Chỉ thị số 01/2016/CT-UBND ngày 05/04/2016 Về tăng cường biện pháp quản lý nguồn thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- Số hiệu văn bản: 01/2016/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 05-04-2016
- Ngày có hiệu lực: 15-04-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1211 ngày (3 năm 3 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2016/CT-UBND | Đắk Lắk, ngày 05 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGUỒN THU VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG DẦU
Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang; về cơ bản đã phủ kín các địa bàn, kể cả vùng sâu vùng xa, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã và đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi; tạo ra sự bất bình đẳng trong việc kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại về kinh tế đối với người tiêu dùng và làm thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Hiện số lượng xăng dầu bán ra có xuất hóa đơn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 85%, còn lại 15% là không có hóa đơn, chứng từ.
Thực hiện Công văn số 5607/TCT-TTr ngày 28/12/2015 của Tổng cục Thuế về tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 19/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước. Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, góp phần tạo môi trường bình đẳng trong việc kinh doanh xăng dầu giữa các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và chống thất thu NSNN; Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Cục Thuế tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương (Chi cục Quản lý thị trường) ... tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh có bán xăng dầu vào địa bàn tỉnh để vận động, thuyết phục các doanh nghiệp thành lập Chi nhánh tại địa bàn tỉnh nhằm thực hiện kê khai các loại thuế, phí,... theo qui định của pháp luật.
b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức kiểm tra niêm phong phương tiện đo xăng dầu (cột bơm) của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong toàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức ghi số công tơ, xác định số lượng xăng dầu bán ra trong tháng để quản lý số lượng xăng dầu mua vào bán ra, ngăn chặn việc khai man, trốn thuế của các doanh nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông tỉnh và các ngành chức năng,... tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ đối với mặt hàng xăng dầu lưu thông trên thị trường từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển xăng dầu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hoặc quay vòng hóa đơn để hợp pháp hóa số lượng xăng dầu gian lận thương mại nhằm mục đích trốn thuế.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có rủi ro cao về thuế như: ghi chép sổ sách kế toán; kê khai thuế, nộp thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
đ) Theo dõi, tổng hợp báo cáo hàng tháng của các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban Nhân dân tỉnh qua Sở Tài chính.
2. Sở Công thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan; thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành số 30 của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp, các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế trên địa bàn.
b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng chuyên ngành như: cơ quan Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,... tăng cường công tác kiểm tra xăng dầu lưu thông trên thị trường; các quy định về vận chuyển xăng dầu; số lượng, chất lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị đong, đếm, bình đong đối chứng, bồn chứa; hợp đồng đại lý với thương nhân cung cấp xăng dầu và các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra sau khi có thông báo thay đổi giá bán xăng dầu của cơ quan chức năng.
c) Thông báo cho Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới thành lập đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo lực Iượng Cảnh sát giao thông thông qua công tác tuần tra phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu lưu thông vào địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính: Thực hiện việc quản lý giá xăng dầu trên địa bàn; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có rủi ro cao về thuế. Định kỳ (hàng tháng, quý, 6 tháng, năm) trên cơ sở báo cáo của Cục Thuế, tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện hướng dẫn, cấp giấy phép kinh doanh kịp thời cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thành lập chi nhánh trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin cấp giấy phép thành lập mới đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để phối hợp quản lý.
6. Thanh tra tỉnh: Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm và đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để các doanh nghiệp và nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, gian lận thương mại...; công khai danh sách các tổ chức kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm.
8. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành làm tốt công tác quy hoạch, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh.
b) Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan: Thuế, Công an, Quản lý thị trường... để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại về thuế nhất là trên khâu lưu thông đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
9. Trách nhiệm thi hành:
Các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hàng tháng Cục Thuế tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2016./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |