Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 23/05/2012 Về Quy định quản lý và tổ chức Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động theo Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 23-05-2012
- Ngày có hiệu lực: 02-06-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2533 ngày (6 năm 11 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-05-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2012/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 5 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO KIẾN THỨC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 37/2011/NQ-HĐND NGÀY 19/12/2011 CỦA HĐND TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 60/TTr-SNN&PTNT ngày 11/5/2012 về việc Ban hành Quy định quản lý và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động theo Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý và tổ chức Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động theo Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO KIẾN THỨC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 37/2011/NQ-HĐND NGÀY 19/12/2011 CỦA HĐND TỈNH
(Ban hành theo Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 23/5/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý và tổ chức mở lớp, phương thức cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động theo Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho đơn vị tổ chức lớp; người lao động sống trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên người lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực thành thị không có việc làm; lao động trong làng nghề; lao động tiểu thủ công nghiệp.
Điều 3. Kinh phí hỗ trợ
1. Đối với người học
a) Hỗ trợ tiền ăn: 20.000đ/người/ngày thực học;
b) Ngoài mức hỗ trợ trên, hỗ trợ tiền giấy, bút 15.000đ/người/khoá học cho lao động ở khu vực nông nghiệp, lao động ở khu vực thành thị không có việc làm; lao động trong làng nghề; lao động tiểu thủ công nghiệp.
2. Đối với đơn vị tổ chức lớp
Hỗ trợ: 15.000đ/người học/ngày để bố trí nước uống cho học viên, chi phí vận chuyển lắp đặt thiết bị, hội trường, khánh tiết, loa đài, quản lý lớp. Kinh phí biên soạn, in ấn tài liệu, thù lao báo cáo viên thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 4. Tổ chức mở lớp
1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Ban, ngành, Đoàn thể tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình bồi dưỡng, đối tượng, mức hỗ trợ đến các xã, phường, thị trấn và nhân dân trong tỉnh.
2. Căn cứ nhu cầu của người học, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ dân phố khu lập danh sách học viên ở từng thôn, khu phố; đề xuất nội dung cần bồi dưỡng, tư vấn; tổng hợp, lập kế hoạch mở lớp gửi UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế) và gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân) Các đăng ký trên gửi UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 30/7 hàng năm.
3. Căn cứ nhu cầu mở lớp của các địa phương (kết quả tổng hợp theo khoản 2 Điều này), Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân (Đơn vị chủ trì tổ chức lớp) hàng năm tổ chức kiểm tra, khảo sát nhu cầu của người học; lập kế hoạch và dự toán kinh phí bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động gửi Sở Lao động – TB&XH, Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định; kế hoạch xây dựng xong trước ngày 15/9 hàng năm để phục vụ xây dựng kế hoạch tổng thể của ngân sách năm liền kề.
Điều 5. Cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ
1. Căn cứ kế hoạch, kinh phí mở lớp đã được duyệt, Sở Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí cho các đơn vị tổ chức lớp triển khai mở lớp theo đúng yêu cầu.
2. Hồ sơ thanh quyết toán gồm:
a) Công văn đề nghị mở lớp của UBND cấp xã (kèm danh sách học viên); có nội dung đề nghị bồi dưỡng, tư vấn kiến thức;
b) Nội dung, chương trình, kế hoạch mở lớp; phân công giảng viên giảng dạy của cơ sở tổ chức lớp (do Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân ký);
c) Danh sách người học, có chữ ký nhận tiền, tài liệu, giấy bút, có xác nhận của UBND xã;
d) Các hồ sơ thanh toán khác theo quy định hiện hành.
Việc thanh quyết toán được thực hiện không chậm quá 2 tháng sau khi lớp bỗi dưỡng kết thúc.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì có trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động. Chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân chủ trì xây dựng chương trình, nội dung bài giảng, phân công hoặc mời giảng viên, đảm bảo thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người học và gắn với các chủ trương chính sách mới về nông nghiệp, nông thôn, về lao động và việc làm, tư vấn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
Định kỳ 6 tháng/lần Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân trực tiếp làm việc với Sở Lao động – TB&XH để rà soát kế hoạch và cách thức triển khai thực hiện.
2. Sở Lao động – TB&XH, các Sở, ngành liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đơn vị thực hiện đảm bảo hiệu quả của việc bồ dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng thanh quyết toán theo quy định.
4. UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) tổng hợp số lượng học viên trên địa bàn. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả mở lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức trên địa bàn quản lý, chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 4 quy định này; có ý kiến bằng văn bản với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Lao động – TB&XH việc tổ chức mở lớp bồi dưỡng tại địa phương nếu chưa hiệu quả, thiết thực hoặc cần phối hợp nội dung, chương trình.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.