Quyết định số 57/2012/QĐ-UBND ngày 07/12/2012 Sửa đổi Quy định về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 33/2012/QĐ-UBND
- Số hiệu văn bản: 57/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Ngày ban hành: 07-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 17-12-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2215 ngày (6 năm 0 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2012/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 07 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2012/QĐ-UBND NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 2012 CỦA UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1209/TTr-SXD ngày 05 tháng 12 năm 2012.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 13/8/2012 của UBND thành phố Đà Nẵng, như sau:
1. Bổ sung các khoản 9,10 và 11 của Điều 5, như sau
“9. Khi cấp Giấy phép xây dựng công trình, nhà ở thuộc phạm vi Sở Xây dựng quản lý, yêu cầu hộ thoát nước phải đấu nối với hệ thống thu gom nước thải theo đúng quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ Môi trường và Quyết định này.
“10. Khi xem xét hồ sơ dự án khu đô thị, khu dân cư mới yêu cầu chủ dự án phải có phương án xây dựng hệ thống thu gom, đấu nối nước thải theo đúng quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ Môi trường.
“11. Chỉ đạo các bộ phận có liên quan trong việc xem xét hồ sơ thiết kế hệ thống xử lý sơ bộ, thoát nước thải và kiểm tra, kiểm soát trong quá trình xây dựng theo đúng nội dung Giấy phép xây dựng.
2. Bổ sung các khoản 5, 6,7 và 8 của Điều 6, như sau
“5. Thông qua các hội đoàn thể của địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc đấu nối nước thải.
“6. Phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải để xác định nhu cầu về đấu nối nước thải và theo dõi kết quả đấu nối của địa phương.
“7. Khi cấp Giấy phép xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở thuộc phạm vi quận, huyện quản lý, yêu cầu hộ thoát nước phải đấu nối với hệ thống thu gom nước thải theo đúng quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ Môi trường và Quyết định này.
“8. Chỉ đạo các bộ phận có liên quan trong việc xem xét hồ sơ thiết kế hệ thống xử lý sơ bộ, thoát nước thải và kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng theo đúng nội dung Giấy phép xây dựng.
3. Bổ sung các khoản 7 và 8 của Điều 7, như sau
“7. Tổ chức kiểm soát việc xả nước thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước do đơn vị quản lý, bảo đảm quy chuẩn hiện hành, tự tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm khi thấy cần thiết.
“8. Phối hợp với phòng Quản lý đô thị các quận, huyện hàng năm xây dựng kế hoạch đấu nối nước thải cho các hộ thoát nước.
4. Sửa đổi khoản 1 của Điều 8, như sau
“1. Tất cả các dự án, công trình thoát nước đô thị đều phải được thẩm định, xét duyệt trên cơ sở quy hoạch chiều cao và thoát nước thành phố và các đồ án quy hoạch chiều cao thoát nước của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Nhà nước.
- Các hộ thoát nước đều phải xây dựng công trình xử lý sơ bộ và đấu nối vào hệ thống thoát nước riêng (nếu có) hoặc hệ thống cống chung các khu đô thị. Riêng đối với các hộ thoát nước (là công trình hiện hữu) nằm trong khu vực đô thị nhưng chưa đấu nối thoát nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu thì khuyến khích sửa chữa hệ thống xử lý nước thải và đấu nối thoát nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng.
- Yêu cầu kỹ thuật chung trong quá trình thực hiện đấu nối hộ thoát nước là hệ thống nước thải được xây dựng đường ống riêng, không thấm xuống đất, không tắc nghẽn, vật liệu thoát nước đạt tiêu chuẩn, đảm bảo độ bền theo quy định, có thiết kế ngăn mùi. Hệ thống thoát nước mưa hộ thoát nước không được đấu nối vào hệ thống thoát nước thải riêng của đô thị.
5. Bổ sung khoản 6 của Điều 8, như sau
“6. Tất cả các khu đô thị, khu dân cư xây dựng mới khi đầu tư xây dựng đều phải xây dựng hệ thống thoát nước theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007.
- Các khu dân cư, khu đô thị xây dựng mới phải xây dựng công trình Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khi khu vực xây dựng dự án chưa có hệ thống đường ống thu gom nước thải riêng của thành phố hoặc hệ thống đường ống thu gom nước thải riêng không đáp ứng được nhu cầu xả thải của khu đô thị, khu dân cư xây dựng mới.
- Trong trường hợp khu vực xây dựng đã có hệ thống thu gom nước thải của thành phố thì được phép đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước thải tại vị trí phù hợp (trường hợp này phải có văn bản thống nhất của Sở Xây dựng).
6. Bổ sung Điều 8a của Chương 3: Quy định về sử dụng, thông hút bể tự hoại của hộ thoát nước, đơn vị thực hiện thông hút.
“1. Các hộ thoát nước không được xả vào bể tự hoại các loại chất thải như: nước mưa, nước chảy tràn bề mặt, nước xả rửa bể bơi, nước làm mềm, các loại vải, nhựa, cao su, chất thải dịch vụ, dầu mỡ, các chất dễ cháy, nổ (kể cả dạng rắn, lỏng hay khí), chất khử trùng, khử mùi, chất kháng sinh, hoá chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu…trừ khi chất đó được nêu rõ là có thể xả vào bể tự hoại, hay bất kỳ chất nào khác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của bể tự hoại.
“2. Các loại bể tự hoại của các hộ thoát nước đều phải thực hiện việc thông hút bởi các đơn vị có giấy phép hoạt động kinh doanh theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chu kỳ thông hút các loại bể tự hoại đối với các hộ thoát nước.
“3. Các đơn vị thực hiện công tác thông hút bể tự hoại phải thiết lập cơ sở dữ liệu thống nhất để quản lý, theo dõi và lên kế hoạch thông hút lần tiếp theo, báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện để theo dõi, kiểm tra.
“4. Đối với nhà xây dựng mới các đơn vị cấp Giấy phép xây dựng cung cấp thông tin bể tự hoại cho các đơn vị quản lý thông hút đã được phân cấp để quản lý, theo dõi và lên kế hoạch thông hút.
“5. Các đơn vị thông hút bể tự hoại phải có giấy phép kinh doanh hành nghề theo quy định và thực hiện việc thông hút đúng quy trình của Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
“6. Bùn của bể tự hoại phải được đơn vị thông hút vận chuyển bằng xe chuyên dụng, lưu giữ, xử lý, thải bỏ đúng theo các quy định phù hợp các tiêu chuẩn về môi trường.
“7. Hộ thoát nước tự chịu kinh phí thông hút bể tự hoại bao gồm cả chi phí xử lý bùn thải.
7. Bổ sung các khoản 6 và 7 của Điều 11, như sau:
“6. Đối với nhà ở, công trình cải tạo, xây dựng mới phải xin Giấy phép xây dựng theo quy định, Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng công trình yêu cầu phải thể hiện chi tiết hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước mưa và điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước công cộng. Yêu cầu này được lồng ghép trong nội dung Giấy phép xây dựng và ghi rõ “Chủ đầu tư công trình phải thi công hệ thống xử lý nước thải và đấu nối thoát nước theo đúng hồ sơ thiết kế kèm theo Giấy phép xây dựng”.
“7. Đối với nhà ở, công trình xây dựng mới trong các khu đô thị, khu dân cư xây dựng mới (khi chưa bàn giao cho thành phố) thì hộ thoát nước phải liên hệ với Chủ đầu tư hoặc đơn vị điều hành dự án để được hướng dẫn lắp đặt hệ thống thoát nước thải từ bên trong ra phía ngoài công trình theo đúng yêu cầu kỹ thuật đã được quy định. Chủ đầu tư hoặc đơn vị điều hành dự án chịu trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu hệ thống thoát nước và đấu nối nước thải theo đúng quy định.
8. Bổ sung các khoản 6, 7, 8 và 9 của Điều 22, như sau:
“6. Thực hiện xin Giấy phép xây dựng hoặc Giấy phép đấu nối nước thải theo đúng các quy định hiện hành. Trong hồ sơ thiết kế xây dựng phải thể hiện: Vị trí phát sinh nước thải, hệ thống xử lý, đường ống thu gom, vị trí, cao độ đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị (trường hợp hộ thoát nước không phải là nhà ở tư nhân thì phải có tính toán lưu lượng nước thải cụ thể).
“7. Các hộ thoát nước thực hiện đấu nối thoát nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải nội bộ, theo đúng nội dung giấy phép xây dựng, giấy phép đấu nối được cấp. Hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng sau khi thi công hoàn thành.
“8. Tích cực tham gia và hưởng ứng chương trình giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước của thành phố.
“9. Tích cực tham gia đăng ký vay và sử dụng các Quỹ hỗ trợ của thành phố (nếu có) cho việc sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước thải trong các công trình, nhà ở hiện có và đấu nối nước thải.
9. Sửa đổi khoản 9 của Điều 24, như sau:
“9. Các Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thoát nước đô thị theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 13/8/2012.
Trong thời gian thực hiện dự án Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án có tránh nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hệ thống xử lý sơ bộ, thoát nước thải, điểm đấu nối của các hộ thoát nước đúng theo các quy định hiện hành.
Bàn giao công tác quản lý đấu nối nước thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước của khu đô thị, khu dân cư cho địa phương hoặc đơn vị quản lý khi bàn giao dự án đưa vào khai thác, sử dụng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Trưởng ban: Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải; Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |