Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 25/03/2014 Quy định tạm thời chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 15/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Ngày ban hành: 25-03-2014
- Ngày có hiệu lực: 04-04-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1791 ngày (4 năm 11 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2014/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Thực hiện Kết luận số 21-KL/BTV ngày 15/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 27/SNV-CCVC ngày 14/01/2014, Văn bản số 76/SNV-CCVC ngày 11/02/2014 và Văn bản số 211/SNV-CCVC ngày 17/3/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế: Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 quy định tạm thời chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 64/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 của UBND tỉnh về bổ sung, thay thế một số nội dung Quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về đối tượng, nội dung, quyền lợi, trách nhiệm, kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức Hội đặc thù thuộc tỉnh quản lý;
2. Những người tốt nghiệp đại học trở lên hệ chính quy, công lập thuộc các ngành tỉnh có nhu cầu; nghệ nhân, thợ bậc cao, vận động viên, văn nghệ sỹ, học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý;
3. Phải đảm bảo về điều kiện tuyển dụng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Quy định này.
Chương II
CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
Điều 3. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng:
1. Cán bộ, công chức, viên chức được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ (theo phân cấp quản lý) quyết định cử đi đào tạo sau đại học, cao cấp, cử nhân chính trị trong nước, sau khi có bằng tốt nghiệp được hỗ trợ kinh phí trọn gói một lần như sau:
a) Tiến sỹ: 45.000.000 đồng;
b) Bác sỹ chuyên khoa II, dược sỹ chuyên khoa II: 35.000.000 đồng;
c) Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, dược sỹ chuyên khoa I: 25.000.000 đồng;
d) Cao cấp chính trị: 7.000.000 đồng đối với đào tạo ngoại tỉnh; 5.000.000 đồng đối với đào tạo trong tỉnh; Cử nhân chính trị 10.000.000 đồng;
đ) Giáo viên Trường Đại học Hà Tĩnh được cử đi đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ trong nước được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 27/9/2011 về một số chính sách đối với Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015.
2. Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý) quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong tỉnh và ngoại tỉnh từ đủ 01 tháng trở lên, được hỗ trợ kinh phí như sau:
a) Thanh toán 100% tiền học phí theo quy định của cơ sở đào tạo;
b) Thanh toán tiền mua tài liệu học tập 600.000 đồng/năm học (thời gian học từ đủ 9 tháng trở lên), 400.000 đồng/khóa học (thời gian học dưới 9 tháng);
c) Hỗ trợ chi phí học tập: 500.000 đồng/tháng đối với khóa học trong tỉnh, 550.000 đồng/tháng đối với khóa học ngoài tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức là nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngoài quy định chung còn được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng.
3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thì được hỗ trợ kinh phí theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Điều 4. Chính sách thu hút nguồn nhân lực
1. Thu hút người có kinh nghiệm công tác:
a) Giáo sư, tiến sỹ: Ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh có nhu cầu (nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi) có nguyện vọng về làm việc tại Hà Tĩnh, được “giao đất có thu tiền sử dụng đất theo giá quy định của UBND tỉnh tại thời điểm giao đất với diện tích không quá 200m2, được hỗ trợ kinh phí một lần: 100 triệu đồng.
b) Phó Giáo sư, tiến sỹ: Ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh có nhu cầu (nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi) có nguyện vọng về làm việc tại Hà Tĩnh, được hỗ trợ kinh phí một lần 80 triệu đồng.
c) Tiến sỹ: Ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh có nhu cầu (nam không quá 45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi) có nguyện vọng về làm việc tại Hà Tĩnh, được hỗ trợ kinh phí một lần 50 triệu đồng.
- Riêng Giáo sư - Tiến sỹ, Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ ngành Y tế thực hiện theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 31/01/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
d) Đối với các nghệ nhân, nghệ sỹ, thợ kỹ thuật bậc cao, huấn luyện viên tài năng, thuộc lĩnh vực tỉnh có nhu cầu, có nguyện vọng về làm việc tại Hà Tĩnh, chủ nhiệm đề tài khoa học, bằng phát minh sáng chế cấp quốc gia, quốc tế được ứng dụng vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh được tuyển thẳng và hỗ trợ kinh phí một lần: 30 triệu đồng.
2. Tuyển thẳng theo chỉ tiêu, cơ cấu: Ưu tiên người thường trú tại Hà Tĩnh, nếu còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu tuyển dụng thì mới thu hút người ngoài tỉnh.
a) Thạc sỹ: Có điểm thi đầu vào đại học 18 điểm trở lên, thi học tiếp sau khi có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, hệ chính quy, công lập, ngành đào tạo thạc sỹ đúng với ngành học đại học, là Đảng viên kết nạp trong trường Đại học hoặc trong trường trung học phổ thông (nếu tốt nghiệp ở cơ sở đào tạo nước ngoài, không phải là Đảng viên thì phải thuộc diện được nhà nước cấp học bổng trong quá trình đào tạo).
b) Sinh viên tốt nghiệp đại học thủ khoa các trường đại học công lập, hệ chính quy trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ngành Trung ương, lấy điểm chuẩn đầu vào các năm của ngành từ khi trúng tuyển đến thời điểm tốt nghiệp từ 18 trở lên/3 môn thi (chưa nhân hệ số). Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên thuộc các trường đại học công lập, hệ chính quy trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ngành Trung ương, lấy điểm chuẩn đầu vào các năm của ngành từ khi trúng tuyển đến thời điểm tốt nghiệp từ 18 trở lên/3 môn thi (chưa nhân hệ số), là đảng viên được kết nạp trong trường Đại học hoặc trường trung học phổ thông (nếu tốt nghiệp ở cơ sở đào tạo nước ngoài, không phải là Đảng viên thì phải thuộc diện được nhà nước cấp học bổng trong quá trình đào tạo).
c) Sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy các trường: Đại học Y Hà Nội; Đại học Dược Hà Nội; Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; Đại học Y Dược Thái Bình; Đại học Y Dược Huế; Đại học Y, Đại học Dược thành phố Hồ Chí Minh; nếu tốt nghiệp loại giỏi hoặc loại khá thì được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 31/01/2012 của UBND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Đối với con em là người Hà Tĩnh, được Bộ Y tế công nhận là Bác sỹ chuyên khoa đầu ngành có tài năng khám, chữa bệnh, có nguyện vọng về tỉnh công tác, tỉnh sẽ có chính sách đặc thù trong thu hút và hỗ trợ về đất ở.
d) Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Hà Tĩnh: Có điểm đầu vào đạt 18 điểm trở lên/3 môn thi (chưa nhân hệ số), tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên và là đảng viên kết nạp trong trường Đại học hoặc trong trường trung học phổ thông.
đ) Trường hợp đặc biệt do Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3. Thu hút sau khi tuyển thẳng đối tượng ở mục 2 Điều này, nếu đang còn biên chế, cơ cấu thì xem xét lựa chọn:
a) Thạc sỹ: có điểm thi đầu vào đại học 18 điểm trở lên/3 môn thi (chưa nhân hệ số) thì học tiếp sau khi có bằng tốt nghiệp đại học xếp loại khá trở lên, hệ chính quy, công lập, ngành đào tạo thạc sỹ đúng với ngành học đại học.
b) Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc thuộc các trường đại học công lập, hệ chính quy, lấy điểm chuẩn đầu vào của ngành các năm từ khi trúng tuyển đến thời điểm tốt nghiệp từ 18 điểm trở lên/3 môn thi (chưa nhân hệ số), nếu tốt nghiệp ở cơ sở đào tạo nước ngoài thì phải thuộc diện được nhà nước, các tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước cấp học bổng trong quá trình đào tạo.
c) Sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc: Căn cứ vào chỉ tiêu, biên chế, cơ cấu bộ môn, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Nội vụ tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án thu hút để trước mắt bố trí hợp đồng, thay thế dần số giáo viên nghỉ hưu, bổ sung đội ngũ giáo viên kế cận lâu dài.
d) Sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên hệ chính quy, công lập (trừ loại hình đào tạo liên thông), thuộc các ngành mà cấp xã đang có nhu cầu, bản thân tình nguyện về công tác tại cấp xã, thì được xem xét tuyển dụng không qua thi, ưu tiên tuyển trước người có hộ khẩu thường trú trước khi đi học đại học tại xã, phường, thị trấn, mà nơi đó đang có nhu cầu; trường hợp chỉ tiêu tuyển dụng ít hơn số người dự tuyển thì xét tuyển theo quy định.
Điều 5. Chính sách thưởng đối với nguồn nhân lực tại chỗ
Cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, học sinh, sinh viên và vận động viên được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý và cơ quan có thẩm quyền cử tham dự xét, thi, nếu được phong hàm, phong danh hiệu, đạt giải trong các cuộc thi chính thức của quốc gia, khu vực, quốc tế được thưởng, như sau:
1. Thưởng 10.000.000 đồng đối với:
a) Văn nghệ sỹ, nghệ nhân giải nhất, nhì quốc tế; nhất khu vực;
b) Những người được phong hàm Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân;
c) Vận động viên đạt huy chương vàng, bạc quốc tế; huy chương vàng khu vực.
2. Thưởng 8.000.000 đồng đối với:
a) Huấn luyện viên có vận động viên đạt huy chương vàng, bạc quốc tế, huy chương vàng khu vực;
b) Văn nghệ sỹ, nghệ nhân đạt giải ba quốc tế; nhì, ba khu vực;
c) Những người được phong Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú.
d) Vận động viên đạt huy chương đồng quốc tế; huy chương bạc, đồng khu vực.
3. Thưởng 6.000.000 đồng đối với:
a) Huấn luyện viên có vận động viên đạt huy chương đồng quốc tế; huy chương bạc, đồng khu vực;
b) Doanh nhân tiêu biểu được công nhận ở cấp quốc gia.
4. Thưởng 4.000.000 đồng đối với:
a) Văn nghệ sỹ, nghệ nhân đạt giải nhất quốc gia;
b) Huấn luyện viên có vận động viên đạt giải nhất quốc gia;
c) Sinh viên, vận động viên đạt giải nhất quốc gia.
5. Thưởng 2.000.000 đồng đối với:
a) Văn nghệ sỹ, nghệ nhân đạt giải nhì, ba quốc gia;
b) Huấn luyện viên có vận động viên đạt giải nhì, ba quốc gia;
c) Sinh viên, vận động viên đạt giải nhì, ba quốc gia.
6. Khen thưởng đối với học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, khu vực và quốc gia thực hiện theo quy định tại Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 về việc ban hành quy định một số chính sách đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.
7. Thưởng cho những người có đề tài, sáng kiến áp dụng có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, được Hội đồng Khoa học tỉnh công nhận. Mức thưởng cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng mức tối đa không quá 50.000.000 đồng cho một đề tài.
8. Giải thưởng Văn học Nguyễn Du, giải thưởng Báo chí Trần Phú thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
9. Chính sách thưởng tại khoản 1 đến khoản 5 Điều này được quy định cụ thể đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau:
a) Đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Giải quốc tế là các giải do Liên đoàn, Hiệp hội quốc tế tổ chức thi các bộ môn thể dục, thể thao; giải khu vực là các giải do Liên đoàn, Hiệp hội khu vực tổ chức thi các bộ môn thể dục, thể thao; giải quốc gia là các giải vô địch quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục, thể thao tổ chức thi.
b) Đối với giáo viên, huấn luyện viên có nhiều học sinh, vận động viên đạt giải thì được hưởng mức thưởng như sau:
Có hai vận động viên đạt giải, thì thưởng chung cho đoàn mức thưởng: Đối với học sinh, vận động viên thứ hai được cộng thêm 50% mức thưởng theo quy định;
Có ba vận động viên trở lên đạt giải, thì mỗi trường hợp được cộng thêm 30% mức thưởng quy định đối với các trường hợp đó.
Trường hợp một học sinh hay vận động viên đạt giải mà có nhiều giáo viên hay nhiều huấn luyện viên tham gia giảng dạy, huấn luyện, thì chỉ được hưởng một suất thưởng.
Chương III
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM
Điều 6. Quyền lợi
1. Nếu cùng một nội dung khen thưởng (thưởng) được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, thì chỉ được hưởng mức cao nhất tại một văn bản nhất định.
2. Ngoài các khoản hỗ trợ theo quy định trên, người thuộc diện chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn được hưởng các quyền lợi sau:
a) Được bố trí vào vị trí việc làm tương xứng với trình độ, năng lực và chuyên ngành đào tạo;
b) Được xem xét bổ nhiệm vào các chức vụ phù hợp với năng lực, sở trường, phẩm chất và yêu cầu nhiệm vụ;
c) Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt nhiều thành tích thì được xem xét, bổ nhiệm, đề bạt và ưu tiên cử đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao hơn ở trong và ngoài nước.
