cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 12/09/2013 Quy định điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu văn bản: 50/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 12-09-2013
  • Ngày có hiệu lực: 22-09-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-05-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2802 ngày (7 năm 8 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-05-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-05-2021, Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 12/09/2013 Quy định điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 11/05/2021 Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 50/2013/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 12 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24/3/2004;

Căn cứ các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quyết định số 3065/QĐ-BNN-NN ngày 07/11/2005 về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; Quyết định số 66/2005/QĐ-BNN ngày 31/10/2005 ban hành Quy định về quản lý và sử dụng bò đực giống; Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN ngày 31/01/2005 về việc ban hành Quy định về quản lý và sử dụng lợn đực giống; Quyết định số 66/2002/QĐ-BNN ngày 16/7/2002 về ban hành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đối với giống vật nuôi phải công bố tiêu chuẩn chất lượng;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Công văn số 1989/SNN-CN ngày 29/8/2013; đề nghị của Sở Tư pháp tại Văn bản số 1451/BCTĐ-STP ngày 22/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 12/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm; điều kiện về chăn nuôi gia súc, gia cầm và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống vật nuôi: là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

Giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thủy sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống.

2. Giống giả là giống không đúng với tên giống đã ghi trên nhãn.

3. Gia súc gồm: Trâu, bò, dê, lợn, hươu, nai, ngựa, thỏ, chó, mèo.

4. Gia cầm gồm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, bồ câu, chim cút, đà điểu, chim cảnh, chim yến.

5. Hoạt động thú y: Là công tác quản lý nhà nước về các hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y; hành nghề thú y.

6. Chăn nuôi hộ gia đình: Là chăn nuôi ở quy mô chưa đạt tiêu chí của kinh tế trang trại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Chăn nuôi tập trung: Là chăn nuôi trang trại của các tổ chức, cá nhân có quy mô chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành:

- Chăn nuôi đại gia súc: trâu, bò, v.v...

+ Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa có thường xuyên từ 10 con trở lên

+ Chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên từ 50 con trở lên

- Chăn nuôi gia súc: lợn, dê, v.v...

+ Chăn nuôi sinh sản có thường xuyên đối với hơn 20 con trở lên, đối với dê, cừu từ 100 con trở lên.

+ Chăn nuôi lợn thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên (không kể lợn sữa), dê thịt từ 200 con trở lên.

- Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, v.v... có thường xuyên từ 2.000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi).

8. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật: Là vùng, cơ sở được xác định mà ở đó không xảy ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng, cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

9. Dịch bệnh động vật: Là một bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc Danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật làm động vật mắc bệnh, chết nhiều hoặc làm lây lan trong một hoặc nhiều vùng.

10. Danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật: Là danh mục các bệnh do vi sinh vật, ký sinh trùng gây ra cho động vật, có khả năng lây lan rộng, có thể lây sang người do các tổ chức có thẩm quyền công bố.

11. Tiêu chuẩn vệ sinh thú y: Là các chỉ tiêu kỹ thuật về vệ sinh thú y đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển động vật, không gây hại cho sức khỏe con người và không gây ô nhiễm môi trường.

12. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật: Là việc thực hiện các biện pháp chẩn đoán, xét nghiệm động vật, sản phẩm động vật để phát hiện đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

13. Kiểm tra vệ sinh thú y: Là việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phát hiện đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.

14. Chất thải động vật: Là những chất phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

15. Thời gian ngừng thuốc cần thiết: Là khoảng thời gian từ khi ngừng dùng thuốc đến khi giết mổ động vật, khai thác sản phẩm động vật đảm bảo dư lượng thuốc trong sản phẩm động vật không vượt quá thời hạn cho phép.

Chương 2.

