cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 16/08/2012 Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thành phố giai đoạn 2012-2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 36/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 16-08-2012
  • Ngày có hiệu lực: 26-08-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-01-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 516 ngày (1 năm 5 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-01-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-01-2014, Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 16/08/2012 Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thành phố giai đoạn 2012-2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2015”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2012/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2009 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ năm về một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015, cụ thể như sau:

1. Từ năm 2013 đến năm 2015, thực hiện huy động từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện (mỗi năm từ 50 tỷ đến 70 tỷ đồng) để bổ sung Quỹ Giảm nghèo Thành phố, đáp ứng nhu cầu vay vốn làm ăn của hộ nghèo, cận nghèo thành phố đảm bảo theo nguyên tắc cân đối bổ sung trên từng địa bàn quận, huyện theo kế hoạch cụ thể hàng năm.

2. Về bổ sung một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo thành phố có mức thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống:

a) Về chính sách Bảo hiểm y tế bắt buộc: thống nhất chi từ ngân sách thành phố để hỗ trợ cho khoản đồng chi trả 15% chi phí khám chữa bệnh (bao gồm hỗ trợ 15% chi phí chạy thận) của bệnh nhân là người nghèo thành phố hàng năm (hộ nghèo thành phố được hưởng chế độ đồng chi trả bảo hiểm y tế tương đương hộ nghèo quốc gia). Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ bổ sung vào nguồn quỹ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo thuộc Sở Y tế quản lý để chi thanh toán cho Bảo hiểm xã hội Thành phố theo đúng chế độ quy định.

b) Về chính sách hỗ trợ giáo dục:

- Thực hiện miễn giảm học phí buổi thứ 2 cho học sinh diện hộ nghèo thành phố từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Chấp thuận chi thanh toán cấp bù cho ngành giáo dục thành phố và các quận - huyện đã chi hỗ trợ tiền học phí buổi thứ 2 năm học 2010 - 2011 cho học sinh nghèo thành phố với số tiền là 8,69 tỷ đồng.

- Hỗ trợ từ ngân sách thành phố 100% học phí cho sinh viên là con em hộ nghèo thành phố, có thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống, đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (bao gồm Trung học chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học).

- Hỗ trợ từ ngân sách thành phố 50% học phí cho sinh viên là con em hộ nghèo thành phố, có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/năm, đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (bao gồm Trung học chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học).

c) Về chính sách hỗ trợ điều kiện ban đầu (học ngoại ngữ) cho lao động nghèo thành phố đi lao động có thời hạn ở nước ngoài:

- Ngân sách thành phố chi hỗ trợ 50% chi phí học ngoại ngữ cho lao động thuộc hộ nghèo có thu nhập từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống (còn lại Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 30% và người nghèo tự lo 20%).

- Ngân sách thành phố chi hỗ trợ 30% chi phí học ngoại ngữ cho lao động thuộc hộ nghèo có thu nhập trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/năm (còn lại Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 30% và người nghèo tự lo 40% mức chi phí).

d) Về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nghèo của các quận nội thành và quận ven:

Vận dụng quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” để hỗ trợ cho lao động nghèo tại 17 quận nội thành, quận ven tham gia học nghề từ ngân sách thành phố với định mức hỗ trợ là 3,5 triệu đồng/người (như đã vận dụng tại 5 huyện ngoại thành và quận 9, quận 12).

3. Về chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo thành phố:

a) Hộ cận nghèo thành phố được vay vốn Quỹ Giảm nghèo cho các nhu cầu tổ chức sản xuất, kinh doanh để nâng thu nhập, ổn định cuộc sống, không để tái nghèo và vươn lên hộ khá.

b) Thành viên các hộ cận nghèo thành phố được hỗ trợ tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế bắt buộc theo phương thức ngân sách thành phố hàng năm hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ và thành viên hộ cận nghèo đóng 50% mệnh giá thẻ, nhưng không thực hiện hỗ trợ 15% đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh như đối với hộ nghèo thành phố (hộ cận nghèo thành phố thực hiện chế độ đồng chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như hộ cận nghèo quốc gia).

4. Tiếp tục thực hiện trợ cấp khó khăn cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, diện chính sách có công với cách mạng và cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2012:

Chấp thuận chi từ ngân sách thành phố (kinh phí dự phòng) số tiền 230.993.200.000 đồng để tiếp tục thực hiện chủ trương trợ cấp khó khăn cho đối tượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, diện chính sách có công với cách mạng và cán bộ, công chức, viên chức năm 2012, cụ thể như sau:

a) Nguyên tắc trợ cấp năm 2012:

- Tiếp tục trợ cấp trong năm 2012 cho các đối tượng đã được ngân sách thành phố trợ cấp năm 2011 (trừ đối tượng công an viên cấp xã do đã được nâng mức phụ cấp trong năm 2012).

- Thực hiện hỗ trợ trong năm 2012 từ ngân sách thành phố cho các đối tượng đã được ngân sách Trung ương trợ cấp năm 2011.

- Mức trợ cấp bằng với mức năm 2011.

b) Bổ sung, điều chỉnh về đối tượng và mức hưởng trợ cấp khó khăn trong năm 2012 so với năm 2011:

- Về trợ cấp bù giá điện cho hộ nghèo: ngân sách thành phố thực hiện trợ cấp bù giá điện cho hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/người/năm trở xuống, bao gồm 31 hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia quy định tại Quyết định số 2409/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011.

- Về đối tượng bảo trợ xã hội: bổ sung thêm các đối tượng hưởng trợ cấp trong năm 2012 với mức 50.000 đồng/hộ/tháng (bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội khác), gồm: Hộ gia đình có từ 02 người trở lên là người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh tâm thần; Hộ gia đình có từ 02 người trở lên là người mắc bệnh tâm thần; Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con từ 18 tháng tuổi trở lên, trường hợp con đang đi học văn hóa, học nghề được áp dụng đến dưới 18 tuổi; Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

- Về đối tượng thương binh đặc biệt nặng, thương binh nặng 1/4, thương binh B đặc biệt nặng, thương binh B nặng 1/4, bệnh binh đặc biệt nặng, bệnh binh 1/3: mức trợ cấp năm 2012 là 200.000 đồng/người/tháng (bằng với diện thân nhân liệt sĩ hưởng định suất nuôi dưỡng và người có công giúp đỡ cách mạng hưởng định suất nuôi dưỡng).

c) Thời gian hưởng trợ cấp là 12 tháng (từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2012).

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá thành phố) chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các Sở, ngành chức năng có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân