cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 Về Quy định quản lý và xét duyệt cán bộ, công, viên chức đi nước ngoài do thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 22-01-2013
  • Ngày có hiệu lực: 01-02-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2183 ngày (5 năm 11 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-01-2019, Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 Về Quy định quản lý và xét duyệt cán bộ, công, viên chức đi nước ngoài do thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2013/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ XÉT DUYỆT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI NƯỚC NGOÀI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân;

Căn cứ Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ;

Căn cứ Quyết định số 1023-QĐ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy định về quản lý, xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 686/TTr-SNV ngày 05 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ XÉT DUYỆT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này xác định thẩm quyền quản lý, xét duyệt và cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đi nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức; Viên chức được quy định tại Luật Viên chức do Ủy ban nhân dân thành phố quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ (trừ các chức danh cán bộ theo Quyết định số 1023-QĐ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài), cụ thể:

1. Cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

2. Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập các cấp thuộc thành phố, quận - huyện quản lý như: Bệnh viện, Viện, Trường học, Chi cục, Trung tâm, Báo, Đài (trừ Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Tuổi trẻ) đã được tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

3. Nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

4. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các Tổng Công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kiểm soát viên.

5. Cán bộ, công chức, viên chức được thành phố cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước và các đối tượng khác theo phân công, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.

Điều 3. Đối tượng chưa xét duyệt đi nước ngoài

Cán bộ, công chức, viên chức chưa được xét duyệt đi nước ngoài thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Các đơn vị đang tiến hành thanh tra, kiểm tra mà trong đó cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm có liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra, kiểm tra tại cơ quan, đơn vị công tác.

2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

6. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

7. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

8. Vì lý lo ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

Điều 4. Nguyên tắc xét duyệt đi nước ngoài

1. Việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lập với các đoàn đi trước. Thành phần đoàn cần gọn, gồm những người thực sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, chi phí phải tiết kiệm theo quy định. Khi kết thúc chuyến đi phải báo cáo kết quả cho cấp có thẩm quyền, theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Quy định này.

2. Việc chọn cử, cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài phải bảo đảm an ninh, bí mật quốc gia, bí mật cơ quan đang công tác; việc đi nước ngoài không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

3. Cơ quan và người có thẩm quyền cử, cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài theo đúng phân cấp quản lý, đúng ủy quyền xét duyệt cho cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài trong Quy định này.

4. Việc mời, xin phép và cấp phép đi nước ngoài phải thể hiện bằng văn bản; tổ chức, cá nhân liên quan đến chuyến đi có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác tài liệu, thông tin cần thiết để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hồ sơ xét duyệt được lưu trữ tại cơ quan ra quyết định.

5. Quốc gia và vùng lãnh thổ mà cán bộ, công chức, viên chức được cử đến học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phải có những thành tựu tiên tiến trong lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế, kỹ thuật, khoa học-công nghệ; có kinh nghiệm quản lý về lĩnh vực cần học tập, nghiên cứu và có thể áp dụng tại Việt Nam; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của quốc gia và vùng lãnh thổ được cử đến phải có các điều kiện học tập, nghiên cứu, phương pháp giảng dạy đáp ứng được mục đích, nội dung, chương trình của khóa đào tạo, bồi dưỡng.

6. Việc cử, cho phép cán bộ, đảng viên đi nước ngoài phải thực hiện đúng Điều 5 Chương III quy định việc ra nước ngoài, quan hệ tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị “Về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 5. Tiêu chuẩn xét duyệt đi nước ngoài vì mục đích công vụ

Những người được cử, cho phép đi nước ngoài vì mục đích công vụ phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

1. Bảo đảm tin cậy về chính trị, không có dấu hiệu phức tạp về chính trị và phẩm chất, đạo đức.

2. Có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chuyến đi nước ngoài; nội dung đi nước ngoài để nghiên cứu, hội nghị, hội thảo phải phù hợp với chức trách, nhiệm vụ đang được phân công đảm nhiệm.

3. Có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

4. Các trường hợp đi nước ngoài để tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bằng nguồn ngân sách nhà nước, ngoài các tiêu chuẩn nêu trên còn phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 18 Chương III Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ XÉT DUYỆT ĐI NƯỚC NGOÀI

Điều 6. Thẩm quyền xét duyệt, quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích công vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, khảo sát, thực tập, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài về việc riêng đối với các đối tượng sau:

a) Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan ngang sở, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

c) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, kiểm soát viên các Tổng Công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.

d) Các trường hợp đi nước ngoài về việc riêng nhưng có thư mời đích danh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

3. Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện; Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị trực thuộc các cơ quan trên (có tư cách pháp nhân và con dấu) quyết định cho phép cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc quyền quản lý của đơn vị (kể cả người làm công theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên) đi nước ngoài về việc riêng như: Du lịch, thăm gia đình, thăm người thân, chữa bệnh…

Điều 7. Phân công thẩm định hồ sơ, xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích công vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, khảo sát, thực tập, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, hội thảo từ 01 ngày đến dưới 03 tháng và về việc riêng cho các đối tượng nêu tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 6 của Quy định này.

2. Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích công vụ, đào tạo, bồi dưỡng, thực tập, nghiên cứu từ đủ 03 tháng trở lên.

3. Các trường hợp đi nước ngoài về việc riêng (kể cả cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) nhưng có thư mời đích danh theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 6 Quy định này, Sở Nội vụ lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Ngoại vụ, Công an thành phố và thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

4. Sở Ngoại vụ xem xét, cấp hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao cho cán bộ, công chức khi có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Có ý kiến thẩm định đối với các trường hợp đi nước ngoài về việc riêng có thư mời đích danh và các trường hợp khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố. Thời gian thẩm định không quá 05 ngày làm việc.

5. Công an thành phố có trách nhiệm:

a) Thẩm tra, xác minh và có ý kiến về mặt an ninh đối với nhân sự được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài và các trường hợp khác theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

b) Trực tiếp trao đổi với các cơ quan liên quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước khi đi nước ngoài đối với nhân sự có vấn đề về chính trị, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thời gian thẩm tra, xác minh không quá 07 ngày làm việc.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan được giao thẩm quyền xét duyệt, quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài

1. Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện; Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc thành phố và các đơn vị trực thuộc được phân công, ủy quyền quyết định cho phép cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc quyền đi nước ngoài về việc riêng phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để xem xét, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm giới thiệu con dấu cơ quan và chữ ký của Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc thành phố và các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố được quyền quyết định cho phép cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đi nước ngoài về việc riêng của Quy định này cho Bộ Công an, Công an thành phố.

Điều 9. Thành phần hồ sơ đề nghị đi nước ngoài vì mục đích công vụ và xin xét duyệt đi nước ngoài về việc riêng của cán bộ, công chức, viên chức

1. Thành phần hồ sơ đề nghị đi nước ngoài vì mục đích công vụ:

a) Công văn đề nghị do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký (nêu rõ mục đích, nội dung, thời gian, kinh phí chuyến đi…).

b) Phiếu xác minh của Công an thành phố.

c) Thư mời của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế (bản phô tô và bản dịch).

d) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác theo đoàn (khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm) thời gian dưới 10 ngày thì cơ quan được giao chủ trì hoặc chủ trì chuyến đi chịu trách nhiệm lập hồ sơ theo Điểm a, c, d Khoản này trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

2. Thành phần hồ sơ xin xét duyệt đi nước ngoài về việc riêng:

a) Đi nước ngoài về việc riêng không có thư mời đích danh, hồ sơ gồm có:

- Công văn đề nghị do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký.

- Đơn xin phép đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức.

b) Đi nước ngoài về việc riêng có thư mời đích danh, hồ sơ gồm có:

- Công văn đề nghị do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký (nêu rõ mục đích, nội dung, thời gian, kinh phí, đơn vị tài trợ chuyến đi).

- Đơn xin phép đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức.

- Phiếu xác minh của Công an thành phố.

- Thư mời của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế (bản phô tô và bản dịch).

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Điều 10. Thời gian nộp hồ sơ đề nghị đi nước ngoài vì mục đích công vụ và xin xét duyệt đi nước ngoài về việc riêng của cán bộ, công chức, viên chức

1. Thời gian nộp hồ sơ đề nghị đi nước ngoài vì mục đích công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

a) Đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích công vụ có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ theo Quy định này về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trước 10 ngày làm việc, kể từ ngày đi công tác đối với các trường hợp đi công tác theo Khoản 1 Điều 7 của Quy định này.

b) Đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích công vụ có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ theo Quy định này về Sở Nội vụ thành phố trước 15 ngày làm việc kể từ ngày đi công tác đối với các trường hợp đi công tác theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 của Quy định này.

2. Thời gian nộp hồ sơ xin xét duyệt đi nước ngoài về việc riêng của cán bộ, công chức, viên chức.

a) Đi nước ngoài về việc riêng không có thư mời đích danh: hồ sơ nộp về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trước 07 ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ đi nước ngoài.

b) Đi nước ngoài về việc riêng có thư mời đích danh: hồ sơ nộp về Sở Nội vụ thành phố trước 20 ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ đi nước ngoài.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được xét duyệt, cử đi nước ngoài

1. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử, cho phép đi nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có trách nhiệm báo cáo và gửi cấp ủy chi bộ nơi đang sinh hoạt một bản sao quyết định. Cấp ủy - chi bộ có đảng viên đi nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Trong thời gian ở nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác, học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi ở nước ngoài, chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại.

3. Sau khi về nước, trong thời gian 07 ngày làm việc, trưởng đoàn (nếu đi theo đoàn), cán bộ, công chức, viên chức (nếu đi riêng lẻ) báo cáo kết quả chuyến đi gửi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử, cho phép đi nước ngoài, người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý và chi bộ nơi đang sinh hoạt đảng (nếu là đảng viên). Nội dung, thời hạn nộp báo cáo là cơ sở để cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đi nước ngoài lần sau.

4. Quản lý, sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:

a) Cơ quan chủ quản cần đảm bảo các cá nhân được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được sử dụng một loại hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho mỗi chuyến đi công tác nước ngoài với quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao. Không sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích kinh doanh, du lịch và các mục đích khác không mang tính chất công vụ. Khi phát hiện hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ bị mất vì bất cứ lý do gì, cơ quan quản lý cán bộ và cá nhân được cấp hộ chiếu cần thông báo ngay bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ thành phố. Hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao do cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức quản lý; Hộ chiếu phổ thông do cán bộ, công chức, viên chức giữ, bảo quản.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không còn thuộc diện được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (nghỉ hưu, ra khỏi diện biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động, bị chết, bị mất tích...) mà hộ chiếu được cấp vẫn còn giá trị, thì Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải làm thủ tục thu hồi để nộp lại cho cơ quan cấp hộ chiếu theo quy định.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, cán bộ, công chức phải nộp hộ chiếu cho cơ quan quản lý, trừ trường hợp có lý do chính đáng do Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp, ủy quyền quyết định chọn cử tập thể, cá nhân đi nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính thiết thực, hiệu quả của chuyến đi, có trách nhiệm bồi hoàn để thu hồi nộp vào ngân sách đối với các trường hợp chi sai quy định pháp luật.

Điều 13. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm với cấp trên về việc xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; thường xuyên phối hợp với cấp ủy, ủy ban kiểm tra, thanh tra nhân dân cùng cấp kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Định kỳ hàng năm, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra hộ chiếu của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên để phòng ngừa việc xuất cảnh, nhập cảnh không phép; khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, phải báo cáo cấp trên có ý kiến chỉ đạo xử lý.

Điều 14. Cán bộ, công chức, viên chức ra nước ngoài phải chấp hành nghiêm Quy định này, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.

Điều 15. Căn cứ Quy định này, cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung ban hành, quy định, quy chế quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đi nước ngoài của cơ quan, đơn vị.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối và các cơ quan chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị; kịp thời tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bổ sung Quy định này đúng với quy định của Đảng và pháp luật hiện hành.

Điều 16. Các cơ quan, đơn vị phải tuân thủ thực hiện đúng Quy định này và có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo số lượng, kết quả xét duyệt, cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài của đơn vị mình gửi về Sở Nội vụ vào cuối tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, trở ngại, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản thông qua Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.