cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 168/QĐ-TLĐ ngày 09/01/2013 Về Quy định phân phối nguồn thu tài chính công đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 168/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Ngày ban hành: 09-01-2013
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 365 ngày (1 năm )
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2014, Quyết định số 168/QĐ-TLĐ ngày 09/01/2013 Về Quy định phân phối nguồn thu tài chính công đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1935/QĐ-TLĐ ngày 29/11/2013 Quy định phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoànban hành bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 168/QĐ–TLĐ

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN PHỐI NGUỒN THU TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X.

- Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Quy định về phân phối nguồn thu tài chính công đoàn

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, thay thế Quy định số 1070/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 09 năm 2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về phân phối nguồn thu ngân sách công đoàn.

Điều 3: Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; Công đoàn các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3
- Các đ/c UVĐCT TLĐ
- Lưu: Văn thư TLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

QUY ĐỊNH

PHÂN PHỐI NGUỒN THU TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 168/QĐ-TLĐ ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này quy định việc phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Đối tượng áp dụng là các cấp công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, bao gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn; Công đoàn cấp trên cơ sở; LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc phân phối

1. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn là phân phối nguồn kinh phí và đoàn phí công đoàn. Nguồn thu khác của đơn vị nào đơn vị đó sử dụng, nguồn ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo chủ động cho các cấp công đoàn trong việc khai thác và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài chính công đoàn.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở.

Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn và 100% số thu khác của đơn vị.

Điều 5. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên.

Công đoàn cấp trên cơ sở; LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng 35% tổng số thu kinh phí công đoàn và 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn. Thu khác của đơn vị nào đơn vị đó được sử dụng.

1. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc do LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy định.

2. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

a. Đơn vị nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn.

- LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có số kinh phí và đoàn phí công đoàn của Công đoàn cấp trên cơ sở trở lên được sử dụng (35% số thu kinh phí và 40% số thu đoàn phí) chênh lệch so với số chi của đơn vị tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm trên 10% phải nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn. Số kinh phí phải nộp = ( Tổng số thu kinh phí, đoàn phí của đơn vị) x Mức nộp. Mức nộp như sau:

Bậc

Số thu

Mức nộp (%)

1

Từ 450 tỷ đồng trở lên

5

2

Từ 400 tỷ đồng đến dưới 450 tỷ đồng

4,5

3

Từ 350 tỷ đồng đến dưới 400 tỷ đồng

4

4

Từ 300 tỷ đồng đến dưới 350 tỷ đồng

3,5

5

Từ 250 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng

3

6

Từ 200 tỷ đồng đến dưới 250 tỷ đồng

2,5

7

Từ 150 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng

2

8

Từ 100 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ đồng

1,5

9

Tõ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng

1

10

Dưới 50 tỷ đồng

0,5

Trong năm nộp theo dự toán, khi có báo cáo quyết toán nộp theo số thu quyết toán.

Đối với đơn vị nộp về Tổng Liên đoàn theo mức trên, khi giao chỉ tiêu nộp, phải đảm bảo cho đơn vị cân đối thu, chi tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm chênh lệch tối thiểu bằng 10%.

b. Đơn vị cân đối thu, chi.

Các đơn vị có số kinh phí và đoàn phí của công đoàn cấp trên cơ sở trở lên được sử dụng (35% số thu kinh phí và 40% số thu đoàn phí) cân đối với số chi tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm hoặc chênh lệch 10% trở xuống được cân đối thu chi.

c. Đơn vị được cấp hỗ trợ.

Các đơn vị có số kinh phí và đoàn phí công đoàn các công đoàn cấp trên cơ sở trở lên được sử dụng (35% số thu kinh phí và 40% số thu đoàn phí) không cân đối được số chi theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo, được cấp hỗ trợ phần chênh lệch.

d. Sử dụng số thu của Tổng Liên đoàn.

Số thu của Tổng Liên đoàn do các đơn vị nộp lên để chi cho cơ quan và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; cấp hỗ trợ cho cỏc đơn vị và dự phũng tài chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Điều khoản thi hành.

1. Ban Tài chính Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định nguyên tắc xây dựng dự toán, chỉ tiêu thu, nộp, định mức chi hàng năm.

a- Định mức chi của các đơn vị nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn cao hơn định mức chi của các đơn vị tự cân đối và định mức chi của các đơn vị tự cân đối cao hơn các đơn vị được cấp hỗ trợ.

b- Giao chỉ tiêu cho các đơn vị nộp về Tổng Liên đoàn, các đơn vị tự cân đối và các đơn vị được cấp hỗ trợ căn cứ số cán bộ công đoàn chuyên trách do Tổng Liên đoàn thông báo. Các tỉnh miền núi được tính hệ số 1,5.

2. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ quy định này để ban hành Quy định phân phối nguồn thu tài chính của công đoàn cấp mình và công đoàn cấp trên cơ sở.

3- Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy định phân phối tài chính của cấp mình và công đoàn cấp dưới.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.