cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/08/2013 Về Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2635/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ngày ban hành: 26-08-2013
  • Ngày có hiệu lực: 26-08-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-03-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 552 ngày (1 năm 6 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-03-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-03-2015, Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/08/2013 Về Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Về Quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2635/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ GIẢI THƯỞNG TẠ QUANG BỬU”

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6537/VPCP-TCCV ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tổng hợp, Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TĐKT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

QUY CHẾ

GIẢI THƯỞNG TẠ QUANG BỬU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về đối tượng, tiêu chí, trình tự, thủ tục xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Điều 2. Đối tượng được xét, tặng Giải thưởng

1. Nhà khoa học là công dân Việt Nam và là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

2. Nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, nhà khoa học nước ngoài ở Việt Nam có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Điều 3. Mục đích, ý nghĩa

1. Giải thưởng Tạ Quang Bửu (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ dành cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và các nhà khoa học Việt Nam, nước ngoài có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

2. Giải thưởng nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, có đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Lĩnh vực xét, tặng Giải thưởng

Giải thưởng được xét, tặng cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực sau:

1. Toán học;

2. Khoa học máy tính và thông tin;

3. Vật lý;

4. Hóa học;

5. Khoa học trái đất và môi trường;

6. Sinh học;

7. Khoa học tự nhiên khác.

Điều 5. Cơ cấu Giải thưởng

Cơ cấu Giải thưởng hằng năm bao gồm: từ một đến ba giải thưởng chính và một giải thưởng nhà khoa học trẻ (dưới 30 tuổi, tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ đề nghị xét, tặng Giải thưởng) dành cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc; một giải thưởng dành cho nhà khoa học có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Điều 6. Quyền lợi của cá nhân đạt Giải thưởng

Cá nhân đạt Giải thưởng được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và tiền thưởng theo quy định.

Điều 7. Tiêu chí đánh giá

1. Tiêu chí đánh giá công trình khoa học xuất sắc:

a) Giá trị khoa học của công trình;

b) Chất lượng của tạp chí khoa học có công trình được đăng tải, được xác định thông qua chỉ số tác động và các xếp hạng quốc tế tại thời điểm công bố công trình;

c) Công trình khoa học được đánh giá phải là công trình nghiên cứu cơ bản, được thực hiện tại Việt Nam, thuộc các lĩnh vực nêu tại Điều 4 và có thời gian công bố (tính theo thời điểm công bố của tạp chí) trong khoảng thời gian 5 năm tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ đề nghị xét, tặng Giải thưởng.

2. Tiêu chí đánh giá đối với đóng góp của nhà khoa học Việt Nam, nước ngoài:

a) Hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản;

b) Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Điều 8. Ban Tổ chức Giải thưởng

1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Ban tổ chức Giải thưởng hàng năm, do một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban.

Thành viên của Ban Tổ chức Giải thưởng bao gồm đại diện một số cơ quan có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Ban Tổ chức Giải thưởng chỉ đạo mọi hoạt động của Giải thưởng.

2. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia là Cơ quan Thường trực của Giải thưởng, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Ban Tổ chức Giải thưởng quy định.

Điều 9. Hội đồng Giải thưởng

1. Hội đồng Giải thưởng có từ 7 đến 9 thành viên. Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Giải thưởng là các nhà khoa học có uy tín thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên do Ban tổ chức Giải thưởng đề xuất, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

2. Thành viên Hội đồng Giải thưởng là những người không có công trình, đóng góp tham dự xét thưởng hoặc có quyền, lợi ích liên quan hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của việc xét, tặng Giải thưởng.

3. Hội đồng Giải thưởng có trách nhiệm xem xét và lựa chọn nhà khoa học được đề xuất từ các Hội đồng khoa học chuyên ngành để tặng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng bỏ phiếu lựa chọn Giải thưởng trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá, đề xuất của các Hội đồng khoa học chuyên ngành và các tài liệu liên quan, theo nguyên tắc quá bán. Số lượng Giải thưởng được Hội đồng Giải thưởng lựa chọn không vượt quá cơ cấu Giải thưởng quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

Điều 10. Hội đồng khoa học chuyên ngành

1. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các hội đồng khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tương ứng với các lĩnh vực tham gia xét thưởng quy định tại Điều 4 của Quy chế.

2. Thành viên Hội đồng khoa học chuyên ngành không tham gia quá trình đánh giá, đề xuất xét tặng Giải thưởng nếu có công trình, đóng góp tham dự xét thưởng hoặc có quyền, lợi ích liên quan hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của việc xét, tặng Giải thưởng.

3. Hội đồng khoa học chuyên ngành có trách nhiệm đánh giá, đề xuất nhà khoa học trong lĩnh vực tham gia xét, tặng Giải thưởng. Việc đánh giá được thực hiện đối với từng hồ sơ, theo thang điểm do Ban Tổ chức quy định phù hợp với tiêu chí đánh giá quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng khoa học chuyên ngành đề xuất xin ý kiến của các chuyên gia độc lập trước khi thực hiện đánh giá, đề xuất.

Điều 11. Hồ sơ tham dự Giải thưởng

Hồ sơ đề nghị gồm:

1. Đối với nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc:

a) Lý lịch khoa học;

b) Công trình khoa học được công bố;

c) Thuyết minh về giá trị khoa học của công trình.

2. Đối với nhà khoa học có đóng góp tích cực đối với nghiên cứu cơ bản của Việt Nam:

a) Lý lịch khoa học;

b) Thuyết minh về đóng góp của nhà khoa học đối với nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Điều 12. Nguyên tắc xét duyệt Giải thưởng

1. Ban Tổ chức Giải thưởng có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và sơ bộ phân loại hồ sơ tham gia xét, tặng Giải thưởng theo đúng quy định, trình các Hội đồng khoa học chuyên ngành xét chọn.

2. Đối với các công trình khoa học của các đồng tác giả, trong trường hợp được lựa chọn xem xét tại Hội đồng Giải thưởng, nhà khoa học được xem xét trao Giải thưởng phải có xác nhận về mức độ đóng góp đối với công trình khoa học từ các tác giả còn lại của công trình.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả đánh giá của Hội đồng Giải thưởng, Ban tổ chức Giải thưởng hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định danh sách nhà khoa học được tặng Giải thưởng.

Điều 13. Thời hạn nhận, xét duyệt hồ sơ và trao Giải thưởng

1. Giải thưởng được tổ chức xét, tặng hàng năm.

Thời hạn nhận hồ sơ đề nghị xét, tặng Giải thưởng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Thời hạn xét chọn Giải thưởng được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.

2. Lễ trao tặng Giải thưởng được tổ chức vào tháng 5 năm sau.

Điều 14. Kinh phí cho Giải thưởng

1. Kinh phí cho Giải thưởng được bố trí từ ngân sách sự nghiệp khoa học của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các nguồn khác do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.

2. Kinh phí hoạt động của Ban Tổ chức Giải thưởng, Hội đồng Giải thưởng, các Hội đồng khoa học chuyên ngành xét chọn giải thưởng, tổ chức Lễ trao giải thưởng và kinh phí phục vụ công tác tổ chức xét giải thưởng được bố trí từ ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hàng năm.

3. Cơ quan Thường trực của Giải thưởng có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí của Giải thưởng theo đúng quy định của Quy chế này và quy định tài chính.

Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo về kết quả xét, tặng Giải thưởng và những vi phạm quy định về trình tự, thủ tục xét tặng Giải thưởng.

Đơn phải có chữ viết là tiếng Việt; ghi rõ ngày, tháng, năm; có họ tên, địa chỉ người viết đơn; họ tên, địa chỉ, cơ quan, tổ chức bị khiếu nại, tố cáo; đơn được ký tên trực tiếp.

Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng, mạo danh hoặc không đúng quy định của Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo.

2. Cơ quan Thường trực của Giải thưởng có trách nhiệm xem xét, trả lời đơn khiếu nại, tố cáo giải quyết theo Quy chế xử lý đơn thư của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo lên Ban Tổ chức Giải thưởng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Các công trình tham gia xét, tặng Giải thưởng nếu vi phạm Luật khoa học và công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ, các quy định của nhà nước có liên quan và Quy chế này, Ban Tổ chức Giải thưởng sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Cơ quan Thường trực của Giải thưởng có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế Giải thưởng tới các đối tượng; chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất phục vụ trong quá trình làm việc của Ban Tổ chức, Hội đồng Giải thưởng, các Hội đồng khoa học chuyên ngành và tổ chức Lễ trao Giải thưởng.

2. Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Thường trực Giải thưởng và Ban Tổ chức Giải thưởng tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định tặng thưởng cho nhà khoa học đạt Giải thưởng theo quy định của Quy chế này.

3. Các thành viên Ban Tổ chức có trách nhiệm phối hợp triển khai tổ chức Giải thưởng theo đúng các quy định của Quy chế này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Cơ quan Thường trực Giải thưởng tổng hợp ý kiến và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định./.