Chỉ thị số 18/2015/CT-UBND ngày 05/11/2015 Về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- Số hiệu văn bản: 18/2015/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Ngày ban hành: 05-11-2015
- Ngày có hiệu lực: 15-11-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-11-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1462 ngày (4 năm 0 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-11-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18 /2015/CT-UBND | Gia Lai, ngày 05 tháng 11 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Thực hiện Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH ngày 20/01/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP; thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chức năng đã thực hiện phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định pháp luật; phối hợp kiểm tra, thanh tra các đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài, nhiều trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng quản lý trước và sau khi cấp phép cho lao động nước ngoài; ngành chức năng còn chậm triển khai chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra lao động không phép, lúng túng trong việc tham mưu đề xuất xử lý sai phạm cúa các đơn vị sử dụng lao động không phép …
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động người nước ngoài đến làm việc tại địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài phải liên hệ trực tiếp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh (đối với doanh nghiệp đóng chân tại Khu công nghiệp Trà Đa, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) để được hướng dẫn làm thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài. Sau khi lao động nước ngoài được cấp phép lao động tại tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện báo cáo xin phép UBND tỉnh làm việc với người nước ngoài. Tờ trình xin phép gồm các nội dung: họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu, nội dung, thời gian, địa điểm làm việc, địa điểm lưu trú kèm theo bản sao giấy phép lao động đã được cấp.
Doanh nghiệp, đơn vị có trách nhiệm quản lý hoạt động của người nước ngoài trong thời gian làm việc tại đơn vị theo đúng thời gian, mục đích đã được cho phép; báo cáo tình hình di biến động về lao động nước ngoài về Ủy ban nhân dân tỉnh, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh để theo dõi, quản lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người nước ngoài kết thúc làm việc.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về lĩnh vực này tăng cường thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH nhất là công tác hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác này.
Chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh để quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh; triển khai xây dựng dự thảo Quy chế mới về phối hợp quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3742/UBND-NV ngày 01/9/2015, trong đó tập trung vào các nội dung: trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng và tổ chức các hoạt động trong việc quản lý lao động nước ngoài gồm: cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giải quyết và xử lý các trường hợp vi phạm,…
3. Công an tỉnh có trách nhiệm:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh; hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại để doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cá nhân lao động nước ngoài biết và thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, xử lý đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Công an theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm:
Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được ủy quyền đối với lao động người nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trà Đa và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về sử dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trong Khu công nghiệp Trà Đa và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Phối hợp với cơ quan Công an tỉnh kiểm tra, xác minh đối với các chủ đầu tư là người nước ngoài, nhà thầu nước ngoài về nhân thân, lai lịch, khả năng tài chính… khi có các nghi vấn về hoạt động kinh tế và công tác an ninh khi cấp phép, đầu tư hoặc đưa vào danh sách đấu thầu.
6. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh để quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật hiện hành, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề nảy sinh liên quan đến quản lý, cấp phép cho lao động nước ngoài.
7. Các cơ quan thông tin truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về lao động người nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
8. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 21/2011/CT-UBND ngày 29/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |