cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu văn bản: 115/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 16-01-2014
  • Ngày có hiệu lực: 16-01-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1799 ngày (4 năm 11 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-12-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-12-2018, Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 Về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành báo chí, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN XUẤT BẢN, IN, PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu:

I. QUAN ĐIM

1. Phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực:

a) Xuất bản;

b) Phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và ra nước ngoài.

3. Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

II. MỤC TIÊU

1. Lĩnh vực xuất bản:

a) Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản;

b) Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 - 30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu:

- Đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản, tương đương 05 bản/người/năm;

- Đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 07 bản/người/năm.

2. Lĩnh vực in: Tiếp tục tăng cường hiện đại hóa, phấn đấu:

a) Đến năm 2020: 50 - 60% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại;

b) Đến năm 2030: 70 - 80% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại; không còn cơ sở in đặt trong khu dân cư.

3. Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm:

a) Phấn đấu đến năm 2020:

- 70% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 trung tâm phát hành xuất bản phẩm hiện đại;

- Mỗi quận, huyện có ít nhất 01 cơ sở phát hành xuất bản phẩm;

- Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 điểm cung cấp xuất bản phẩm;

- Kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 3,0 lần so với năm 2013.

b) Phấn đấu đến năm 2030:

- Toàn bộ hệ thống phát hành xuất bản phẩm phân bố đều khắp và hiện đại;

- Kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 4,5 lần so với năm 2013.

III. GIẢI PHÁP

1. Về cơ chế, chính sách:

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm;

b) Xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phm.

2. Tổ chức mạng lưới xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm:

a) Chỉ xem xét thành lập mới nhà xuất bản đối với ngành, lĩnh vực và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có nhà xuất bản; hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại các nhà xuất bản vào năm 2015;

b) Không thành lập mới cơ sở in trong khu dân cư và thực hiện di dời các cơ sở in ra ngoài khu dân cư; có kế hoạch từng bước đưa các cơ sở in vào khu công nghiệp;

c) Mở rộng phạm vi hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm ở trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức.

3. Về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước:

a) Tăng cường nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất đối với:

- Các nhà xuất bản;

- Các cơ sở in xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị;

b) Khôi phục, duy trì và phát triển cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo;

c) Hỗ trợ, bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách của Nhà nước theo quy định của Luật xuất bản và các quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm kinh phí hoạt động đối với các nhà xuất bản và kinh phí thực hiện một số dự án nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

4. Khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử.

5. Về nguồn nhân lực:

a) Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm;

b) Nghiên cứu việc mở mã ngành đào tạo, dạy nghề về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; mã ngạch lương đối với biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

6. Về hợp tác với các nước và quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài:

a) Tăng cường hp tác, trao đổi về bản quyền, chuyên môn, nghiệp vụ và chuyn giao công nghệ với các nước có nền xuất bản, in, phát hành phát trin trong khu vực và thế giới, chú trọng đến các quốc gia, khu vực trọng điểm;

b) Đẩy mạnh quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài thông qua các hoạt động phát hành, triển lãm, hội chợ và các hoạt động hợp tác, giao lưu khác;

c) Nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế thành viên trong hiệp hội xuất bản khu vực và thế giới.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quy hoạch;

b) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, dự án để thực hiện các nội dung của Quy hoạch;

c) Xây dựng kế hoạch, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí nguồn lực đthực hiện các mục tiêu, giải pháp của Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

3. Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm thực hiện Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; rà soát, sắp xếp, nâng cấp cơ sở vt chất của các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm trực thuộc.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm của tỉnh, thành phố phù hợp với Quy hoạch này;

b) Bố trí quỹ đất, vốn, nhân lực và các nguồn lực khác để thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Quy hoạch này tại địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ; KTTH, KTN, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam