Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 08/08/2012 Về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 08-08-2012
- Ngày có hiệu lực: 18-08-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-02-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1275 ngày (3 năm 6 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-02-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2012/QĐ-UBND | Vĩnh Yên, ngày 08 tháng 8 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH VĨNH PHÚC
UỶ BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã;
Căn cứ Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã;
Căn cứ Quyết định số 59/2007/QĐ-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã;
Căn cứ Thông tư số 81/2007/TT-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã;
Căn cứ Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng Dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức Tài chính quy mô nhỏ;
Theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Thẩm định Văn bản QPPL của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 81/BC-STP ngày 03/8/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc (Chi tiết kèm theo).
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành; Thay thế Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 28/5/2009 của UBND tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng Quản lý và Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐIỀU LỆ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2012 /QĐ-UBND ngày 08/8/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Địa vị pháp lý của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là Quỹ)
1. Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (sau đây cụm từ hợp tác xã viết tắt là HTX) tỉnh Vĩnh Phúc (tên giao dịch tiếng Anh: Vinh Phuc Cooperative Assistance Fund, tên viết tắt là VPCAF), là tổ chức tài chính được thành lập theo Quyết định số 3227/QĐ-UBND ngày 05/9/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Quỹ đặt tại: Số 5, đường Hai Bà Trưng, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Mục đích hoạt động:
Hoạt động của Quỹ nhằm mục đích hỗ trợ Tổ hợp tác, HTX và Liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh, đổi mới phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, kỹ thuật, phát triển thị trường, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, liên hiệp HTX mới, các mô hình HTX điển hình tiên tiến.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
1. Hoạt động của Quỹ không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn và tự bù đắp chi phí.
2. Quỹ được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với các hoạt động hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX theo mục đích hoạt động quy định tại Điều 2 của Điều lệ này.
3. Quỹ hạch toán độc lập, được phân phối chênh lệch thu chi tài chính theo đúng các quy định tại Điều lệ này.
Chương 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
Điều 4. Nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX
1. Tiếp nhận nguồn vốn ngân sách nhà nước giao và các các nguồn tài chính khác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn hỗ trợ các Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX.
2. Cho các Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX có dự án đầu tư, phương án kinh doanh khả thi vay vốn và có trách nhiệm thu hồi và bảo toàn vốn.
3. Quản lý vốn và tài sản của Quỹ theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
Điều 5. Quyền hạn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX
1. Quản lý và sử dụng các nguồn vốn theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
2. Được quyền lựa chọn các dự án, phương án để quyết định việc hỗ trợ; uỷ thác hỗ trợ.
3. Được thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn để xem xét, thẩm định các dự án, phương án vay vốn, xin hỗ trợ, tài trợ của Quỹ.
4. Được yêu cầu các Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX có dự án, phương án đang được Quỹ xem xét hoặc đã được Quỹ hỗ trợ cho vay vốn cung cấp các thông tin có liên quan về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, tín dụng.
5. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ cũng như những vấn đề liên quan đến việc thực hiện dự án của các HTX, liên hiệp HTX được Quỹ hỗ trợ.
6. Đình chỉ việc hỗ trợ hoặc thu hồi vốn trước hạn, phát mại tài sản bảo đảm tiền vay, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm các cam kết với Quỹ hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Quỹ.
7. Từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, nguồn tài chính, nhân lực của Quỹ cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, nếu những yêu cầu đó trái với quy định của Điều lệ này và quy định của pháp luật.
8. Quan hệ trực tiếp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ.
9. Được cử cán bộ, nhân viên của Quỹ đi nghiên cứu, học tập, công tác, khảo sát về chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước.
10. Được sử dụng vốn nhàn rỗi không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật.
Chương 3
HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
Điều 6. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX
1. Cho vay đầu tư.
2. Uỷ thác cho vay.
3. Nhận uỷ thác.
4. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động của Quỹ và thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX.
5. Mua trái phiếu chính phủ và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Đối tượng, điền kiện, lãi suất, thời hạn, mức phán quyết cho vay
1. Đối tượng được cho vay đầu tư:
Là các Tổ hợp tác; HTX; Liên hiệp HTX là thành viên của Liên minh HTX tỉnh từ 01 năm trở lên và có nhu cầu, có dự án vay vốn đầu tư khả thi để đổi mới phát triển sản phẩm, đổi mới phát triển công nghệ kỹ thuật, phát triển thị trường, mở rộng tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX mới, điển hình tiên tiến.
Căn cứ khả năng nguồn vốn của Quỹ, nhu cầu vay vốn, Hội đồng quản lý Quỹ xem xét có thể quy định danh mục ưu tiên cho vay trong từng thời kỳ theo đề nghị của Giám đốc Quỹ.
2. Điều kiện vay vốn, hồ sơ, thủ tục, quy trình vay vốn, thu hồi vốn vay, cho vay lại, gia hạn nợ, chuyển và xử lý nợ quá hạn thực hiện theo quy chế do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành.
Chủ dự án có đủ các điều kiện sau đây được xem xét vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX:
a) Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước.
c) Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và phương án đảm bảo trả được nợ gốc và lãi.
3. Mức vốn cho vay
Mức vốn cho vay đối với từng dự án cụ thể do Giám đốc Quỹ xem xét quyết định. Mức vay tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư của dự án và không quá 50 triệu đồng đối với dự án của 01 Tổ hợp tác; 500 triệu đồng đối với dự án của 01 HTX, Liên hiệp HTX.
4. Lãi suất cho vay vốn
a) Bằng 60% lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bằng Việt Nam đồng.
b) Lãi suất cho vay vốn của một dự án được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và cố định trong suốt thời hạn vay.
c) Hạn mức cho vay theo tỷ lệ: Vốn trung hạn 30%, vốn ngắn hạn 70% tổng nguồn vốn của Quỹ.
d) Trường hợp chủ dự án vay vốn vi phạm hợp đồng tín dụng thì phải chịu lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp dồng tín dụng.
5. Thời hạn vay vốn và thẩm quyền ký quyết định cho vay
a) Thời hạn cho vay vốn
Do Giám đốc Quỹ xem xét quyết định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với đặc điểm của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 03 năm.
b) Thẩm quyền ký quyết định cho vay
Phó giám đốc Quỹ ký thay Giám đốc các dự án có mức vay đến 200 triệu đồng; Giám đốc Quỹ ký các dự án từ 200 triệu đồng trở lên.
6. Bảo đảm tiền vay:
a) Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX quyết định các hình thức bảo đảm tiền vay phù hợp đối với từng dự án, bao gồm: Cầm cố, thế chấp tài sản, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba.
b) Trình tự, thủ tục bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro
a) Đối với những dự án gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng (thiên tai, hoả hoạn, động đất, dịch bệnh…) có xác nhận của chính quyền địa phương nơi có tài sản bị thiệt hại dẫn đến không hoàn trả được một phần hoặc toàn bộ vốn vay thì được xem xét, xử lý rủi ro theo quy định hiện hành.
b) Phân loại nợ, trình tự xử lý nợ quá hạn
- Trường hợp chủ dự án chưa đủ khả năng trả nợ (cả gốc và lãi) do lý do khách quan bất khả kháng có văn bản đề nghị gia hạn nợ được Giám đốc Quỹ xem xét, quyết định điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa là 12 tháng kể từ ngày có quyết định gia hạn.
- Trường hợp chủ dự án không trả hết nợ gốc trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng và không được điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc gia hạn nợ, quá 10 ngày kể từ ngày đáo hạn, Quỹ chuyển toàn bộ số dư nợ sang Nợ quá hạn. Chủ dự án chịu phạt mức lãi suất áp dụng 150% lãi suất trong hợp đồng tín dụng trên số nợ gốc chậm trả.
Quỹ có trách nhiệm phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Trường hợp dự án được điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc được gia hạn nợ, khi đáo hạn chủ dự án không trả hết nợ gốc, Quỹ xử lý như điểm b, mục này.
- Quá 180 ngày, số nợ quá hạn được xếp vào nhóm nợ 5 (Nợ có khả năng mất vốn), Quỹ thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp phát mại tài sản không đủ bù đắp cho rủi ro cho vay của khoản nợ thì được sử dụng dự phòng chung để xử lý.
- Trường hợp số tiền dự phòng không đủ để xử lý toàn bộ rủi ro cho vay của các khoản nợ phải xử lý, Quỹ hạch toán trực tiếp phần chênh lệch thiếu của số tiền dự phòng vào chi phí hoạt động.
- Việc Quỹ sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay không phải là xóa nợ cho khách hàng. Quỹ và cá nhân có liên quan không được phép thông báo dưới mọi hình thức cho khách hàng biết về việc xử lý rủi ro cho vay.
- Sau khi đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay, Quỹ phải chuyển các khoản nợ đã được xử lý rủi ro cho vay từ hạch toán nội bảng ra hạch toán ngoại bảng để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp để thu hồi nợ triệt để. Đối với số tiền thu hồi được từ các khoản nợ đã đưa vào ngoại bảng, Quỹ hạch toán vào thu nhập trong kỳ.
Điều 8. Nhận uỷ thác và uỷ thác
1. Nhận uỷ thác
a) Quỹ được nhận uỷ thác cho vay, tài trợ hoạt động đối với HTX, liên hiệp HTX từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng nhận uỷ thác.
b) Quỹ được hưởng phí dịch vụ nhận uỷ thác. Mức phí dịch vụ nhận uỷ thác do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhận uỷ thác.
2. Uỷ thác
a) Quỹ được quyền uỷ thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc cho vay hỗ trợ theo hợp đồng uỷ thác.
b) Phí uỷ thác Quỹ trả cho các tổ chức nhận uỷ thác do các bên thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác.
Mức vốn cho vay, lãi suất cho vay uỷ thác hoặc nhận uỷ thác thực hiện theo các Khoản 3 và Khoản 4, Điều 7 của Điều lệ này.
Điều 9. Viện trợ, tài trợ
Quỹ được tiếp nhận quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX theo tôn chỉ, mục đích, yêu cầu của nhà tài trợ, nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Điều 10. Mua trái phiếu chính phủ
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua trái phiếu chính phủ.
Chương 4
NGUỒN VỐN HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
Điều 11. Vốn điều lệ
1. Vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là 30 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp.
2. Việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ do UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
Điều 12. Các nguồn vốn khác
1. Các khoản đóng góp tự nguyện.
2. Các khoản viện trợ, tài trợ.
3. Vốn nhận uỷ thác.
4. Vốn từ chương trình, dự án.
Chương 5
TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
Điều 13. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và cơ quan điều hành.
a) Hội đồng quản lý quỹ
- Chủ tịch Hội đồng là một Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch Hội đồng là chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc.
- Thành viên là đại diện các Sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước tỉnh.
b) Ban kiểm soát Quỹ có 03 người (Trưởng Ban và 01 cán bộ chuyên trách, 01 cán bộ kiêm nhiệm).
Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng Ban kiểm soát. Các thành viên Ban kiểm soát do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đề nghị của Trưởng Ban kiểm soát.
c) Bộ máy cơ quan điều hành của Quỹ gồm: Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng và các phòng chuyên môn nghiệp vụ.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ khác dối với Lãnh đạo Quỹ theo quy định của pháp luật.
2. Biên chế của Quỹ là biên chế sự nghiệp do UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm, căn cứ vào nhu cầu tài chính, Giám đốc Quỹ được hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Trước mắt, biên chế gồm: Giám đốc, các Phó giám đốc, 01 Trưởng Ban Kiểm soát; 01 thành viên BKS, 01 kế toán trưởng, 02 kế toán viên, 01 thủ quỹ, 07 cán bộ thẩm định tín dụng; 01 văn thư. Ngoài ra Quỹ còn có một số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng 1 số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, hoặc hợp đồng lao động ngắn hạn.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý quỹ
a) Xem xét, thông qua phương hướng, kế hoạch hoạt động, cho vay đầu tư, hỗ trợ, tài trợ; kế hoạch tài chính và báo cáo quyết toán của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
b) Ban hành quy chế quản lý và sử dụng vốn, tài sản, quy chế cho vay, thu hồi nợ, quy chế thu, chi tài chính của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
c) Phê duyệt chương trình hoạt động của Ban kiểm soát; xem xét báo cáo kết quả kiểm soát của Ban kiểm soát.
d) Kiểm tra, giám sát hoạt động của Bộ máy cơ quan điều hành của Quỹ trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Điều lệ của Quỹ và các quyết định của Hội đồng quản lý.
