trường và rào cản kỹ thuật trong hội nhập kinh tế quốc tế.
g) Các giải pháp về tài chính
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước góp vốn tham gia đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán để tạo kênh huy động vốn;
- Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các Viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo cho ngành Dệt May theo nguyên tắc phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia;
- Các dự án đầu tư xử lý môi trường của các doanh nghiệp trong ngành Dệt May được vay vốn tín dụng của nhà nước, vốn ODA và vốn của quỹ môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương công bố, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo thẩm quyền chức năng được giao, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan sắp xếp, tìm nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn ODA và FDI để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ngành công nghiệp dệt may.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cụ thể hóa Quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
5. Hiệp hội Dệt May Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách, cơ chế để phát triển ngành công nghiệp Dệt May theo Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |