cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 557/2013/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

  • Số hiệu văn bản: 557/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Ngày ban hành: 18-10-2013
  • Ngày có hiệu lực: 28-10-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-08-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2834 ngày (7 năm 9 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-08-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-08-2021, Quyết định số 557/2013/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 08/07/2021 Quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 557/2013/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 18 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29/11/2005 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15/11/2010;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011;

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11/11/2011;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 17/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;

Sau khi thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể nhân dân tỉnh và các cơ quan khác có liên quan; theo đề nghị của Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 243/TTr-TTr ngày 13/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 407/2011/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh ban hành quy định chế độ thông tin báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 3. Các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 557/2013/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về các loại báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (viết chung là các Sở, cơ quan, đơn vị).

2. UBND huyện, thành phố (viết chung là UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (viết chung là UBND cấp xã).

3. Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh; Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh; các hội, hiệp hội gồm: Liên minh các HTX tỉnh, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh; Hội doanh nhân trẻ (viết chung là các cơ quan, đơn vị có liên quan).

Điều 3. Cơ quan tiếp nhận báo cáo, tham mưu chuẩn bị báo cáo

1. Thanh tra tỉnh làm đầu mối tiếp nhận báo cáo của các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi đến UBND tỉnh; đồng thời có trách nhiệm giúp UBND tỉnh:

a) Tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan khác ở Trung ương;

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo năm về công tác phòng, chống tham nhũng trình các kỳ họp của HĐND tỉnh và các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất khác về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh.

2. Thanh tra Sở làm đầu mối giúp lãnh đạo Sở tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của Sở;

Thanh tra cấp huyện làm đầu mối giúp UBND cấp huyện tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của UBND cấp huyện; đồng thời có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp, báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của UBND cấp xã trên địa bàn quản lý.

3. Các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động phân công bộ phận trực thuộc tham mưu chuẩn bị báo cáo.

Chương II

CÁC LOẠI BÁO CÁO, NỘI DUNG BÁO CÁO, THỜI KỲ LẤY SỐ LIỆU, THỜI HẠN GỬI BÁO CÁO VÀ QUẢN LÝ, SAO CHỤP BÁO CÁO

Điều 4. Các loại báo cáo

1. Báo cáo định kỳ, bao gồm: Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và báo cáo năm. Các báo cáo quý II, III, IV không lập thành báo cáo riêng mà tổng hợp số liệu chung trong báo cáo 6 tháng, 9 tháng, báo cáo năm.

2. Báo cáo chuyên đề: Là báo cáo đánh giá kết quả hoạt động về một chuyên đề, lĩnh vực liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong một thời kỳ nhất định theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo.

3. Báo cáo đột xuất: Là báo cáo phản ánh, thông tin nhanh về vụ việc mới, bất thường liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý; hoặc khi có yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo về một nội dung, vụ việc cụ thể.

Trường hợp báo cáo đột xuất về vụ việc phức tạp mới phát sinh:

Các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm báo cáo về UBND tỉnh để được chỉ đạo, giải quyết; đồng gửi báo cáo cho Thanh tra tỉnh để phối hợp xử lý;

UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo về UBND cấp huyện để được chỉ đạo, giải quyết; đồng gửi báo cáo cho Thanh tra cấp huyện để phối hợp xử lý.

Điều 5. Nội dung báo cáo định kỳ

1. Báo cáo công tác thanh tra: Theo mẫu báo cáo số 01 và các biểu mẫu thống kê số 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ, 1e, 1g, 1h, 1i ban hành kèm theo Quy định này.

2. Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Theo mẫu báo cáo số 02 và các biểu mẫu thống kê số 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2e ban hành kèm theo Quy định này.

3. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng: Theo mẫu báo cáo số 03 và các biểu mẫu thống kê số 3a, 3b ban hành kèm theo Quy định này.

4. Nội dung kết quả phòng, chống tham nhũng thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử về tham nhũng: Theo mẫu báo cáo số 04 và biểu mẫu thống kê số 4a, 4b, 4c ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 6. Thời kỳ lấy số liệu báo cáo, thời hạn gửi báo cáo

1. Thời kỳ lấy số liệu báo cáo định kỳ thực hiện như sau:

a) Báo cáo quý I: Tính từ ngày 16/12 năm trước đến ngày 15/3 của năm báo cáo; báo cáo quý II, III, IV: Tính từ ngày 16 tháng cuối quý trước đến ngày 15 tháng cuối quý báo cáo;

b) Báo cáo 6 tháng: Tính từ ngày 16/12 năm trước đến ngày 15/6 năm báo cáo;

c) Báo cáo 9 tháng: Tính từ ngày 16/12 năm trước đến ngày 15/9 năm báo cáo;

d) Báo cáo năm: Tính từ ngày 16/12 năm trước đến ngày 15/12 năm báo cáo.

2. Thời hạn gửi báo cáo và cung cấp thông tin định kỳ được thực hiện như sau:

a) Các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi báo cáo về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) chậm nhất là 10h00 các ngày: 16/3 đối với báo cáo quý I, 16/6 đối với báo cáo 6 tháng, 16/9 đối với báo cáo 9 tháng, 16/12 đối với báo cáo năm;

b) UBND cấp xã gửi báo cáo về UBND cấp huyện (qua Thanh tra cấp huyện), đảm bảo thời gian cho UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này. UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc UBND cấp xã gửi báo cáo để đảm bảo việc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo đúng thời gian quy định trên.

c) Trường hợp thời hạn gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định, các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động gửi báo cáo vào ngày làm việc cuối cùng trước thời gian nghỉ.

3. Thời kỳ lấy số liệu và thời hạn gửi báo cáo của báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất thực hiện theo quy định của cơ quan yêu cầu báo cáo.

Điều 7. Trách nhiệm báo cáo

1. Chánh Thanh tra tỉnh tổng hợp, tham mưu xây dựng báo cáo định kỳ của UBND tỉnh về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn toàn tỉnh; gửi dự thảo báo cáo trình Chủ tịch UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh để thẩm định) chậm nhất là ngày 18 tháng cuối cùng của kỳ báo cáo để ký ban hành.

2. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo định kỳ về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, địa phương theo các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 và thời hạn quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 6 Quy định này.

Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại địa phương theo các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 và thời hạn quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 6.

3. Đề nghị các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh gửi báo cáo UBND tỉnh về kết quả phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, ngành mình quản lý theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5 và thời hạn quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 6.

4. Đề nghị Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh gửi báo cáo UBND tỉnh về kết quả phòng, chống tham nhũng thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử về tham nhũng trên địa bàn tỉnh theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 và thời hạn quy định tại điểm a, điểm c Khoản 2 Điều 6.

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; các đoàn thể nhân dân tỉnh và các hội, hiệp hội cấp tỉnh khác gửi báo cáo UBND tỉnh về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5 và thời hạn quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 6.

Điều 8. Hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo

1. Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng phải có chữ ký của người đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi báo cáo và được đóng dấu theo quy định. Người ký báo cáo phải đúng thẩm quyền, phù hợp với từng loại báo cáo và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo cáo.

2. Việc gửi báo cáo bằng bản giấy về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) được gửi qua bưu điện hoặc gửi trực tiếp; việc gửi báo cáo bằng dữ liệu điện tử phải sử dụng Hộp thư điện tử công vụ của tỉnh Bắc Giang do Văn phòng UBND tỉnh cấp. Các báo cáo mật được gửi theo quy định đối với tài liệu mật.

3. Việc gửi báo cáo bằng dữ liệu điện tử về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) theo địa chỉ thư điện tử: thanhtra@bacgiang.gov.vn

4. Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý I, 9 tháng: Gửi đồng thời 02 file dữ liệu điện tử (bản quét *.pdf văn bản đã phát hành và phần số liệu bằng dữ liệu bảng tính Excel - để tổng hợp).

5. Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng, 1 năm: Gửi đồng thời 02 file dữ liệu điện tử (bản quét *.pdf toàn bộ văn bản đã phát hành và phần số liệu bằng dữ liệu bảng tính Excel đối với phần số liệu - để tổng hợp), đồng thời gửi bản giấy (bản chính) về Thanh tra tỉnh để theo dõi, quản lý.

Điều 9. Chế độ quản lý, sao chụp báo cáo

1. Việc quản lý và sử dụng báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định pháp luật về bảo vệ tài liệu lưu trữ nhà nước.

2. Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra cấp huyện hoặc bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp, tham mưu xây dựng báo cáo xử lý các báo cáo gửi đến theo quy định về chế độ quản lý công văn, tài liệu. Việc sao chụp được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan và người có thẩm quyền.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan: Tổ chức triển khai thực hiện quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo Quy định này và các quy định của pháp luật.

2. Thanh tra tỉnh:

a) Giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh theo Quy định này;

b) Hướng dẫn đề cương báo cáo chuyên đề, xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo trên hệ cơ sở dữ liệu bảng tính Excel; quy định mã số tên đơn vị để thuận tiện cho việc tổng hợp số liệu báo cáo, đồng thời hướng dẫn các Sở, cơ quan đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện; định kỳ thông báo kết quả việc chấp hành chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của các các Sở, cơ quan đơn vị, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu theo quy định;

c) Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản phê bình Giám đốc Sở, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện có 02 kỳ liên tiếp vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo; đồng thời duy trì mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc cung cấp thông tin về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo Quy định này;

3. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Quy định, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các Sở, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp, giải quyết theo quy định./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN