Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 28/02/2013 Về Quy định phạm vi quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đối với tuyến đường trên địa bàn tỉnh Long An (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
- Ngày ban hành: 28-02-2013
- Ngày có hiệu lực: 10-03-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2181 ngày (5 năm 11 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2013/QĐ-UBND | Long An, ngày 28 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 03/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 287/TTr-SGTVT ngày 30/01/2013 và văn bản thẩm định số 28/STP-XDKTVB ngày 08/01/2013 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định phạm vi quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 3926/QĐ-UB ngày 20/9/2004 của UBND tỉnh Long An về việc quy định hành lang bảo vệ đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Tân An; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị liên quan thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11 /2013/QĐ-UBND ngày 28 /02/2013 của UBND tỉnh Long An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về phạm vi hành lang an toàn đường bộ đối với các tuyến đường thuộc tỉnh, huyện, xã quản lý trên địa bàn tỉnh Long An và trách nhiệm về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối các tuyến đường thuộc tỉnh, huyện, xã quản lý trên địa bàn tỉnh Long An;
Làm cơ sở pháp lý cho việc cải tạo, sửa chữa nâng cấp, giải tỏa mở rộng hành lang an toàn đường bộ; xây dựng nhà ở, công trình và vật kiến trúc hai bên hành lang an toàn đường bộ.
Điều 2. Quy định đối với khu vực quy hoạch mới
Khi quy hoạch xây dựng khu đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn, cửa khẩu, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư đô thị, khu dân cư vượt lũ,…có đường bộ đi qua thì cấp đường quy hoạch tối thiểu phải lớn hơn một cấp so với cấp đường bộ quy hoạch được phê duyệt và giới hạn hành lang an toàn đường bộ tính theo bề rộng vỉa hè hoặc chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Điều 3. Quy định đối với khu vực quy hoạch đã phê duyệt
Đối với khu vực có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng thì áp dụng giới hạn hành lang an toàn đường bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều 4. Yêu cầu về xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ
1. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình chỉ được phép xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ được quy định trong bản quy định này.
2. Nhà ở, công trình, vật kiến trúc khác nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ chỉ được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn, vệ sinh; không được tăng diện tích, không được nâng cấp công trình. Khi nhà nước thu hồi đất thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải tỏa, thu hồi đất của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (UBND cấp huyện).
Điều 5. Yêu cầu về cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hành lang an toàn đường bộ
Khi thực hiện việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hành lang an toàn đường bộ, đơn vị thi công chỉ được phép thi công đúng hành lang an toàn đường bộ. Trường hợp thi công ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ hoặc thi công mở rộng hành lang an toàn đường bộ, phải được phép của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Hành vi bị nghiêm cấm
Nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc lấn chiếm phạm vi hành lang an toàn đường bộ và các hành vi chiếm dụng hành lang an toàn đường bộ sử dụng vào mục đích khác.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ
Điều 7. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm: đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ
1. Đất của đường bộ: bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ (dưới đây gọi tắt phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ là phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ).
a) Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ.
b) Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên như sau:
- 03 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II;
- 02 mét đối với đường cấp III;
- 01 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống.
2. Đất hành lang an toàn đường bộ: là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.
Điều 8. Xác định phạm vi hành lang an toàn đường bộ
1. Phạm vi hành lang an toàn đường bộ: Là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.
2. Phạm vi hành lang an toàn đường bộ được xác định sau khi đã xác định phạm vi đất của đường bộ, cụ thể:
a) Trường hợp phần hành lang an toàn đường bộ còn lại lớn hơn hoặc bằng bề rộng theo quy định tại khoản 3, Điều này thì giữ nguyên.
b) Trường hợp phần hành lang an toàn đường bộ còn lại nhỏ hơn bề rộng theo quy định tại khoản 3, Điều này thì tiến hành xác định lại phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại Điều này.
3. Phạm vi hành lang an toàn đường bộ trong quy định này bao gồm:
a) Giới hạn hành lang an toàn đường bộ ngoài khu vực đô thị, được quy định như sau:
Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là:
- 47 mét đối với đường cao tốc;
- 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;
- 13 mét đối với đường cấp III;
- 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;
- 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.
b) Hành lang an toàn đường bộ đối với đường đô thị là vỉa hè dành cho người đi bộ. Vỉa hè dành cho người đi bộ được tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa (sông, kênh, rạch, hồ…) thì ranh giới hành lang an toàn đường bộ tính đến mép bờ tự nhiên. Quy định về hành lang bảo vệ đường thủy nội địa được thực hiện theo pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Điều 9. Giới hạn hành lang an toàn đối với các công trình cầu, cống, bến phà, kè, tường chắn
Việc xác định phạm vi hành lang an toàn đối với công trình cầu, cống, bến phà, kè, tường chắn... được thực hiện theo quy định tại các Điều 16,18,19,20 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 10. Giới hạn phạm vi đất dành cho đường bộ đối với các tuyến đường thuộc tỉnh, huyện, xã quản lý trên địa bàn tỉnh
a) Để thuận tiện trong công tác quản lý, giới hạn phạm vi đất dành cho đường bộ đối với các tuyến đường tỉnh trong Bảng Phụ lục kèm theo Quy định này được xác định trung bình từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên.
b) Trên cơ sở Quyết định này, UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương được phê duyệt tiến hành triển khai công tác quy hoạch giao thông vận tải đường bộ địa phương; Xây dựng giới hạn phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường huyện, đường xã và phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Giao thông Vận tải trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Giải quyết các tồn tại về sử dụng hành lang an toàn đường bộ
1. Công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ, được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới, mở rộng; người sử dụng đất phải ký cam kết với UBND cấp xã và đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường về việc không cơi nới, mở rộng.
2. Trường hợp sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ có ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (đối với đường do cấp tỉnh quản lý), UBND cấp huyện (đối với đường bộ do cấp huyện quản lý) chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất đã có trước khi hành lang an toàn đường bộ được công bố.
3. Đối với các công trình điện hiện hữu đang sử dụng hành lang an toàn đường bộ, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày công bố quy hoạch nâng cấp, mở rộng đường giao thông thì chủ sở hữu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ thỏa thuận phần kinh phí di dời công trình lưới điện do đơn vị mình quản lý, khai thác.
Đối với các công trình lưới điện có trước khi có quy hoạch đường giao thông, thì Chủ đầu tư dự án đường giao thông phải đưa kinh phí di dời lưới điện này vào thành phần chi phí của dự án.
4. Đối với trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, kiên quyết giải toả, không bồi thường cho các tổ chức, cá nhân vi phạm.
5. Cơ sở giải quyết việc đền bù, giải toả khi bắt buộc di dời các công trình tồn tại trong hành lang an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai phải căn cứ mốc thời gian xây dựng công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc phối hợp với UBND cấp xã căn cứ tài liệu điều tra, lưu trữ để lập bình đồ duỗi thẳng thể hiện vị trí, thời gian xây dựng, quy mô các công trình nằm trong đất hành lang an toàn giao thông quy định tại Điều 43 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ và Điều 25 Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông Vận tải.
Điều 12. Phân công trách nhiệm
1. Sở Giao thông Vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án cắm mốc giới hạn xác định hành lang an toàn đường bộ trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, công bố công khai và tổ chức việc cắm mốc hành lang an toàn đường bộ trên thực địa và bàn giao cho UBND cấp xã quản lý, bảo vệ phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cắm mốc.
b) Chỉ đạo Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi lấn, chiếm và sử dụng trái phép hành làng an toàn đường bộ. Ngay khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu đình chỉ hành vi vi phạm và thông báo ngay cho UBND cấp huyện, cấp xã để phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo thẩm quyền.
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã trực tiếp quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
d) Phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hiện trạng và lập phương án giải tỏa, trình UBND tỉnh phương án giải toả khi có yêu cầu đối với những tuyến đường đã thực hiện giải toả nhưng chưa đúng quy định về phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định hiện hành hoặc chưa tổ chức thực hiện việc giải tỏa.
2. Công an tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng trong ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo thẩm quyền. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với UBND cấp huyện và Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc quy hoạch và sử dụng đất dành cho đường bộ; quy định về bảo vệ môi trường do tác động của giao thông đường bộ gây ra.
4. Sở Xây dựng
Chỉ đạo, hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện trong công tác lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc nằm cặp theo 2 bên tuyến đường nêu trong bản quy định này, không được vi phạm vào hành lang an toàn đường bộ và đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của lề đường.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện tổng hợp, phân bổ kinh phí quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp của ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
6. Các Sở, Ban ngành khác
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện; Phối hợp Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các tổ chức cá nhân tuân thủ quy định này.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, nhằm nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
b) Chịu trách nhiệm lập kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên mạng lưới đường liên huyện, liên xã trong phạm vi địa bàn được phân cấp quản lý. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm trái phép hành lang an toàn đường bộ theo quy định.
c) Đối với đường giao thông nông thôn, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm lập kế hoạch giải tỏa nhà, công trình, vật kiến trúc, . . . nằm trong hành lang an toàn đường bộ khi có nhu cầu trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
d) Trong công tác quản lý, bảo vệ công trình đường bộ và đất của đường bộ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn, chiếm và sử dụng trái phép đất của đường bộ. Ngay khi phát hiện đơn vị được giao quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm; nếu cần thiết, phải áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ. Trong vòng 24 giờ sau khi lập biên bản vi phạm, đơn vị được giao quản lý đường bộ phải lập hồ sơ vi phạm gửi đến cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhân dân hiểu rõ các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, nhằm nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định pháp luật.
b) Thường xuyên kiểm tra và phối hợp với Thanh tra giao thông, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ theo quy định pháp luật.
c) Có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý, bảo vệ mốc hành lang an toàn đường bộ đã được cắm trên thực địa.
Điều 13. Tổ chức, triển khai thực hiện
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo, đề xuất trình UBND tỉnh./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|