cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1731/QĐ-BCT ngày 09/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng giai đoạn 2009-2020, có xét đến năm 2025 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1731/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công thương
  • Ngày ban hành: 09-04-2012
  • Ngày có hiệu lực: 09-04-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2453 ngày (6 năm 8 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-12-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-12-2018, Quyết định số 1731/QĐ-BCT ngày 09/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng giai đoạn 2009-2020, có xét đến năm 2025 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4977/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 Bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59, Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1731/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN XUẤT THIẾT BỊ XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2009-2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1063/QĐ-BCT ngày 02 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề cương, Dự toán dự án Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng giai đoạn 2009-2020, có xét đến năm 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng giai đoạn 2009 đến 2020, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng phục vụ tích cực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước;

b) Phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002;

c) Phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng ổn định, bền vững, thân thiện môi trường;

d) Phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ quốc phòng.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

- Phấn đấu đến 2020, Việt Nam có thể tự sản xuất được một số chủng loại thiết bị xây dựng đạt trình độ tiên tiến khu vực. Từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Khai thác tốt các lợi thế so sánh, nâng dần giá trị gia tăng cho sản phẩm sản xuất trong nước.

- Tăng cường sản xuất phụ tùng xe máy xây dựng (nhất là phụ tùng, máy móc trong dây chuyền đồng bộ sản xuất vật liệu xây dựng) để chủ động phục vụ nhu cầu trong nước và thay thế nhập khẩu.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Đối với nhóm máy xây dựng: đáp ứng khoảng 80% nhu cầu thiết bị nâng kiểu cầu, 20% nhu cầu thiết bị thi công và 40% nhu cầu phụ tùng;

- Đối với nhóm thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng: đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thiết bị và 90% nhu cầu phụ tùng.

b) Giai đoạn 2020-2025:

- Đối với nhóm máy xây dựng: đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thiết bị nâng kiểu cầu, 30% nhu cầu thiết bị thi công và 50% nhu cầu phụ tùng;

- Đối với nhóm thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng: đáp ứng khoảng 80% nhu cầu thiết bị và 80% nhu cầu phụ tùng.

3. Định hướng phát triển

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các dự án đầu tư sản xuất thiết bị xây dựng để sản xuất các sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của thị trường thiết bị xây dựng trong nước, kể cả nhu cầu của công nghiệp quốc phòng;

- Nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có khả năng làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo để từng bước tiến tới xuất khẩu.

4. Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng

4.1. Sản phẩm chủ lực

a) Nhóm máy xây dựng:

- Máy nâng: cần trục kiểu cầu, cần cẩu tháp, máy bốc xếp cảng;

- Máy thi công: cẩu tự hành, máy làm đất và làm đường, máy phục vụ công tác bê tông;

- Phụ tùng máy xây dựng.

b) Nhóm thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng:

- Thiết bị xi măng, thiết bị sản xuất vật liệu xây, thiết bị sản xuất đá công nghiệp, thiết bị sản xuất gạch ceramic;

- Phụ tùng thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng.

4.2. Phương án phát triển:

Đến năm 2020:

a) Nhóm máy xây dựng: đáp ứng 80% nhu cầu cần trục kiểu cầu, cần cẩu tháp, 20% nhu cầu máy bốc xếp cảng; đáp ứng 20% nhu cầu cẩu tự hành, máy làm đất và làm đường, 70% nhu cầu máy phục vụ công tác bê tông; đáp ứng 40% nhu cầu phụ tùng máy xây dựng.

b) Nhóm thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng: đáp ứng 70% nhu cầu thiết bị xi măng, 80% nhu cầu thiết bị sản xuất vật liệu xây, 70% nhu cầu thiết bị sản xuất đá công nghiệp, 60% nhu cầu thiết bị sản xuất gạch ceramic; đáp ứng 80% nhu cầu phụ tùng thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng.

Đến năm 2025:

a) Nhóm máy xây dựng: đáp ứng 90% nhu cầu cần trục kiểu cầu, cần cẩu tháp, 30% nhu cầu máy bốc xếp cảng; đáp ứng 30% nhu cầu cẩu tự hành, máy làm đất và làm đường, 80% nhu cầu máy phục vụ công tác bê tông; đáp ứng 50% nhu cầu phụ tùng máy xây dựng.

b) Nhóm thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng: đáp ứng 80% nhu cầu thiết bị xi măng, 90% nhu cầu thiết bị sản xuất vật liệu xây,80% nhu cầu thiết bị sản xuất đá công nghiệp, 70% nhu cầu thiết bị sản xuất gạch ceramic; đáp ứng 90% nhu cầu phụ tùng thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng.

4.3. Tổng hợp vốn đầu tư

Tổng hợp vốn đầu tư đến năm 2020 dự kiến khoảng 355 triệu USD, gồm 345 triệu USD đầu tư mới, 10 triệu USD đầu tư bổ sung.

4.4. Nguồn huy động vốn

Bao gồm vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ của nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.

5. Các giải pháp, chính sách

5.1. Các giải pháp

a) Về thị trường

- Liên tục cập nhật và công bố Danh mục thiết bị xây dựng trong nước đã sản xuất được làm cơ sở cho việc xây dựng rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu thiết bị xây dựng trong nước đã sản xuất được;

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp sản xuất thiết bị xây dựng trong nước tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

b) Về đầu tư

- Tập trung xây dựng các dự án đầu tư sản xuất thiết bị xây dựng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên vật liệu, tạo nên sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh;

- Dự án sản xuất thiết bị xây dựng sử dụng vốn nhà nước được xem xét, áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án sản xuất thiết bị xây dựng thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

c) Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

- Hỗ trợ các đơn vị có năng lực trong ngành sản xuất thiết bị xây dựng (đặc biệt là nhóm máy thi công) tham gia chương trình sản phẩm quốc gia;

- Xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học theo hệ thống, có lộ trình để có thể sản xuất được những thiết bị xây dựng tiên tiến. Đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D);

- Hỗ trợ kinh phí mua thiết kế mẫu, chuyển giao công nghệ lần đầu đối với những thiết bị công nghệ tiên tiến bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;

d) Về phát triển nguồn nhân lực

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sản xuất thiết bị xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành;

- Ưu tiên tuyển chọn và gửi các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý ngành thiết bị xây dựng đi đào tạo ở các nước phát triển;

- Đổi mới trong đào tạo nghề. Nâng cấp cho các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất thiết bị xây dựng.

đ) Về tài chính

Hỗ trợ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với cam kết WTO và quy định của pháp luật hiện hành.

e) Giải pháp khác

Tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành nghề để củng cố quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thiết bị xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh và trao đổi thông tin về thị trường, công nghệ và đầu tư.

5.2. Các chính sách:

- Các dự án sản xuất thiết bị xây dựng thuộc Danh mục dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, các máy móc, thiết bị xây dựng thuộc Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm ban hành theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên xem xét, áp dụng các chính sách ưu đãi theo Quyết định này;

- Các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cho máy móc, thiết bị xây dựng, thuộc đối tượng đã áp dụng của Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xem xét, cho hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi ban hành theo các Quyết định này và các chính sách ưu đãi có liên quan hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố Quy hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo,… theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hóa các chính sách, giải pháp nêu trong Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, chương trình phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng được thực hiện đồng bộ và phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

4. Các Hiệp hội ngành nghề có liên quan phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Bộ Công Thương;
- Các Cục, Vụ, Viện NCCLCSCN thuộc Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, CNNg (5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số: 1731/QĐ-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2012)

1. Danh mục đầu tư mới sản xuất thiết bị xây dựng đến năm 2015:

TT

Tên dự án

Công suất

Đầu tư mới (triệu USD)

Dự kiến đặt tại

1

Nhà máy sản xuất và lắp ráp máy ủi, và máy đào xúc

Đến 2020 đạt: 255 thiết bị/năm

14

Long Thành (Đồng Nai)

2

Nhà máy sản xuất và lắp ráp lu tĩnh và lu rung

Đến 2020 đạt: 130 thiết bị/năm

14

Hải Dương

3

Nhà máy sản xuất lắp ráp cẩu tự hành

Đến 2020 đạt: 40 thiết bị/năm

12

Hưng Yên

 

Tổng vốn đầu tư

 

50

 

2. Dự án đầu tư bổ sung đến năm 2020:

TT

Hạng mục

Mục tiêu

Đầu tư bổ sung (triệu USD)

Ghi chú

1

Nâng cao năng lực sản xuất kết cấu thép của một số nhà máy.

Sản xuất thiết bị nâng hạ

5

LILAMA, COMA, AGRIMECO, VINACOMIN và các đơn vị có năng lực khác

2

Mở rộng năng lực sản xuất của một số công ty có năng lực phù hợp để chế tạo xích chuyên dụng & dụng cụ của các hệ máy thi công.

2015: 170 bộ/năm

2025: 510 bộ/năm

2,5

Xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất ở cơ sở sẵn có (Công ty cổ phần Chế tạo máy Vinacomin, một số công ty thuộc Bộ Quốc phòng và các công ty có năng lực khác)

3

Nâng cao năng lực sản xuất máy công tác bê tông trong nước đã làm chủ tốt.

Phát triển mới, nâng cấp các chủng loại sản phẩm, cải tiến mẫu mã đa dạng. Thông minh hóa sản phẩm.

Nâng cao năng lực sản xuất trạm trộn bê tông, bơm bê tông, các giải pháp cung ứng bê tông quy mô lớn

2,5

Công ty CIEI (Quang Minh), 1-5 IMI (Hải Phòng), Hitechno (Đồng Nai) và các đơn vị có năng lực khác.

 

Tổng vốn đầu tư:

 

10

 

3. Danh mục các dự án kế thừa “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ giai đoạn 2008-2015 có xét đến 2025” (*)

TT

Tên dự án

Vốn đầu tư (triệu USD)

Địa điểm đầu tư

Ghi chú

1

Nhà máy chế tạo động cơ điện

25

Hà Nội

2010-2012

2

Nhà máy chế tạo thiết bị thủy lực

20

Hà Nội

2012-2015

3

Nhà máy chế tạo hộp giảm tốc

20

Hải Phòng

2010-2015

4

Nhà máy chế tạo vòng bi, khớp nối, phanh

20

Thanh Hóa, Nghệ An

2012-2015

5

Nhà máy cơ khí nặng số 1

210

Hải Phòng, Quảng Ninh

2009-2016

 

Tổng vốn đầu tư:

295

 

 

(*): Theo Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 08 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ giai đoạn 2008-2015, có xét đến năm 2025.