cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 11/2013/CT-UBND ngày 08/04/2013 Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 11/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 08-04-2013
  • Ngày có hiệu lực: 18-04-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-11-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 930 ngày (2 năm 6 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-11-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-11-2015, Chỉ thị số 11/2013/CT-UBND ngày 08/04/2013 Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5149/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 Xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 31/12/2014 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2013/CT-UBND

Nghệ An, ngày 08 tháng 4 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Thời gian qua công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy giảm dần so với những năm trước đây. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao như Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên và vùng rừng khu lâm viên Núi Quyết thành phố Vinh. Mùa nắng nóng, khô hạn đang đến gần, nếu không có biện pháp PCCCR có hiệu quả, cháy rừng rất dễ xẩy ra, hậu quả sẽ khôn lường.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện khẩn số 06/CĐ-BNN-TCLN ngày 26/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng cháy, chữa cháy rừng; nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị xã, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, thủ trưởng các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:

1. UBND các huyện, thành, thị (gọi tắt là UBND cấp huyện)

Chỉ đạo Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR huyện, thành phố, thị xã, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR năm 2013, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Đẩy mạnh tuyên truyền “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phòng cháy, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng” bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cấp dự báo cháy rừng để mọi tổ chức cá nhân biết thực hiện các biện pháp PCCCR;

b) Củng cố, thành lập mới các tổ, đội chữa cháy rừng ở cơ sở nhằm ứng cứu các tình huống cháy rừng có thể xẩy ra. Đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập tình huống chữa cháy rừng cho lực lượng chữa cháy rừng các địa phương, các chủ rừng;

c) Tăng cường công tác kiểm tra của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR huyện đối với các đơn vị chủ rừng và UBND cấp xã, nhằm vận hành có hiệu quả, đồng bộ các biện pháp PCCCR;

d) Xây dựng và triển khai quy chế phối hợp bảo vệ rừng và PCCCR: Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư. Tổ chức hội nghị giao ban các xã có rừng vùng giáp ranh, triển khai quy chế phối hợp PCCCR;

e) Ký kết hiệp đồng đảm bảo huy động lực lượng chữa cháy rừng giữa cơ quan Quân sự, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn với Chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng để ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của địa phương.

f) Đầu tư mua sắm cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, hậu cần và xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác PCCCR. Trong đó chú trọng xây dựng đường băng cản lửa, thu dọn thực bì làm giảm vật liệu cháy.

h) Chuẩn bị phương án 4 tại chỗ trong PCCCR: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Duy trì chế độ thường trực PCCCR trong những ngày nắng nóng cấp dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên, tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng cháy rừng các cấp để nhận thông tin xử lý thông tin, tổ chức lực lượng chữa cháy rừng.

i) Vận hành cơ chế chỉ huy chữa cháy rừng: Cháy rừng ở địa phương nào thì Chủ tịch UBND địa phương đó trực tiếp huy động lực lượng và chỉ huy chữa cháy rừng, dưới sự tham mưu về chuyên môn nghiệp vụ của Hạt Kiểm lâm. Thủ trưởng các đơn vị có lực lượng tham gia chữa cháy chỉ huy lực lượng của đơn vị mình trực tiếp chữa cháy dưới sự điều hành chỉ huy của Chính quyền địa phương. Sau khi đám cháy kết thúc chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Tham mưu toàn diện việc xây dựng phương án và tổ chức thực hiện phương án PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h hàng ngày tại văn phòng Ban chỉ huy; làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện việc cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, diễn tập PCCCR tại các địa phương; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, kỹ thuât, hậu cần phục vụ công tác chữa cháy rừng.

b) Chỉ đạo các địa phương cấp huyện, chủ rừng xây dựng và triển khai phương án PCCCR, thành lập các tổ, đội cơ động chữa cháy rừng ở cơ sở nhằm sẵn sàng ứng cứu các tình huống cháy rừng có thể xẩy ra. Đối với những vùng rừng trọng điểm cháy cần tập trung thu dọn thực bì, vệ sinh rừng, xây dựng đường băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu cháy, quản lý chặt chẽ việc khai thác nhựa đảm bảo quy trình kỹ thuật và an toàn tuyệt đối về PCCCR.

c) Chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng trên phạm vi toàn tỉnh nhằm phát hiện sớm những thiếu sót, tồn tại trong việc xây dựng và thực hiện phương án để có bước điều chỉnh bổ sung kịp thời.

d) Sau khi xẩy ra cháy rừng phải khẩn trương phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác định thiệt hại, điều tra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan theo đúng quy định pháp luật;

e) Theo dõi, cập nhật, tổng hợp mọi diễn biến tình hình cháy rừng, kịp thời báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và Chủ tịch UBND tỉnh;

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh

a) Tổng kết công tác cứu hộ, cứu nạn, PCCCR và triển khai nhiệm vụ năm 2013 và có văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh chủ động làm tốt công tác PCCCR năm 2013;

b) Thống nhất phương án hợp đồng đảm bảo với các địa phương và chủ rừng trong việc huy động lực lượng Quân sự, Biên phòng tham gia chữa cháy rừng;

c) Chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xẩy ra cháy rừng.

4. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Công an PCCC tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tham mưu về phương án kỹ thuật PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh;

b) Có văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tốt với các ban ngành cấp huyện tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng. Đồng thời chủ trì tổ chức điều tra, khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra cháy rừng. Lập hồ sơ vụ cháy rừng xử lý vi phạm theo đúng quy định của Pháp luật.

5. Các Sở, ban ngành khác của tỉnh

a) Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét đề xuất kịp thời các chính sách, tham mưu UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng, chữa cháy rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo: Ban hành văn bản chỉ đạo các Phòng giáo dục, các trường học quán triệt nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR trong thanh thiếu niên học sinh nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, cổ vũ tinh thần các thế hệ học sinh, sinh viên hăng hái thi đua học tập và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

c) Sở Thông tin truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR, ban hành văn bản chỉ đạo các Đài cấp huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR thông báo cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phản ảnh các hoạt động về PCCCR ở các địa phương, chủ rừng, biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân điển hình thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở các đơn vị, cá nhân thực hiện chưa tốt biện pháp PCCCR.

d) Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Chỉ đạo các cơ sở Đoàn (ở các địa phương và trường học) triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Phát động phong trào, ký cam kết thi đua làm tốt công tác PCCCR, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại các địa phương, triển khai các hoạt động hè tình nguyện thu gom vật liệu cháy.

e) Ban Dân tộc tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai tốt các dự án phát triển nông lâm nghiệp, dự án tái định cư để ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, giảm tác động đến rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, tham mưu, trình UBND tỉnh xử lý kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng