Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 26/09/2013 Cơ chế đặc thù hỗ trợ khẩn cấp thiên tai vùng lún, sụt đất xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu văn bản: 31/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 26-09-2013
- Ngày có hiệu lực: 06-10-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2150 ngày (5 năm 10 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2013/QĐ-UBND | Phú Thọ, ngày 26 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ ĐẶC THÙ HỖ TRỢ KHẨN CẤP THIÊN TAI VÙNG LÚN, SỤT ĐẤT XÃ NINH DÂN, HUYỆN THANH BA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2011 về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh (Văn bản số 153/HĐND-TT ngày 29/8/2013 của HĐND tỉnh) về việc tham gia ý kiến vào dự thảo cơ chế đặc thù hỗ trợ vùng lún, sụt đất xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba;
Căn cứ khả năng cân đối, huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác và thực tế quá trình chỉ đạo, vận động, thuyết phục di dân ra khỏi vùng sụt, lún đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ khẩn cấp thiên tai vùng lún, sụt đất xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba như sau:
1. Đối tượng được hỗ trợ: Hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp tại khu 2, khu 3, khu 4 của xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố lún, sụt đất phải di chuyển đến nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt của cấp có thẩm quyền để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản (88 hộ gia đình thuộc các khu hành chính nêu trên của xã Ninh Dân bị ảnh hưởng của sự cố sụt lún đất năm 2011 đã nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ Công ty cổ phần xi măng Sông Thao không thuộc đối tượng được hỗ trợ của cơ chế này).
2. Nguyên tắc xây dựng cơ chế và thực hiện hỗ trợ.
- Đây là sự cố do thiên tai gây ra, do đó kinh phí khắc phục hậu quả gồm: Kinh phí của các hộ gia đình, cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố sụt, lún đất và kinh phí hỗ trợ của các cấp ngân sách; không áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
- Cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù xây dựng trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước và vận dụng các chính sách đã có, bổ sung thêm một số nội dung hỗ trợ mới nhằm khuyến khích các hộ nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống;
- Việc cấp phát, sử dụng kinh phí hỗ trợ phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng và chỉ hỗ trợ khi các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện đầy đủ nội dung cam kết với chính quyền địa phương, trong đó đã thực hiện di chuyển đến nơi ở mới an toàn.
3. Nội dung và định mức hỗ trợ.
a) Hỗ trợ về đất ở.
- Đối tượng được giao đất gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở trên đất ở chính chủ, hợp pháp (đối tượng 1);
+ Hộ gia đình đã tách hộ có nhà ở trên đất ở nhưng chưa làm thủ tục hợp pháp hóa về đất đai (đối tượng 2).
- Thứ tự ưu tiên khi giao đất: Ưu tiên thứ nhất đối tượng 1, sau đó đến đối tượng 2.
- Hạn mức giao đất: Nhà nước giao đất ở cho các hộ tại khu tái định cư với hạn mức giao đất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
- Cơ chế hỗ trợ:
+ Đối với đối tượng 1: Miễn tiền sử dụng đất khi giao đất ở mới tại khu tái định cư.
+ Đối với đối tượng 2: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất ở mới tại khu tái định cư.
b) Hỗ trợ di chuyển người và tài sản: Định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
c) Hỗ trợ về nhà ở.
- Hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở tạm: Thời gian hỗ trợ thuê nhà ở tạm là 04 tháng (kể từ khi phải di dời khỏi chỗ ở cũ); định mức hỗ trợ 150.000 đồng/khẩu/tháng.
- Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư: Định mức hỗ trợ bằng 50% giá trị vật kiến trúc nhà ở gắn liền với đất (nhà ở của các hộ gia đình đang sinh sống tại khu vực sụt lún đất) tính theo phương án bồi thường tài sản vật kiến trúc quy định tại Quyết định số 1467/2011/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 của UBND tỉnh; kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/hộ.
d) Hỗ trợ ổn định đời sống.
- Hỗ trợ lương thực: Mỗi nhân khẩu hợp pháp thuộc hộ phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ lương thực (gạo ăn) trong thời gian 12 tháng. Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo/khẩu/tháng; giá gạo tính theo giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của tỉnh.
- Hỗ trợ nước sinh hoạt: Mỗi nhân khẩu thuộc hộ phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ nước sinh hoạt trong thời gian 12 tháng (kể từ ngày chuyển đến nơi ở mới). Mức hỗ trợ tính bằng tiền tương đương 2m3/khẩu/tháng.
4. Nguồn vốn hỗ trợ.
- Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương;
- Vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Thanh Ba, Công ty cổ phần xi măng Sông Thao.
- Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện cơ chế hỗ trợ.
2. Số Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện cơ chế hỗ trợ.
3. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh do huyện Thanh Ba phê duyệt, trình UBND tỉnh quyết định; thực hiện cấp phát và hướng dẫn việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
4. UBND huyện Thanh Ba:
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nguyên nhân sụt lún đất, phạm vi khu vực có nguy cơ sụt lún, các biện pháp phòng tránh, kế hoạch khắc phục sự cố, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, công tác vận động, thuyết phục để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vùng thiên tai biết, đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động hợp tác với chính quyền các cấp khắc phục hậu quả thiên tai.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sụt lún đất, xây dựng và phê duyệt: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu tái định cư; kế hoạch di dân, tái định cư ra khỏi khu vực sụt lún đất; phương án và dự toán kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình phải di chuyển, báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
- Chỉ đạo ký cam kết giữa chính quyền địa phương với các hộ gia đình, cá nhân được hưởng kinh phí hỗ trợ và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.
- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục di dời khẩn cấp các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại khu vực sụt lún ra khu tái định cư theo thứ tự ưu tiên; tổ chức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
- Chỉ đạo không cấp phép xây dựng nhà ở mới tại khu vực không an toàn (khu vực sụt lún đất); quản lý chặt chẽ việc tách hộ tại khu vực sụt lún, không để xảy ra trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi cá nhân.
- Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng nguồn kinh phí hỗ trợ và thực hiện thanh, quyết toán theo quy định.
5. Công ty Cổ phần xi măng Sông Thao: Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền của tỉnh trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |