Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 Về phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 37/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Ngày ban hành: 19-11-2013
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-04-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 468 ngày (1 năm 3 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-04-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2013/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 19 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 của Chính Phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 270/TTr-SKHĐT ngày 01 tháng 11 năm 2013 và Tờ trình số 281/TTr-SKHĐT ngày 14 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Cụ thể như sau:
1. Phân cấp nhiệm vụ đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh:
a) Cấp tỉnh:
Ngân sách tỉnh chi đầu tư các dự án, công trình cụ thể sau:
- Hạ tầng kỹ thuật:
+ Giao thông – vận tải: Các đường giao thông, cầu, cảng và các kết cấu hạ tầng phục vụ giao thông – vận tải do tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Nông Lâm nghiệp - thủy lợi: Các công trình thủy lợi và các kết cấu hạ tầng Nông Lâm nghiệp - thủy lợi do tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Cấp nước: Các công trình cấp nước và kết cấu hạ tầng cấp nước do tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Thoát nước: Thực hiện theo các quy định hiện hành của tỉnh về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Các hạ tầng kỹ thuật khác: Các hạ tầng kỹ thuật do tỉnh trực tiếp quản lý.
- Hạ tầng xã hội:
+ Y tế: Bệnh viện tỉnh, các kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động y tế do cấp tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Giáo dục – đào tạo, dạy nghề: Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; Các trường dạy nghề, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề và các kết cấu hạ tầng phục vụ giáo dục – đào tạo do tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Văn hóa, thể dục - thể thao: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh; các kết cấu hạ tầng phục vụ văn hóa – thông tin, thể dục - thể thao, phát thanh truyền hình do tỉnh trực tiếp quản lý như: bảo tàng, thư viện, công viên, sân vận động, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, phù điêu, tượng đài,...
+ Thông tin và truyền thông, phát thanh truyền hình: Các kết cấu hạ tầng phục vụ thông tin, truyền thông, phát thanh truyền hình do tỉnh trực tiếp quản lý.
+ Các hạ tầng xã hội khác: Các hạ tầng xã hội do tỉnh trực tiếp quản lý.
- Quản lý nhà nước – quốc phòng - an ninh:
Trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền cấp tỉnh; Hỗ trợ đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
b) Cấp huyện:
Ngân sách cấp huyện chi đầu tư cho các dự án, công trình cụ thể sau:
- Hạ tầng kỹ thuật:
+ Giao thông – vận tải: Các đường giao thông, cầu và các kết cấu hạ tầng phục vụ giao thông – vận tải do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
+ Nông Lâm nghiệp - thủy lợi: Các dự án, công trình thuộc lĩnh vực Nông Lâm nghiệp - thủy lợi do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý;
+ Cung cấp điện: Đường trung thế, hạ thế, các trạm biến áp, hệ thống chiếu sáng và các kết cấu hạ tầng cung cấp điện do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
+ Cấp nước: Các công trình cấp nước do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
+ Thoát nước: Thực hiện theo các quy định hiện hành của tỉnh về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Các hạ tầng kỹ thuật khác: Các hạ tầng kỹ thuật do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
- Hạ tầng xã hội:
+ Y tế: Các kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động y tế do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý (Bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, phòng khám, trạm xá, thiết bị y tế,…)
+ Giáo dục – đào tạo, dạy nghề: Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, mẫu giáo và các cơ sở vật chất phục vụ giáo dục – đào tạo. . . . Các trường dạy nghề và các cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
+ Văn hóa, thể dục - thể thao: Các kết cấu hạ tầng phục vụ văn hóa, thể dục - thể thao do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý như: Trung tâm văn hóa huyện, thị xã, thư viện, công viên, di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, nhà bia, tượng đài, cụm văn hóa - thể dục thể thao xã, liên xã,…
+ Thông tin và truyền thông, truyền thanh: Các kết cấu hạ tầng phục vụ thông tin, truyền thông, truyền thanh do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
+ Các hạ tầng xã hội khác: Các hạ tầng xã hội do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
- Quản lý nhà nước – quốc phòng – an ninh: Trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền do huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý. Hỗ trợ đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ quốc phòng - an ninh của địa phương.
c) Cấp xã:
Giao Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phân cấp cụ thể nhiệm vụ đầu tư cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và năng lực thực hiện của xã, phường, thị trấn.
2. Phân cấp vốn đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh:
a) Vốn xổ số kiến thiết : Căn cứ nhu cầu đầu tư thực tế của các huyện, thị xã, thành phố và khả năng cân đối nguồn vốn xổ số kiến thiết của tỉnh, Tỉnh sẽ bổ sung và hỗ trợ nguồn vốn xổ số kiến thiết đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục cho từng huyện, thị xã, thành phố.
b) Vốn phân cấp theo tiêu chí và vốn tỉnh hỗ trợ (nếu có) cho các huyện, thị xã, thành phố: Tỉnh bố trí vốn cho một số công trình quan trọng, trọng điểm theo định hướng của tỉnh; phần vốn còn lại, huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí danh mục dự án cụ thể.
c) Các nguồn vốn khác: Thực hiện theo quy định riêng của từng nguồn vốn (Vốn trái phiếu chính phủ, ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia,...)
3. Phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư:
a) Phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư các dự án, cụ thể như sau :
- Đối với dự án nhóm C: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố là người quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn tỉnh phân cấp theo tiêu chí, xổ số kiến thiết, ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện, thị xã, thành phố.
- Đối với dự án nhóm B: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố là người quyết định đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục sử dụng nguồn vốn xổ số kiến thiết hoặc sử dụng nguồn vốn xổ số kiến thiết và vốn ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án, phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có liên quan.
b) Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách địa phương và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện quy định phân cấp trong đầu tư xây dựng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Điều 4. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và thay thế Quyết định số 83/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |