Chỉ thị số 13/2013/CT-UBND ngày 25/04/2013 Về tăng cường thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu văn bản: 13/2013/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 25-04-2013
- Ngày có hiệu lực: 05-05-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4221 ngày (11 năm 6 tháng 26 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2013/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 4 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần đánh giá thực trạng thi hành pháp luật tại địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực của các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chưa đúng trọng tâm; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ngày 23 tháng 7 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ và tăng cường thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện các nội dung sau:
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và lĩnh vực được phân công theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Tăng cường, chỉ đạo cán bộ, công chức pháp chế thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại ngành mình theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Căn cứ vào điều kiện của cơ quan, đơn vị, các văn bản pháp luật có liên quan bố trí kinh phí và cơ sở vật chất phù hợp để thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
d) Tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các tổ chức, cá nhân cung cấp, phản ảnh.
đ) Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thi hành pháp luật theo quy định và gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
b) Hàng năm, tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các yêu cầu của cơ quan nhà nước cấp trên về từng lĩnh vực cụ thể.
c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho đội ngũ công chức, người làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật.
d) Tiếp nhận, tổng hợp, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh các biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương.
đ) Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo tình hình thi hành pháp luật tại địa phương để gửi Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
b) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo nội dung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP các văn bản pháp luật có liên quan và kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh; báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Huế để tổng hợp chung báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp).
c) Hàng năm, xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với thực tế địa phương và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
6. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 17/2011/CT-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở, ban, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |