Quyết định số 2977/2013/QĐ-UBND ngày 23/08/2013 Về Quy định phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu văn bản: 2977/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Ngày ban hành: 23-08-2013
- Ngày có hiệu lực: 02-09-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-02-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2732 ngày (7 năm 5 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-02-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2977/2013/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 23 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÁT NGÔN, CUNG CẤP, ĐĂNG, PHÁT VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 43/2001/NĐ ngày 13 tháng 6 năm 2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 487/TTr-STTTT ngày 28 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2277/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÁT NGÔN, CUNG CẤP, ĐĂNG, PHÁT VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2977/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy định này điều chỉnh chế độ phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan báo chí hoạt động, tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau
1. Cơ quan, đơn vị nhà nước: Là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước trực thuộc UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
2. Cung cấp thông tin: Là việc các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
3. Đăng, phát thông tin: Là việc cơ quan báo chí đưa ý kiến của tổ chức, cá nhân thông qua các tác phẩm báo chí lên các loại hình báo chí như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
4. Xử lý thông tin: Là việc các tổ chức, cá nhân trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản nhằm bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến đối với nội dung thông tin liên quan báo chí đã đăng, phát.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ
1. Định kỳ hàng quí, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giúp UBND tỉnh tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.
Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin theo các quy định hiện hành về hoạt động của cổng thông tin điện tử để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin chính thống cho tổ chức và công dân, trong đó có các cơ quan báo chí.
2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, thông qua các hình thức sau:
a) Thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình theo các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho tổ chức, công dân, báo chí;
b) Trường hợp cần thiết, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc tổ chức họp báo và cung cấp thông tin trong giao ban báo chí theo đúng quy định;
c) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh theo quy định hiện hành;
d) Đối với UBND xã, phường, thị trấn: Chủ tịch UBND (hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND) có trách nhiệm cung cấp thông tin về các lĩnh vực thuộc phạm vi quyền hạn của địa phương quản lý, khi có yêu cầu của cơ quan báo chí theo đúng qui định của pháp luật.
Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất
Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất sau đây:
1. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn đến dư luận xã hội trên địa bàn, hoặc thuộc lĩnh vực mình quản lý nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận xã hội; về quan điểm và cách giải quyết của các cơ quan, đơn vị liên quan đối với các sự kiện, vấn đề nêu trên.
2. Đối với những vụ việc cấp thiết cần phải có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan, đơn vị thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian sớm nhất theo qui định của pháp luật.
3. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan được nêu trên báo chí.
4. Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan, đơn vị mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị nhà nước bao gồm:
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước;
b) Người được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi là Người phát ngôn);
Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của Người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
c) Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao;
Người phát ngôn quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này nếu đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để Người đứng đầu cơ quan, đơn vị ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định;
Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của Người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang tin điện tử của cơ quan, đơn vị trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.
2. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này không được ủy quyền tiếp cho người khác;
3. Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn theo Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo Khoản 3, Điều 2 Quyết định 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
4. Trong phạm vi quyền hạn, lĩnh vực phụ trách, các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Các cá nhân của cơ quan, đơn vị nhà nước không được nhân danh cơ quan, đơn vị nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 6. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị là Người phát ngôn có thể trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ, ủy quyền cho người thuộc cơ quan, đơn vị phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 5 Quy định này.
2. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, đơn vị kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các thông tin và chế độ phát ngôn của cơ quan, đơn vị mình.
4. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét hỗ trợ kinh phí cho Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan mình để thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 7. Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn được nhân danh, đại diện cơ quan, đơn vị nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Những thông tin do người phát ngôn cung cấp được coi là thông tin chính thống của cơ quan, đơn vị.
2. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cá nhân có liên quan trong đơn vị mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quy định này; để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật. Các đơn vị, cá nhân khi có yêu cầu của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn về việc cung cấp thông tin để thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có trách nhiệm thực hiện đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn cung cấp thông tin.
3. Người phát ngôn có quyền từ chối, không cung cấp thông tin cho báo chí trong những trường hợp sau:
a) Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn;
b) Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
c) Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.
4. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước về nội dung phát ngôn và những thông tin cung cấp cho báo chí.
Điều 8. Đăng, phát thông tin
Cơ quan báo chí có quyền đăng, phát các thông tin và phải chịu trách nhiệm về nội dung các thông tin đã đăng, phát theo quy định của Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác có liên quan; những thông tin nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, tập thể, tổ chức cá nhân cần nghiên cứu xem xét, xác minh, cân nhắc thông tin trước khi đăng tải.
Việc đăng, phát thông tin phải có nội dung phù hợp với định hướng thông tin; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí.
Người đứng đầu cơ quan báo chí (Tổng Biên tập, Giám đốc) chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chủ quản và trước cơ quan quản lý nhà nước về báo chí những nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.
Khi cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật về báo chí thì không tổ chức, cá nhân nào được ngăn cản việc đăng, phát thông tin trên báo chí.
Điều 9. Xử lý thông tin
1. Trả lời thông tin trên báo chí
Khi nhận được thông tin do báo chí đăng, phát hoặc khi có công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề được báo chí đăng, phát chậm nhất trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày báo chí đăng phát thì người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và trả lời bằng văn bản về kết quả, biện pháp giải quyết cho các cơ quan báo chí đã đưa tin và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan.
2. Tiếp thu thông tin báo chí
a) Trong trường hợp báo chí thông tin đúng thì tổ chức, cá nhân được báo chí phản ánh phải tiếp thu nội dung thông tin, có biện pháp sửa chữa, khắc phục các vi phạm theo quy định hiện hành. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương được báo chí phản ánh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp thu, sửa chữa các vi phạm được báo chí phản ánh.
b) Khi tiếp nhận thông tin do báo chí đăng, phát; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã hoặc cá nhân có quyền không đồng tình với nội dung thông tin báo chí đã đăng phát và được trao đổi bằng văn bản với cơ quan báo chí. Văn bản trao đổi của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã hoặc cá nhân phải được cơ quan báo chí đăng phát theo quy định tại Điều 2 Chương II, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
c) Trường hợp không nhất trí với văn bản trao đổi của tổ chức, cá nhân thì cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình. Sau 3 lần đăng, phát ý kiến trao đổi của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà chưa đạt được kết quả cuối cùng, Sở Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngừng đăng, phát thông tin. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí đã đăng phát thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông, hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Cải chính trên báo chí
Trong trường hợp báo chí thông tin sai sự thật; thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm; thông tin gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm việc đăng tin của mình theo quy định pháp luật và phải thực hiện việc cải chính theo đúng quy định.
4. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí.
a) Văn phòng UBND tỉnh có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh:
Đôn đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cung cấp thông tin, tiếp thu thông tin và kiểm tra, xác minh thông tin báo chí đăng, phát.
b) Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ:
Kiểm tra việc cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin do báo chí đăng, phát của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã;
Kiểm tra việc đăng, phát thông tin do các cơ quan báo chí đăng, phát;
Định kỳ hằng quý, 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, đăng, phát, tiếp thu và xử lý thông tin của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và cơ quan báo chí phản ánh;
Thực hiện các quyền khác liên quan tới cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành về báo chí.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo
1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Báo chí, qui định của pháp luật về báo chí thực hiện việc đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp; không dùng kỹ thuật, kỹ xảo từ ngữ để đăng phát sai nội dung mà người phát ngôn muốn truyền đạt; đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn, tên sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.
2. Cơ quan báo chí sau khi đăng, phát thông tin có trách nhiệm tiếp tục theo dõi các tổ chức, cá nhân tiếp thu thông tin theo quy định của Luật Báo chí, các quy định pháp luật có liên quan và nội dung của Quy định này.
3. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát ý kiến trao đổi của các tổ chức cá nhân, trừ trường hợp ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trường hợp không đăng, phát thì trong thời hạn chậm nhất 30 ngày cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tổ chức, cá nhân (tác giả) bằng văn bản hoặc đăng, phát trên báo chí bằng hình thức hộp thư, tin nhắn. Nội dung văn bản thông báo nêu rõ lý do cho tổ chức và cá nhân liên quan biết đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tiếp thu, xử lý thông tin trên báo chí
1. Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh và thực hiện việc trả lời theo Điều 9 của Quy định này.
2. Trường hợp không đồng ý với thông tin do báo chí đăng, phát, văn bản trả lời của tổ chức, cá nhân phải kịp thời có văn bản gửi cơ quan báo chí, cá nhân tác giả để nêu rõ thông tin nào sai sự thật, ảnh hưởng đến chỉ đạo điều hành, hoạt động của đơn vị xúc phạm đến uy tín danh dự, nhân phầm của tổ chức, cá nhân đã đăng phát trong tác phẩm báo chí và yêu cầu phải cải chính theo qui định pháp luật. Ý kiến của sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị hoặc cá nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
3. Cung cấp tài liệu và các nội dung liên quan theo quy định của Nhà nước cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền, ngành chức năng được giao nhiệm vụ.
4. Có quyền khiếu nại với cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông hoặc khởi kiện ra tòa án trong trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo điều hành, hoạt động của cơ quan đơn vị, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự; không đăng, phát nội dung thông tin cải chính, xin lỗi, kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân (mà không có văn bản thông báo lý do không đăng, phát cho tổ chức, cá nhân) hoặc thực hiện việc đăng, phát không đúng quy định của pháp luật.
Chương 3.
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Khen thưởng
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đối với các cơ quan báo chí; các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và cá nhân có nhiều thành tích trong việc cung cấp, đăng, phát và tiếp thu xử lý các thông tin trên báo chí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 13. Xử lý vi phạm
1. Cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm Quy định này và các quy định của pháp luật về báo chí, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định hiện hành của pháp luật.
2. Trong trường hợp báo chí thông tin đúng sự thật, người đứng đầu tổ chức và cá nhân vi phạm để quá thời hạn trả lời thông tin báo chí đăng phát nhưng không trả lời; trả lời thiếu nghiêm túc, thái độ tiếp thu, sửa chữa không rõ ràng; có trả lời bằng văn bản nhưng thực tế không sửa chữa, hoặc có sửa chữa nhưng mang tính đối phó sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 15. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt Quy định này; định kỳ hằng quý, 6 tháng và hằng năm báo cáo kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.