Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng và chữa cháy (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 44/2012/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 15-10-2012
- Ngày có hiệu lực: 05-12-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-10-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1764 ngày (4 năm 10 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-10-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2012/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về phạm vi, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ.
Điều 3. Phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy thực hiện cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống quy định tại Điều 12 Quyết định này và các quy định của pháp luật có liên quan xảy ra trên địa bàn quản lý.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
1. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác quy định tại Điều 5 Quyết định này, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất.
2. Việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người.
3. Khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Chương 2.
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 5. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ gồm:
1. Lực lượng dân phòng.
2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
3. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
4. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Điều 6. Cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là lực lượng chuyên nghiệp thường trực cứu nạn, cứu hộ.
Điều 7. Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng
1. Cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn khác khi được yêu cầu.
2. Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; vận động quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ.
3. Tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân trên địa bàn.
4. Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Điều 8. Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở
1. Cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trong cơ sở và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở ngoài cơ sở khi được yêu cầu.
2. Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở.
3. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở.
4. Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của cơ sở.
Điều 9. Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực Iượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành
1. Cứu nạn, cứu hộ ban đầu đối với các tai nạn, sự cố xảy ra thuộc phạm vi quản lý và tham gia ở ngoài phạm vi quản lý khi được huy động.
2. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho các cơ quan, đơn vị trong ngành.
3. Tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.
4. Đề xuất ban hành quy định, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ của ngành.
Điều 10. Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
1. Là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ
2. Tham mưu cho Bộ Công an và chính quyền địa phương về tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về tìm kiếm cứu nạn.
3. Bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo các tình huống cơ bản được quy định tại Điều 12 Quyết định này trong phạm vi địa bàn quản lý; xây dựng, tổ chức thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.
4. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng: dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu.
5. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Điều 11. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ
1. Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý thì phải triển khai ngay nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, đồng thời báo cho chính quyền địa phương sở tại và Công an nơi gần nhất.
2. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi nhận được thông tin về sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Khi sự cố, tai nạn lớn mang tính thảm họa thì phải báo cáo ngay cho thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Điều 12. Các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
1. Có người bị nạn trong sự cố cháy, nổ.
2. Có người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm.
3. Có người bị nạn trong các sự cố sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình.
4. Có người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông.
5. Có người bị mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm.
6. Các tình huống cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 13. Trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được trang bị phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dùng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
2. Phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở do cơ quan, tổ chức tự trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, đơn vị mình.
3. Phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm về địa lý, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức và kiểm định phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Điều 14. Nguồn tài chính bảo đảm cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
1. Ngân sách nhà nước.
2. Tài trợ, hỗ trợ, viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
3. Nguồn thu từ các hợp đồng hoặc thỏa thuận cứu hộ.
4. Đền bù của cơ quan bảo hiểm; chi trả của tổ chức, cá nhân và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2012.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |