Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND ngày 23/08/2013 Thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 22/2013/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 23-08-2013
- Ngày có hiệu lực: 02-09-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-10-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 410 ngày (1 năm 1 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 17-10-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2013/CT-UBND | Nghệ An, ngày 23 tháng 08 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2013 - 2014
Quán triệt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII;
Căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp năm học 2013 -2014,
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong năm học 2012-2013, căn cứ vào tình hình thực tế phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, năm học 2013 - 2014:
1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục
Tổ chức rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục đào tạo. Tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương trong quản lý giáo dục; rà soát việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư số 47/2011 của Liên Bộ, tham mưu UBND tỉnh có sự điều chỉnh phù hợp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình giáo dục.
Rà soát các cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo, bãi bỏ những vấn đề đã lạc hậu, bổ sung những cơ chế, chính sách mới nảy sinh từ thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển giáo dục đào tạo
Thực hiện cải cách hành chính; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung vốn đầu tư cho những công trình đang xây dựng để hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, chú ý các nội dung mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị dạy học, việc liên kết đào tạo, công tác tuyển sinh, về thu chi, về dạy thêm, học thêm. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục. Công khai và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm
Đẩy mạnh việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội khuyến học, Hội Cựu giáo chức đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Chăm lo thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh; Phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 100% cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. Tích cực đổi mới công tác thông tin tuyên truyền; Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng Luật Thi đua khen thưởng. Tổ chức tốt việc xét chọn danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 13.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục
2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi để Nghệ An đạt tiêu chuẩn phổ cập năm 2015, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.
Tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá dân tộc. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, pháp luật; giáo dục kĩ năng sống. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả nền nếp giao ban an ninh trường học theo cụm huyện và các cấp học. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông. Chăm lo công tác bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên; Quan tâm đúng mức công tác vệ sinh, y tế trường học.
Chăm lo chất lượng giáo dục miền núi và dân tộc. Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 và 05 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn tỉnh; Phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện vùng cao theo quy hoạch đã phê duyệt. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách để phát triển giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tích cực chuẩn bị đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất để tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong tất cả các ngành học, bậc học. Đưa nhiệm vụ tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục thành nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới công tác quản lý giáo dục; phấn đấu đạt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đều triển khai tự đánh giá, 10% được đánh giá ngoài.
2.2. Giáo dục mầm non
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015. Phấn đấu thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi năm 2015. Phát triển quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non hợp lý ở từng địa bàn, chú ý khu vực đô thị, các khu công nghiệp.
Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tập trung ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi. Tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Tiếp tục tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt Chương trình giáo dục mầm non.
Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là cơ sở mầm non ngoài công lập. Đảm bảo định mức bố trí giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục mầm non.
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; Trong năm học, phấn đấu kiểm tra, công nhận thêm 25 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
2.3. Giáo dục phổ thông
Chỉ đạo các nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tăng cường dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tích cực triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.
Chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo cho kết quả thi thực sự khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, tác động tích cực đến việc dạy và học, thực hiện các mục tiêu giáo dục. Tham gia tích cực các hình thức giao lưu học tập; Hướng dẫn và thu hút nhiều học sinh THPT nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XV và chuẩn bị đội tuyển vận động viên tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2015.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt, đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng 73 trường tiểu học thực hiện Dự án trường tiểu học mới (VNEN). Khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy tin học trong các nhà trường.
Tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo”. Quan tâm chăm lo chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi.
Tích cực xây dựng và củng cố hệ thống trường chuẩn quốc gia, trong năm học phấn đấu công nhận thêm 15 trường tiểu học, 15 trường THCS, 03 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
2.4. Giáo dục thường xuyên
Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động để thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở địa phương; Củng cố mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; Tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học.
Tiếp tục chỉ đạo việc dạy văn hoá kết hợp với dạy nghề tại trung tâm giáo dục thường xuyên; Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, cấp trung học cơ sở. Chỉ đạo mạnh mẽ việc dạy học tiếng Anh 6 cấp độ trong các cơ sở GDTX.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện Quyết định số 565/QĐ-UBNDVX ngày 06/02/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án về chống mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 865/QĐ-UBNDVX ngày 14/3/2013 về việc phê duyệt đề án Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020.
Quản lý có hiệu quả việc liên kết đào tạo và hoạt động của các cơ sở dạy tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc. Phối hợp khảo sát, tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm GDTX Hoàng Mai.
2.5. Giáo dục chuyên nghiệp
Tiếp tục chỉ đạo các trường chuyên nghiệp rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung chuẩn đầu ra ngành đào tạo đối với từng ngành, từng chương trình đào tạo cụ thể. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở TCCN.
Tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô; đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ đạo tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Tăng cường công tác thanh tra, chấn chỉnh việc liên kết đào tạo trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nước bạn Lào, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh có chung đường biên giới với Nghệ An.
3. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu các cấp học, các bộ môn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện quy hoạch nhân lực ngành giáo dục. Tích cực chỉ đạo xử lý giáo viên dôi dư theo hướng hợp lý.
Triển khai thực hiện quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học. Phát huy hiệu quả phong trào đúc rút sáng kiến kinh nghiệm trong toàn ngành.
Chăm lo thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nhà giáo; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non; tham mưu UBND tỉnh ban hành các chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường THPT.
Tiếp tục thực hiện chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, hiệu trưởng các cấp học và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên. Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhà giáo các cấp học. Tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Chăm lo công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong trường học. Phấn đấu đến cuối năm học, 100% cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức đảng.
4. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục theo nội dung của Nghị quyết 35/2009/QH12 của Quốc hội. Rà soát cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư cho giáo dục đào tạo để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh (VNEN, WOB,…).
Chăm lo công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tiếp tục chỉ đạo việc thanh toán 208 phòng học tạm ở các trường mầm non, đẩy nhanh tiến độ công trình xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, các trung tâm GDTX Kỳ Sơn, Quế Phong, Nghĩa Đàn,vv. Tiếp tục thực hiện các dự án phát triển giáo dục ở 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, triển khai các dự án hỗ trợ giáo dục tại Quỳ Châu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, triển khai xây dựng các công trình phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2015.
Làm tốt công tác quản lý tài chính, ngân sách. Phân khai kinh phí kịp thời, thu đúng, thu đủ và chi đúng nguyên tắc. Nâng cao hiệu quả sự dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục. Chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhà trường.
Tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Quan tâm xây dựng phòng thực hành bộ môn, phòng học ngoại ngữ, vi tính, phòng chức năng, thư viện, phòng đọc,…theo yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, vận động nhân dân ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm huy động nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, năng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và đề nghị các Cấp uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học 2013 - 2014./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |