Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 05/10/2012 Quy định chính sách khuyến khích phát triển thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An
- Số hiệu văn bản: 54/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
- Ngày ban hành: 05-10-2012
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2249 ngày (6 năm 1 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2012/QĐ-UBND | Long An, ngày 05 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI CỦA TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An về chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An;
Xét Tờ trình số 1675/TTr-SNN ngày 07/9/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định chính sách khuyến khích phát triển thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định nêu tại Điều 1 của quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI CỦA TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54 /2012/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng: Các vùng được quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa thuộc vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An.
2. Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản tại các huyện nêu trên.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Nuôi thủy sản là các hoạt động bao gồm sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản, nuôi thủy sản thương phẩm có giá trị kinh tế.
2. Cơ sở nuôi thủy sản là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi thủy sản do tổ chức, cá nhân làm chủ.
3. Vùng quy hoạch nuôi thủy sản là vùng đất hoặc mặt nước được cấp có thẩm quyền quy hoạch cho nuôi thủy sản.
4. Giống mới tại quy định này được hiểu là giống thủy sản được cơ quan có thẩm quyền công nhận giống lần đầu di nhập vào địa bàn huyện đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống đạt tối thiểu 20 triệu con cá bột và 50 tấn cá giống/năm được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cá bố mẹ, theo định mức giá được quy định và chỉ hỗ trợ 01 lần; ngoài ra, hàng năm được hỗ trợ 30% kinh phí mua thay thế giống cá bố mẹ nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/năm/cơ sở.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh đạt tối thiểu 01 triệu con tôm giống/năm, được ngân sách hỗ trợ 10 đồng/1 con giống nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/cơ sở.
3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thuần dưỡng, kinh doanh giống tôm càng xanh đạt tối thiểu 01 triệu con tôm giống/năm, được ngân sách hỗ trợ 5 đồng/1 con giống nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/cơ sở.
Điều 4. Chính sách khuyến khích nuôi thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân đưa giống mới, giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi với diện tích tối thiểu đối với nuôi ao là 0,2 ha, đối với nuôi trong ruộng lúa là 0,5 ha, đối với nuôi đăng quầng là 0,5 ha; thể tích tối thiểu đối với nuôi lồng bè là 20 m3, đối với nuôi vèo là 15 m3 được ngân sách hỗ trợ 50% giá giống mới, giống có giá trị kinh tế cao nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở. Danh mục các loài giống mới, giống có giá trị kinh tế cao được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.
2. Tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác trong vùng quy hoạch sang nuôi thủy sản được hỗ trợ sau khi đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ao nuôi và đưa thủy sản vào nuôi.
a) Đối với ao nuôi có diện tích từ 0,2 ha/ao trở lên được ngân sách hỗ trợ 25% chi phí đầu tư xây dựng ao nuôi, mức tối đa không quá 20 triệu đồng/1 ha nhưng không quá 50 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.
b) Đối với nuôi trong ruộng lúa diện tích từ 0,5 ha/ruộng nuôi trở lên, trong đó ao nuôi phải chiếm từ 20% diện tích trở lên được ngân sách hỗ trợ 25% chi phí đầu tư xây dựng ao nuôi, mức tối đa không quá 08 triệu đồng/1 ha nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.
3. Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 01 lần khi đầu tư mới
a) Lồng bè nuôi thủy sản từ 20m3/lồng trở lên được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư nhưng tối đa không quá 400 ngàn đồng/m3.
b) Đăng quầng nuôi thủy sản từ 0,5ha/đăng quầng trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng tối đa không quá 1,5 ngàn đồng/m2.
c) Vèo nuôi thủy sản từ 15m3/vèo trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng tối đa không quá 60 ngàn đồng/m3.
Điều 5. Chính sách khác có liên quan đến nuôi thủy sản
Các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng nuôi thủy sản; chính sách khuyến nông, khuyến ngư; hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách tỉnh bố trí đảm bảo cho thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản.
2. Lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn khuyến nông khuyến ngư; các nguồn kinh phí sự nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí phát triển kinh tế tập thể, các dự án đầu tư để thực hiện.
Chương III
QUY TRÌNH LẬP, XÉT DUYỆT HỒ SƠ HỖ TRỢ
Điều 7. Quy trình lập, xét duyệt hồ sơ, cấp phát kinh phí
1. Quy trình thực hiện
a) Đối với hỗ trợ đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tiếp nhận giấy đề nghị hỗ trợ của chủ các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản; phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức kiểm tra và lập biên bản kiểm tra; thống kê danh sách các cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ gửi về UBND huyện thẩm định hồ sơ.
b) Đối với hỗ trợ khuyến khích nuôi thủy sản:
UBND cấp xã, thị trấn (UBND cấp xã) tổ chức đoàn kiểm tra cấp xã tiếp nhận Giấy đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản và tổ chức đoàn kiểm tra gồm: đại diện UBND cấp xã, trưởng hoặc phó trưởng ấp, khuyến nông viên hoặc cán bộ thú y, tiến hành kiểm tra thực tế tình hình đầu tư nuôi thủy sản, lập biên bản kiểm tra; thống kê, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ gửi cùng hồ sơ về UBND huyện thẩm định.
c) UBND huyện tổ chức thẩm định các hồ sơ, thống kê, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ, gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT.
d) Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, kết luận các hồ sơ hỗ trợ và thông báo kết quả thẩm định gửi về UBND huyện để quyết định hỗ trợ.
2. Thời gian xét duyệt
a) Đối với chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống: Thực hiện xét hồ sơ hỗ trợ 01 lần/năm. Trước ngày 01 tháng 10 hàng năm, phòng Nông nghiệp và PTNT gửi hồ sơ về UBND huyện; chậm nhất đến ngày 15 tháng 10 hàng năm, UBND huyện gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT.
b) Đối với chính sách khuyến khích nuôi thủy sản: thực hiện xét hồ sơ hỗ trợ 02 lần/năm. Trước ngày 01 tháng 5 và trước ngày 01 tháng 10 hàng năm, UBND cấp xã gửi hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ về UBND huyện (phòng Nông nghiệp và PTNT); trước ngày 15 tháng 5 và trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, UBND huyện gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT.
3. Quy trình cấp phát kinh phí
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các trường hợp được hỗ trợ cụ thể gửi về UBND huyện quyết định hỗ trợ từng trường hợp, Sở Tài chính cấp kinh phí cho UBND các huyện để tổ chức cấp phát cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản được hỗ trợ theo quy định. Danh sách được xét hỗ trợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và công bố ra dân để mọi người biết nhằm tránh mọi thắc mắc, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân.
Điều 8. Điều kiện hỗ trợ, hồ sơ xét hỗ trợ
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai đăng ký về đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản, nuôi thủy sản vào tháng 6 hàng năm.
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản, nuôi thủy sản phải có giấy tờ hợp lệ xác định chủ quyền sử dụng đất; đối với những tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng đất hoặc ở địa phương khác đến đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản, nuôi thủy sản thì phải có hợp đồng thuê đất được UBND cấp xã xác nhận.
c) Đối với chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản: Thực hiện hỗ trợ sau khi đã kết thúc vụ sản xuất, thuần dưỡng giống trong năm.
d) Đối với chính sách khuyến khích nuôi thủy sản: thực hiện hỗ trợ sau khi đã thả nuôi giống mới, giống có giá trị kinh tế cao (theo khoản 1, Điều 4 quy định này); sau khi đã đầu tư xây dựng mới ao đầm nuôi, lồng bè, đăng quầng, vèo và đã đưa thủy sản vào nuôi (theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 quy định này).
2. Hồ sơ đề nghị xét hỗ trợ
a) Đối với cơ sở sản xuất, thuần dưỡng giống:
- Giấy đề nghị hỗ trợ về đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản có xác nhận của UBND cấp xã.
- Bảng kê khai về đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản.
- Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh giống thủy sản (đơn vị tư nhân) hoặc quyết định thành lập các trạm, trại sản xuất giống thủy sản (đơn vị nhà nước) được cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Phương án sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng giống thủy sản được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh giống theo quy định.
- Chứng từ, giấy tờ hợp lệ có liên quan chứng minh kết quả sản xuất: số lượng cá bột, sản lượng cá giống; sản xuất, thuần dưỡng tôm càng xanh trong năm: sổ ghi nhật ký sản xuất, thuần dưỡng giống, phiếu xuất bán giống thủy sản, giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản (nếu đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch); hợp đồng, chứng từ hợp lệ về mua giống cá bố, mẹ hoặc tôm càng xanh giống; giấy xác nhận giống thuần áp dụng theo khoản 1 Điều 3 quy định này.
b) Đối với cơ sở nuôi thủy sản:
- Giấy đề nghị hỗ trợ về khuyến khích nuôi thủy sản.
- Bảng kê khai về đầu tư nuôi thủy sản có xác nhận của UBND cấp xã.
- Hợp đồng, hóa đơn chứng từ hợp lệ về mua giống thủy sản áp dụng theo khoản 1 Điều 4 quy định này. Hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn chứng từ hợp lệ chứng minh việc đầu tư xây dựng công trình nuôi áp dụng theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành và các cơ quan liên quan hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện quy định này.
b) Lập quy hoạch phát triển thủy sản, xây dựng các dự án đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.
c) Xây dựng kế hoạch về công tác khuyến ngư, đào tạo nghề; xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn hàng năm. Tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ để thực hiện chính sách này gửi Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh.
d) Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời phát hiện những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
đ) Phê duyệt phương án sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản theo quy định.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, bố trí kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn lập kinh phí hàng năm và trình tự, thủ tục quyết toán đúng theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: tham mưu cho UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn: đầu tư xây dựng cơ bản, Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách thủy sản hàng năm.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Bố trí nguồn kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười.
b) Hướng dẫn các bước thực hiện và chi phí đăng ký thương hiệu sản phẩm thủy sản theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức thực hiện các chính sách về đất đai và bảo vệ môi trường.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật.
6. Sở Công Thương: triển khai công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại trong việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách này; thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật; đưa tin, giới thiệu các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả để triển khai nhân rộng trong nhân dân.
8. Ủy ban nhân dân các huyện
a) Tổ chức thẩm định, xét hồ sơ; tổng hợp danh sách theo từng nội dung được hỗ trợ và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xét hồ sơ hỗ trợ.
b) Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách này hàng năm theo đúng quy định.
c) Định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính.
d) Hàng năm (tháng 7 năm trước), tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chính sách này gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp.
đ) Thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất thủy sản theo quy định.
e) Niêm yết công khai danh sách được xét hỗ trợ chính sách tại trụ sở UBND xã và công bố ra dân để mọi người được biết.
9. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thông suốt và triển khai thực hiện tốt chính sách này.
b) Hàng năm (tháng 6 năm trước) tổ chức cho người dân đăng ký danh sách nuôi thủy sản; lập kế hoạch, xác định nhu cầu vốn thực hiện chính sách này gửi về phòng Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND huyện.
c) Tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ, kiểm tra xác nhận địa điểm đầu tư, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra điều kiện để thực hiện chính sách này.
10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An: chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí vốn cho các tổ chức, cá nhân vay theo chính sách; theo dõi, chỉ đạo về việc hướng dẫn thủ tục, điều kiện vay vốn và thông báo rộng rãi đến cấp xã và nhân dân biết để được tiếp cận nguồn vốn.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chính sách này để vụ lợi, vi phạm các nội dung của quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.