Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 Về Quy định thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Số hiệu văn bản: 17/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Ngày ban hành: 20-11-2012
- Ngày có hiệu lực: 30-11-2012
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 04-06-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-12-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2576 ngày (7 năm 0 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-12-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2012/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 20 tháng 11 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng và quản lý nghĩa trang;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;
Căn cứ Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;
Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL ngày 18/01/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 158/TTr-SVHTTDL ngày 08 tháng 11 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 18/3/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thực hiện nếp sống văn hóa là trách nhiệm của mọi công dân, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị lực lượng vũ trang nhằm xây dựng con người mới, nền văn hóa mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Điều 2. Thực hiện nếp sống văn hóa là lựa chọn, kế thừa và phát huy những truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa hiện đại.
Những hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa ở thôn, làng, tổ dân phố, khu phố; nội quy, quy chế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không được trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước và phải phù hợp với những quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa.
Điều 3. Nghiêm cấm việc truyền bá văn hóa có nội dung tư tưởng phản động, đồi trụy; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.
Điều 4. Văn bản này quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình và được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, cá nhân người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. NẾP SỐNG VĂN HÓA CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Điều 5. Nếp sống văn hóa cá nhân
1. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ nghĩa vụ công dân;
2. Công dân làm việc, lao động ở cơ quan, đơn vị bảo đảm thời gian, năng suất chất lượng cao; thực hiện đúng nội quy do cơ quan, đơn vị đề ra;
3. Mọi người có phong cách sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
4. Cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc, học sinh đi học có trang phục gọn gàng phù hợp; thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt;
5. Mọi công dân không tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các loại pháo; không đốt và thả đèn trời; không đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của mọi người.
Điều 6. Nếp sống văn hóa gia đình
1. Mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; giáo dục con, cháu chăm ngoan, có bổn phận, trách nhiệm kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và lễ độ với mọi người; cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc;
2. Vợ chồng cùng nhau thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng;
3. Mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Điều 7. Nếp sống văn hóa trong xã hội
1. Nếp sống văn hóa ở thôn, làng, tổ dân phố, khu phố:
a) Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú;
b) Mọi người có ý thức đoàn kết, quan tâm thăm hỏi và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, quan tâm hơn tới các đối tượng chính sách; có trách nhiệm chăm lo giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
c) Mọi tranh chấp xích mích trước hết cần được giải quyết trên tinh thần hòa giải tại cơ sở;
d) Việc xây dựng nhà ở, các công trình khác và mọi sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo đúng các quy hoạch, quy định của Nhà nước, của địa phương, không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm ô nhiễm môi trường.
2. Nếp sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:
a) Xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;
b) Giữ gìn đoàn kết nội bộ, không cục bộ địa phương; phê bình, góp ý trên tinh thần xây dựng; không nói xấu, xâm phạm đến lợi ích và đời tư của người khác.
3. Nếp sống văn hóa nơi công cộng:
a) Có ý thức trách nhiệm giữ gìn đường phố, công trình công cộng sạch đẹp; không thả rông súc vật ra đường; không xả rác thải ra đường và hè phố; tôn trọng những quy định chung ở nơi công cộng;
b) Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông;
d) Không quảng cáo, rao vặt tùy tiện làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và mỹ quan đô thị.
MỤC 2. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Điều 8. Đăng ký kết hôn
1. Đôi nam nữ để trở thành vợ chồng phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai người theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức việc đăng ký, trao giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp kết hôn với người nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, công nhận theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Tổ chức lễ cưới
1. Việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định sau:
a) Bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương;
b) Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; không làm mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; không hút thuốc lá, không đốt các loại pháo trong đám cưới;
c) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi họ hàng thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết;
d) Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hóa dân tộc;
đ) Âm nhạc sử dụng trong lễ cưới phải lành mạnh, vui tươi, đủ nghe trong lễ cưới; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
2. Khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:
a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
b) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
c) Cô dâu và chú rể đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hóa; trồng cây lưu niệm tại địa phương;
d) Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong ngày cưới.
MỤC 3. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG
Điều 10. Khai tử
Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trước khi tổ chức lễ tang theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trách nhiệm tổ chức lễ tang
1. Lễ tang do gia đình người qua đời quyết định tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng.
2. Trong trường hợp lễ tang do Ban lễ tang tổ chức, Ban lễ tang có trách nhiệm phối hợp với gia đình người qua đời thống nhất quyết định những vấn đề liên quan đến việc tổ chức lễ tang.
3. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức lễ tang thì Ủy ban nhận dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức khâm liệm và mai táng chu đáo theo phong tục truyền thống.
Điều 12. Tổ chức lễ tang
1. Tổ chức lễ tang phải được thực hiện theo các quy định sau:
a) Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời;
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người qua đời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang;
c) Người qua đời, trong phạm vi không quá 48 giờ phải được an táng; người mắc bệnh truyền nhiễm khi qua đời phải thực hiện theo quy định của pháp luật;
d) Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang;
đ) Trong lễ tang, nếu sử dụng loa đài thì âm thanh chỉ đủ nghe trong khu vực lễ tang; không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang;
e) Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;
g) Cấm rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, vàng mã trên đường đưa tang;
h) Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín đị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật.
2. Lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, khi tổ chức, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định tại Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần.
Điều 13. Việc chôn cất người qua đời
1. Việc chôn cất người qua đời phải được thực hiện trong các nghĩa trang theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chôn cất trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý.
2. Việc chôn cất phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch.
Điều 14. Quy định diện tích đất tối đa cho một phần mộ
1. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần không quá 5m2.
2. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng không quá 3m2.
3. Chiều cao của mộ xây không quá 2m (tính từ mặt bằng của nghĩa trang đến điểm cao nhất của mộ).
4. Khoảng cách giữa 2 mộ liên tiếp cùng hàng không quá 0,5m.
MỤC 4. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG LỄ HỘI
Điều 15. Tổ chức lễ hội
1. Khi tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phải xin phép hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo phân cấp quản lý; thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
2. Trước khi tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phải có phương án bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia lễ hội, phải thực hiện các quy định sau:
a) Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc;
b) Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội;
c) Thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban Tổ chức lễ hội; trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; bỏ rác vào nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường; không nói tục, xúc phạm tâm linh và ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; bảo đảm trật tự, an ninh khi dự lễ hội; không đốt pháo, đốt và thả đèn trời;
d) Không bán vé vào dự lễ hội; nếu tổ chức các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, trưng bày triển lãm trong khu vực lễ hội thì được bán vé cho các hoạt động đó; giá vé thực hiện theo quy định của pháp luật;
e) Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức, rải tiền Việt Nam và tiền nước ngoài trong khu vực lễ hội;
g) Không đốt đồ mã trong khu vực lễ hội;
h) Không được sử dụng xe công đi lễ hội (trừ xe làm nhiệm vụ).
4. Khuyến khích các hoạt động giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần yêu nước, tưởng nhớ công đức ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi mới và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; thắp hương theo quy định của Ban Tổ chức.
Chương 3.
TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “THÔN VĂN HÓA”, “LÀNG VĂN HÓA”, “TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”, “KHU PHỐ VĂN HÓA”, “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”, “CƠ QUAN VĂN HÓA”, “ĐƠN VỊ VĂN HÓA”, “DOANH NGHIỆP VĂN HÓA”
Điều 16. Tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa”
1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.
a) Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật, quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng;
b) Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;
c) Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng chống các loại tội phạm;
d) Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thì đua, các buổi sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng.
2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.
a) Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ; không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định của pháp luật, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;
b) Gia đình nề nếp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt dẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình;
c) Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh, sạch, đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao;
d) Tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, tham gia các hoạt động nhân đạo giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; tham gia hoạt động hòa giải và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng.
3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
a) Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
b) Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động “xóa đói, giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng;
c) Kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao.
Điều 17. Tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”
1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
a) Có từ 85% trở lên hộ gia đình có đời sống kinh tế ổn định, phát triển; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, không còn hộ đói;
b) Có từ 80% trở lên hộ gia đình có nhà bền vững; không có nhà tranh tre dột nát; 100% số hộ gia đình được sử dụng điện;
c) 100% đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, lát gạch hoặc làm bằng vật liệu cứng; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch, có nhà tắm, hố xí đảm bảo hợp vệ sinh cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;
d) Có từ 80% trở lên hộ gia đình tham gia tích cực cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.
2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.
a) Có các thiết chế văn hóa, thể thao từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thường xuyên tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao; thu hút 40% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng;
b) Có từ 70% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng theo quy định; không có hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan;
c) Không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội; không có người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, đèn trời và văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không có trọng án hình sự;
d) Có từ 75% trở lên hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có ít nhất 50% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm liên tục trở lên;
đ) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ trung học cơ sở trở lên; có phong trào “khuyến học”, “khuyến tài”;
e) Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không có hành vi gây lây truyền dịch bệnh; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; có từ 95% trở lên phụ nữ có thai được tiêm chủng, khám thai định kỳ;
g) Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình;
h) Có nhiều hoạt động đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình công cộng; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.
3. Môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
a) Có tổ vệ sinh thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định;
b) Tỷ lệ hộ gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh (nước sạch, nhà tắm, hố xí) đạt chuẩn, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường;
c) Nhà ở, khu dân cư, các công trình công cộng, nghĩa trang được xây dựng từng bước theo quy hoạch;
d) Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái; vận động nhân dân xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước; cải tạo các ao, hồ; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và tích cực trồng cây xanh.
4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
a) Có từ 95% trở lên hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
b) Hoạt động hòa giải có hiệu quả; hầu hết những mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng;
c) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; phản ánh kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân; giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, cộng đồng dân cư; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật;
d) Tuyên truyền và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư tham gia giám sát hoạt động cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước; tham gia xây dựng chi bộ đảng, chính quyền hằng năm đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể hằng năm đạt danh hiệu tiên tiến trở lên; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả;
5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
a) Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung;
b) Thực hiện tốt các hoạt động “nhân đạo, từ thiện", giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam-dioxin và những người bất hạnh.
Điều 18. Tiêu chuẩn danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu phố văn hóa”
1. Đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển.
a) Có từ 90% trở lên hộ gia đình có đời sống kinh tế ổn định, phát triển; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; không còn hộ đói;
b) Có 100% hộ gia đình có nhà xây mái bằng hoặc lợp ngói; 100% số hộ gia đình được sử dụng điện;
c) 100% đường phố, ngõ phố được trải nhựa, đổ bê tông hoặc làm bằng vật liệu cứng; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch và có nhà tắm, hố xí đảm bảo hợp vệ sinh cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;
d) Có từ 90% trở lên hộ gia đình tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh và hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.
2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.
a) Xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao các điểm vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện của tổ dân phố, khu phố. Từng bước có các thiết chế văn hóa, thể thao đặt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thường xuyên tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao; thu hút từ 60% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng;
b) Có từ 80% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng theo quy định.
c) Không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội; không sản xuất, buôn bán vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, đèn trời và văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không có trọng án hình sự;
d) Có từ 80% trở lên số hộ gia đinh được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có ít nhất 60% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm liên tục trở lên;
đ) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ trung học cơ sở trở lên; có phong trào “khuyến học”, “khuyến tài”;
e) Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không có hành vi gây lây truyền dịch bệnh; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; có từ 95% trở lên phụ nữ có thai được tiêm chủng, khám thai định kỳ;
g) Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình;
h) Có nhiều hoạt động đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và các công trình công cộng; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.
3. Môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
a) Đường giao thông phải có hệ thống đèn chiếu sáng; đường phố, nơi sinh hoạt công cộng sạch đẹp, có nhiều cây xanh; thực hiện tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông đô thị: không lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, cản trở giao thông;
b) Cấp ủy, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái; không xả nước thải và xả rác ra đường; rác thải phải được thu gom thường xuyên trong ngày về nơi quy định; các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn quy định, về bảo vệ môi trường;
c) Nhà ở, khu dân cư, khu đô thị và các công trình công cộng khác được xây dựng theo đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đúng quy định về xây dựng, về kiến trúc và hài hòa về mỹ quan đô thị.
4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
a) Có từ 95% trở lên hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
b) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; phản ánh kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật;
c) Tuyên truyền và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư tham gia giám sát hoạt động cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước; tham gia xây dựng chi bộ đảng, chính quyền hằng năm đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể hằng năm đạt danh hiệu tiên tiến trở lên; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả.
5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
a) Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung;
b) Thực hiện tốt các hoạt động “nhân đạo, từ thiện”, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam-dioxin và những người bất hạnh.
Điều 19. Tiêu chuẩn danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”
1. Giúp nhau phát triển kinh tế.
a) Thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, góp phần xóa hộ đói, giảm hộ nghèo trong xã xuống dưới mức bình quân chung của tỉnh;
b) Có từ 80% trở lên hộ gia đình (làm nông nghiệp) trong xã được tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp;
c) Có từ 70% trở lên hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế;
d) Có nhiều hoạt động tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút lao động việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
2. Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng văn hóa.
a) Có từ 60% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên;
b) Có từ 70% trở lên hộ gia đình cải tạo được vườn tạp, không để đất hoang, khuôn viên nhà ở xanh, sạch, đẹp;
c) Có từ 30% trở lên hộ gia đình có kinh tế phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn;
d) Có từ 50% trở lên thôn, làng được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa” liên tục từ 5 năm trở lên.
3. Xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở.
a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm; ổn định về tổ chức; hoạt động thường xuyến, hiệu quả; từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) 100% thôn, làng có Nhà Văn hóa - Khu thể thao; trong đó có 50% Nhà Văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
c) 100% thôn, làng duy trì được phong trào sinh hoạt câu lạc bộ; phong trào văn hóa, văn nghệ và thể thao quần chúng. Hằng năm, xã tổ chức được liên hoan văn nghệ quần chúng và thi đấu các môn thể thao;
d) Di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống và thuần phong mỹ tục của địa phương được bảo tồn.
4. Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn.
a) 75% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng, trong các sinh hoạt tập thể, cộng đồng không có tệ nạn xã hội phát sinh, giảm mạnh các tệ nạn xã hội hiện có;
c) 100% thôn, làng có tổ vệ sinh; thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy định. Xã tổ chức tốt việc xử lý rác thải tập trung theo quy chuẩn về môi trường; nghĩa trang xã, thôn được xây dựng và quản lý theo quy hoạch;
d) Đạt chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phòng, chống tội phạm; bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội; đền ơn đáp nghĩa; nhân đạo từ thiện; an toàn giao thông và các phong trào văn hóa - xã hội khác ở nông thôn.
5. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
a) 90% trở lên người dân được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;
b) 85% trở lên hộ gia đình tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;
c) 100% thôn, làng xây dựng và thực hiện hiệu quả quy ước cộng đồng, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật;
d) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch được xây dựng theo quy hoạch và quản lý theo pháp luật; không tàng trữ và lưu hành văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
Điều 20. Tiêu chuẩn danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
a) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác hằng năm;
b) 70% trở lên cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tự học hoặc theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức viên chức theo quy định của pháp luật;
d) Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;
đ) Có sáng kiến, cải tiến quản lý; kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả.
2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở.
a) 80% trở lên cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
b) Không có người mắc tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không tàng trữ, đốt các loại pháo và thả đèn trời; không tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan;
c) Sinh hoạt cơ quan, đơn vị nề nếp; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ;
d) Không hút thuốc lá trong phòng làm việc; không uống rượu, bia trong ngày làm việc; trang phục gọn gàng, lịch sự, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; bài trí khuôn viên, công sở theo đúng quy định.
3. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
a) 100% cán bộ, công chức nắm vững, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;
b) Không có người vi phạm pháp luật phải xử lý từ hình thức cảnh cáo trở lên; cơ quan an toàn, an ninh trật tự; không có khiếu kiện vượt cấp, trái pháp luật;
c) Thực hiện tốt cải cách hành chính; quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí được giao; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng;
d) Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.
Điều 21. Tiêu chuẩn danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”
1. Sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển.
a) Hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh đề ra hằng năm;
b) Thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường;
c) Cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí gián tiếp, phân công lao động hợp lý;
d) 70% trở lên công nhân thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề; lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng hiệu quả.
2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp.
a) Có quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động;
b) Xây dựng và thực hiện tốt nội quy lao động; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ;
c) 70% trở lên người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
d) Không có người mắc tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, luân chuyển các sản phẩm văn hóa độc hại; đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội; không sản xuất vận chuyển, tàng trữ và đốt các loại pháo;
đ) Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải, khí thải đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp;
e) Không hút thuốc lá trong phòng làm việc; không uống rượu, bia trong ngày làm việc.
3. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động.
a) 70% trở lên công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định;
b) Tạo thuận lợi cho công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh hoạt đoàn thể; hỗ trợ công nhân lúc khó khăn hoạn nạn;
c) Bếp ăn tập thể phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người;
d) Có cơ sở vật chất hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch và vui chơi giải trí cho công nhân lao động.
4. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
a) 100% người sử dụng lao động và công nhân lao động được phổ biến chính sách, pháp luật về các lĩnh vực có liên quan;
b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước; tích cực tham gia Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, nhân đạo, từ thiện và các cuộc vận động xã hội khác;...
c) Thực hiện nghiêm mọi chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp của người công nhân theo các quy định của pháp luật;
d) Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình;
đ) Sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
THẨM QUYỀN; THỜI HẠN CÔNG NHẬN, ĐĂNG KÝ, BÌNH XÉT; CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG
Điều 22. Thẩm quyền, thời hạn công nhận, hình thức khen thưởng
1. Danh hiệu “Gia đình văn hóa” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận mỗi năm một (01) lần; công nhận và kèm theo “Giấy công nhận” ba (03) năm một (01) lần. Gia đình có từ 03 năm liên tục trở lên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc đã được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận sẽ được đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khen thưởng. Gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn công nhận liên tục từ năm (05) năm trở lên; đã được tặng Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh sẽ được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
2. Danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu phố văn hóa” sau đây gọi chung là “Khu dân cư văn hóa” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố công nhận sau (02) hai năm đăng ký (công nhận lần đầu), ba (03) năm công nhận lại và kèm theo Giấy công nhận. Thôn, làng, tổ dân phố, khu phố có 5 năm liên tục trở lên được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư văn hóa”, thực sự có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
3. Danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố công nhận; được thực hiện hai (02) năm công nhận lần đầu và năm (05) năm đối với công nhận lại và kèm theo Giấy công nhận. Các xã có 05 năm liên tục trở lên được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
4. Danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” do Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh công nhận lần đầu là một (01) năm trở lên kèm theo Giấy công nhận sau năm (05) năm công nhận lại kèm theo Giấy công nhận. Các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có 05 năm liên tục trở lên được công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu sẽ được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân áp dụng thực hiện theo Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL ngay 18/01/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đồng thời theo quy định cụ thể của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Sau 05 năm liên tục trở lên giữ vững danh hiệu văn hóa, được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, khen thưởng.
Điều 23. Thời gian đăng ký, bình xét và công nhận các danh hiệu đạt tiêu chuẩn văn hóa
1. Việc đăng ký xây dựng hoặc giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa (thôn, làng, tổ dân phố, khu phố); xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, được tổ chức vào trước ngày 30 tháng 01 hằng năm.
2. Việc bình xét, công nhận hoặc công nhận lại các danh hiệu: gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới được tổ chức vào trước ngày 15/11 hằng năm; cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa, doanh nghiệp văn hóa được tổ chức vào trước ngày 15/12 hằng năm.
Điều 24. Chế độ khen thưởng
1. Chế độ khen thưởng: Thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
2. Nguồn kinh phí khen thưởng: Hằng năm được bố trí từ ngân sách Nhà nước, đồng thời căn cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội hóa.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Trách nhiệm thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấp hành của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, hộ dân cư thuộc phạm vi quản lý.
3. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Liên đoàn lao động vả Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể các cấp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quy định này và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời hằng năm tổ chức thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ đối với các cá nhân, gia đình, khu dân cư, xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo Luật Thi đua, Khen thưởng.
Điều 26. Triển khai thực hiện
1. Căn cứ vào Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa và đặc điểm nếp sống văn hóa, phong tục của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư có thể ban hành những quy định cụ thể hơn nhưng không được trái với Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, có những vấn đề mới nảy sinh hoặc không còn phù hợp, đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi./.