cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 Về Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 05-01-2013
  • Ngày có hiệu lực: 15-01-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-05-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1567 ngày (4 năm 3 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-05-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-05-2017, Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 Về Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 19/2017/QĐ-UBND Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2005;

Theo Công văn 02/HĐND-THKT ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về thống nhất ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1264/SKHĐT-TTr ngày 31 tháng 8 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1337/2009/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2009 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Cục trưởng: Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2005.

Các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư vào Thừa Thiên Huế ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh theo quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện đầu tư dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 3. Lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư

1. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư:

Thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

2. Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư:

a) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: huyện Nam Đông, huyện A Lưới, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

b) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà; các khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Danh mục dự án hỗ trợ đầu tư

1. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng: khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu công nghệ cao nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ tại các KCN, CCN, khu công nghệ cao được quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

3. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng: khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tại các khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin được quy định tại khoản 3 Điều này nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

5. Các dự án đầu tư vào địa bàn 02 huyện Nam Đông và A Lưới thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư (trừ dự án thủy điện).

6. Các dự án đầu tư vào địa bàn các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

7. Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

8. Dự án sử dụng thường xuyên từ 200 lao động trở lên.

Chương II

ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Điều 5. Ưu đãi về thuế và đất đai

Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết thực hiện theo quan điểm nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai.

Điều 6. Hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào

1. Các dự án thuộc danh mục hỗ trợ đầu tư ghi tại Điều 4 Quy định này được Tỉnh hỗ trợ các công trình giao thông, điện, nước ngoài hàng rào dự án như sau:

a) Về giao thông: Đảm bảo đầu tư công trình giao thông phù hợp với quy hoạch được duyệt, quy mô đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dự án của nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Về điện phục vụ thi công: Đảm bảo đầu tư hạ tầng công trình điện đến chân hàng rào dự án.

c) Về nước: Đảm bảo đầu tư hạ tầng công trình nước đến chân hàng rào dự án. UBND tỉnh xem xét cụ thể quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Công ty TNHH nhà nước một thành viên xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế đầu tư tùy theo dự án cụ thể.

2. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được Tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cụm công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải.

3. Các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp không được tính các khoản chi phí hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vào giá cho thuê đất và phí hạ tầng.

Điều 7. Hỗ trợ giao đất sạch, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn

1. Các dự án thuộc danh mục hỗ trợ đầu tư ghi tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 4 Quy định này được Tỉnh hỗ trợ giao đất sạch để thực hiện dự án.

2. Các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy định này được Tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án, riêng đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn lại do nhà đầu tư tự bỏ vốn thực hiện và được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Trường hợp Nhà đầu tư có thực hiện bảo đảm đầu tư dự án thì được sử dụng kinh phí bảo đảm này để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục và công bố các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Các dự án thuộc danh mục hỗ trợ đầu tư ghi tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 4 Quy định này được Tỉnh hỗ trợ về rà phá bom, mìn, vật nổ.

Điều 8. Ưu đãi, hỗ trợ các dự án trong khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin Miễn tiền thuê nhà 6 tháng đầu theo hợp đồng với diện tích bình quân không quá 5m2/người hoặc không quá 100m2/doanh nghiệp cho 10 (mười) doanh nghiệp đầu tiên đăng ký vào hoạt động tại khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin của Tỉnh thuộc lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (chuyên sâu về lập trình, mạng và cơ sở dữ liệu), sản xuất sản phẩm phần mềm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Điều 9. Hỗ trợ đào tạo

Nhà đầu tư tuyển dụng lao động là người dân trên địa bàn tỉnh để phục vụ các dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp thường xuyên sử dụng từ 200 lao động trở lên (có hợp đồng lao động từ 01 năm trở lên và tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định) được Tỉnh hỗ trợ với thời gian và mức hỗ trợ như sau:

- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/khóa. Mỗi lao động được hỗ trợ đào tạo 1 lần trong suốt thời gian làm việc tại doanh nghiệp.

- Thời gian hỗ trợ: trong thời gian thi công và 3 năm đầu kể từ ngày dự án đi vào hoạt động.

Nguồn hỗ trợ được cấp từ nguồn kinh phí đào tạo hàng năm của Tỉnh và được hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp theo quy định hỗ trợ như trên.

Điều 10. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư

Các doanh nghiệp có dự án thuộc danh mục hỗ trợ đầu tư ghi tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 4 Quy định này được hỗ trợ chi phí đi lại để tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài theo Kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh, cụ thể như sau:

- Không quá 50 triệu đồng/lượt/doanh nghiệp.

- Mỗi doanh nghiệp không quá 04 lượt trong suốt quá trình hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn hỗ trợ được cấp từ nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư hàng năm của Tỉnh.

Điều 11. Hỗ trợ khác

Các dự án trọng điểm, có tính chất quan trọng, UBND tỉnh sẽ thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho phép áp dụng thêm các hỗ trợ đầu tư ngoài các hỗ trợ theo Quy định này.

Điều 12. Hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư

Về nguyên tắc, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các hạng mục quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 và 10 Quy định này bằng nguồn vốn ngân sách của Tỉnh. Trường hợp nhà đầu tư cần thực hiện sớm các hạng mục hỗ trợ nhằm đáp ứng tiến độ dự án đầu tư trong điều kiện ngân sách Tỉnh chưa kịp bố trí trong kế hoạch vốn hàng năm, nhà đầu tư có thể ứng trước kinh phí để thực hiện và được Tỉnh bố trí hoàn trả trong kế hoạch vốn của năm kế hoạch kế tiếp khi:

- Nhà đầu tư hoàn thành 20% giá trị khối lượng dự án đầu tư (đối với dự án không phân chia làm nhiều giai đoạn).

- Nhà đầu tư hoàn thành 20% giá trị khối lượng giai đoạn 1 của dự án đầu tư (đối với dự án phân chia làm nhiều giai đoạn được cấp có thẩm quyền chấp thuận).

Trình tự thủ tục thực hiện các hạng mục hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Xử lý chuyển tiếp

Các dự án đã được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo các chính sách trước đây của Tỉnh thì tiếp tục được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo các chính sách đó cho thời gian còn lại. Trường hợp mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thấp hơn mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Quy định này thì nhà đầu tư được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Quy định này cho thời gian còn lại.

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục và công bố các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính và các ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

c) Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính và các ngành liên quan trong việc đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trình UBND tỉnh quyết định đối với các hạng mục: công trình kết cấu hạ tầng, rà phá bom mìn, cụm đầu mối nhà máy xử lý nước thải, hỗ trợ xúc tiến đầu tư.

d) Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của UBND tỉnh và pháp luật hiện hành.

g) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

h) Tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định này; báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

2. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan trong việc đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trình UBND tỉnh quyết định đối với các hạng mục: hỗ trợ giao đất sạch, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của UBND tỉnh và pháp luật hiện hành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.

b) Tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục xác nhận liên quan đến việc hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của các dự án nằm trong khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

c) Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính và các ngành liên quan trong việc đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trình UBND tỉnh quyết định đối với các dự án trong khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của UBND tỉnh và pháp luật hiện hành.

4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô:

a) Hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với các dự án nằm trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

b) Tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục xác nhận liên quan đến việc hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của các dự án nằm trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của UBND tỉnh và pháp luật hiện hành.

5. Các Sở, ban, ngành khác và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế có trách nhiệm giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện dự án.

Điều 15. Trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng nội dung và tiến độ đã cam kết.

2. Trường hợp dự án có lý do chính đáng về việc triển khai chậm tiến độ đã cam kết, nhà đầu tư phải báo cáo giải trình, cam kết lại tiến độ thực hiện với Uỷ ban nhân dân tỉnh để được xem xét việc gia hạn tiến độ.

3. Nhà đầu tư chỉ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Tỉnh theo Quy định này khi dự án được thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết và được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Quy định

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Quy định cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. Các dự án trong KCN, CCN:

1. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN: KCN Phong Điền, KCN công nghệ cao thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô; CCN Tứ Hạ, Bắc An Gia.

2. Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên tại các KCN và từ 50 tỷ đồng trở lên tại các CCN được quy định tại khoản 1, mục I Phụ lục này nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

II. Các dự án trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin:

3. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng: khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tại các khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin được quy định tại khoản 1, mục II Phụ lục này nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

III. Các dự án công nghiệp:

5. Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời (chế biến sâu sản phẩm và nâng cao giá trị nguồn cát trắng nguyên liệu).

6. Nhà máy sản xuất kính an toàn (chế biến sâu sản phẩm và nâng cao giá trị nguồn cát trắng nguyên liệu).

7. Tổ hợp năng lượng mặt trời (sản xuất năng lượng sạch bổ sung nguồn điện lưới quốc gia).

8. Tổ hợp năng lượng gió (sản xuất năng lượng sạch bổ sung nguồn điện lưới quốc gia).

9. Nhà máy sản xuất bông xơ sợi tổng hợp (sản xuất bông xơ sợi từ nhựa tổng hợp làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sợi, vải).

10. Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may (phục vụ cho các nhà máy dệt, may xuất khẩu trên địa bàn và khu vực).

IV. Các dự án du lịch:

11. Xây dựng khu du thuyền và các dịch vụ đi kèm tại KKT Chân Mây - Lăng Cô.

V. Các dự án thuộc lĩnh vực khác:

12. Đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, KKT, CCN.

13. Vườn địa đàng tại xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy.

14. Phát triển chăn nuôi lợn (sử dụng công nghệ tiên tiến).

15. Nhà máy xử lý nước thải tại các KCN, KKT, CCN.

 

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC, QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. Quy trình thực hiện:

1. Nhà đầu tư gửi văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư đến UBND tỉnh (theo mẫu 1, phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy định này). UBND tỉnh sẽ xem xét trả lời cho nhà đầu tư trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

2. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện theo đề nghị của nhà đầu tư phù hợp với các quy định tại Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Đối với những hạng mục hỗ trợ được thực hiện bằng nguồn kinh phí ứng trước của nhà đầu tư, sau khi hoàn thành các hạng mục được hỗ trợ (theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình và phi công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước), nhà đầu tư chuẩn bị các loại hồ sơ sau đây và nộp tại cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ để được xem xét việc hoàn trả kinh phí ứng trước:

a) Công văn đề nghị hỗ trợ hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư (theo mẫu 2, phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy định này);

b) Văn bản về việc chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư của UBND tỉnh.

c) Giấy chứng nhận đầu tư;

d) Quyết định phê duyệt quyết toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hạng mục được hỗ trợ.

đ) Giấy xác nhận của chủ đầu tư về kinh phí ứng trước của nhà đầu tư (đã chuyển đủ theo giá trị quyết toán).

e) Hồ sơ nghiệm thu hoàn thành 20% giá trị khối lượng công trình của dự án đầu tư.

g) Các hồ sơ chứng từ hợp pháp, hợp lệ liên quan khác (nếu có).

Các hồ sơ, chứng từ do các nhà đầu tư gửi đến các cơ quan thẩm định phải là bản gốc hoặc bản sao được công chứng.

II. Cơ quan và thời gian thụ lý hồ sơ hoàn trả kinh phí ứng trước của Nhà đầu tư:

1. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ:

- Đối với các công trình kết cấu hạ tầng, rà phá bom mìn, cụm đầu mối nhà máy xử lý nước thải, hỗ trợ xúc tiến đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đối với hỗ trợ giao đất sạch, hỗ trợ đào tạo: Sở Tài chính.

- Đối với các dự án nằm trong Khu Công nghiệp, Khu kinh tế: Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục xác nhận liên quan để chuyển cho các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định.

- Đối với các dự án được hỗ trợ trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin: Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục xác nhận liên quan để chuyển cho các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định.

2. Số lượng hồ sơ phải nộp: 03 bộ (trong đó có 01 bộ bản chính).

3. Thời gian thẩm định hồ sơ: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, UBND tỉnh quyết định việc hoàn trả kinh phí ứng trước cho nhà đầu tư.

 

PHỤ LỤC 3

Mẫu 1: Công văn đề nghị chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư

<NHÀ ĐẦU TƯ>
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………/…….
Về đề nghị hỗ trợ <hạng mục...> phục vụ <dự án đầu tư…>

Thừa Thiên Huế, ngày    tháng    năm

 

Kính gửi:

- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;

- <Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ>;

- Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh (đối với các dự án nằm trong Khu Công nghiệp);

- Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (đối với các dự án nằm trong KKT);

- Sở Thông tin và Truyền thông (đối với các dự án nằm trong Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin).

 

Qua nghiên cứu chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, xét thấy <dự án đầu tư…> thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, <nhà đầu tư> đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ <hạng mục…> nhằm phục vụ <dự án đầu tư…> với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; Địa điểm xây dựng; Ngày khởi công, hoàn thành;

2. Tên hạng mục đề nghị hỗ trợ; Dự kiến ngày khởi công, hoàn thành;

3. Dự kiến kinh phí đề nghị hỗ trợ;

4. Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự đầy đủ, chính xác, tính pháp lý của những hồ sơ, chứng từ cung cấp./.

 

Tài liệu kèm theo:

□ Bản sao GCNĐT; GCNĐKKD, QĐ thành lập;

□ Bản vẽ sơ đồ vị trí khu đất.

……………, ngày ... tháng ... năm …

Nhà đầu tư

(Ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu 2: Công văn đề nghị hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư

<NHÀ ĐẦU TƯ>
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………/…….
Về đề nghị hoàn trả kinh phí ứng trước.

Thừa Thiên Huế, ngày    tháng    năm

 

Kính gửi:

- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;

- <Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ>;

- Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh (đối với các dự án nằm trong Khu Công nghiệp);

- Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (đối với các dự án nằm trong KKT);

- Sở Thông tin và Truyền thông (đối với các dự án nằm trong Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin).

 

Căn cứ Văn bản số … ngày … của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư;

Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành hạng mục được hỗ trợ đầu tư, kính đề nghị UBND tỉnh hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; Địa điểm xây dựng; Ngày khởi công, hoàn thành;

2. Tên hạng mục đề nghị hỗ trợ; Ngày khởi công, hoàn thành;

3. Chi phí hạng mục được hỗ trợ theo quyết toán được duyệt;

4. Tên, số tài khoản ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để chuyển tiền;

5. Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự đầy đủ, chính xác, tính pháp lý của những hồ sơ, chứng từ cung cấp./.

 

Tài liệu kèm theo:

□ Các hồ sơ quy định tại khoản 3, mục I, phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy định này.

…………….., ngày ... tháng ... năm …

Nhà đầu tư

(Ký tên, đóng dấu)