Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10/09/2013 Về Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Số hiệu văn bản: 36/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 10-09-2013
- Ngày có hiệu lực: 20-09-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4083 ngày (11 năm 2 tháng 8 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2013/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ MỨC TRẦN DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Công văn số 255/HĐND-KTNS ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn Thành phố;
Theo đề nghị của Liên Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính tại Tờ trình số 114TTr/LS:NN&PTNT-TC ngày 02 tháng 5 năm 2013 và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1406/SNN-TL ngày 11 tháng 7 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 11/01/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại Quyết định này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2013.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Tổng giám đốc các Công ty thủy lợi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ MỨC TRẦN DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Quy định này quy định về mức thu, đối tượng nộp và miễn giảm thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng nguồn nước hoặc làm dịch vụ từ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Một số thuật ngữ.
1. Thủy lợi phí là phí dịch vụ về nước thu từ các tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi cho mục đích sản xuất nông nghiệp để góp phần chi phí cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Tiền nước là giá tiền trong hợp đồng dịch vụ về nước thu từ các tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp.
3. Mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng là mức trần cao nhất tiền phí dịch vụ thủy lợi nội đồng. Mức thu cụ thể tiền phí dịch vụ thủy lợi nội đồng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức Hợp tác dùng nước với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước.
4. Cống đầu kênh là cống tưới đầu kênh tưới cấp 3 trở đi (hoặc cống tiêu cuối kênh cấp 3) mà diện tích quản lý tưới sau cống (hoặc diện tích quản lý tiêu trước cống) là phần hệ thống công trình tưới, tiêu nội đồng.
5. Tưới, tiêu bằng động lực là công trình tưới, tiêu được sử dụng bằng bơm (bơm điện hoặc bơm dầu).
6. Tưới, tiêu bằng trọng lực là các công trình lấy nước trực tiếp từ các nguồn nước thiên nhiên hoặc từ các hồ chứa, bai đập dâng và các công trình tiêu nước tự chảy (không phải tưới, tiêu bằng bơm).
7. Tưới, tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ là biện pháp công trình kết hợp của 2 biện pháp tưới, tiêu bằng trọng lực và tưới, tiêu bằng động lực.
8. Diện tích tưới, tiêu chủ động là diện tích được công trình đưa nước trực tiếp đến cống đầu kênh hoặc rút nước từ cống đầu kênh ra công trình; bảo đảm yêu cầu của sản xuất và sinh trưởng của cây trồng, không có hạn, úng lớn ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng. Trường hợp do nguồn điện hoặc nguồn nước của công trình đầu mối tạm thời có lúc khó khăn, hộ dùng nước phải tát thêm một số ít lần (dưới 1/3 số lần tưới, tiêu ghi trong hợp đồng) thì vẫn coi là diện tích tưới tiêu chủ động.
9. Diện tích tưới, tiêu chủ động một phần - Bán chủ động là diện tích được công trình đưa nước vào hoặc tháo nước ra từ cống đầu kênh nhưng còn thất thường, hộ dùng nước còn phải bơm, tát trên 1/3 số lần tưới tiêu trong vụ sản xuất.
10. Diện tích được tạo nguồn tưới, tiêu là diện tích mà các hộ dùng nước phải bơm, tát nước từ các công trình thủy lợi do Thành phố quản lý lên mặt ruộng hoặc bơm, tát nước từ mặt ruộng ra công trình thủy lợi do Thành phố quản lý.
11. Diện tích chuyên tưới, chuyên tiêu là trên cùng một diện tích cần phải tưới, tiêu có hai tổ chức hoặc cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi tham gia. Đơn vị này đảm nhận phần tưới, đơn vị kia đảm nhận phần tiêu hoặc ngược lại.
12. Tạo nguồn từ bậc 2 trở lên là hình thức tưới, tiêu nước bởi các công trình thủy lợi được thiết kế theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm nhiệm vụ tạo nguồn tưới, tiêu nước cho các công trình khác hoạt động.
13. Các khoản thu thủy lợi phí, tiền nước, phí thủy lợi nội đồng được các tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi dùng để: Trả tiền công cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tiền điện (tiền dầu) bơm nước tưới tiêu, nguyên nhiên vật liệu, duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi.
Chương 2.
MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ MỨC TRẦN THU PHÍ DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG
Điều 3. Mức thu thủy lợi phí
1. Mức thu thủy lợi phí đối với đất trồng lúa:
STT | Vùng và biện pháp công trình | Mức thu |
1 | Khu vực các xã miền núi |
|
| - Tưới tiêu bằng động lực | 1.811 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực | 1.267 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 1.539 |
2 | Khu vực đồng bằng |
|
| - Tưới tiêu bằng động lực | 1.646 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực | 1.152 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 1.399 |
3 | Khu vực các xã vùng trung du, bán sơn địa |
|
| - Tưới tiêu bằng động lực | 1.433 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực | 1.003 |
| - Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 1.218 |
1.1. Trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần thì thu bằng 60% mức phí trên.
1.2. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực thì thu bằng 40% mức phí trên.
1.3. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng động lực thì thu bằng 50% mức phí trên.
1.4. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ thì thu bằng 45% mức phí trên.
1.5. Trường hợp phải tách riêng mức thu cho tưới, tiêu trên cùng một diện tích (kể cả diện tích do các Công ty thủy lợi tỉnh ngoài phục vụ) thì mức thu thủy lợi phí cho tưới bằng 70%, cho tiêu bằng 30% mức phí trên.
1.6. Trường hợp phải tạo nguồn từ bậc 2 trở lên đối với các công trình được xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mức thu được tính tăng thêm 20% mức phí trên.
1.7. Đối với trường hợp diện tích canh tác một vụ lúa, một vụ cá thu bằng mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa tương ứng.
2. Mức thu thủy lợi phí đối với đất không sử dụng vào mục đích trồng lúa:
2.1. Đối với diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông thì mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa.
2.2. Trường hợp cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, hoa, cây ăn quả, cây cảnh: mức thu bằng 1.020 đồng/m3 cho cấp nước bằng động lực; bằng 840 đồng/m3 cho cấp nước bằng trọng lực. Nếu không tính được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích (ha), mức thu bằng 80% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa cho 1 năm.
2.3. Trường hợp cấp nước để nuôi trồng thủy sản: mức thu bằng 840 đồng/m3 cho cấp nước bằng động lực; bằng 600 đồng/m3 cho cấp nước bằng trọng lực; Nếu không thu được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích (ha), mức thu bằng 2.500.000 đồng/ha/năm. Đối với trường hợp chỉ cấp nước tạo nguồn hoặc nuôi trồng thủy sản 1 vụ/năm thì mức thu bằng 50% mức thu trên.
Điều 4. Mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực:
1. Cấp nước để cung cấp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: mức thu bằng 1.800 đồng/m3 cho cấp nước bằng động lực; bằng 900 đồng/m3 cho cấp nước bằng trọng lực.
2. Cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi: mức thu bằng 1.320 đồng/m3 cho cho cấp nước bằng động lực; bằng 900 đồng/m3 cho cấp nước bằng trọng lực.
3. Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh nuôi trồng thủy sản, nuôi cá bè: mức thu tính bằng tỷ lệ 7% giá trị sản lượng.
4. Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân gôn, casino, nhà hàng): mức thu tính bằng tỷ lệ 12% doanh thu về hoạt động du lịch, giải trí.
5. Sử dụng nước từ công trình thủy lợi để phát điện: mức thu tính bằng tỷ lệ 10% giá trị sản lượng điện thương phẩm.
6. Vận tải qua âu thuyền, cống của hệ thống thủy lợi mức thu bằng 7.200 đồng/tấn/lượt thuyền, sà lan hoặc 1.800 đồng/m2/lượt các loại bè
Điều 5. Mức trần thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng:
Mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng quy định là 36.000 đồng/sào/năm (1 sào = 360m2)
Chương 3.
ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ MIỄN GIẢM THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC
Điều 6. Đối tượng phải nộp thủy lợi phí là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng nguồn nước hoặc làm dịch vụ từ hệ thống công trình thủy lợi có nguồn vốn nhà nước hoặc được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước gồm:
1. Diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân (kể cả diện tích đất tích tụ, đất đấu thầu đấu khoán).
2. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai khoáng, phát điện, giao thông vận tải, cấp nước cho các nhà máy nước sạch, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa, nuôi cá bè; sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, giải trí, sân gôn, y tế, an dưỡng và các dịch vụ khác được hưởng lợi từ công trình thủy lợi.
3. Các cụm công nghiệp tiêu qua hệ thống công trình thủy lợi do các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Điều 7. Đối tượng miễn giảm thủy lợi phí, tiền nước.
1. Miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm (bao gồm: đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm).
2. Miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo. Việc xác định hộ nghèo được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau:
- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Hộ gia đình, cá nhân nông dân bao gồm: những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương; những người có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là cư trú lâu dài tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu thường trú; những hộ gia đình, cá nhân trước đây hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nay không có việc làm; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân và bộ đội nghỉ mất sức hoặc nghỉ việc do sắp xếp lại sản xuất, tinh giảm biên chế hưởng trợ cấp một lần hoặc hưởng trợ cấp một số năm về sống thường trú tại địa phương; con của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân sống tại địa phương đến tuổi lao động nhưng chưa có việc làm.
- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của Hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc giao khoán của Hợp tác xã và nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nông trường viên bao gồm: cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho nông trường quốc doanh; hộ gia đình có người đang làm việc cho nông trường quốc doanh hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn.
- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.
4. Trong trường hợp xảy ra thiên tai gây mất mùa, thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thì được miễn, giảm thủy lợi phí, tiền nước theo các mức sau:
- Thiệt hại dưới 30% sản lượng được giảm 50% thủy lợi phí.
- Thiệt hại 30% đến dưới 50% sản lượng được giảm 70% thủy lợi phí.
- Thiệt hại từ 50% sản lượng trở lên được miễn thủy lợi phí.
Trình tự thủ tục hồ sơ miễn, giảm thu thủy lợi phí trong trường hợp bị thiên tai, mất mùa: các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại, lập biên bản kiểm tra xác định mức độ thiệt hại. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: đại diện chính quyền xã; người dùng nước và các ngành liên quan thuộc cấp huyện, thị xã;
5. Đối với diện tích đã có Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền để chuyển đổi sang mục đích khác nhưng thủ tục chưa đền bù xong hoặc Chủ đầu tư chưa triển khai thi công nhưng nhân dân vẫn tận dụng để sản xuất nông nghiệp (các tổ chức khai thác công trình thủy lợi vẫn phục vụ tưới, tiêu) vẫn thuộc đối tượng được miễn thu thủy lợi phí.
Điều 8. Phạm vi miễn thu thủy lợi phí
Phạm vi thực hiện miễn thu thủy lợi phí được tính từ vị trí cống đầu kênh của Tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi.
Điều 9. Các tổ chức được ngân sách cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí
Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi được xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi là đơn vị quản lý thủy nông) thực hiện nhiệm vụ cấp nước, tưới nước, tiêu nước cho diện tích được miễn thủy lợi phí được ngân sách cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí, bao gồm:
1. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và các doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi gồm: Trung tâm quản lý, khai thác công trình thủy lợi; Ban quản lý, khai thác công trình thủy lợi; Trạm quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
3. Các tổ chức hợp tác dùng nước: Ban quản lý thủy nông; Tổ đường nước; Đội thủy nông; Hội dùng nước; Hiệp hội dùng nước; Hợp tác xã nông nghiệp; Tổ hợp tác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc đồng ý cho thành lập, hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc được đại hội xã viên thông qua quy chế, điều lệ hoạt động.
4. Các tổ chức khác được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện mức thu thủy lợi phí, tiền nước và thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng đến các quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố.
2. Thẩm định trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét phê duyệt diện tích và hình thức tưới, tiêu của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở hồ sơ liên quan có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi đảm bảo công tác vận hành công trình, điều hành tưới, tiêu hiệu quả, tiết kiệm nước, điện.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính.
1. Chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định, bố trí nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí trong kế hoạch đặt hàng các Công ty Thủy lợi trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
2. Cân đối nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí do ngân sách cấp huyện đảm bảo (đối với phần Hợp tác xã tự bơm tưới, tiêu), thẩm định và trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
3. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi thủ tục hợp đồng, tạm ứng, thanh lý, cấp phát, thanh quyết toán và sử dụng nguồn kinh phí thủy lợi phí, tiền nước được cấp theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
1. Thẩm tra, chịu trách nhiệm xác nhận về phạm vi, đối tượng, diện tích; hình thức tưới, tiêu; cơ cấu cây trồng; kinh phí miễn thu thủy lợi phí của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
2. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trong phạm vi cấp quận, huyện, thị xã thực hiện việc tưới tiêu đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ.
3. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc phục vụ tưới tiêu, cấp nước và sử dụng nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.
4. Tổng hợp và quyết toán kinh phí miễn thủy lợi phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
5. Bố trí kinh phí trong nguồn chi sự nghiệp kinh tế hàng năm để hỗ trợ các phòng, ban chức năng trực thuộc trong việc kê khai diện tích miễn thu thủy lợi phí, lập hồ sơ kê khai diện tích miễn thu thủy lợi phí.
Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi.
1. Có trách nhiệm ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tưới, tiêu với các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ công trình thủy lợi trên địa bàn được giao quản lý.
2. Chịu trách nhiệm về độ chính xác của diện tích, hình thức tưới, tiêu, cơ cấu cây trồng trên địa bàn quản lý. Báo cáo chất lượng dịch vụ theo các nội dung hợp đồng đã ký kết.
3. Quản lý sử dụng quyết toán nguồn kinh phí được Nhà nước cấp theo quy định quản lý tài chính hiện hành.
4. Đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm:
- Phục vụ đầy đủ, kịp thời đúng tiến độ về dịch vụ tưới nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đồng thời thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm nước.
- Hàng năm, thực hiện lập dự toán, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn.
1. Chịu trách nhiệm xác nhận diện tích; hình thức tưới, tiêu; cơ cấu cây trồng trên địa bàn quản lý.
2. Phổ biến Quy định này đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dùng nước.
3. Chỉ đạo các tổ hợp tác dùng nước ký kết hợp đồng tưới, tiêu với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dùng nước.
1. Kê khai chính xác diện tích, biện pháp tưới tiêu, cấp nước đối với diện tích đề nghị miễn thủy lợi phí được giao.
2. Có trách nhiệm ký kết hợp đồng dịch vụ tưới, tiêu với các Hợp tác xã, các tổ chức được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.
3. Tham gia giám sát cộng đồng về dịch vụ tưới tiêu, cấp nước của các đơn vị, quản lý khai thác công trình thủy lợi, đóng góp ý kiến về chất lượng và hiệu quả phục vụ.
4. Có trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 16. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.