Quyết định số 92a/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 Về Quy định quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu văn bản: 92a/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 26-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 05-01-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-10-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2830 ngày (7 năm 9 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-10-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92a/2012/QĐ.UBND | Nghệ An, ngày 26 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 1011/STTTT-QLBCVT ngày 11/12/2012, Báo cáo thẩm định số 1666/BCTĐ-STP ngày 11/12/2012 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 92a/2012/QĐ.UBND ngày 26 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chương II.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện
1. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện tại: Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009; Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện; Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.
2. Tất cả các thiết bị vô tuyến điện khi đưa vào sử dụng a) Phải được chứng nhận và công bố hợp quy;
b) Phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện tương ứng (trừ các thiết bị được quy định tại điều 27 của Luật Tần số vô tuyến điện);
c) Phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện quy định tại Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện Quốc gia; Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;
d) Sử dụng đúng các tham số đã được cấp trong giấy phép, tránh gây can nhiễu đến hệ thống thông tin vô tuyến điện khác;
e) Nghiêm cấm việc tàng trữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị vô tuyến điện, máy điện thoại không dây chưa có chứng nhận hợp quy và không phù hợp các quy hoạch băng tần số ở Việt Nam.
3. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện thực hiện theo Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT ngày 28/10/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm:
a) Bản khai đề nghị cấp giấy phép theo mẫu, cụ thể:
+ Mẫu 1a. Dùng cho các mạng đài cố định, đài bờ (không liên lạc với vệ tinh), thiết bị riêng lẻ và các trường hợp không quy định tại các mẫu bản khai 1b, 1c, 1d, 1đ, 1e, 1f, 1g, 1h, 1i và 1k của Quyết định này.
+ Mẫu 1b. Dùng cho đài vô tuyến điện nghiệp dư
+ Mẫu 1c. Dùng cho đài vô tuyến đặt trên phương tiện nghề cá
+ Mẫu 1d. Dùng cho thiết bị phát thanh, truyền hình
+ Mẫu 1đ. Dùng cho đài truyền thanh không dây
+ Mẫu 1e. Dùng cho tuyến truyền dẫn vi ba
+ Mẫu 1f. Dùng cho đài vệ tinh trái đất (trừ trường hợp quy định tại điều 18 của Thông tư 24/2010/TT-BTTTTvà đài vệ tinh trái đất thuộc hệ thống GMDSS đặt trên tàu biển)
+ Mẫu 1g. Dùng cho mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ, mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động
+ Mẫu 1h. Dùng cho đài tàu (không áp dụng đối với đài vệ tinh trái đất không thuộc hệ thống GMDSS)
+ Mẫu 1i. Dùng cho đài vô tuyến điện liên lạc với phương tiện nghề cá
+ Mẫu 1k. Dùng cho thiết bị vô tuyến điện giới thiệu công nghệ tại triễn lãm, hội chợ
+ Mẫu 2. Dùng cho đề nghị cấp giấy phép sử dụng băng tần
+ Mẫu 3a. Dùng cho đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh
+ Mẫu 3b. Dùng cho đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh phi địa tĩnh.
b) Các bản sao giấy tờ kèm theo, văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền tùy theo từng loại giấy phép cụ thể được quy định chi tiết tại Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT ngày 28/10/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
c) Các tài liệu giải thích nội dung cần sửa đổi, bổ sung (khi được yêu cầu).
4. Đối với đài truyền thanh không dây cấp xã, phường, thị trấn
a) Đài truyền thanh không dây xã, phường, thị trấn chỉ được sử dụng dải tần (54-68)MHz, ưu tiên thiết bị hoạt động ở dải tần (60-68)MHz để phát sóng với công suất tối đa không quá 30W; thiết bị phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật và khi sử dụng phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện;
b) Không cấp mới giấy phép cho đài truyền thanh không dây trong băng tần (87-108)MHz;
c) Các đài truyền thanh không dây đã được cấp phép trong băng tần (87-108)MHz chỉ được tiếp tục gia hạn giấy phép nếu không gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác;
d) Khi gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác thì đài truyền thanh không dây hoạt động ở băng tần (87-108)MHz phải áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật để loại bỏ nhiễu có hại; trường hợp không loại bỏ được nhiễu có hại phải chuyển đổi xuống băng tần (54-68)MHz hoặc ngừng sử dụng;
e) Trước khi đầu tư thiết bị phải có ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông về tần số và thiết bị vô tuyến điện phải được chứng nhận hợp quy.
5. Đối với các thiết bị thông tin liên lạc đặt trên phương tiện nghề cá
a) Đối với các thiết bị thông tin liên lạc sử dụng tần số vô tuyến điện tại băng tần (26,96–27,41)MHz được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng phải đảm bảo điều kiện kỹ thuật và khai thác quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT ngày 20/3/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện và kỹ thuật khai thác kèm theo;
b) Đối với các thiết bị thông tin liên lạc khác đặc biệt là máy liên lạc tầm xa HF (ICOM, VX 1700,…) trước khi đưa vào sử dụng phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện cấp.
6. Đối với đài bờ liên lạc với phương tiện nghề cá
a) Tất cả các đài bờ liên lạc với phương tiện nghề cá đều phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện cấp;
b) Nhà nước không khuyến khích phát triển hệ thống đài bờ tư nhân dùng để liên lạc với phương tiện nghề cá.
Chương III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan
1. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI và các đơn vị liên quan:
a) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện để người dân biết, tự giác chấp hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về tần số vô tuyến điện;
b) Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép sử dụng và cách thức sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo đúng quy định hiện hành;
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện thuộc mạng thông tin vô tuyến điện dùng riêng, đài phát thanh, phát hình có phạm vi hoạt động hạn chế trong địa bàn tỉnh; Đối với các trường hợp sử dụng máy điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam, gây can nhiễu phải xử lý triệt để, kiên quyết tịch thu thiết bị sử dụng để tránh gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác;
d) Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
a) Tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá về công tác đảm bảo an toàn, các quy định về trang thiết bị thông tin, an toàn hàng hải. Đảm bảo các tàu cá khi ra biển có đủ trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 Ban hành quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển;
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF đặt trên phương tiện nghề cá. Thông qua công tác đăng kiểm lần đầu, định kỳ và hàng năm; tổ chức hướng dẫn và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện các quy định về đăng ký cấp phép, gia hạn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trang bị trên tàu cá;
c) Không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với tàu cá sử dụng thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF không có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện cấp.
3. Sở Công Thương
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, tạm giữ và xử lý các tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân tàng trữ, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện, máy điện thoại không dây,... không có nguồn gốc hợp pháp, chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
4. Sở Giao thông vận tải
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng thông tin liên lạc và các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện trong các loại hình xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh vận tải du lịch biết, tự giác thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn thông tin vô tuyến điện trong hoạt động kinh doanh.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
6. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh thông tin về tần số vô tuyến điện;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong phạm vi quyền hạn của mình điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực tần số vô tuyến điện;
c) Thực hiện việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đúng mục đích các băng tần số được phân bổ.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh thông tin về tần số vô tuyến điện;
b) Thực hiện việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đúng mục đích các băng tần số được phân bổ.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng thông tin liên lạc và các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện cho các ngư dân và chủ các phương tiện nghề cá;
b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết không cho ra khơi đối với các phương tiện nghề cá không trang bị thiết bị thông tin liên lạc theo quy định hoặc sử dụng thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF không có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện cấp.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện;
b) Chỉ đạo thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; xử lý theo quy định và báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông). Trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết;
c) Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tần số và thiết bị vô tuyến điện; rà soát các hệ thống đài truyền thanh không dây xã, phường, thị trấn chưa có Giấy phép đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện phải thực hiện nghiêm túc việc đăng ký Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; các dự án đầu tư trang thiết bị vô tuyến điện phải có ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông về tần số và thiết bị vô tuyến điện phải được chứng nhận hợp quy.
10. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan căn cứ vào nội dung Quyết định này và các quy định hiện hành về tần số vô tuyến điện để tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất, phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.