cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 26/06/2012 Về Quy định tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu văn bản: 19/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 26-06-2012
  • Ngày có hiệu lực: 06-07-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-08-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2590 ngày (7 năm 1 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-08-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-08-2019, Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 26/06/2012 Về Quy định tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 29/07/2019 Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮKLẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2012/QĐ-UBND

Đăk Lắk, ngày 26 tháng 06 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÉT DUYỆT HỌC SINH BÁN TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 16/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 31/TTr-SGDĐT ngày 08/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gồm:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Đối tượng được công nhận học sinh bán trú theo Quy định này là học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

2. Giải thích từ ngữ

a) Trường phổ thông dân tộc bán trú là trường chuyên biệt, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho địa phương, bao gồm: trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 25% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, các tỷ lệ này ổn định.

b) Học sinh bán trú là học sinh đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này, được Ủy ban nhân dân huyện cho phép ở lại trường để học tập trong tuần do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

c) Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là vùng được quy định theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc.

3. Đối tượng xét duyệt

a) Học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở có đủ các điều kiện:

- Bản thân học sinh và bố, mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn và các thôn, buôn đặc biệt khó khăn (được quy định tại khoản 3, Điều 2 của Quy định này).

- Do điều kiện nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông khó khăn do núi rừng hiểm trở, sông suối chia cắt, không có cầu bắc ngang để đi lại thuận lợi, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Khoảng cách từ trường về nhà hoặc từ nhà đến trường được tính theo tuyến đường bộ: từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở nhưng không thể đi và về trong ngày được.

Trường hợp học sinh từ trường về nhà hoặc từ nhà đến trường thấp hơn khoảng cách qui định trên nhưng do địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày giao cho Ủy ban nhân dân huyện xem xét quyết định.

b) Hàng năm, căn cứ các tiêu chí đã được quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xét duyệt cấp huyện (do Ủy ban Nhân dân huyện thành lập) tiến hành thẩm tra, xác minh học sinh bán trú ở địa phương đảm bảo công bằng, đúng đối tượng (đối với học sinh nộp hồ sơ đề nghị xét duyệt học sinh bán trú). Sau khi thẩm định hồ sơ đề nghị xét duyệt học sinh bán trú, Hội đồng xét duyệt trình Ủy ban Nhân dân huyện quyết định công nhận học sinh bán trú ở địa phương.

Tỷ lệ học sinh dân tộc Kinh không quá 10% tổng chỉ tiêu học sinh bán trú hàng năm của trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong trường hợp hồ sơ đề nghị vượt chỉ tiêu được giao thì tuyển chọn học sinh bán trú theo thứ tự ưu tiên sau đây:

* Đối với học sinh tiểu học:

+ Là con liệt sĩ, thương binh lấy mức thương tật từ cao xuống thấp.

+ Thuộc hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn hơn.

+ Có khoảng cách đi lại xa hơn và cách trở hơn.

* Đối với học sinh trung học cơ sở:

+ Là con liệt sĩ, thương binh lấy mức thương tật từ cao xuống thấp.

+ Thuộc hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn hơn.

+ Có khoảng cách đi lại xa hơn và cách trở hơn.

+ Được xếp loại hai mặt giáo dục cuối năm ở lớp 5 cao hơn.

4. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thực hiện

a) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện và trực tiếp kiểm tra các cơ sở giáo dục, các trường học có học sinh bán trú; hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành Trung ương theo quy định.

b) Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Nhà nước về học sinh bán trú, đảm bảo công khai đối với học sinh. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính; Bộ GD & ĐT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Dân tộc (để biết);
- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c),
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- CT, PCTUBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- PCVPUBND tỉnh
- Đài PTTH tỉnh, Báo Đak Lak;
- Sở Tư pháp;
- TTTH&CB tỉnh; Phòng TH, TCTM;
- Lưu: VT, VX (T.70).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư