cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 04/2014/CT-CA ngày 31/12/2014 Về triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân

  • Số hiệu văn bản: 04/2014/CT-CA
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Ngày ban hành: 31-12-2014
  • Ngày có hiệu lực: 31-12-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3602 ngày (9 năm 10 tháng 17 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/CT-CA

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

Ngày 24-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân[1]. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ chương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Luật tổ chức Tòa án nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của của Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Với tinh thần nêu trên, Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung căn bản, từ phạm vi điều chỉnh đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân; chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác; chế độ bầu (cử) Hội thẩm; nhiệm vụ của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; các quy định bảo đảm hoạt động của Tòa án.

Để thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh số 21/2014/L-CTN ngày 04-12-2014 công bố Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức quán triệt cho Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý về Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là những nội dung mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân so với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002; tích cực và chủ động tham gia công tác triển khai thi hành Luật; chủ động đề xuất ý kiến về những việc cần thực hiện để bảo đảm cho việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân đạt kết quả cao nhất, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ sau đây:

1. Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương:

Việc thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong các cơ quan nhà nước, đồng thời phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Tòa án nhân dân; bảo đảm cho bộ máy giúp việc hoạt động có hiệu quả để các Tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân; không làm cho bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo Tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước ngày 01-6-2015.

Giao cho Vụ Thống kê - Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định trước ngày 01-02-2015.

2. Thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao:

Việc thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng các Tòa án nhân dân cấp cao, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân; xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tính chất đặc thù công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao; trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao, đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền, bảo đảm hoạt động bình thường và có hiệu quả của các Tòa án khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với Viện khoa học xét xử và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án; biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước ngày 01-6-2015.

3. Tổ chức các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

Việc tổ chức các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải được tổ chức một cách hợp lý, căn cứ vào dự kiến thẩm quyền của từng Tòa chuyên trách, số lượng từng loại vụ việc cụ thể dự kiến phải giải quyết ở mỗi Tòa án (vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động; các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, tiết kiệm.

Giao Viện khoa học xét xử chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đề xuất và xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định trước ngày 01-02-2015.

4. Chuẩn bị nhân sự để đề xuất làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xây dựng Quy chế làm việc của Hội đồng:

Công tác chuẩn bị nhân sự để đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là hết sức quan trọng, phải được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng thành phần, đúng đối tượng theo quy định tại Điều 70 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dân chủ và khoa học, tạo cơ sở pháp lý để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và từng thành viên của Hội đồng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành quy trình chuẩn bị nhân sự đề xuất làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Tờ trình, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 01-06-2015.

5. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn
Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp:

Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, minh bạch, công bằng và dân chủ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn để lựa chọn được những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, đồng thời không làm trở ngại cho công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán.

Giao Trường Cán bộ Tòa án chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

6. Xây dựng quy trình ban hành án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Quy trình ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao phải phải được thực hiện qua các bước: phát hiện, tuyển chọn, thẩm định và thông qua án lệ; bảo đảm giá trị pháp lý của án lệ; bảo đảm các án lệ được ban hành là những bản án, quyết định có tính chuẩn mực, có giá trị nghiên cứu và áp dụng trong xét xử.

Giao Viện khoa học xét xử xây dựng quy trình ban hành án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-03-2015.

7. Xây dựng quy trình và chuẩn bị nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp:

Việc xây dựng quy trình và lựa chọn nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán khác phải phải căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các điều 67, 68, 69 và 72 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Điều 1 Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội; đồng thời phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình và chuẩn bị đề xuất nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; xây dựng quy trình lập hồ sơ và đề nghị Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp đối với các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được bổ nhiệm trước ngày 01-6-2015 nhưng không được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới; xây dựng quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

Khi tiến hành quy trình bổ nhiệm lại đối với Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp cần lưu ý: đối với Thẩm phán hết nhiệm kỳ kể từ ngày 01-02-2015 đến ngày Luật tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm lại theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới; việc bổ nhiệm lại phải được thực hiện trước ngày 30-9-2015. Đối với Thẩm phán hết nhiệm kỳ trước ngày 01-02-2015 và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại đối với họ đã hoàn chỉnh trước ngày 01-02-2015 thì có thể tiếp tục được trình Chủ tịch nước xem xét, bổ nhiệm làm Thẩm phán. Việc xem xét, tuyển chọn nhân sự để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán kể từ ngày 01-02-2015 thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

8. Chuẩn bị nhân sự Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Số lượng thành viên và thành phần của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 31 và khoản 1 Điều 39 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; bảo đảm để Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật tố chức Tòa án nhân dân.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị đề xuất nhân sự Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

9. Xây dựng và đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; mẫu trang phục, chế độ cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán; tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; mẫu trang phục, Thẻ chức danh của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:

Chế độ tiền lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải được xây dựng và đề xuất theo đúng tinh thần quy định tại Điều 75 và Điều 94 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; bảo đảm chế độ, chính sách ưu tiên đặc thù để Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án yên tâm làm nhiệm vụ, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta trong tình hình hiện nay.

Mẫu trang phục của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải bảo đảm tính trang nghiêm, phù hợp với đặc thù hoạt động xét xử, thể hiện được đặc trưng địa vị pháp lý của từng chức danh; phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện khí hậu của nước ta. Giấy chứng minh Thẩm phán, Thẻ chức danh của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải có đủ những thông tin cần thiết, thuận tiện cho việc sử dụng và có biện pháp ngăn ngừa việc làm giả.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án về chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ, chính sách khác đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-3-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ xem xét, quyết định trước ngày 01-6-2015; chủ động và tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện quy định tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán theo đúng tinh thần Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 và Thông báo số 181-TB/TW ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị về chủ trương kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Giao Vụ Thống kê - Tổng hợp đề xuất mẫu trang phục, chế độ cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-3-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 01-6-2015.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định mẫu trang phục, Thẻ chức danh của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-3-2015.

10. Bảo đảm biên chế, số lượng Thẩm phán; cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân:

Việc xây dựng, đề xuất về biên chế, số lượng Thẩm phán phải căn cứ vào nhu cầu công tác và việc kiện toàn tổ chức bộ máy của mỗi Tòa án theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; trên cơ sở xác định rõ vị trí làm việc đối với từng lĩnh vực công tác cụ thể để xác định đúng, đủ số lượng Thẩm phán và biên chế của từng cấp Tòa án và từng Tòa án.

Việc xây dựng, đề xuất về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 96 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để Tòa án hoạt động, nhưng phải chặt chẽ, tiết kiệm, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ phối hợp với thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng đề án biên chế và số lượng Thẩm phán, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án và tổng biên chế của Tòa án nhân dân giai đoạn 2015-2017; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội kèm theo Tờ trình, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 01-6-2015.

Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

11. Xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn và tổ chức đào tạo tập huấn về Luật tổ chức Tòa án nhân dân; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch Thẩm phán:

Chương trình đào tạo, tập huấn về Luật tổ chức Tòa án nhân dân phải được xây dựng khoa học, phù hợp với từng đối tượng, từng khóa đào tạo, thể hiện được những nội dung mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là các quy định về Tòa án thực hiện quyền tư pháp; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp Tòa án nhân dân; về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Kế hoạch tổ chức đào tạo phải được chuẩn bị khẩn trương đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo, tập huấn, bảo đảm tiết kiệm ngân sách.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch Thẩm phán bên cạnh những kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, cần lưu ý nội dung bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, kiến thức xã hội, tin học và ngoại ngữ.

Giao Trường Cán bộ cán bộ Tòa án chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về Luật tổ chức Tòa án nhân dân; đề xuất kế hoạch tập huấn về Luật tổ chức Tòa án nhân dân tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

12. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Tòa án quân sự:

Việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Tòa án quân sự phải căn cứ vào các quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân về Tòa án quân sự; bảo đảm hoạt động bình thường của các Tòa án quân sự.

Giao Tòa án quân sự trung ương phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các Tòa án quân sự; chuẩn bị nhân sự của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương; kiện toàn bộ máy tổ chức, số lượng Thẩm phán và biên chế của các Tòa án quân sự, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước ngày 01-02-2015 để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

13. Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm:

Việc xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm phải bảo đảm phù hợp với quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân về Hội thẩm; bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

14. Rà soát và phân công xét xử đối với các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết nhiệm kỳ từ ngày 01-01-2014:

Các Tòa phúc thẩm và Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân dân tối cao căn cứ vào khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội, chủ động rà soát và phân công xét xử đối với các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết nhiệm kỳ từ ngày 01-01-2014 thuộc biên chế của đơn vị mình để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xét xử kể từ ngày 01-02-2015 đến hết ngày 01-6-2015.

15. Phổ biến, tuyên truyền về Luật tổ chức Tòa án nhân dân:

Giao Vụ Thống kê - Tổng hợp, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản có liên quan. Vụ Thống kê - Tổng hợp có trách nhiệm kịp thời đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân và các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác tham gia đóng góp ý kiến theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

16. Tổ chức thực hiện Chỉ thị:

Các đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo đơn vị do mình phụ trách thực hiện các nhiệm vụ được phân công; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện việc xây dựng, đề xuất các vấn đề, văn bản, đề án được giao thì phải thường xuyên báo cáo Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với các vấn đề, văn bản, đề án có liên quan.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và báo cáo với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân theo đúng các yêu cầu đã đề ra.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Đồng chí Chủ tịch nước (để b/c);
- Đồng chí Chủ tịch Quốc hội (để b/c);
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các đ/c PCA TANDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC,
Chánh án TAND và TAQS (để thực hiện);
- Lưu: VT (VKHXX, TANDTC).

CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

 

 


[1] Luật tổ chức Tòa án nhân dân (Luật số 62/2014/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6 -2015, trừ khoản 1 Điều 4, Điều 24, Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38, Điều 41, khoản 1 Điều 45, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 58, Điều 67, khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, khoản 2 Điều 95 thì có hiệu lực kể từ ngày 01-02-2015.