Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 Về phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 37/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Ngày ban hành: 19-11-2013
- Ngày có hiệu lực: 29-11-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-10-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 681 ngày (1 năm 10 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-10-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2013/QĐ-UBND | Đồng Tháp, ngày 19 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ ĐĂNG KÝ KHAI SINH, BẢO HIỂM Y TẾ, ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI VÀ ĐĂNG KÝ KHAI TỬ, XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CỦA NGƯỜI CHẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Cư trú ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực;
Căn cứ Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú;
Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VIỆC PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ ĐĂNG KÝ KHAI SINH, BẢO HIỂM Y TẾ, ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI VÀ ĐĂNG KÝ KHAI TỬ, XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CỦA NGƯỜI CHẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giải quyết 03 (ba) nhóm thủ tục khi người dân có yêu cầu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế (BHYT) và đăng ký thường trú như sau:
a) Đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT và đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi có cha hoặc mẹ hoặc người nuôi dưỡng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.
b) Đăng ký khai sinh - Cấp thẻ BHYT: áp dụng đối với trẻ em dưới 06 tuổi có cha hoặc mẹ hay người nuôi dưỡng có đăng ký tạm trú tại tỉnh.
c) Đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú đối với người chết có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.
2. Cá nhân có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, khai tử, BHYT và đăng ký thường trú có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng quy định phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân có yêu cầu giải quyết các nhóm thủ tục hành chính được quy định tại Điều 1, Quy định này.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã); Công an các huyện, thị xã, thành phố; Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Bảo hiểm xã hội cấp huyện) và các cơ quan khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Điều 1 của Quy định này phải đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật đối với từng loại thủ tục.
2. Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu.
3. Khi phối hợp giải quyết phải tuân thủ quy định pháp luật theo từng lĩnh vực và không làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Điều 4. Cơ quan đầu mối tiếp nhận và trả kết quả
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là Bộ phận một cửa) của Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với các nhóm thủ tục được nêu tại Điều 1, Quy định này và thu lệ phí theo quy định.
Chương 2.
MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ KHAI SINH, CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ, ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI
MỤC 1. ĐĂNG KÝ KHAI SINH - CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ - ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI
Điều 5. Hồ sơ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi
Người đi đăng ký nộp 01 (một) bộ hồ sơ, xuất trình các giấy tờ có liên quan và nộp lệ phí đăng ký thường trú theo quy định tại bộ phận một cửa thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ em thường trú.
1. Hồ sơ đăng ký khai sinh
a) Hồ sơ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định);
- Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực (theo mẫu của Sở Tư pháp ban hành);
b) Giấy tờ phải xuất trình:
- Giấy CMND của người đi đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trường hợp Công chức Tư pháp - Hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
c) Người có yêu cầu đăng ký không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký, có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên. Trường hợp Công chức Tư pháp - Hộ tịch hoặc công chức bộ phận một cửa biết rõ mối quan hệ trên thì không phải xuất trình giấy tờ chứng minh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu quy định) có ý kiến đồng ý của chủ hộ cho nhập hộ khẩu.
b) Giấy tờ kèm theo gồm:
- Sổ hộ khẩu của mẹ hoặc của cha (bản chính);
- Trường hợp trẻ em đăng ký cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ, nếu được cha, mẹ đồng ý (bằng văn bản), sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú và có ý kiến đồng ý của chủ hộ.
3. Hồ sơ cấp Thẻ BHYT cho trẻ 01 bản sao Giấy khai sinh.
Điều 6. Quy trình tiếp nhận và trả kết quả
1. Tiếp nhận hồ sơ
a) Công chức Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính phù hợp về nội dung hồ sơ, nếu chưa đầy đủ hoặc không phù hợp thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
b) Khi hồ sơ đầy đủ, phù hợp thì công chức Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã ghi đầy đủ thông tin về người đi đăng ký, người được đăng ký và các yêu cầu đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp Thẻ BHYT vào phiếu tiếp nhận thông tin (theo mẫu). Sau khi ghi xong chuyển cho người nộp hồ sơ ký xác nhận và tiếp nhận hồ sơ, tạm thu lệ phí và cấp phiếu tạm thu lệ phí nhập hộ khẩu, lệ phí cấp bản sao khai sinh (nếu có) và viết giấy hẹn trả kết quả giao cho người nộp hồ sơ, trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ thời gian có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và Thẻ BHYT.
2. Trình tự và thời hạn giải quyết hồ sơ a) Đăng ký khai sinh
- Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức Bộ phận một cửa thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã giao hồ sơ đăng ký khai sinh cho Công chức Tư pháp - Hộ tịch để thực hiện đăng ký khai sinh.
- Công chức Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra thông tin và tiến hành đăng ký khai sinh, sau khi thực hiện đăng ký khai sinh xong thì chuyển bản chính và bản sao giấy khai sinh ngay cho Bộ phận một cửa (trong ngày).
b) Đăng ký thường trú
Ngay sau khi nhận kết quả đăng ký khai sinh, Công chức Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ theo quy định tại điểm a, b, khoản 2, Điều 5 của Quy định này và 01 (một) bản sao giấy khai sinh của trẻ em đến Công an cấp xã để đăng ký thường trú.
- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền Công an xã, thị trấn đăng ký thường trú, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa, Công an thực hiện đăng ký thường trú cho trẻ. Ngay sau khi đăng ký xong, Công an chuyển trả kết quả cho Bộ phận một cửa.
- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền Công an thành phố, thị xã đăng ký thường trú, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa, Công an xã, phường chuyển hồ sơ đến Công an thành phố, thị xã để đăng ký thường trú cho trẻ em. Trong thời hạn 04 ngày làm việc, Công an thành phố, thị xã thực hiện đăng ký thường trú và trực tiếp chuyển cho Công an xã, phường để chuyển trả kết quả cho Bộ phận một cửa xã, phường.
Khi trả kết quả cho Bộ phận một cửa thì Công an xã, thị trấn hoặc Công an thành phố, thị xã xuất biên lai thu lệ phí đăng ký thường trú cho đương sự theo quy định.
c) Cấp Thẻ BHYT
- Ngay sau khi nhận kết quả đăng ký khai sinh, Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có trách nhiệm chuyển một bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi cho Công chức Văn hóa - Xã hội (phụ trách BHYT) lập danh sách cấp Thẻ BHYT (theo mẫu của ngành Bảo hiểm xã hội).
- Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận bản sao Giấy khai sinh, Công chức Văn hóa - Xã hội trực tiếp chuyển danh sách đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện.
- Trong thời hạn 06 (sáu) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của Công chức Văn hóa - Xã hội của xã, phường, thị trấn chuyển đến. Bảo hiểm xã hội cấp huyện kiểm tra nếu đầy đủ thủ tục theo quy định, thì thực hiện cấp Thẻ BHYT, Công chức Văn hóa - Xã hội của xã, phường, thị trấn có trách nhiệm liên hệ với Bảo hiểm xã hội cấp huyện nhận Thẻ BHYT chuyển Bộ phận một cửa của UBND cấp xã để trả kết quả cho đương sự.
3. Trả kết quả
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để nhận kết quả gồm: Giấy khai sinh, Thẻ BHYT và hộ khẩu. Trong trường hợp người dân có yêu cầu nhận từng loại thủ tục này, thì khi nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã trình bày cụ thể để ghi vào phiếu hẹn và trả kết quả theo quy định.
4. Trong trường hợp đặc biệt cần cấp Thẻ BHYT cho trẻ ngay thì không thực hiện theo quy trình trên (như trẻ em sinh ra mắc bệnh hiểm nghèo, thì cấp thẻ bảo hiểm y tế ngay để khám và điều trị bệnh).
Điều 7. Hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi có cha, mẹ hay người nuôi dưỡng có đăng ký tạm trú tại địa bàn tỉnh, thì được giải quyết 02 (hai) loại thủ tục đăng ký khai sinh, cấp Thẻ BHYT.
Quy trình tiếp nhận hồ sơ, trình tự giải quyết và trả kết quả được thực hiện theo Điều 5 và Điều 6 của Quy định này.
MỤC 2. ĐĂNG KÝ KHAI TỬ, XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ CỦA NGƯỜI CHẾT
Điều 8. Hồ sơ đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết
Người đi đăng ký phải nộp 01 (một) bộ hồ sơ và xuất trình các giấy tờ tại Bộ phận một cửa thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người chết.
1. Giấy tờ phải nộp
a) Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;
b) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu quy định hiện hành);
c) Hộ khẩu (bản chính) có đăng ký thường trú của người chết.
2. Giấy tờ phải xuất trình
Chứng minh nhân dân của người đi đăng ký khai tử.
Điều 9. Quy trình tiếp nhận và trả kết quả
1. Tiếp nhận hồ sơ
a) Ủy ban nhân dân cấp xã giao Công chức Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và nội dung hồ sơ, nếu chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn đương sự hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
b) Công chức Bộ phận một cửa ghi đầy đủ thông tin và các yêu cầu đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết. Sau khi ghi xong chuyển cho người nộp ký xác nhận. Khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì nhận và viết giấy hẹn giao cho người nộp, trong giấy hẹn trả kết quả phải ghi rõ thời gian có kết quả giấy chứng tử và hộ khẩu.
2. Trình tự giải quyết hồ sơ a) Đăng ký khai tử
- Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, Công chức Bộ phận một cửa giao hồ sơ đăng ký khai tử cho Công chức Tư pháp - Hộ tịch để thực hiện đăng ký khai tử.
- Công chức Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra thông tin và tiến hành đăng ký khai tử, sau khi thực hiện đăng ký khai tử xong trả kết quả ngay cho Bộ phận một cửa.
b) Xóa đăng ký thường trú của người chết
Ngay sau khi có giấy chứng tử; bộ phận một cửa chuyển 01 (một) bản sao giấy chứng tử và giấy tờ quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 8 Quy định này cho Công an cấp xã để xóa đăng ký thường trú của người chết.
- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền Công an xã, thị trấn xóa đăng ký thường trú của người chết, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa, Công an thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết. Ngay sau khi xóa đăng ký xong, Công an chuyển trả kết quả cho Bộ phận một cửa.
- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Công an thành phố, thị xã xóa đăng ký thường trú người chết, trong thời hạn 02 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Bộ phận một cửa, Công an xã, phường chuyển hồ sơ đến Công an thành phố, thị xã xóa đăng ký thường trú người chết theo quy định. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, Công an thành phố, thị xã thực hiện xóa đăng ký thường trú của người chết và giao kết quả ngay cho Công an xã, phường để chuyển trả kết quả cho Bộ phận một cửa cấp xã.
3. Trả kết quả:
Công chức Bộ phận một cửa có trách nhiệm trả kết quả cho công dân theo giấy hẹn, trường hợp người dân không yêu cầu nhận kết quả theo từng loại thủ tục sau thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền Công an xã, thị trấn xóa đăng ký thường trú của người chết và sau thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Công an thành phố, thị xã xóa đăng ký thường trú người chết, người nộp hồ sơ đến bộ phận một cửa nơi đã nộp hồ sơ để nhận toàn bộ kết quả: giấy chứng tử và sổ hộ khẩu.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở, ngành có liên quan.
Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong phạm vi ngành, lĩnh vực của đơn vị để bảo đảm Quy định này được triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Chỉ đạo phòng Tư pháp, Công an và cơ quan Bảo hiểm y tế cấp huyện thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch, xóa đăng ký thường trú của người chết, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo cơ chế phối hợp của Quy định này đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức thích hợp; thông báo thường xuyên đến khóm, ấp và phổ biến rộng rãi để người dân dễ tiếp cận và thực hiện khi có nhu cầu.
2. Công khai đầy đủ, rõ ràng các thủ tục hành chính, niêm yết tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, giấy tờ, hồ sơ, mức thu lệ phí và thời gian giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông được quy định tại Quy định này.
3. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này, cụ thể:
a) Chỉ đạo công chức bộ phận một cửa kiểm tra tính phù hợp, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, đồng thời lập sổ theo dõi việc luân chuyển hồ sơ cho các bộ phận thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính được nêu trong Quy định này.
b) Đối với xã, phường thuộc thành phố và thị xã; Công an xã, phường chịu trách nhiệm chuyển hồ sơ đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú cho Công an thành phố, thị xã đồng thời nhận kết quả trả cho bộ phận một cửa.
4. Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của cá nhân có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính tại Quy định này hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại.
Quy định này được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, khi có khó khăn vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để tổng hợp kiến nghị UBND Tỉnh kịp thời điều chỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế./.