Quyết định số 65/2013/QĐ-UBND ngày 24/12/2013 Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- Số hiệu văn bản: 65/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Ngày ban hành: 24-12-2013
- Ngày có hiệu lực: 03-01-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2054 ngày (5 năm 7 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2013/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 24 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1522/TTr-STP ngày 15 tháng 8 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện đúng theo Quy chế này.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là đăng ký giao dịch bảo đảm) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Quy chế này áp dụng cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
Việc phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Quy chế này, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Rà soát, thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Kiểm tra việc thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
4. Chỉ đạo việc thực hiện đăng ký và quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các nhiệm vụ khác.
Điều 4. Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh gồm:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Sở Tài chính;
c) Sở Nội vụ;
d) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã;
e) Các cơ quan, tổ chức liên quan.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm nhằm triển khai công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết 06 tháng và tổng kết hàng năm về kết quả triển khai hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, đối chiếu với các quy định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để kịp thời phát hiện, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo quy định có liên quan đến hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định có liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm, pháp luật về đất đai, nhà ở và các văn bản khác có liên quan; tích cực tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nhằm giúp các tổ chức và cá nhân ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm an toàn, đúng pháp luật.
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai rà soát, thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức và hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; đồng thời xây dựng, tổng hợp báo cáo 06 tháng và hàng năm về kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm của địa phương để gửi về Bộ Tư pháp (kèm theo Phụ lục 1).
5. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra định kỳ công tác về đăng ký giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (kèm theo Phụ lục 2).
6. Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước định kỳ tổ chức họp giao ban 6 tháng một lần với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan (tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng) nhằm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Hướng dẫn, chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, pháp luật về đất đai, nhà ở và các văn bản khác có liên quan; tích cực tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nhằm giúp các tổ chức và cá nhân ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm an toàn, đúng pháp luật.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
3. Thống kê, báo cáo 06 tháng và hàng năm về kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm của ngành. Báo cáo gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp). Đối với báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 07 tháng 4 và báo cáo năm gửi trước ngày 07 tháng 10.
4. Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, 2, 4, 5, 6 Điều 5 Quy chế này.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn nhân lực thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện thị xã
Chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nhằm thực hiện tốt công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 10. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia các đoàn kiểm tra công tác liên ngành nhằm kiểm tra định kỳ về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại các văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan
Cử đại diện tham gia họp giao ban nhằm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn ở địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC SỐ 01
NỘI DUNG BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ KẾT QUẢ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI TỈNH TÂY NINH
Báo cáo 06 tháng và hàng năm về kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương cần thể hiện những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Số liệu cụ thể về kết quả đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
2. Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; tổ chức thực hiện công tác đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
3. Đánh giá vai trò của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong việc triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
4. Đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
5. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như việc triển khai thực hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
PHỤ LỤC SỐ 02
NỘI DUNG KIỂM TRA KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ, CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
1. Kiểm tra việc thành lập và hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, bao gồm:
a) Số lượng, trình độ của cán bộ đăng ký;
b) Cơ sở vật chất của Văn phòng đăng ký;
c) Mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Văn phòng đăng ký.
2. Kiểm tra việc tổ chức, hoạt động đăng ký của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, bao gồm:
a) Kiểm tra về thẩm quyền đăng ký;
b) Kiểm tra về quy trình đăng ký (thời hạn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký, việc sử dụng mẫu đơn, nội dung kê khai trên đơn yêu cầu đăng ký, việc chứng nhận trên đơn yêu cầu đăng ký tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất);
c) Kiểm tra hồ sơ đăng ký, việc chỉnh lý biến động (trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai);
d) Kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ;
đ) Kiểm tra việc cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất;
e) Thống kê số liệu kết quả đăng ký tại Văn phòng đăng ký.
3. Kiểm tra công tác thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
a) Mức thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm áp dụng tại các Văn phòng đăng ký;
b) Các trường hợp miễn giảm lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm với thực tiễn áp dụng tại địa phương.