cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 16/04/2012 Về quy chế phối hợp hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An

  • Số hiệu văn bản: 15/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
  • Ngày ban hành: 16-04-2012
  • Ngày có hiệu lực: 26-04-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2499 ngày (6 năm 10 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 16/04/2012 Về quy chế phối hợp hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Về kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kỳ 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/QĐ-UBND

Long An, ngày 16 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ BÌNH HIỆP, TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;

Căn cứ Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/1/2008 của Liên Bộ: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;

Căn cứ Quyết định số 1853/QĐ-TTg ngày 11/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp cửa khẩu Bình Hiệp từ cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế;

Theo đề nghị của Chỉ huy tr­ưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại tờ trình số 518/TTr-BCHBP ngày 26/3/2012 về việc ban hành quy chế phối hợp hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế phối hợp hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tân An chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như­ điều 3;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Công an;
- Bộ Tư­ lệnh BĐBP;
- Tổng Cục Hải quan- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư­ pháp;
- Trung tâm tin học UBND tỉnh;
- Phòng NCKT;
- L­ưu: VT.STP.THY
QUY CHE PHOI HOP CUA KHAU

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Lâm

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ BÌNH HIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (sau đây gọi là lực lượng chuyên ngành) và chính quyền địa phương tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An (sau đây gọi là cửa khẩu Bình Hiệp).

2. Khu vực cửa khẩu Bình Hiệp bao gồm:

a) Khu vực quá cảnh.

b) Khu vực kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện, hàng hóa khi xuất, nhập qua biên giới.

c) Khu vực nhà chờ làm thủ tục.

d) Khu vực làm thủ tục xuất, nhập của các cơ quan chức năng.

đ) Trụ sở làm việc của cơ quan chức năng và cơ quan liên quan.

e) Khu vực kho, bãi hàng tập kết chờ xuất khẩu, nhập khẩu.

g) Khu vực dành cho cửa hàng kinh doanh miễn thuế.

h) Khu vực dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ.

i) Khu vực bãi xe, bến đậu.

k) Khu vực cấm; khu vực khác.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng chuyên ngành dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mỗi lực lượng, cộng đồng trách nhiệm, vì mục đích chung, hỗ trợ lẫn nhau góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo thông thoáng, đúng pháp luật, phục vụ tốt chính sách hợp tác, mở cửa của nhà nước Việt Nam.

2. Việc phối hợp trong công tác nắm, kiểm soát, đánh giá, phân tích, kiểm tra tình hình liên quan ở địa bàn khu vực cửa khẩu phải được thực hiện một cách khách quan, đúng pháp luật, có hiệu quả thiết thực; bảo đảm tính chủ động, yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, sự tôn trọng, đoàn kết thống nhất của các lực lượng tại cửa khẩu.

3. Trong phối hợp hoạt động phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, chống các hành vi xâm phậm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; tránh hình thức, chồng chéo; góp phần xây dựng và bảo vệ nội bộ cho nhau.

4. Khi có tình hình vụ việc xảy ra trên khu vực cửa khẩu, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu thống nhất xử lý theo quy định của pháp luật và quy trình xử lý vụ việc; trường hợp tình hình, vụ việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền thì cùng bàn bạc thống nhất và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Phối hợp trao đổi thông tin, tình hình có liên quan

Các lực lượng chuyên ngành, UBND huyện Mộc Hoá chủ động phối hợp trao đổi cho nhau về thông tin, tình hình có liên quan tại khu vực cửa khẩu như sau:

1. Âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách và kinh tế nước ta ở khu vực cửa khẩu. Những chủ trương, chính sách của nước đối diện liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu có tác động ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo các cấp điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

2. Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; thông tin về các tổ chức đường dây, ổ nhóm đưa, đón người xuất nhâp cảnh trái phép đã và đang hoạt động trên địa bàn, cũng như âm mưu, phương thức hoạt động của các loại tội phạm. Thông tin liên quan đến dịch bệnh, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, biện pháp giải quyết, đối phó của cơ quan cấp trên.

3. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của ngành mình; các văn bản có liên quan đến hoạt động quản lý biên giới, quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Điều 4. Phối hợp trong giao ban, xử lý tình hình, vụ việc xảy ra ở khu vực cửa khẩu

1. Định kỳ hàng tháng các lực lượng chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp thông tin và hoạt động của ngành mình liên quan đến cửa khẩu cho đồn biên phòng tổng hợp, báo cáo về Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng để tổ chức hội nghị giao ban, tổng hợp, đánh giá và báo cáo về UBND tỉnh và Bộ, ngành trung ương.

2. Khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra trong các lĩnh vực tại khu vực cửa khẩu, các lực lượng chuyên ngành có trách nhiệm thông tin cho nhau đồng thời báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp của mình để chỉ đạo giải quyết.

3. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu phát hiện có hành vi vi phạm về thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu…theo quy định, nếu thuộc lĩnh vực phụ trách của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bàn bạc, thống nhất giải quyết và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trường hợp giữa các cơ quan, đơn vị có ý kiến khác nhau, không thống nhất được thì cơ quan chủ trì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.

4. Phối hợp giúp đỡ lẫn nhau xây dựng lực lượng, quản lý cán bộ, phát hiện xử lý các vấn đề tiêu cực, những sơ hở thiếu sót trong quá trình làm nhiệm vụ.

Điều 5. Thời gian mở, đóng cửa cửa khẩu

1. Thời gian mở cửa khẩu bắt đầu từ 6 giờ 00 đến 22 giờ 00. Đối với các cơ quan Hải quan, kiểm dịch động vật, thực vật thì trong thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày còn phải bố trí người trực tại cơ quan mình để giải quyết những vấn đề liên quan đến ngành mình do Biên phòng thông báo.

2. Trong thời gian đóng cửa cửa khẩu, nếu có trường hợp đặc biệt như phương tiện chở người đi cấp cứu, truy bắt tội phạm, các vấn đề khác liên quan tới an ninh quốc gia theo đề nghị của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, UBND tỉnh giao cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết định việc mở cửa cửa khẩu và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

1. Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới, quy chế xuất nhập cảnh như phát hiện đối tượng sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả để xuất nhập cảnh, các đối tượng cấm nhập, cấm xuất, đối tượng chú ý nghiệp vụ, sử dụng hộ chiếu, thị thực hết giá trị…trong khu vực cửa khẩu.

2. Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu.

3. Tiếp nhận, xác minh các tin tức về các đối tượng thường xuyên đưa đón người qua lại biên giới đánh bạc, đá gà. Phối hợp với cơ quan Công an có biện pháp giáo dục, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn trên.

4. Chỉ tiến hành kiểm tra, kiểm soát hàng hóa khi có cơ sở nghi vấn về an ninh, có thông báo của cấp trên hoặc những đối tượng do Hải quan bàn giao.

5. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh và các hành vi vi phạm khác liên quan tới các lĩnh vực của các ngành quản lý thì Bộ đội Biên phòng thông báo, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

6. Phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kịp thời tố giác các loại tội phạm.

7. Chủ trì phối hợp, thống nhất việc bố trí nơi làm việc của các ngành phù hợp với dây chuyền kiểm soát theo quy định. Thiết kế, lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn và phân luồng trong khu vực cửa khẩu.

8. Việc mời lực lượng đối diện hoặc sang cửa khẩu biên giới nước đối diện để giao ban định kỳ, trao thư mời, phản kháng, phối hợp hiệp đồng bắt tội phạm, xác minh đối tượng, tham dự các lễ kỷ niệm phải được sự đồng ý của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh hoặc thực hiện theo kế hoạch được Biên phòng tỉnh phê duyệt.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Hải quan Long An

- Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành, đảm bảo quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hải quan, tạo mọi điều kiện cho việc tăng trưởng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

- Chỉ đạo chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên ngành thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu.

- Phối hợp, trao đổi thông tin nghiệp vụ với các lực lượng chức năng về công tác nghiệp vụ thông quan hàng hóa. Cung cấp kịp thời những thông tin nghiệp vụ liên quan đến các loại tội phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, buôn lậu, gian lận thương mại trong khu vực cửa khẩu.

- Khi phát hiện các hoạt động xuất nhập cảnh vi phạm các quy định của pháp luật tiến hành thông báo, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

- Tiếp nhận bàn giao những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh đối với hàng hóa, phương tiện vận tải trong khu vực cửa khẩu.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện kiểm dịch động vật, thực vật xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

- Danh mục hàng hoá, danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuộc diện kiểm dịch theo quy định. Cơ quan kiểm dịch động vật, thực vật tại cửa khẩu chịu trách nhiệm thực hiện công tác kiểm dịch động vật, thực vật xuất nhập khẩu, phát hiện, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật, thực vật từ nước ngoài nhập vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài; phối hợp với lực lượng Hải quan cửa khẩu xử lý các trường hợp vi phạm về kiểm dịch động vật, thực vật theo quy định pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Y tế

- Trực tiếp chỉ đạo ngành y tế kiểm tra y tế tại cửa khẩu theo Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

- Tiến hành các thủ tục về khai báo y tế, kiểm tra y tế đối với người, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu và thi thể hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới, giám sát bệnh truyền nhiễm trong khu vực cửa khẩu.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các cơ quan chuyên ngành lập dự toán kinh phí cho hoạt động phối hợp tại cửa khẩu Bình Hiệp để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ngành khác có liên quan

Phối hợp thực hiện các quy định tại Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/11/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND huyện Mộc Hoá

1. Phối hợp với lực lượng chuyên ngành và đồn biên phòng tại cửa khẩu để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi khác vi phạm pháp luật trên địa bàn thuộc địa phương mình quản lý.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện phối hợp thường xuyên kiểm tra, theo dõi các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện tốt, có thành tích trong công tác phối hợp hoạt động tại cửa khẩu, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền nêu gương, khen thưởng theo quy định.

2. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp này, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp giải quyết để UBND tỉnh xem xét quyết định./.