ĐIỀU KIỆN VỀ CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM NHỎ LẺ TẠI HỘ GIA ĐÌNH

Điều 3. Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc khai báo chăn nuôi

1. Khi tổ chức chăn nuôi, chủ vật nuôi phải khai báo đầy đủ các thông số được quy định trong sổ theo dõi chăn nuôi với chính quyền địa phương cấp xã. Sổ theo dõi chăn nuôi được chính quyền địa phương cấp xã xác nhận theo mẫu thống nhất là cơ sở để quản lý số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

2. Khi nhập đàn nuôi mới phải báo cho thú y xã để quản lý dịch bệnh và thực hiện công tác tiêm phòng, khử trùng tiêu độc và các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác...

Điều 4. Điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi

Hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có đủ điều kiện vệ sinh thú y quy đinh tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các điều kiện sau:

1. Điều kiện đối với động vật sử dụng để chăn nuôi:

a) Gia súc, gia cầm đưa vào chăn nuôi phải nằm trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

b) Gia súc, gia cầm đưa vào nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch của ngành thú y.

2. Điều kiện về chuồng trại và dụng cụ dùng trong chăn nuôi:

a) Chuồng nuôi phải tách biệt với nhà ở của con người.

b) Chuồng nuôi phải khô ráo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, được xây dựng phù hợp với tập tính sinh lý của loài vật nuôi, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

c) Phải có nơi để chứa, ủ chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng.

d) Phải có chuồng để nhốt riêng gia súc, gia cầm nhập từ nơi khác về. Cách ly với gia súc, gia cầm đang nuôi của hộ gia đình.

đ) Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc, diệt mầm bệnh, các loài động vật trung gian truyền bệnh định kỳ và sau mỗi đợt nuôi.

3. Thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho động vật và người sử dụng sản phẩm động vật.

a) Đối với thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải có bao bì, trên bao bì phải có nhãn mác ghi đầy đủ các thông tin của nhà sản xuất theo quy định và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Đối với thức ăn là những phụ phẩm trồng trọt, thức ăn thu gom từ những bếp ăn tập thể phải được xử lý bằng nhiệt (nấu chín) thức ăn là: rơm, cỏ, ngô không nhiễm thuốc trừ sâu, chất gây hại vật nuôi.

4. Nước sử dụng cho chăn nuôi phải sạch, không có chất độc, không gây bệnh cho gia súc, gia cầm.

5. Gia súc đưa ra các bãi chăn thả chung phải khỏe mạnh, đã được tiêm phòng các bệnh theo quy định không mang mầm bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm.

Chương 3.

ĐIỀU KIỆN VỀ CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM ĐỐI VỚI CƠ SỞ CHĂN NUÔI TẬP TRUNG

Điều 5. Điều kiện trước khi tổ chức chăn nuôi

1. Các cơ sở chăn nuôi được xây dựng khi chính quyền địa phương phê duyệt quy hoạch địa điểm chăn nuôi.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi quy mô trang trại trước khi tổ chức chăn nuôi phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp các loại giấy tờ sau:

a) Giấy phép chăn nuôi (xây dựng đúng quy hoạch, đúng quy mô, đúng thiết kế, không gây ô nhiễm môi trường).

b) Giấy cam kết bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường.

c) Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi.

d) Sổ theo dõi chăn nuôi có mã số trại.

đ) Khi nhập đàn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi phải khai báo đầy đủ các thông số được quy định trong sổ theo dõi chăn nuôi với chính quyền địa phương cấp xã và Trạm thú y huyện để quản lý, hướng dẫn phòng dịch và theo dõi tình hình dịch bệnh như: giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc con giống...

e) Khi xuất bán gia súc, gia cầm phải báo cho Trạm thú y huyện, Chi cục thú y tỉnh để tổ chức phun khử trùng, vệ sinh tiêu độc và kiểm dịch động vật.

Điều 6. Điều kiện về giống vật nuôi

Gia súc, gia cầm đưa vào chăn nuôi theo quy định tại mục a, b khoản 1 Điều 5 của Quy định này.

Điều 7. Điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi

Hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có đủ điều kiện vệ sinh thú y quy đinh tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các điều kiện sau:

1. Cơ sở chăn nuôi phải theo quy hoạch, cách xa khu dân cư, công trình công cộng, đường giao thông chính, nguồn gây ô nhiễm.

2. Khu vực chăn nuôi phải có nơi thu gom, xử lý chất thải rắn, lỏng, khu nuôi cách ly động vật, nơi vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho dụng cụ chăn nuôi, nơi mổ khám, xử lý xác động vật.

3. Cổng ra vào trại phải có hệ thống để vệ sinh, tiêu độc khử trùng khi phương tiện vận chuyển và người ra vào trại.

4. Nơi sản xuất, chế biến và kho chứa thức ăn chăn nuôi phải cách biệt với nơi để các hóa chất độc hại.

5. Điều kiện về chuồng trại, thức ăn và dụng cụ dùng trong chăn nuôi.

a) Chuồng trại, nơi chăn nuôi khác phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc, diệt mầm bệnh, các loài động vật trung gian truyền bệnh theo chế độ định kỳ và sau mỗi đợt nuôi.

b) Dụng cụ dùng trong chăn nuôi phải được vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng.

c) Thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho động vật và người sử dụng sản phẩm động vật.

d) Nước sử dụng cho chăn nuôi phải sạch, không gây bệnh cho động vật.

đ) Được xây dựng phù hợp với loài vật nuôi, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

e) Bảo đảm vệ sinh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

f) Có chuồng cách ly đối với động vật nhập từ nơi khác về, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh.

g) Có nơi xử lý chất thải động vật đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; có biện pháp diệt loài gậm nhấm và côn trùng gây hại.

Định kỳ và trước, sau mỗi đợt nuôi phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu chuồng nuôi, nơi nuôi, phương tiện, dụng cụ dùng trong chăn nuôi.

Chương 4.

PHÒNG BỆNH, CHỮA BỆNH, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM

Điều 8. Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc phòng bệnh, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm

Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 10, 11 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các trách nhiệm sau:

1. Phải có sổ theo dõi việc xuất nhập gia súc, gia cầm, lịch tiêm phòng các bệnh bắt buộc có xác nhận của chính quyền địa phương. Khi xuất bán, nhập mới hoặc tăng đàn do sinh sản chủ vật nuôi phải ghi chép số lượng, chủng loại vào sổ theo dõi chăn nuôi theo mẫu và khai báo với chính quyền địa phương để làm kiểm dịch và xác nhận vào sổ theo dõi chăn nuôi.

2. Phải thực hiện việc tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định:

- Đối với trâu bò, dê, hươu: tiêm phòng bệnh LMLM, bệnh Tụ huyết trùng.

- Đối với lợn tiêm phòng các bệnh: Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn, Lép tô …

- Đối với gia cầm: tiêm phòng các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Dịch tả vịt, …

- Đối với chó, mèo: tiêm phòng bệnh Dại.

Ngoài ra tùy tình hình dịch tễ tại các địa phương, từng thời điểm người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm các bệnh theo chỉ đạo của ngành Thú y.

Trong trường hợp chủ vật nuôi tự tổ chức tiêm phòng vắc xin phải đảm bảo chất lượng, bảo quản đúng quy trình. Phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc loại vắc xin tiêm phòng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y được các cơ quan quản lý nhà nước về thuốc thú y có thẩm quyền đồng ý (bằng văn bản).

Chấp hành, phối hợp để Chi cục Thú y định kỳ lấy mẫu huyết thanh kiểm tra hàm lượng kháng thể sau khi têm phòng và trước khi xuất bán để biết mức độ, khả năng bảo hộ đối với bệnh tiêm phòng vắc xin và làm công tác kiểm dịch; Đồng thời phải chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí: đi lại lấy mẫu, gửi mẫu, xét nghệm mẫu.

Điều 9. Trách nhiệm của Chủ vật nuôi trong việc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm

Tổ chức, các nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm phải thực hiện các quy định tại Điều 14 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các trách nhiệm sau:

1. Thực hiện quy định về việc chữa bệnh và báo cáo dịch bệnh của gia súc, gia cầm.

Chủ vật nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh phải nhốt riêng gia súc, gia cầm bệnh, nuôi dưỡng chăm sóc và điều trị. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thấy gia súc, gia cầm chết nhiều mà chưa rõ nguyên nhân thì báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, chính quyền địa phương. Cán bộ thú y xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan thú y cấp huyện, phải kiểm tra xác minh ngay, trường hợp cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh; Đồng thời báo cáo ngay cho Chi cục thú y tỉnh để có biện pháp xử lý ổ dịch không để dịch lây lan, ô nhiễm môi trường.

2. Thuốc dùng chữa bệnh phải nằm trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

3. Ngưng sử dụng thuốc cho gia súc, gia cầm trước khi xuất bán, giết mổ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Điều 10. Giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh động vật

Hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm phải thực hiện xét nghiệm bệnh gia súc, gia cầm theo quy đinh tại Điều 15 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các quy định sau:

1. Chủ cơ sở chăn nuôi khi nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc thấy gia súc, gia cầm chết nhiều mà chưa rõ nguyên nhân phải báo ngay cho thú y theo quy định sau:

- Đối với trại chăn nuôi tư nhân hoặc doanh nghiệp chăn nuôi báo cáo cho thú y xã và Trạm thú y huyện.

- Đối với trại chăn nuôi thuộc tỉnh quản lý báo cáo trực tiếp cho Trạm thú y huyện và Chi cục thú y tỉnh.

- Đối với nông trường, trại chăn nuôi giống thuộc Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, báo cáo dịch bệnh trực tiếp cho Chi cục thú y và Cơ quan thú y vùng III.

2. Chủ cơ sở chăn nuôi phải chấp hành việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về dịch bệnh, về môi trường, về điều kiện vệ sinh thú y của các cơ quan chuyên môn như: Thú y, Bảo vệ môi trường…

3. Chủ cơ sở chăn nuôi phải chấp hành việc lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm bệnh gia súc, gia cầm của cơ quan quản lý nhà nước về thú y để giám sát dịch bệnh định kỳ hoặc khi có yêu cầu theo quy định.

4. Các cơ sở sản xuất giống, định kỳ 6 tháng một lần phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y có thẩm quyền lấy mẫu xét nghiệm giám sát các bệnh theo quy định và phải chi trả mọi chi phí về xét nghiệm, chẩn đoán.

Điều 11. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP)

1. Khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình áp dụng các quy trình chăn nuôi tốt; người chăn nuôi phải tuân theo các quy định của pháp luật về thú y trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh khi chính quyền địa phương đăng ký xây dựng, và chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ của cơ quan thú y.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại bắt buộc phải đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và phải chấp hành các quy định của pháp luật về thú y đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

3. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt; Chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao toàn chuỗi hoặc từng phần nhằm tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm và ngăn ngừa, hạn chế các rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm thịt, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội cho người lao động.

Chương 5.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức chăn nuôi không thực hiện việc khai báo xuất nhập đàn, không tiêm phòng cho vật nuôi các bệnh theo quy định khi dịch bệnh xảy ra sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Phải chi trả kinh phí tiêu hủy gia súc gia cầm bị dịch bệnh.

Điều 13. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm vi phạm Quy định này hoặc các quy định khác của pháp luật về thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến và thực hiện.

Định kỳ đánh giá sơ tổng kết, khen thưởng những tập thể cá nhân thực hiện tốt những nội dung bản quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần phải sửa đổi bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trao đổi với các ngành và các địa phương liên quan, tổng hợp đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét giải quyết./.