cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 Về Quy định thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 46/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Ngày ban hành: 28-12-2012
  • Ngày có hiệu lực: 07-01-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2243 ngày (6 năm 1 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 Về Quy định thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2012/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo;

Căn cứ Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011 của Thanh tra Chính phủ Quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 652/TTr-TTr ngày 25/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; các cơ quan, tổ chức đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục II - Thanh tra Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh, TT. UBND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp (kiểm tra văn bản);
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Báo Khánh Hòa, Đài PTTH Khánh Hòa;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT - LT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức công khai của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Quy định này áp dụng đối với Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng các tổ chức thanh tra, cán bộ, công chức, thanh tra viên trong cơ quan thanh tra nhà nước; cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các đối tượng khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc công khai

1. Việc công khai phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến bí mật nhà nước, bí mật an ninh quốc gia và thông tin về người tố cáo.

2. Việc công khai phải bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung và hình thức theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật.

3. Các tài liệu công khai phải được lưu trong hồ sơ cuộc thanh tra, hồ sơ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Chương 2.

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG, HÌNH THỨC CÔNG KHAI

MỤC 1. HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 3. Trách nhiệm công khai

Thực hiện theo Điều 39 Luật Thanh tra và Điều 46 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Thanh tra và theo các quy định dưới đây:

1. Thực hiện công khai các hoạt động thanh tra là trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan các tổ chức thanh tra. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và của Trưởng đoàn thanh tra. Việc lựa chọn hình thức công khai, nội dung công khai, thời điểm công khai do người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xem xét và có ý kiến kịp thời chỉ đạo các tổ chức thanh tra thực hiện việc công khai kết luận tranh tra. Trường hợp trực tiếp ra quyết định thanh tra thì có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.

3. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, theo quy định tại Khoản 4 Điều 46 Nghị định 86/2011/NĐ-CP và ghi rõ tại phần nơi nhận của kết luận thanh tra. Đối với yêu cầu cung cấp kết luận thanh tra của các cơ quan khác, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, cung cấp một phần hay toàn bộ kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nội dung, hình thức công khai

Thực hiện theo quy định của Thông tư 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011 của Thanh tra Chính phủ về việc quy định phòng, chống tham nhũng trong ngành thanh tra và các quy định sau đây:

1. Công khai hoạt động thanh tra

a) Các tài liệu gồm: Quyết định thanh tra, các văn bản quy định việc phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra, quyết định phân công thanh tra viên chuyên ngành hoạt động độc lập, quyết định phân công người giám sát đoàn thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, báo cáo giám sát đoàn thanh tra được công khai bằng hình thức Thông báo bằng văn bản.

b) Thông báo được ban hành bằng hình thức Công văn, nội dung nêu tóm tắt các văn bản đã được ban hành trong hoạt động thanh tra gồm: số văn bản, ngày tháng của quyết định thanh tra, kế hoạch thanh tra, quyết định giám sát đoàn thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý qua thanh tra và các tài liệu khác.

c) Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tham mưu người ra quyết định thanh tra ký ban hành Thông báo sau 15 ngày kể từ ngày người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra.

2. Công khai Kết luận thanh tra

Thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định 86/2011/NĐ-CP và theo các quy định sau đây:

a) Các cuộc thanh tra có yêu cầu thông tin rộng, được dư luận cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh quan tâm; các cuộc thanh tra có đơn thư tố cáo có nhiều người đồng ký tên trong đơn phải công khai bằng hình thức đăng tải kết luận thanh tra trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của tỉnh.

b) Các cuộc thanh tra do ngành thanh tra thực hiện theo kế hoạch thanh tra hàng năm và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của người có thẩm quyền thực hiện công khai kết luận thanh tra bằng hình thức niêm yết tại trụ sở làm việc của đối tượng thanh tra hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của tỉnh.

MỤC 2. HOẠT ĐỘNG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Điều 5. Trách nhiệm công khai

Thực hiện công khai theo quy định tại Điều 41 Luật Khiếu nại, Điều 12 Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Khiếu nại và theo các quy định dưới đây:

1. Công khai hoạt động giải quyết khiếu nại là trách nhiệm của Thủ trưởng tổ chức thanh tra, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Việc lựa chọn hình thức công khai, nội dung công khai, thời điểm công khai do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định.

2. Cơ quan, bộ phận tham mưu Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm giúp Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện công khai theo Quy định này, khi được giao.

Điều 6. Nội dung, hình thức công khai

Thực hiện theo Điều 5 của Quy định này và các quy định sau đây:

1. Các tài liệu gồm: Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại; quyết định xác minh khiếu nại; báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại; các văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại, được công khai bằng hình thức Thông báo bằng văn bản.

a) Thông báo được ban hành bằng hình thức Công văn, nội dung nêu tóm tắt các văn bản đã được ban hành trong hoạt động giải quyết khiếu nại gồm: số văn bản, ngày tháng của Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại; quyết định xác minh khiếu nại; báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại; các văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại và các tài liệu khác.

b) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm ban hành Thông báo sau 15 ngày, kể từ ngày ký, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

2. Việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

MỤC 3. HOẠT ĐỘNG GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 7. Trách nhiệm công khai

Thực hiện công khai theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo, Điều 11 Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Tố cáo và theo các quy định dưới đây:

1. Công khai hoạt động giải quyết tố cáo là trách nhiệm của Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Việc lựa chọn hình thức công khai, nội dung công khai, thời điểm công khai do người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định.

2. Cơ quan, bộ phận tham mưu Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm giúp Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện công khai theo Quy định này, khi được giao.

Điều 8. Nội dung, hình thức công khai

Thực hiện theo Điều 7 của Quy định này và các quy định sau đây:

1. Các tài liệu gồm: Văn bản thông báo thụ lý giải quyết tố cáo, quyết định xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo, kết quả thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý tố cáo, được công khai bằng hình thức Thông báo bằng văn bản.

a) Thông báo được ban hành bằng hình thức Công văn, nội dung nêu tóm tắt các văn bản đã được ban hành trong hoạt động giải quyết tố cáo gồm: Số văn bản, ngày tháng của văn bản thông báo thụ lý giải quyết tố cáo, quyết định xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo và các tài liệu khác.

b) Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm ban hành Thông báo sau 10 ngày kể từ ngày ký, ban hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo.

2. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước và Thủ trưởng tổ chức thanh tra thuộc tỉnh; cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định về công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổng hợp kết quả thực hiện Quy định này, định kỳ hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng Thanh tra Chính phủ.