Điều 7. Trách nhiệm
1. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học, cử nhân chính trị tại Điều 3 quy định này, sau đào tạo phải có thời gian làm việc trong các cơ quan Đảng và nhà nước ít nhất bằng ba lần thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc trở về cơ quan, đơn vị mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa đủ thời gian theo quy định, hoặc xin chuyển công tác đến cơ quan khác không thuộc sự quản lý của tỉnh, thì phải bồi hoàn số kinh phí hỗ trợ (nếu có), trừ trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền điều động.
2. Người được thu hút, tiếp nhận, tuyển dụng theo quy định này phải chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền, cam kết làm việc tại cơ quan, đơn vị ít nhất là 07 năm. Trong thời gian cam kết làm việc nếu vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản kinh phí đã được hỗ trợ, quyền sử dụng đất được cấp (nếu có):
a) Tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, chuyển công tác sang đơn vị khác không thuộc tỉnh quản lý;
b) Không chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền.
Chương IV
BIÊN CHẾ, KINH PHÍ THỰC HIỆN
Điều 8. Biên chế thực hiện
Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí 3% biên chế dự phòng cho cơ quan hành chính, 5% biên chế dự phòng cho đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chính sách thu hút.
Điều 9. Kinh phí thực hiện
1. Hàng năm, ngân sách nhà nước (tỉnh, huyện, xã) bố trí kinh phí để thực hiện cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức cấp mình quản lý theo Quy định này.
2. Xây dựng quỹ hỗ trợ tài năng, quỹ khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực.
3. Huy động nguồn tài trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã
1. Trên cơ sở biên chế được giao, quy hoạch cán bộ, cơ cấu vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực hàng năm, gửi về Sở Nội vụ trước ngày 30/01 để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định.
2. Tiếp nhận công chức, viên chức thuộc chính sách thu hút theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phân công đảm nhiệm vị trí việc làm phù hợp chuyên ngành đã được đào tạo;
3. Thanh toán kinh phí cho đối tượng, quản lý và quyết toán kịp thời nguồn kinh phí theo quy định.
4. Lập hội đồng bồi thường và chịu trách nhiệm thu hồi chi phí đào tạo, đất ở, chi phí hỗ trợ thu hút (nếu có) khi người thuộc diện hưởng chính sách vi phạm các quy định trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, nộp ngân sách nhà nước.
5. Các huyện, thành phố, thị xã: Thu hút sinh viên có nguyện vọng về công tác ở xã, phường, thị trấn, trình Sở Nội vụ thẩm định trước lúc ra quyết định tuyển dụng; thu hút sinh viên sư phạm theo điểm c, khoản 3 Điều 4, để thay thế giáo viên nghỉ hưu, bổ sung đội ngũ giáo viên kế cận lâu dài khi được UBND tỉnh giao; thực hiện quy trình thủ tục cấp đất ở cho đối tượng được hưởng chính sách về đất ở (nếu có) theo quy định tại Điều 4 Quy định này.
Điều 11. Sở Giáo dục và Đào tạo
Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc theo điểm c, khoản 3, Điều 4, để bù dần giáo viên nghỉ hưu và kế cận lâu dài.
Điều 12. Sở Tài chính
1. Tham mưu, trình UBND tỉnh lập quỹ hỗ trợ tài năng, quỹ khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
2. Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị thanh toán, quyết toán cho đối tượng được hưởng chính sách.
Điều 13. Sở Nội vụ
1. Giúp UBND tỉnh tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Tham mưu trình UBND tỉnh quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài và đào tạo sau đại học ở trong nước đối tượng thuộc UBND tỉnh quản lý.
3. Quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức.
4. Hàng năm tham mưu UBND ban hành quy chế tuyển dụng đối tượng thu hút; quyết định tuyển dụng, phân bổ đối tượng thu hút về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo nhu cầu đã được UBND tỉnh phê duyệt.
5. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện chính sách.
6. Quý 4 hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 14. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.