cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 426/2012/QĐ-UBND ngày 03/04/2012 Hướng dẫn Nghị quyết 38/2010/NQ-HĐND; 68/2011/NQ-HĐND; 74/2011/NQ-HĐND sửa đổi quy định danh mục, mức thu và tỷ lệ để lại phí, lệ phí và học phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 426/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Ngày ban hành: 03-04-2012
  • Ngày có hiệu lực: 13-04-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-08-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 110 ngày ( 3 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-08-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-08-2012, Quyết định số 426/2012/QĐ-UBND ngày 03/04/2012 Hướng dẫn Nghị quyết 38/2010/NQ-HĐND; 68/2011/NQ-HĐND; 74/2011/NQ-HĐND sửa đổi quy định danh mục, mức thu và tỷ lệ để lại phí, lệ phí và học phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 01/08/2012 Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 09/2012/NQ-HĐND về danh mục, mức thu phí, lệ phí và học phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 426/2012/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 03 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 38/2010/NQ-HĐND NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2010; NGHỊ QUYẾT SỐ 68/2011/NQ-HĐND NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2011; NGHỊ QUYẾT SỐ 74/2011/NQ-HĐND NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2011 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH DANH MỤC, MỨC THU VÀ TỶ LỆ ĐỂ LẠI PHÍ, LỆ PHÍ VÀ HỌC PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;

Căn cứ Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc kinh doanh và điều kinh kinh doanh vận tải bằng ô tô;

Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ cở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015;

Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Nuôi con nuôi;

Căn cứ Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ;

Căn cứ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC;

Căn cứ Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2006 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá;

Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2006 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 69/2011/TTLT/BTC-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2011 Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên;

Căn cứ Thông tư số 39/2008/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 10 năm 2008 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực;

Thông tư số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2010 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015;

Thông tư số 66/2011/TT-BTC ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ;

Căn cứ Nghị quyết số 38/2010/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2010; Nghị quyết số 68/2011/NQ-HĐND ngày 19/7/2011; Nghị Quyết số 74/2011/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc sửa đổi, bổ sung Quy định danh mục, mức thu và tỷ lệ để lại phí, lệ phí học phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

Xét đề nghị của Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này hướng dẫn thực hiện danh mục, mức thu phí và tỷ lệ phần trăm để lại cho đơn vị trực tiếp quản lý thu phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

(Chi tiết như biểu đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Hải Hầu

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN THU PHÍ VÀ LỆ PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 426/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

I. Phạm vi áp dụng và thẩm quyền quy định về phí và lệ phí.

- Hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được Nhà nước uỷ quyền, tổ chức khác và cá nhân (gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện.

- Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí.

- Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng, các tổ chức, cá nhân phản ảnh bằng văn bản về Sở Tài chính để nghiên cứu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời.

+ Mức thu phí trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung phải có ý kiến của Sở Tài chính, trừ trường hợp Sở Tài chính đề nghị.

+ Ý kiến bằng văn bản của Sở Tài chính phải được gửi kèm trong hồ sơ là một căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quy định về phí xem xét, quyết định.

+ Việc quy định mức thu phí, lệ phí phải căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước; tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và đặc điểm của các vùng trong từng thời kỳ; tính chất, đặc điểm của từng dịch vụ thu phí, lệ phí có tham khảo mức thu loại phí, lệ phí tương ứng ở các địa phương.

II. Quy định cụ thể

1. Mức thu phí, lệ phí và tỷ lệ phần trăm (%) được để lại đơn vị trực tiếp tổ chức quản lý thu: Thực hiện theo Quy định tại Nghị quyết số 38/2010/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định danh mục, mức thu và tỷ lệ để lại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

(Có biểu chi tiết kèm theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

2. Quản lý, sử dụng tiền thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước

a) Tiền thu phí, lệ phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước (gọi tắt là phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước) được quản lý, sử dụng như sau:

Các đơn vị tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí; phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành.

b) Tiền thu phí, lệ phí nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định sau:

- Đối với phí, lệ phí do cơ quan Thuế thu thì đối tượng nộp phí, lệ phí trực tiếp nộp tiền vào ngân sách Nhà nước qua Kho bạc nhà nước ở địa phương nơi thu theo hướng dẫn của cơ quan Thuế. Trường hợp Kho bạc Nhà nước chưa tổ chức thu tiền phí, lệ phí trực tiếp từ đối tượng nộp thì cơ quan Thuế thu tiền phí, lệ phí thay và cuối ngày phải làm thủ tục nộp hết số tiền phí, lệ phí đã thu trong ngày vào ngân sách Nhà nước;

- Đối với phí, lệ phí do các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác (ngoài cơ quan Thuế) thu thì cơ quan Nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” tại Kho bạc Nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí. Căn cứ vào tình hình thu phí, lệ phí (số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước,...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, các cơ quan Nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp có thu) hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp);

c) Phần phí, lệ phí mà tổ chức thu được để lại đơn vị theo quy định sử dụng để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí được chi dùng cho các nội dung sau đây:

- Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và công đoàn phí), trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo chế độ quy định;

- Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú) theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

- Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí. Trường hợp tài sản cố định được sử dụng cho cả hoạt động quản lý Nhà nước hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh khác ngoài hoạt động thu phí thì chi phí này có thể được phân bổ theo tỷ lệ giữa thời gian sử dụng tài sản cố định vào từng loại hoạt động với tổng số thời gian sử dụng tài sản cố định hoặc phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ hoạt động thu phí với tổng doanh thu của cả hoạt động thu phí và hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Mức trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí;

- Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại các nội dung trên.

- Hàng năm, tổ chức thu phí, lệ phí phải lập dự toán thu, chi gửi: Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cấp trên, cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế cùng cấp (đối với tổ chức thu là Uỷ ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế cấp trên), Kho bạc Nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Quyết định này; hàng năm phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí còn lại nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.

d) Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thu phí, lệ phí, tăng thu nhập cho người lao động, đối với các đơn vị thu phí, lệ phí là cơ quan Nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, các đơn vị thu phí, lệ phí là đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng phần phí, lệ phí trích lại theo chế độ quy định của từng khoản phí, lệ phí cho phù hợp với cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị mình (như: chi bổ sung thu nhập cho lao động, chi khen thưởng, phúc lợi, trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho lao động trong đơn vị), sau khi đảm bảo trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí quy định tại Điểm c nêu trên.

e) Phần tiền phí, lệ phí nộp vào Ngân sách Nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách theo Quy định tại Quyết định số 1868/2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2010 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 17/2010NQ-HĐND ngày 9 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2011, thời kỳ ổn định 2011.

f) Đối với phí phương tiện vận tải chở hàng hóa ra vào cửa khẩu quy định như sau:

- Đối với các Khu Kinh tế cửa khẩu: Giao Trạm liên hợp cửa khẩu trực tiếp tổ chức điều hành quản lý thu (cán bộ Thuế trực tiếp thu); giao Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng tổ chức thu phí đối với phương tiện giao thông đường thủy tại Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng.

- Đối với các cửa khẩu không có trạm liên hợp cửa khẩu, các lối mở có đủ lực lượng chức năng: Giao cho cơ quan Hải quan trực tiếp thu.

g) Đối với Lệ phí Chứng thực quy định như sau:

- Đối với cơ quan thực hiện thu phí (cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc; phòng Tư pháp huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn) phải nộp đầy đủ, kịp thời (100%) số lệ phí thu được vào Ngân sách Nhà nước.

- Đối với cơ quan, tổ chức được uỷ quyền thu (ngoài các cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc; phòng Tư pháp huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn) được trích để lại đơn vị 60%; nộp ngân sách 40%.

h) Đối với Phí xây dựng thực hiện miễn phí bắt đầu từ 01 tháng 02 năm 2011 theo Quyết định số 80/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quản lý, sử dụng tiền thu phí không thuộc Ngân sách Nhà nước

- Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí là khoản thu không thuộc ngân sách Nhà nước (gọi tắt là phí không thuộc ngân sách Nhà nước).

- Tiền thu phí không thuộc ngân sách Nhà nước (phần được để lại đơn vị theo quy định của tỉnh) được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí. Tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, tổ chức, cá nhân thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được cùng với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh khác (nếu có) với cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

III. Tài chính, kế toán

1. Chứng từ thu phí, lệ phí: Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính về chế độ phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ. Cụ thể như sau:

a) Đối với phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí, lệ phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ Thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có nhu cầu sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí khác với mẫu chứng từ quy định chung thì phải có văn bản đề nghị cơ quan Thuế có thẩm quyền giải quyết theo chế độ quy định.

b) Đối với phí không thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoá đơn tự in phải có văn bản đề nghị cơ quan Thuế có thẩm quyền giải quyết theo chế độ quy định.

c) Trường hợp sử dụng chứng từ đặc thù như tem, vé,... in sẵn mức thu phí, lệ phí, phải thực hiện chế độ quản lý, sử dụng riêng cho phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ đặc thù đó.

d) Mọi trường hợp không được cấp chứng từ hoặc cấp chứng từ không đúng quy định thì đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí cấp chứng từ thu theo đúng quy định hoặc khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Đồng tiền thu phí, lệ phí

- Phí, lệ phí được thu bằng tiền Việt Nam (VNĐ).

- Đồng tiền nộp phí, lệ phí đối với từng loại phí, lệ phí thực hiện thu theo quy định tại quyết định này.

3. Đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí theo quy định như sau:

a) Đối với tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước

- Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu thu phí, lệ phí, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải đăng ký với cơ quan thuế địa phương về loại phí, lệ phí, địa điểm thu, chứng từ thu và việc tổ chức thu phí, lệ phí (mẫu số 1), cụ thể như sau:

+ Tổ chức thu phí, lệ phí đơn vị trực thuộc tỉnh quản lý, đăng ký với Cục Thuế tỉnh.

+ Tổ chức thu phí, lệ phí trực thuộc huyện, thị xã, thị trấn, xã, phường, hoặc cấp tương đương quản lý và cá nhân thu phí, lệ phí, đăng ký với Chi cục Thuế huyện, thị.

+ Trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải thông báo với cơ quan Thuế chậm nhất là 5 ngày trước khi thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.

- Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thực hiện kê khai phí, lệ phí từng tháng và nộp tờ khai cho cơ quan Thuế nơi đăng ký thu phí, lệ phí trong 5 ngày đầu của tháng tiếp theo để theo dõi, quản lý. Trường hợp trong tháng không phát sinh số thu phí, lệ phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế.

- Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai theo (mẫu số 2) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

- Trường hợp pháp luật quy định tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thực hiện nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan Thuế thì trình tự, thủ tục nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

+ Nhận được tờ khai thu, nộp phí, lệ phí của tổ chức, cá nhân thu gửi tới, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tờ khai và thông báo cho cơ quan thu phí, lệ phí về số tiền phí, lệ phí phải nộp, thời hạn nộp và chương, loại, khoản, mục, tiểu mục của mục lục ngân sách nhà nước quy định;

+ Căn cứ vào thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan Thuế, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí làm thủ tục nộp ngân sách Nhà nước. Thời hạn nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước của tháng chậm nhất không quá ngày 15 của tháng tiếp theo. Trong trường hợp đã đến thời hạn nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước mà chưa nhận được thông báo của cơ quan Thuế, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí chủ động nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo tờ khai; trường hợp nộp thừa thì được trừ vào số phí, lệ phí phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu kỳ trước nộp thiếu thì phải nộp đủ số kỳ trước còn thiếu.

+ Việc quyết toán phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước thực hiện cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách nhà nước. Cơ quan Thuế thực hiện quyết toán số thu theo biên lai, tổng số thu, số được để lại, số phải nộp ngân sách Nhà nước. Cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế quyết toán số chi từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại đơn vị theo quy định cụ thể của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với từng loại phí, lệ phí.

b) Đối với tổ chức, cá nhân thu phí không thuộc ngân sách Nhà nước

Tổ chức, cá nhân thu phí phải đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế quản lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành, cụ thể như sau:

- Đăng ký thuế với cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật hiện hành về mã số đối tượng nộp thuế.

- Kê khai, nộp Thuế theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các văn bản quy định, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Hạch toán kế toán phí, lệ phí

a) Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có trách nhiệm:

- Mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ảnh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí theo chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước;

- Định kỳ báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước đối với từng loại phí, lệ phí;

- Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức, cá nhân thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải mở sổ sách kế toán theo dõi hạch toán và báo cáo quyết toán riêng đối với từng loại phí, lệ phí.

c) Trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải quyết toán phí, lệ phí theo quy định trên đây trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.

d) Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán phí, lệ phí. Nếu phát hiện có sự trốn, lậu phí, lệ phí hoặc thuế phải nộp đối với những khoản phí phải chịu thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Công khai chế độ thu phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu phí, lệ phí ở vị trí thuận tiện để các đối tượng nộp phí dễ nhận biết:

- Niêm yết: Tên phí, lệ phí; mức thu; chứng từ thu.

- Thông báo công khai: Văn bản quy định thu phí, lệ phí.

6. Nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước

- Phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước không phải chịu thuế. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước không phải đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với đối với các khoản phí, lệ phí này, mà thực hiện đăng ký, kê khai thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo hướng dẫn tại Quyết định này.

Tiền phí, lệ phí để lại cho đơn vị thu phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí không phản ánh vào ngân sách Nhà nước. Khoản thu này được xác định là nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Khoản thu này không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (nếu có).

- Phí không thuộc ngân sách Nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

IV. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý phí và lệ phí

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về phí và lệ phí.

2. Sở Tài chính giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về phí và lệ phí.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Theo dõi, kiểm tra hoạt động thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí;

- Thực hiện thanh tra tài chính theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí;

- Xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phí và lệ phí;

- Báo cáo Uỷ ban nhân tỉnh trình Hội đồng nhân dân bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền được phân cấp.

4. Các Sở, Ngành có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định về danh mục, mức thu phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

- Phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

- Báo cáo tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành; hướng dẫn riêng về phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

5. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về phí và lệ phí ở địa phương, có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cùng cấp;

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phí và lệ phí trong phạm vi địa phương;

- Xử lý hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định này.

V. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí, lệ phí thì không được phục vụ công việc, dịch vụ hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân nào không thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo Quyết định này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật về phí và lệ phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; số tiền đã thu sai phải được trả lại cho đối tượng nộp phí, lệ phí; trường hợp không xác định được đối tượng nộp phí, lệ phí thì số tiền đã thu sai phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

VI. Tổ chức thực hiện

- Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện thu phí và lệ phí theo quy định Nghị quyết số 38/2010/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2010; Nghị Quyết số 68/2011/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2011; Nghị quyết số 74/2011/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh và hướng dẫn thực hiện của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Quyết định này.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN