cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 Về Quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu văn bản: 270/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Ngày ban hành: 25-01-2014
  • Ngày có hiệu lực: 25-01-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3957 ngày (10 năm 10 tháng 7 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 270/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 25 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC, THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 37/TTr.TNMT ngày 10/01/2014 về việc phê duyệt Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 21/5/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định về trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, Chánh Thanh tra tỉnh, Tư pháp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Chánh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC, THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định nội dung phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hoà (sau đây gọi là UBND cấp huyện), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) trong việc phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Nguyên tắc và phương thức phối hợp

1. Nguyên tắc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo sự thống nhất thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản;

2. Tùy theo tính chất, nội dung thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp như: Lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức họp; thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát, điều tra; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chủ trì hoặc cơ quan phối hợp và thông tin cho cơ quan phối hợp về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó;

3. Khi phối hợp theo phương thức tổ chức cuộc họp hoặc lập đoàn kiểm tra thì cơ quan phối hợp cử cán bộ, công chức có chuyên môn về lĩnh vực phối hợp tham gia với cơ quan chủ trì, đồng thời cơ quan cử cán bộ, công chức phối hợp phải chịu trách nhiệm về ý kiến của cán bộ, công chức được cử tham gia;

4. Đối với các dự án chuyên ngành khác đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện mà có tận thu khoáng sản thì Sở, ngành đó hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện dự án liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tận thu khoáng sản theo đúng quy định và trình UBND tỉnh chấp thuận, cho phép mới được thực hiện tận thu khoáng sản;

5. Để công tác thanh tra, kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, số lần thanh tra, kiểm tra trong năm đối với các doanh nghiệp thực hiện theo Điều 5 Quy chế phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành tại Quyết định số 3506/QĐ-UBND ngày 30/10/2013.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN

Mục 1. PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC

Điều 3. Công bố quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

1. Thời gian công bố quy hoạch chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn (sau đây gọi là quy hoạch khoáng sản) được UBND tỉnh phê duyệt hoặc được điều chỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện tổ chức công bố công khai quy hoạch khoáng sản theo quy định.

2. Nội dung công bố quy hoạch khoáng sản

a) Các khu vực quy hoạch khoáng sản;

b) Các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

3. Trách nhiệm của các cơ quan công bố quy hoạch khoáng sản

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ quy hoạch khoáng sản cho UBND cấp huyện;

- Công bố quy hoạch khoáng sản trên trang thông tin điện tử (www.tnmtdongnai.gov.vn) của Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Niêm yết bản đồ quy hoạch khoáng sản tại trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Bàn giao các mốc giới ngoài thực địa đối với các khu vực quy hoạch khoáng sản kể cả các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã quản lý, bảo vệ, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

b) UBND cấp huyện

- Tổ chức hội nghị công bố công khai quy hoạch khoáng sản cho UBND cấp xã nơi có quy hoạch khoáng sản;

- Thông báo 03 kỳ liên tục trên đài truyền thanh cấp huyện;

- Niêm yết bản đồ quy hoạch khoáng sản tại trụ sở của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện;

c) UBND cấp xã nơi có các vị trí quy hoạch khoáng sản thông báo các khu vực quy hoạch khoáng sản cho tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương để biết và cùng giám sát thực hiện quy hoạch.

Điều 4. Tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về lĩnh vực khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm triển khai hoặc thông báo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đến các Sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

2. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân thuộc địa phương quản lý; vận động nhân dân cùng giám sát hoạt động khoáng sản; phát hiện và phản ánh kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép cho chính quyền địa phương;

3. UBND cấp xã chịu trách nhiệm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách pháp luật về khoáng sản, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng giám sát và phản ánh kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn cho UBND cấp xã.

Điều 5. Tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

1. UBND cấp xã

a) Chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa phương quản lý;

b) Tổ chức lực lượng, chủ động trong công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì tạm giữ phương tiện, tang vật, báo cáo kịp thời UBND cấp huyện để chỉ đạo xử lý theo quy định;

c) Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn xã;

d) Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm cử lực lượng tham gia cùng các Sở, ngành có liên quan kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm giữ phương tiện, tang vật vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản khi được bàn giao.

2. UBND cấp huyện

a) Chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra, xử lý các bến bãi kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; tạm giữ, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự do khai thác khoáng sản trái phép gây ra thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật;

 - Trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử lý thì báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, xử lý.

b) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo các lực lượng phối hợp để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép;

c) Chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng, ban có liên quan của huyện phối hợp các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra xử lý và ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý;

d) Hàng năm, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại Điều 20 Luật Khoáng sản; phân bổ kinh phí hàng năm cho UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

b) Thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo đơn thư phản ánh của các tổ chức, cá nhân trong trường hợp cần thiết;

c) Tổng hợp báo cáo kết quả quản lý khoáng sản chưa khai thác và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

4. Công an tỉnh Đồng Nai

a) Chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, suối, kênh, rạch;

c) Tăng cường kiểm tra, xử lý những phương tiện có cấu trúc đặc thù bơm hút cát không đăng ký, đăng kiểm neo đậu hoặc lưu thông trên các tuyến sông, suối, kênh, rạch;

d) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện theo thẩm quyền;

đ) Công khai số điện thoại đường dây nóng, bố trí lực lượng thường trực để tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các phản ánh về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các Sở, ngành của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế cho ngân sách cấp huyện, trong đó có kinh phí để UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

6. Cục Thuế tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hoá đơn chứng từ mua, bán, kinh doanh khoáng sản, xử lý các trường hợp sử dụng hoá đơn chứng từ mua, bán, kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc, không hợp lệ theo quy định pháp luật.

Mục 2. PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 6. Phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp có đơn thư khiếu nại hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khoáng sản, việc phối hợp thực hiện được quy định cụ thể như sau:

1. Phối hợp thanh tra theo kế hoạch

a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương và các Sở, ngành có liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra về khoáng sản gửi Thanh tra Tỉnh chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hàng năm;

b) Thanh tra Tỉnh có trách nhiệm rà soát, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy chế phối hợp đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3506/QĐ-UBND ngày 30/10/2013;

c) Các Sở, ngành căn cứ kế hoạch thanh tra hoạt động khoáng sản sau cấp phép đã được phê duyệt có trách nhiệm thực hiện thanh tra theo kế hoạch; kết thúc đợt thanh tra, đơn vị chủ trì dự thảo báo cáo lấy ý kiến các thành viên đoàn thanh tra và báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định;

d) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thanh tra theo kế hoạch về lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với các nội dung như khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước theo quy định;

đ) Sở Công thương chịu trách nhiệm thanh tra theo kế hoạch về việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản; hồ sơ bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và thiết kế cơ sở mỏ khai thác khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng); kiểm tra theo giấy phép sử dụng vật liệu nổ và giám sát các tác động do nổ mìn trong khai thác khoáng sản;

e) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra theo kế hoạch về việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản; hồ sơ bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và thiết kế cơ sở mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng.

2. Phối hợp kiểm tra theo kế hoạch

a) Hàng năm, Sở Xây dựng, Sở Công thương và các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra theo nguyên tắc tổng số lần kiểm tra, thanh tra không vượt quá số lần kiểm tra, thanh tra đối với một doanh nghiệp theo Điều 5 Quy chế phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3506/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất vào ngày 15 tháng 12;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát và có văn bản thống nhất kế hoạch kiểm tra của các Sở, ngành; trường hợp trong năm có 02 Sở, ngành trở lên cùng kiểm tra 01 mỏ hoạt động khoáng sản thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành đó tổ chức kiểm tra đối với mỏ hoạt động khoáng sản;

c) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra theo kế hoạch về lĩnh vực khai thác khoáng sản, đất đai, môi trường và tài nguyên nước theo quy định;

d) Sở Công thương chịu trách nhiệm kiểm tra theo kế hoạch về việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản; hồ sơ bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và thiết kế cơ sở mỏ khai thác khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng); kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật liệu nổ và các ảnh hưởng nổ mìn trong khai thác khoáng sản;

đ) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra theo kế hoạch về việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản; hồ sơ bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ và thiết kế cơ sở mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng. Đồng thời, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng được khai thác, chế biến và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;

e) Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát các bến bãi kinh doanh khoáng sản; đặc biệt là các bến bãi kinh doanh cát xây dựng; kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển khoáng sản trên các tuyến đường giao thông theo quy định pháp luật;

g) Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản;

h) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo kế hoạch giám sát hàng năm do UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 7. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản

1. Sở, ngành nào tiếp nhận đơn thư khiếu nại hoặc theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở, ngành đó chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra hoặc trả lời đơn thư khiếu nại và báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định;

2. UBND cấp huyện có trách nhiệm chủ động kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản.

Điều 8. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các dự án có tận thu khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tận thu khoáng sản khi thi công các dự án, công trình;

2. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thẩm định dự án thuộc ngành giao thông có tận thu khoáng sản, cụ thể: các dự án nạo vét cảng, bến, luồng lạch đường thuỷ nội địa; chịu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các dự án này;

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thẩm định các dự án thuộc ngành nông nghiệp có tận thu khoáng sản; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các dự án này;

4. UBND cấp huyện giám sát việc thực hiện thi công các dự án có tận thu khoáng sản thuộc địa bàn quản lý; khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở, ngành có liên quan kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Mục 3. PHỐI HỢP THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 9. Xây dựng công trình bảo vệ và đầu tư cải tạo môi trường ở những địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản

1. Công trình bảo vệ và đầu tư cải tạo môi trường ở những địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

c) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và cải tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Trách nhiệm thực hiện dự án công trình bảo vệ môi trường ở địa phương

a) Căn cứ dự toán thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho UBND cấp huyện biết để đề xuất thực hiện các công trình bảo vệ và đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường;

b) UBND cấp huyện lập dự án đầu tư xây dựng các công trình nhằm phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu các tác động đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, gửi lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính xem xét sự phù hợp của dự án, công trình bảo vệ môi trường ở địa phương báo cáo UBND tỉnh để quyết định đầu tư và kinh phí đầu tư từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;

Dự án đầu tư công trình bảo vệ môi trường ở địa phương được thẩm định phê duyệt theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình;

d) UBND cấp huyện triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình khắc phục, hạn chế, giảm thiểu các tác động đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 10. Bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Công an Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra phương tiện vận chuyển khoáng sản theo quy định của pháp luật về giao thông. Đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về khí thải, nước thải và các chất thải khác trong hoạt động khoáng sản;

3. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường vận chuyển khoáng sản (trừ đường chuyên dùng), công tác đấu nối giữa các tuyến đường vận chuyển khoáng sản với các tuyến đường giao thông công cộng, kiểm tra tải trọng và xử lý đối với phương tiện vận chuyển khoáng sản quá tải trọng cho phép;

4. UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thống nhất hướng tuyến đường vận chuyển khoáng sản trong khu vực dân cư đến điểm đấu nối vào đường giao thông công cộng; yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa tuyến đường mà doanh nghiệp vận chuyển khoáng sản đi qua.

Điều 11. Đóng cửa mỏ

Sau khi kết thúc khai thác khoáng sản, doanh nghiệp được cấp phép khai thác có trách nhiệm lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định tại Điều 74, Luật Khoáng sản.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Trước 30 ngày kể từ ngày hết hạn khai thác khoáng sản, thông báo và hướng dẫn doanh nghiệp lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định;

b) Chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện thẩm định đề án đóng cửa mỏ và nghiệm thu công trình đóng cửa mỏ;

c) Chủ trì phối hợp cùng UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng đề án đóng cửa mỏ.

2. UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp nhận, bảo vệ, quản lý khu vực đã được UBND tỉnh cho phép đóng cửa mỏ và chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, kinh doanh, tự ý đi vào khu vực đóng cửa mỏ.

Chương III

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 13. Phối hợp trao đổi thông tin

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao các Sở, ngành có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin khi có yêu cầu; nội dung thông tin phải bảo đảm chính xác, đầy đủ và kịp thời;

2. Tùy theo tính chất, nội dung của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có thể áp dụng một trong các phương thức phối hợp trao đổi thông tin dưới hình thức văn bản hành chính hoặc thư điện tử;

3. Chỉ sử dụng thông tin, tài liệu theo đúng mục đích, trường hợp sử dụng thông tin, tài liệu không đúng mục đích thì đơn vị sử dụng thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 14. Chế độ báo cáo

1. Cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ đối với từng nội dung theo Quy chế này có trách nhiệm báo cáo định kỳ (trước ngày 15 tháng 12 hàng năm) hoặc đột xuất kết quả thực hiện với UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường;

2. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp công tác quản lý hoạt động khoáng sản, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm thực hiện

Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; Công an tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh, Tư pháp, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các Sở, ngành có liên quan và các địa phương gửi ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.