Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 05/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015
- Số hiệu văn bản: 1211/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 05-09-2012
- Ngày có hiệu lực: 05-09-2012
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4440 ngày (12 năm 2 tháng 0 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1211/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu của Chương trình:
a) Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa. Bảo tồn các di sản văn hóa và phục vụ việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Xóa các điểm trắng về văn hóa, xây dựng những điểm sáng về văn hóa trên các mặt, trên các lĩnh vực của đời sống tinh thần.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn\hoá: Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1.200 đến 1.500 di tích quốc gia. Hoàn thành công tác tổng kiểm kê giá trị văn hóa phi vật thể trên cả nước và xây dựng bản đồ phân bố giá trị văn hóa phi vật thể; tiến hành 500 dự án sưu tầm bảo tồn lưu giữ Văn hóa phi vật thể; đảm bảo việc giới thiệu, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm lưu giữ; hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể; nghiên cứu lập hồ sơ 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hỗ trợ phục dựng và đưa 20 lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số về với cộng đồng dân cư; hoàn thành các làng bản cổ tiêu biểu để khai thác phục vụ du lịch văn hóa.
- Mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao cơ sở: Hỗ trợ xây dựng 500 nhà văn hóa sân tập thể thao cấp xã và 3.000 nhà văn hóa, sân tập thể thao thôn đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới; xây dựng 30 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện tại các vùng, miền, các địa phượng, vùng sâu, vùng xa; cấp trang thiết bị hoạt động phù hợp, đáp ứng đuợc yêu cầu thực tế cho các đội thông tin lưu động cấp tỉnh, cấp huyện; cấp trang thiết bị hoạt động cho các Trung tâm văn hóa cấp huyện và 3.000 nhà văn hóa thể thao cấp xã, thôn. Hỗ trợ để nâng cấp và duy trì hoạt động các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt cho thiếu nhi đã có ở địa phương. Thí điểm đầu tư xây dựng 10 tụ điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi thuộc hệ thống công lập. Cấp trang thiết bị và sản phẩm văn hóa thông tin cho các xã thuộc vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn. Đảm bảo 100% cán bộ phụ trách công tác văn hóa của các xã, phường được đào tạo nghiệp vụ cơ bản.
- Mục tiêu phát triển nghệ thuật truyền thống: Xây dựng mới 07 Trung tâm nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại một số vùng tiêu biểu; trang bị cho các Trung tâm nghệ thuật biểu diễn truyền thống 10 xe ôtô ca chuyên dụng chở diễn viên, 10 xe ôtô tải chuyên dụng chở trang thiết bị, 10 máy phát điện công suất từ 20 KVA đến 30 KWA và một số thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục chuyên dụng; đầu tư xây dựng 30 chương trình nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho các đơn vị công lập, 10 chương trình cho các đơn vị ngoài công lập; xây dựng 60 chương trình phát trên sóng Truyền hình chuyên mục: “Trò chuyện về Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam” nhằm giới thiệu và quảng bá tới đông đảo khán giả trong nước và quốc tế; tổ chức 40 đợt tập huấn về nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho các đơn vị công lập và ngoài công lập; tiếp tục đầu tư cho dự án “Sân khấu học đường” giai đoạn 2012 - 2015, thực hiện mỗi năm 06 chương trình ở các địa phương khác nhau.
2. Thời gian và phạm vi thực hiện:
a) Thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa từ năm 2012 đến năm 2015.
b) Phạm vi: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, song tùy từng dự án có phạm vi khác nhau, cụ thể:
- 4 dự án có phạm vi trên toàn quốc: Dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; dự án Sưu tầm, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; dự án Tăng cường năng lực cán bộ văn hóa cơ sở, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; dự án Đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống;
- 2 dự án có phạm vi ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, vùng đặc biệt khó khăn: Dự án Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
3. Tổng kinh phí cho Chương trình:
Tổng kinh phí cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 là: 7.399 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:
- Ngân sách trung ương: 3.231 tỷ đồng (trong đó 1.900 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 1.331 tỷ đồng ngân sách sự ngiệp);
- Ngân sách địa phương: 2.116 tỷ đồng;
- Vốn huy động hợp pháp khác: 2.052 tỷ đồng.
4. Các dự án của Chương trình:
a) Dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo đi tích
- Mục tiêu: Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể. Nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này. Tạo ra những sản phẩm đặc thù có giá trị phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, giáo dục truyền thống và góp phần phát triển du lịch.
- Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:
+ Hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích đặc biệt quan trọng (theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
+ Tiếp tục đầu tư triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia đang đầu tư dở dang trong những năm qua. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho 60 đến 90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300 đến 400 di tích. Hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10 đến 30 hiện vật mỗi năm để xây dựng sưu tập phù hợp với loại hình và nhiệm vụ của bảo tàng. Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành làm - công tác tôn tạo, tu bổ di tích. Hỗ trợ địa phương tổ chức tập huấn cán bộ quản lý và phát huy giá trị di tích ở cơ sở, tổ chức tham quan, khảo sát, nghiên cứu ở trong và ngoài nước cho các cán bộ làm công tác quản lý của bảo tàng, Ban quản lý di tích.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 5.162 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 2.012 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 1.500 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 1.650 tỷ đồng.
b) Dự án Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam
- Mục tiêu: Sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, thông qua đó giới thiệu và quảng bá để các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa lịch sử của nước ta.
- Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:
+ Sưu tầm lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc ở Việt Nam, ưu tiên cho các di sản văn hóa phi vật thể đã được và sẽ được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hoàn thành việc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể theo địa giới hành chính và theo tộc người, xây dựng bản đồ di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam. Xây dựng chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, lên danh mục các nghệ nhân dân gian các dân tộc trên cả nước. Tập trung quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể đã sưu tầm được, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Hỗ trợ xây dựng hồ sơ khoa học 5 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Xây dựng chương trình về di sản văn hóa phi vật thể cho các cấp học, theo hai loại: Dành cho các trường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và dành cho các nhà trường từ cấp II đến Đại học.
+ Bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản buôn truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch. Sưu tầm và khôi phục lại các lễ hội truyền thống của một số dân tộc thiểu số.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 288,5 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 170,5 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 50 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 68 tỷ đồng.
c) Dự án Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo
- Mục tiêu: Xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở các cấp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, thể thao. Góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động thể thao của các tầng lớp nhân dân.
- Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:
Xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tại những huyện đặc biệt khó khăn, hiện chưa có thiết chế văn hóa cấp huyện. Xây dựng thiết chế văn hóa, sân tập thể thao cấp xã và cấp các làng, thôn, bản, buôn đảm bảo theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa đối với các nhà, hội trường sinh hoạt đa năng của các xã, phường và các làng, bản. Đầu tư, thiết bị hoạt động văn hóa cho nhà văn hóa các cấp và các đội thông tin lưu động, cấp trang thiết bị hoạt động văn hóa và các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa thông tin cho đồng bào các xã thuộc vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo và các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ sách và thiết bị, đào tạo cán bộ cho thư viện tỉnh và huyện trên cả nước. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ công tác tại các thiết chế văn hóa thể thao các cấp.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 943,5 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 543,5 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 265 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 135 tỷ đồng.
d) Dự án phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo
- Mục tiêu: Tạo điều kiện xây dựng các cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em có tính thống nhất và hoạt động hiệu quả trong các vùng miền trong cả nước. Tạo mô hình chuẩn, điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.
- Nội dung nhiệm vụ chủ yếu:
Hỗ trợ xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em theo đúng tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc thù của từng vùng miền. Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng và dàn dựng các chương trình hoạt động văn hóa thể thao cho các đối tượng thiếu nhi. Đào tạo cán bộ làm công tác tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Lồng ghép các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho thiếu nhi vào các thiết chế văn hóa thể thao các cấp.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 475 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 215 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 175 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 85 tỷ đồng.
đ) Dự án đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống
- Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nghệ thuật biểu diễn truyền thống, các nghệ sỹ chủ động sáng tạo, đào tạo, nghiên cứu, biểu diễn và quảng bá được các chương trình, tác phẩm nghệ thuật truyền thống có chất lượng nghệ thuật cao.
- Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:
Đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, thông qua hình thức xây dựng, nâng cấp các rạp biểu diễn nghệ thuật truyền thống Trung ương, hỗ trợ xây dựng các rạp tại các địa phương có loại hình nghệ thuật tiêu biểu. Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các đoàn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ đào tạo và đào tạo tại cán bộ, diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các đối tượng nghệ nhân, diễn viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Xây dựng biên soạn giáo trình, các ấn phẩm, băng đĩa về các loại hình nghệ thuật truyền thông cho hệ thống trường học trên cả nước.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 430 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 230 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 100 tỷ đồng;
+ Huy động hợp pháp khác: 100 tỷ đồng.
e) Dự án Tăng cường năng lực cán bộ văn hóa cơ sở, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình
- Mục tiêu: Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia triển khai thực hiện các nội dung công việc của Chương trình. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình để chỉ đạo, điều hành Chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Quảng bá những thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình.
- Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu và bộ chỉ số nhằm theo dõi giám sát việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn cả nước. Tổ chức các đoàn, các đợt kiểm tra toàn điện việc thực hiện chương trình tại các địa phương. Xây dựng hệ thống văn bản pháp quy để phục vụ việc điều hành chương trình. Làm công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình theo đúng quy định. Thực hiện các phóng sự, in ấn tài liệu nhằm quảng bá việc thực hiện và các thành tựu đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
- Kinh phí: Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 100 tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách trung ương: 60 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: 26 tỷ đông;
+ Huy động hợp pháp khác: 14 tỷ đồng.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý và điều hành Chương trình có trách nhiệm chủ trì:
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt các Dự án thành phần của Chương trình theo đúng quy trình quy định. Tổ chức triển khai thực hiện các Dự án thành phần của Chương trình sau khi phê duyệt.
b) Các Bộ, ngành trung ương:
- Thực hiện quản lý nhà nước theo chức năng quy định;
- Tham gia triển khai nội dung Chương trình trong phạm vi và nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, chủ động huy động thêm các nguồn lực cho các dự án của Chương trình. Báo cáo định kỳ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát.
Điều 2. Cơ chế quản lý điều hành Chương trình
Cơ chế quản lý và điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |