Chỉ thị số 07/2013/CT-UBND ngày 17/04/2013 Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07/2013/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 17-04-2013
- Ngày có hiệu lực: 27-04-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-02-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 297 ngày (0 năm 9 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-02-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2013/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 04 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo có sự xuất hiện của vi rút cúm gia cầm H7N9 và đã lây lan, làm tử vong cho người tại các tỉnh Chiết Giang, An Huy và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, với 21 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tại Campuchia đã xuất hiện 9 ca nhiễm bệnh cúm A (H5N1) trên người, trong đó có 8 trường hợp đã tử vong. Các ổ dịch cúm gia cầm đều xảy ra ở một số tỉnh của Campuchia có đường biên giới giáp với Việt Nam
Tại Việt Nam, tình hình nhiễm cúm trên người, ngày 04 tháng 4 năm 2013 đã có một bệnh nhi tại Đồng Tháp chết do cúm gia cầm H5N1. Trên gia cầm, theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 4 tỉnh Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang, đặc biệt có hiện tượng chim trĩ và chim yến chết do nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Tiền Giang và Ninh Thuận. Đồng thời, tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Điều này cho thấy, khả năng bùng phát dịch cúm gia cầm là rất lớn, nhất là tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Trung Quốc và Campuchia.
Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Vì vậy, vẫn xảy ra tình trạng hoạt động của 78 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại 12 quận, huyện; việc giết mổ kinh doanh gia cầm sống trái phép tại nhiều địa bàn đang có chiều hướng gia tăng, hình thành một số khu vực kinh doanh gia cầm sống với số lượng lớn, hoạt động gần như công khai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện Công điện số 487/CĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; Công điện số 08/CĐ-BNN-TY ngày 02 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc; đồng thời chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch cúm gia cầm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số biện pháp công tác như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Triển khai ngay các hình thức thông tin, truyền thông cảnh báo người dân về nguy cơ, tác hại của cúm gia cầm trên người và trên gia cầm; vận động người dân chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm và tại các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; khi phát hiện xác gia cầm chết phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời.
- Bố trí lực lượng chốt chặn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan xảy ra trên diện rộng. Kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học (kể cả chăn nuôi gà đá), kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép, không rõ nguồn gốc.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thường xuyên kiểm tra các trường hợp (hộ) khi phát hiện có tồn trữ, giết mổ gia cầm trái phép trên địa bàn.
- Giám sát và thực hiện đúng các quy định của ngành thú y khi cho phép tổ chức các hội thi chim cảnh trên địa bàn.
- Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người kinh doanh, chủ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ đã qua kiểm dịch.
- Huy động các Hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cùng phối hợp trong công tác vận động, tuyên truyền không nuôi và buôn bán trái phép gia cầm trên địa bàn, đồng thời phát hiện và báo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kiên quyết.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu còn để tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn do mình phụ trách.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo Chi Cục Thú y:
+ Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; tình hình chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại trạm đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ và điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm; giám sát việc chấp hành các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào thành phố.
+ Phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện cung cấp nội dung hướng dẫn các quy định của ngành thú y để tuyên truyền cho người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
+ Thường xuyên cập nhật các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép, kịp thời thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố và các quận, huyện để kiểm tra, xử lý triệt để.
+ Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các hộ chăn nuôi, kể cả hộ nuôi chim yến, cơ sở giết mổ, khu vui chơi giải trí, nơi kinh doanh và các hội quán chim cảnh, nhằm đảm bảo tình hình dịch tễ và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.
+ Phối hợp với Ban Quản lý chợ, Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra, xử lý tịch thu, tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, bao bì nhãn hiệu hàng hóa không đúng quy định tại các chợ, các cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể...
+ Tăng cường công tác phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; hỗ trợ các tỉnh giám sát dịch bệnh nhằm cảnh báo kịp thời nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm.
3. Sở Y tế:
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1, H7N9) trên người đến từng hộ dân, khu phố, các khu vực tập trung dân cư, các bệnh viện, trường học, nhằm cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người; nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
- Rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm ở người tại thành phố (nếu xảy ra dịch bệnh phát sinh). Thực hiện cơ chế giám sát nhằm phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cúm gia cầm ở người.
- Chủ trì Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra các hoạt động chế biến tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch cúm gia cầm của thành phố và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh, gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ các tỉnh đang xảy ra dịch; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khám xét và và xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm quả tang tồn trữ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép.
- Chỉ đạo Ban Quản lý chợ thực hiện đúng nội quy, quy chế hoạt động của chợ, tăng cường độ kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình hình kinh doanh, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y, bao bì nhãn hiệu hàng hóa không đúng quy định. Thực hiện cam kết kinh doanh sản phẩm gia cầm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
5. Công an thành phố:
- Phân công lực lượng cảnh sát giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố đồng thời phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch cúm gia cầm trong công tác ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển.
- Chỉ đạo Công an quận, huyện xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ; xử phạt và áp dụng biện pháp đúng mức đối với các trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái phạm vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.
6. Sở Giao thông vận tải:
Chỉ đạo Ban Quản lý các bến xe, bến phà:
- Thông báo cho chủ phương tiện vận tải công cộng chấp hành nghiêm việc không vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh về thành phố. Có hình thức xử lý thích đáng các chủ phương tiện cố tình hoặc tiếp tay với hành khách vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện đường bộ lẫn đường thủy.
- Niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố trên các phương tiện vận tải hành khách, để hành khách kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp phát hiện vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh về thành phố.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với ngành y tế, nông nghiệp tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; thường xuyên cập nhật thông tin, tăng thời lượng và kịp thời thông tin về diễn biến và nguy cơ bệnh dịch ở người, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện nghiêm túc thực hiện các biện pháp nêu trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị xã hội của thành phố./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |