cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 22/11/2013 Tăng cường việc chỉ đạo xây dựng, thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, làng, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu văn bản: 32/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 22-11-2013
  • Ngày có hiệu lực: 22-11-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4020 ngày (11 năm 5 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/CT-UBND

Nghệ An, ngày 22 tháng 11 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG VIỆC CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, THỰC HIỆN QUY ƯỚC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ THÔN, LÀNG, BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Nhằm khích lệ và phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ rừng tại cộng đồng dân cư thôn, làng, bản đồng thời bảo vệ rừng bền vững theo xu hướng xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, đã và đang được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân. Ngày 01/08/2007 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 70/2007/TT-BNN về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn (gọi tắt là Quy ước). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 1377 bản quy ước của 1377 thôn, làng, bản thuộc 226/335 xã có rừng. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy ước đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, người dân các địa phương tích cực, tự giác tham gia bảo vệ phát triển rừng tại cộng đồng, rừng được bảo vệ tốt hơn. Bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số tồn tại đó là: việc xây dựng và triển khai Quy ước ở một số địa phương tiến hành chưa đồng bộ, chưa sát với yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ và phát triển rừng, Quy ước được xây dựng, song việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa phát huy được nguồn lực cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và phát triển rừng, chưa kết hợp được những nét văn hóa truyền thống, tập tục tốt đẹp của cộng đồng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng để canh tác nương rẫy trái phép, khai thác lâm sản tự do, săn bắt động vật hoang dã trái phép, thả rông trâu bò phá hoại rừng trồng, đốt lửa gây ra cháy rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương, dẫn đến suy giảm rừng, mất rừng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01/08/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Sau đây gọi tắt là Thông tư số 70/2007/TT-BNN) nhằm phát huy có hiệu quả vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư thôn, làng, bản trong công tác bảo vệ phát triển rừng, thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các phòng chức năng cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện một số nội dung sau

a) Thành lập các Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn gồm các thành viên: Đại diện lãnh đạo UBND huyện, thành, thị (Trưởng ban chỉ đạo); Đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá; đại diện các tổ chức, đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trưởng các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Giám đốc các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp;

b) Tổ chức xây dựng và thực hiện Quy ước theo đúng nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 70/2007/TT-BNN Những địa phương đã được xây dựng Quy ước trước đây, phải tiến hành rà soát phân loại, những bản Quy ước nào không phù hợp thì sửa đổi hoặc xây dựng mới thay thế;

c) Rà soát lập danh sách các thôn, làng, bản dự kiến xây dựng bản Quy ước mới, từ đó xây dựng kế hoạch hàng năm hạng mục “xây dựng Quy ước bảo vệ phát triển rừng theo từng địa phương cấp xã và tổng hợp toàn huyện”.

d) Hướng dẫn, chỉ đạo các thôn, làng, bản đã xây dựng xong Quy ước, thành lập các tổ đội tự quản tại các thôn, làng, bản thành phần gồm: Trưởng, phó các thôn, bản, Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, hội phụ nữ, v.v… tổ chức tuần tra rừng, giám sát việc thực hiện Quy ước tại thôn, làng, bản, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức tuyên truyền nội dung bản Quy ước đến từng thôn, làng, bản, hộ gia đình, cá nhân với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và có hiệu quả thiết thực;

e) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự xây dựng Quy ước theo hướng dẫn tại Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và lập hồ sơ trình thẩm định phê duyệt công nhận bản Quy ước, tổ chức triển khai thực hiện.

f) Hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện và lập danh sách các thôn, làng, bản đã được xây dựng quy ước trên phạm vi toàn huyện báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 10 tháng 12.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, thực hiện Quy ước phù hợp điều kiện thực tiễn của từng địa phương;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện xây dựng Quy ước trong cộng đồng dân cư thôn, làng, bản tại các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí và kết quả thực hiện hàng năm của các địa phương trong tỉnh báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/12 hàng năm;

c) Chỉ đạo các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp phối hợp với các thành viên BCĐ huyện triển khai việc xây dựng và thực hiện Quy ước. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, xây dựng và thực hiện Quy ước, giám sát việc thực hiện Quy ước sau khi được UBND huyện phê duyệt;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách liên quan đến quản lý rừng cộng đồng, xây dựng, thực hiện Quy ước phù hợp với điều kiện thực tế địa phương;

e) Tiến hành kiểm tra đánh giá việc xây dựng và thực hiện Quy ước tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT kịp thời, đúng quy định.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

a) Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, thực hiện Quy ước phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Tổ chức kiểm tra đánh giá việc triển khai thực hiện Quy ước trên phạm vi toàn tỉnh;

b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành, thị tăng cường phối hợp triển khai xây dựng, thực hiện Quy ước theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 70/2007/TT-BNN ngày 01/08/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Quy ước, hướng dẫn việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí xây dựng Quy ước tại các địa phương trong tỉnh;

b) Tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách liên quan đến quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

5. Thời gian thực hiện

Từ năm 2014 và kết thúc hoàn thành trước ngày 30/12/2016.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng