cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 6696/QĐ-UBND ngày 17/08/2012 Quy định cấp phát và thanh toán kinh phí đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 6696/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 17-08-2012
  • Ngày có hiệu lực: 17-08-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-12-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1207 ngày (3 năm 3 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-12-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-12-2015, Quyết định số 6696/QĐ-UBND ngày 17/08/2012 Quy định cấp phát và thanh toán kinh phí đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 Về Quy định phương thức đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tham gia cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6696/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÁT VÀ THANH TOÁN KINH PHÍ ĐẶT HÀNG DỊCH VỤ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Thông tư số 30/2010/TT-BTC ngày 05/3/2010 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 30/01/2008 của Bộ Tài chính - Giao thông vận tải về việc Hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 75/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 06 tháng 06 năm 2011 của Bộ Tài chính - Giao thông vận tải về việc Hướng dẫn lập và quản lý giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 1404/SGTVT-TCKT ngày 05 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định về cấp và thanh toán kinh phí đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ CẤP PHÁT VÀ THANH TOÁN KINH PHÍ ĐẶT HÀNG DỊCH VỤ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6696 /QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định việc cấp phát, thanh toán kinh phí đặt hàng của cơ quan được giao nhiệm vụ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp (gọi tắt là đơn vị nhận đặt hàng) thực hiện dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Các hoạt động dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ quy định tại Quy định này bao gồm các công tác dịch vụ sau:

a) Đối với các loại đường thực hiện các nội dung sau:

* Công tác quản lý:

Tuần tra, kiểm tra thường xuyên; kiểm tra hàng tháng; kiểm tra định kỳ năm; kiểm tra khẩn cấp; trực bão lũ; cập nhật số liệu cầu đường và thu thập tình hình bão lũ; phát cây, cắt cỏ; khơi rãnh khi trời mưa; nắn sửa cọc tiêu, biển báo, dải phân làn; thông thoát nước cho cầu nhỏ L ≤ 25m và cống các loại; thanh thải lòng sông, suối, phát cây; vệ sinh mặt, mố, lan can các cầu nhỏ L ≤ 25m và cống các loại; sửa chữa nhỏ công trình cầu nhỏ L ≤ 25m và cống các loại.

* Công tác bảo dưỡng thường xuyên:

Sửa chữa vỉa hè; sơn biển báo và cột các loại; bổ sung biển báo; dán lại lớp phản quang biển báo; đắp phụ nền, lề đường; bạt lề đường; hót sụt nhỏ; đào rãnh dọc, rãnh ngang; sơn cột tiêu, mốc, cọc H, km, lan can, tường hộ lan; bổ sung cọc tiêu, cột km, cọc H, mốc lộ giới, tường hộ lan; quét vôi cọc tiêu, cột km, đầu cống, lan can; sửa hư hỏng nhỏ (ổ gà, bong bật, lún cục bộ…); xử lý rạn chân chim; xử lý cao su, sình lún.

b) Đối với các cầu có chiều dài ≥ 25m thực hiện các nội dung sau:

* Công tác quản lý:

Tuần tra, kiểm tra; thanh thải lòng sông; vệ sinh mặt cầu; vệ sinh mố cầu; vệ sinh gối, trụ cầu; quản lý hồ sơ trên vi tính; phát quang cây, cỏ; sửa chữa khe co giãn; sửa chữa mốc cao độ, lộ giới.

* Công tác bảo dưỡng thường xuyên:

Sửa chữa lan can, cọc tiêu; sửa chữa tứ nón; sửa chữa đường vào cầu; sơn quét vôi lan can; sơn biển báo.

Điều 2. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí sử dụng từ ngân sách thành phố Đà Nẵng cấp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Thẩm quyền thực hiện công tác đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ

1. UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải lập dự toán cho từng nội dung công việc đặt hàng về quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.

2. Căn cứ vào dự toán được duyệt Sở Giao thông vận tải thực hiện ký hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì đường bộ.

3. Căn cứ hợp đồng đặt hàng đã được ký kết, đơn vị nhận đặt hàng có trách nhiệm thực hiện các nội dung công việc về quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng yêu cầu theo quy định.

4. Khi kết thúc các nhiệm vụ theo đơn đặt hàng, Sở Giao thông vận tải chủ trì, tổ chức thanh lý hợp đồng đặt hàng với đơn vị nhận đặt hàng.

Điều 4. Đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích trong quản lý, bảo trì đường bộ

Giao Sở Giao thông vận tải căn cứ vào định mức kinh tế, kỹ thuật lập đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích trong quản lý bảo trì đường bộ gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt.

Điều 5. Công tác lập, thẩm định, giao và phân bổ kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ

1. Lập dự toán:

a) Căn cứ lập dự toán:

- Căn cứ vào định mức, đơn giá dịch vụ bảo trì đường bộ của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Căn cứ khối lượng công việc đã thực hiện năm thực hiện và dự kiến tình hình thực tế về yêu cầu quản lý bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn thành phố của năm kế hoạch.

b) Lập dự toán: Kinh phí thực hiện đặt hàng dịch vụ quản lý,bảo trì đường bộ được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giao thông vận tải trong dự toán chi ngân sách thành phố.

- Hàng năm Sở Giao thông vận tải có tránh nhiệm lập dự toán chi tiết kinh phí đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ gửi Sở Tài chính xem xét trình UBND thành phố để bố trí dự toán ngân sách hàng năm theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

2. Thẩm định dự toán đặt hàng: Sở Giao thông vận tải lập dự toán kinh phí đặt hàng chi tiết theo từng loại sản phẩm dịch vụ gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt.

3. Dự toán phát sinh và đột xuất:

a) Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khối lượng được UBND thành phố chấp thuận, Sở Giao thông vận tải phải lập dự toán phát sinh gửi Sở Tài chính thẩm tra trình UBND thành phố phê duyệt bổ sung để làm cơ sở thực hiện và nghiệm thu thanh quyết toán.

b) Đối với các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý, duy tu sửa chữa hệ thống giao thông phát sinh đột xuất theo chỉ đạo của UBND thành phố, trước khi thực hiện phải có biên bản khảo sát, xác nhận giữa Sở Giao thông vận tải với đơn vị nhận đặt hàng để bổ sung vào dự toán đầu năm để làm cơ sở thanh quyết toán năm hoặc lập hồ sơ dự toán, thanh toán, quyết toán riêng cho từng công trình.

Điều 6. Quản lý, giám sát và nghiệm thu

1. Về công tác quản lý, giám sát:

- Sở Giao thông vận tải thành phố thực hiện chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện hợp đồng đặt hàng cả về thời gian và khối lượng, chất lượng đối với các hoạt động dịch vụ quản lý bảo trì đường bộ mà đơn vị nhận đặt hàng thực hiện.

- Việc kiểm tra, giám sát phải được tổ chức định kỳ và đột xuất, đảm bảo đúng các yêu cầu về kỹ thuật được quy định trong hồ sơ và hợp đồng đặt hàng.

2. Về nghiệm thu:

a) Thời gian nghiệm thu:

- Công tác nghiệm thu được tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, đột xuất hoặc sau khi hoàn thành hạng mục công việc.

- Sở Giao thông vận tải quy định cụ thể thời gian nghiệm thu.

b) Thành phần nghiệm thu, nội dung nghiệm thu, hồ sơ nghiệm thu:

- Thành phần nghiệm thu: Gồm bộ phận giám sát của Sở Giao thông vận tải, các phòng, ban chuyên môn trực tiếp của Sở Giao thông vận tải và đơn vị nhận thực hiện hợp đồng đặt hàng.

- Nội dung nghiệm thu: Các công việc đặt hàng đã được thực hiện trong tháng, quý, hoặc cả năm theo hồ sơ và hợp đồng đặt hàng quy định.

- Hồ sơ nghiệm thu gồm: Biên bản nghiệm thu, bảng khối lượng đã hoàn thành đặt hàng dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hồ sơ quyết toán, nhật ký...và các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải.

Điều 7. Về cấp phát, thanh toán và quyết toán

1. Cấp phát kinh phí:

Hàng quý, căn cứ vào giá trị hợp đồng ký kết, trên cơ sở đề nghị của đơn vị nhận đặt hàng, Sở Giao thông vận tải tạm ứng kinh phí đầu quý với mức tối đa không quá 60% giá trị hợp đồng.

- Cuối quý thanh toán 100% giá trị khối lượng công việc thực hiện trên cơ sở có đầy đủ các hồ sơ sau:

+ Quyết toán khối lượng công việc hoàn thành (chi tiết theo từng sản phẩm); hồ sơ quyết toán được Sở Giao thông vận tải thẩm định khối lượng, đơn giá và giá trị quyết toán.

+ Hồ sơ quyết toán bao gồm: Biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng, bảng thanh toán khối lượng.

2. Thủ tục thanh, quyết toán:

- Sở Giao thông vận tải thực hiện theo hình thức chuyển khoản cho đơn vị nhận đặt hàng.

- Hồ sơ thanh quyết toán gồm: Quyết định phê duyệt kết quả đặt hàng (hoặc giao kế hoạch), hợp đồng kinh tế thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng; bảng thanh toán khối lượng; phiếu giá.

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lập hồ sơ thanh quyết toán, gửi Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi và tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Sở Giao thông Vận tải

1. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện để lập dự toán đặt hàng dịch vụ bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố gửi Sở Tài chính thẩm định.

2. Hướng dẫn triển khai thực hiện công tác dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố.

3. Thực hiện ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị nhận đặt hàng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định.

4. Xây dựng quy trình nghiệm thu (thành phần tham gia nghiệm thu, nội dung nghiệm thu...), tổ chức nghiệm thu khối lượng sản phẩm dịch vụ bảo trì đường bộ hoàn thành.

5. Tổ chức thẩm tra và phê duyệt quyết toán. Đồng thời, tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện đặt hàng bảo trì đuờng bộ trên địa bàn thành phố gửi Sở Tài chính theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện công việc được giao và kết quả thực hiện công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố.

7. Tham mưu UBND thành phố về xây dựng và điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, trình các Bộ có thẩm quyền phê duyệt, và trình UBND thành phố phê duyệt thay đổi đơn giá dịch vụ bảo trì đường bộ theo đúng quy định.

Điều 9. Sở Tài chính

- Thẩm định dự toán kinh phí đặt hàng công tác dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ do Sở Giao thông vận tải lập trình UBND thành phố phê duyệt.

- Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm để tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện dịch vụ quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.

- Thẩm định quyết toán kinh phí đặt hàng hàng năm do Sở Giao thông vận tải lập.

Điều 10. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh mới, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét điều chỉnh bổ sung cho phù hợp theo thực tế./.