đ) Nhận vốn thuộc sở hữu nhà nước do UBND tỉnh giao cho Quỹ.
e) Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ, xem xét và quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy điều hành; quyết định thành lập, giải thể các bộ phận giúp việc của bộ máy điều hành.
g) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh phó Giám đốc và Kế toán trưởng của quỹ theo đề nghị của Giám đốc quỹ; chức danh Trưởng ban kiểm soát, các thành viên Ban kiểm soát theo đề nghị của Trưởng ban kiểm soát.
h) Trình UBND tỉnh bổ sung vốn điều lệ của Quỹ.
i) Trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
k) Được sử dụng con dấu của Quỹ trong các hoạt động giao dịch, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng theo quy định tại Điều lệ này.
l) Xem xét đề nghị của Giám đốc Quỹ, báo cáo UBND tỉnh giao biên chế của Quỹ.
2. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ
Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 3 trong 5 thành viên của Hội đồng tham dự. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, bên nào có phiếu của người chủ toạ cuộc họp là quyết định.
Hội đồng quản lý Quỹ họp thường kỳ 3 tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, Hội đồng quản lý có thể triệu tập họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Trưởng ban kiểm soát hoặc Giám đốc Quỹ.
3. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước.
4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý được tính vào chi phí hoạt động của Quỹ.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động của Ban kiểm soát
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và tổ chức triển khai độc lập.
2. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các quyết định của Hội đồng quản lý; báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ và người có thẩm quyền về kết quả kiểm tra, giám sát và kiến nghị biện pháp xử lý.
3. Trưởng Ban kiểm soát hoặc thành viên của Ban được Trưởng ban uỷ quyền tham dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ nhưng không có quyền biểu quyết.
4. Kinh phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Quỹ
1. Giám đốc là đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng quản lý Quỹ về toàn bộ hoạt động của Quỹ.
2. Giám đốc Quỹ có nhiệm vụ và quyền hạn
a) Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành để thực thi nhiệm vụ trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.
b) Tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động của Quỹ theo Điều lệ và các quy định của pháp luật.
c) Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, phương án huy động vốn, cho vay đầu tư, hỗ trợ, tài trợ; kế hoạch tài chính và lập báo cáo quyết toán Quỹ trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và tổ chức thực hiện.
d) Ban hành hoặc trình Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Quỹ theo quy định.
đ) Đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ.
e) Quyết định tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ nhân viên của Quỹ theo pháp luật và Điều lệ này.
g) Thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định và sự phân công của Hội đồng quản lý.
h) Tham gia các phiên họp Hội đồng quản lý.
i) Thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn để xem xét, thẩm định các dự án, phương án vay vốn, xin hỗ trợ, tài trợ của Quỹ; sử dụng cộng tác viên.
k) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác của Quỹ theo quy định của Điều lệ này và quy định của pháp luật.
Điều 17. Thu, chi tài chính
1. Thu nhập của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là toàn bộ các khoản thực thu trong năm, phát sinh từ các hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ khác của Quỹ, gồm:
a) Thu nhập từ các hoạt động nghiệp vụ:
- Thu lãi cho vay của các dự án vay vốn đầu tư của Quỹ Hỗ trợ PT HTX.
- Thu phí từ hoạt động hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc.
- Thu lãi tiền gửi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX gửi tại Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại.
- Thu phí nhận uỷ thác cho vay lại theo hợp đồng uỷ thác.
- Thu hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ khác.
b) Thu nhập từ hoạt động tài chính
- Thu từ lãi hoạt động mua, bán trái phiếu chính phủ.
- Thu từ hoạt động cho thuê tài sản.
- Các khoản thu từ dịch vụ tài chính khác.
c) Thu nhập từ hoạt động bất thường
- Các khoản thu phạt.
- Thu thanh lý, nhượng bán tài sản của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (sau khi trừ giá trị còn lại và các khoản chi phí thanh lý, nhượng bán).
- Thu chênh lệch do đánh giá lại tài sản thế chấp khi chủ đầu tư không trả được nợ, tài sản hình thành từ vốn vay của Quỹ.
- Thu nợ đã xoá nay thu hồi được.
- Thu do được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ từ ngân sách của địa phương, trong trường hợp Quỹ thu không đủ chi.
- Các khoản thu nhập bất thường khác theo quy định pháp luật.
2. Chi phí của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là các khoản thực chi cần thiết cho hoạt động của Quỹ, có hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Mức chi, đối tượng chi được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp pháp luật chưa có quy định, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng định mức, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các khoản chi phí phải nằm trong kế hoạch tài chính năm đã được Hội đồng quản lý phê duyệt, bao gồm:
a) Chi cho người lao động làm việc trực tiếp tại Quỹ
- Chi tiền lương: Giám đốc Quỹ ban hành quy chế tiền lương cụ thể trong phạm vi tài chính cho phép có xét đến các hệ số tăng thêm nhưng không quá 2,5 lần qua việc đánh giá công việc hàng tháng trên các định mức, tiêu chuẩn cụ thể.
- Chi phụ cấp:
+ Chi phụ cấp cho Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên ban Giám đốc kiêm nhiệm (nếu có) mức chi bằng 40% của hệ số lương cơ bản và được điều chỉnh theo hệ số áp dụng của Quỹ.
+ Chi phụ cấp cho các thành viên bán chuyên trách Hội đồng quản lý Quỹ và Ban kiểm soát; mức chi bằng 15% của hệ số lương cơ bản và được điều chỉnh theo hệ số áp dụng của Quỹ.
- Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật.
- Chi làm thêm giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động.
- Chi ăn ca: Mức chi cho mỗi người không vượt quá mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định.
- Chi trang phục theo khả năng thực tế của Quỹ trong dự toán đã được Hội đồng quản lý Quỹ duyêt.
- Chi phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.
b) Chi hoạt động nghiệp vụ:
- Chi phí dịch vụ thanh toán.
- Chi trả phí dịch vụ uỷ thác cho đơn vị nhận uỷ thác hợp đồng dịch vụ uỷ thác giữa các bên (nếu có).
- Chi thuê tổ chức, chuyên gia thẩm định dự án; chi cộng tác viên.
- Quỹ thực hiện trích lập và duy trì dự phòng rủi ro chung bằng 0,5 % dư nợ gốc của toàn bộ các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 theo phân loại của NHNN, việc trích lập mỗi năm một lần khi kết thúc năm tài chính và tính vào chi phí hoạt động nghiệp vụ.
- Chi khác cho hoạt động nghiệp vụ.
c) Chi cho hoạt động quản lý:
- Chi khấu hao tài sản cố định.
- Chi cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Chi cho hoạt động quản lý và công vụ:
+ Chi mua sắm công cụ lao động, vật tư văn phòng.
+ Chi mua bảo hiểm tài sản.
+ Chi về cước phí bưu điện và truyền tin bao gồm: chi về bưu phí, truyền tin, điện báo, telex, fax, dịch vụ internet… trả theo hóa đơn của cơ quan bưu điện và đơn vị cung cấp dịch vụ.
+ Chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan.
+ Chi xăng dầu phục vụ cán bộ đi công tác theo quy định pháp luật.
+ Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong và ngoài nước theo quy định các quy định hiện hành;
+ Chi lễ tân giao dịch đối ngoại, hội nghị sơ kết, tổng kết theo quy định của pháp luật; chi hội nghị khách hàng, tuyền truyền, quảng cáo theo nhiệm vụ được Hội đồng quản lý quyết định.
+ Chi cho việc thanh tra, kiểm tra theo chế độ quy định.
+ Chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê tài sản.
+ Chi đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
+ Chi hỗ trợ cho việc tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX (công tác quản lý, kế toán, kiểm tra, kiểm soát...).
- Chi phí quản lý khác theo quy định pháp luật;
- Trích lập các quỹ theo quy định.
- Các chi phí trên được lấy từ kết quả hoạt động của quỹ.
d) Chi hoạt động tài chính
- Chi cho hoạt động mua, bán trái phiếu Chính phủ.
- Chi phí cho thuê tài sản và các khoản chi hoạt động tài chính khác.
đ) Các khoản chi bất thường
- Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xoá.
- Chi phí để thu các khoản phạt theo quy định.
- Chi bảo hiểm tài sản và chi các loại bảo hiểm khác theo quy định.
- Chi chênh lệch do đánh giá lại tài sản thế chấp khi chủ đầu tư không trả được nợ, tài sản được hình thành từ vốn vay của Quỹ.
- Chi hỗ trợ cho các hoạt động của Đảng, đoàn thể của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo quy định của Nhà nước.
- Các khoản chi khác theo quy định pháp luật.
Chương 6
CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN THỐNG KÊ, KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH VÀ TRÍCH LẬP QUỸ
Điều 18. Chế độ kế toán thống kê và kế hoạch tài chính
1. Quỹ được vận dụng chế độ kế toán của Ngân hàng phát triển Việt Nam để thực hiện công tác kế toán.
2. Hàng năm Quỹ có trách nhiệm lập và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ và UBND tỉnh những kế hoạch sau:
a) Kế hoạch vốn hàng năm gồm: Vốn điều lệ Ngân sách tỉnh cấp, vốn đề nghị bổ sung năm tiếp theo (nếu có) và vốn từ các nguồn khác tại Điều 12 của Điều lệ này.
b) Kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc, vốn thu hồi nợ vay.
c) Kế hoạch thu chi tài chính kèm theo thuyết minh chi tiết về các mục thu, chi.
3. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) Cơ quan điều hành quỹ lập và gửi báo cáo tài chính cho Hội đồng quản lý Quỹ:
a) Báo cáo 6 tháng được gửi chậm nhất vào ngày 31 tháng 7 của năm.
b) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo quyết toán hàng năm của Quỹ và báo cáo UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm sau.
4. Quỹ chịu sự kiểm tra tài chính của cơ quan chức năng gồm:
a) Kiểm tra báo cáo kế toán và báo cáo quyết toán định kỳ hoặc đột xuất.
b) Kiểm tra chuyên đề theo từng yêu cầu của công tác quản lý tài chính.
Điều 19. Trích lập quỹ, mục đích sử dụng các quỹ
1. Sau khi trừ chi phí, phần lãi còn lại được phân bổ như sau:
a) Trích 50% vào quỹ đầu tư phát triển;
b) Trích quỹ Khen thưởng và quỹ Phúc lợi. Mức trích 02 Quỹ tối đa bằng 03 tháng lương thực hiện.
c) Phần còn lại sau khi trích lập các Quỹ trên được trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
2. Mục đích sử dụng các quỹ
a) Quỹ đầu tư phát triển được sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản, đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
b) Quỹ dự phòng rủi do dùng để xử lý các khoản nợ khó đòi, xoá nợ theo quyết định của Hội đồng quản lý quỹ.
c) Quỹ dự trữ được dùng bổ sung vốn điều lệ; xử lý các khoản chi phí về lãi chậm, lãi không có khả năng trả được của các đối tượng vay vốn và các khoản chi bất thường khác khi có đề nghị của Giám đốc quỹ.
d) Quỹ khen thưởng dùng để:
- Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ viên chức của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Mức thưởng do Giám đốc quyết định trên cơ sở năng suất lao động, thành tích của mỗi cán bộ, viên chức;
- Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ mang lại hiệu quả. Mức thưởng do Giám đốc Quỹ quyết định;
- Thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX có quan hệ, đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Quỹ. Mức thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
đ) Quỹ phúc lợi dùng để:
- Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị theo hợp đồng thoả thuận;
- Chi cho các hoạt động thể thao, văn hoá, phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ, viên chức Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX;
- Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ, viên chức Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX;
- Đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội và chi các hoạt động phúc lợi khác.
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phối hợp với ban chấp hành công đoàn quỹ để quản lý, sử dụng Quỹ phúc lợi.
Chương 7
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Tổ chức thực hiện:
1. Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra, theo dõi thực hiện Điều lệ này.
2. Trong quá trình thực hiện có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.