Chỉ thị số 37/CT-UBND ngày 31/12/2013 Tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8
- Số hiệu văn bản: 37/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 31-12-2013
- Ngày có hiệu lực: 31-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3981 ngày (10 năm 11 tháng 1 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/CT-UBND | Nghệ An, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM A/H5N1, H7N9 VÀ H10N8
Theo thông báo của Cục Thú y, ở nước ta từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xẩy ra nhỏ lẻ, rải rác tại các tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con, tiêu hủy 141.687 con. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm còn xẩy ra trên chim Trĩ và chim Cút thuộc tỉnh Tiền Giang và chim Yến thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Tại Trung Quốc trong năm 2013, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xẩy ra ở 12 tỉnh làm 140 người mắc bệnh và đã gây tử vong 47 người. Ngày 06/12/2013 tại tỉnh Giang Tây có 01 trường hợp tử vong do mắc bệnh cúm A/H10N8, loại vi rút cúm này đã tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người. Mặc dù dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam và tỉnh Nghệ An trong thời gian tới rất lớn do việc kiểm soát nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn, tình hình buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong dịp trước, trong Tết diễn ra phức tạp, kết hợp thời tiết rét đậm kéo dài làm giảm sức đề kháng con vật do vậy nguy cơ xẩy ra dịch cúm gia cầm là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn xâm nhập bệnh cúm A/H7N9, H10N8, hạn chế thiệt hại kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đảm bảo tính mạng con người và an toàn thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền năm 2013 – 2014, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UNND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 4538/CT-BNN-TY ngày 20/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8, chú trọng các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
a) Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc, gia cầm đến tận thôn, xóm và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao.
b) Giao chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khối, xóm, thôn, bản, Thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; khi có dịch xẩy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh (kể cả phát hiện mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9, H10N8), vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
c) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, H10N8 trên thế giới và trong nước, sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, tác hại của việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, giám sát của ngành thú y.
d) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phương, thực hiện tốt kiểm dịch tại gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
Đối với các huyện vùng biên giới: Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, H7N9, H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không kiểm dịch, gia cầm không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.
e) Xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch kịp thời khi có ổ dịch xẩy ra. Khuyến khích nhân dân chủ động mua vắc xin cúm gia cầm (H5N1 Re-6) tiêm phòng cho gia cầm.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương và các vùng chăn nuôi trọng điểm.
- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị nhân lực, vắc xin, hoá chất, vật tư,… chủ động phòng chống dịch; thực hiện kiểm dịch chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh.
3. Sở Y tế: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả đối với bệnh cúm A/H5N1, H7N9, H10N8 trên người.
4. Các cơ quan thông tin và truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế tuyên truyền sâu rộng cho người dân về tác hại của bệnh cúm gia cầm; không ăn tiết canh, gia cầm mắc bệnh, chết; khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để báo cáo cấp trên, đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch kịp thời; chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch cúm gia cầm, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan sang người; nghiêm cấm việc dấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
5. Sở Tài chính: Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo cấp đủ phương tiện phòng bệnh cúm gia cầm cho nhân viên, các lực lượng có trách nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với gia cầm; hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị bệnh phải tiêu huỷ kịp thời, đúng quy định.
6. Công an tỉnh: Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.
7. Sở Công Thương: Chủ trì, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại, phối hợp với các ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Thú y nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
8. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp: tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh để có các biện pháp giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |