Chỉ thị số 19/2014/CT-UBND ngày 25/08/2014 Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 19/2014/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 25-08-2014
- Ngày có hiệu lực: 04-09-2014
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-11-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-12-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 833 ngày (2 năm 3 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-12-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2014/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 08 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ AN TOÀN THI CÔNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra nhiều sự cố tại các công trường xây dựng, cả dân dụng và hạ tầng gây nhiều thiệt hại và lo lắng cho cộng đồng.
Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cũng chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm mặc dù đã được phân công trong Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tăng cường việc đảm bảo an toàn, chất lượng trong thi công xây dựng công trình, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, hạn chế xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thủ trưởng các sở, ngành có quản lý công trình xây dựng thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, với các nội dung cụ thể như sau:
1. Sở Xây dựng
a) Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Thực hiện quản lý nhà nước các công trình dân dụng (ngoại trừ đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông), công trình công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công trình nghĩa trang.
c) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình cấp III, cấp II: nhà chung cư, công trình công cộng, nhà máy sản xuất xi măng, nghĩa trang (ngoại trừ đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông) do Sở Xây dựng phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc cấp phép xây dựng.
d) Xây dựng quy trình để thực hiện việc đăng tải thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
e) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về tình hình an toàn lao động trong thi công xây dựng tại các công trình theo quy định của pháp luật lao động về Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng.
Đối với các công trình có tầng hầm, Sở Xây dựng kiểm tra, có ý kiến đối với phương án thi công tầng hầm trong việc đảm bảo an toàn cho công trình và các công trình lân cận. Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng chỉ định đơn vị có năng lực phù hợp thực hiện thẩm tra phương án thi công tầng hầm công trình.
g) Tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố về Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
h) Thực hiện quản lý nhà nước về công tác bảo trì công trình xây dựng các công trình được phân công quản lý.
i) Là đầu mối xem xét, đề cử công trình có chất lượng tham dự Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng và Giải thưởng công trình chất lượng cao theo quy định của Thông tư số 12/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
k) Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra và yêu cầu tạm dừng thi công, xử lý nghiêm các chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn, quản lý chất lượng công trình.
2. Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Phân công quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:
- Sở Giao thông vận tải: công trình giao thông kể cả công trình kè trên các tuyến sông có chức năng giao thông thủy, thoát nước được phân cấp quản lý; công trình hạ tầng kỹ thuật (ngoại trừ công trình nghĩa trang, công trình xử lý rác thải).
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (ngoại trừ kè trên các tuyến sông có chức năng giao thông thủy, thoát nước do Sở Giao thông vận tải quản lý).
- Sở Công Thương: công trình dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành (ngoại trừ công trình sản xuất vật liệu xây dựng).
- Sở Tài nguyên và Môi trường: công trình xử lý chất thải rắn đô thị, xử lý chất thải rắn độc hại.
- Sở Thông tin và Truyền thông: công trình đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
b) Thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình:
- Sở Giao thông vận tải: công trình cầu, hầm, đường bộ cấp III, cấp II; đường sắt, bến, ụ nâng tàu, cảng bến đường thủy, kè (ngoại trừ kè do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý); công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp nước; thoát nước; chiếu sáng công cộng; công viên cây xanh; bãi đỗ xe ô tô, xe máy ngầm hoặc nổi; cống, cáp, hào và tuy nen kỹ thuật).
Riêng công trình cầu, hầm, đường bộ, công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chỉ thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp II.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: công trình hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè (ngoại trừ kè do Sở Giao thông vận tải quản lý), trạm bơm và công trình thủy lợi khác.
- Sở Công Thương: công trình cấp II, III không phân biệt nguồn vốn thuộc các loại: đường dây tải điện và trạm biến áp, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất alumin và các công trình cấp II trở xuống không phân biệt nguồn vốn thuộc các loại: nhà máy lọc, hóa dầu, chế biến khí, các công trình nhà kho và tuyến đường ống dẫn xăng, dầu, khí hóa lỏng, nhà máy sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp (ngoại trừ các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định đầu tư).
- Sở Tài nguyên và Môi trường: công trình xử lý chất thải rắn đô thị, xử lý chất thải rắn độc hại. Riêng công trình xử lý chất thải rắn đô thị thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chỉ thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp II.
- Sở Thông tin và Truyền thông: công trình đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
- Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm mời Sở Xây dựng tham gia kiểm tra lần cuối công tác nghiệm thu các công trình do mình kiểm tra công tác nghiệm thu.
c) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình chuyên ngành.
Cung cấp thông tin các nhà thầu vi phạm an toàn lao động trong thi công xây dựng cho Sở Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử.
d) Gửi báo cáo tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành cho Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 11 hàng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng.
e) Thực hiện quản lý nhà nước về công tác bảo trì các công trình chuyên ngành được phân công quản lý.
g) Giới thiệu công trình chuyên ngành có chất lượng về Sở Xây dựng trước ngày 01 tháng 6 hàng năm để tổng hợp, giới thiệu tham dự Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng và Giải thưởng công trình chất lượng cao.
3. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
a) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 45 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với các công trình do Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trực thuộc phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc cấp phép xây dựng.
b) Thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình: nhà ở riêng lẻ từ 07 tầng trở lên hoặc nhà ở riêng lẻ có kết hợp văn phòng, thương mại - dịch vụ từ 07 tầng trở lên do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp giấy phép xây dựng; các công trình khác đã được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ do Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
c) Phối hợp Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn. Cung cấp thông tin các nhà thầu vi phạm an toàn lao động trong thi công xây dựng cho Sở Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử.
d) Báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn cho Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 11 hàng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng.
e) Theo dõi, đề xuất và phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng kiểm tra, thống kê tình trạng nhà công sở, nhà ở, các khu nhà tập thể, chung cư xuống cấp không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
4. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn:
a) Tiếp nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn.
b) Lập danh mục, theo dõi các công trình, dự án khởi công xây dựng trên địa bàn phường, xã, thị trấn. Định kỳ 03 tháng một lần báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
c) Lập danh mục công trình xảy ra sự cố trên địa bàn, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện.
5. Các ban quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao:
a) Thực hiện công tác quản lý về chất lượng các công trình xây dựng trong địa giới quản lý theo nội dung quy định tại Điểm b, c, d, i, k Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với những công trình do các ban phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc cấp giấy phép xây dựng.
b) Thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình đã được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ do các ban phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc cấp giấy phép xây dựng.
c) Có trách nhiệm phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình trong địa giới quản lý.
Cung cấp thông tin các nhà thầu vi phạm an toàn lao động trong thi công xây dựng cho Sở Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử.
d) Báo cáo tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cho Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 11 hàng năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng.
6. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười (10) ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |