Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 Phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu văn bản: 47/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Định
- Ngày ban hành: 28-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-04-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3378 ngày (9 năm 3 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-04-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2011/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 28 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
Căn cứ Quyết định số 248/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
Căn cứ Nghị quyết số 50/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 3 về Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng, miền trên địa bàn tỉnh được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.
b. Mục tiêu cụ thể:
- Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2015, có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; tách các lớp mẫu giáo 5 tuổi riêng và đảm bảo mỗi lớp có từ 30 đến 35 trẻ.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đảm bảo 100% giáo viên dạy mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2012, phấn đấu đến năm 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá.
- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các xã nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non.
- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2012 đến năm 2015 như sau:
+ Năm 2012: 1/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (Quy Nhơn);
+ Năm 2013: 5/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn và Hoài Ân);
+ Năm 2014: 8/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh và Vân Canh);
+ Năm 2015: 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn; Tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
a. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
b. Tăng cường huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp.
c. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.
d. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.
đ. Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị, bảo đảm ngân sách cho các lớp mầm non 5 tuổi.
e. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
3. Kinh phí
a. Dự án 1: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của Điều lệ trường mầm non.
Xây dựng mới 255 phòng học còn thiếu và xuống cấp nặng; sửa chữa và nâng cấp 527 phòng học xuống cấp; Xây dựng 9000m2 bếp ăn cho 150 trường chưa có bếp ăn để phục vụ cho trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Kinh phí dự kiến 221,55 tỷ đồng.
b. Dự án 2: Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi.
Mua đồ chơi ngoài trời cho 150 trường (mỗi trường 1 bộ); mua thiết bị, đồ chơi cho 725 lớp mầm non 5 tuổi (mỗi lớp 1 bộ); mua 500 bộ thiết bị cho1/3 số lớp mẫu giáo 5 tuổi để trẻ làm quen với tin học, ngoại ngữ phục vụ thực hiện Đề án. Kinh phí dự kiến 25,375 tỷ đồng.
c. Dự án 3: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
- Bồi dưỡng chuẩn hóa 76 giáo viên chưa đạt chuẩn; đào tạo nâng chuẩn cho 424 giáo viên để đến năm 2015 có đủ 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên. Kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng.
d. Dự án 4: Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi theo Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011.
Hỗ trợ ăn trưa cho khoảng 5.000 trẻ 5 tuổi trong 4 năm thực hiện Đề án (120.000đồng/trẻ/tháng, hỗ trợ 9 tháng/năm). Kinh phí dự kiến 21,6 tỷ đồng.
* Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 270,525 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2011- 2013) là 131,004 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2014-2015) là 139,521 tỷ đồng.
* Nguồn kinh phí:
- Nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia 80%;
- Ngân sách của tỉnh và của huyện 15%;
- Nguồn kinh phí khác (vốn vay, tài trợ …) 5%.
4. Lộ trình thực hiện
a. Giai đoạn 2011- 2013
- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo chống mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án để chính quyền các cấp, các tổ chức và nhân dân ủng hộ nhằm huy động trẻ 5 tuổi đến trường. Tập trung cho trẻ em vùng khó khăn, vùng nông thôn được học 2 buổi/ngày; phấn đấu toàn tỉnh đạt 76,7% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Triển khai tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tổ chức tập huấn công tác điều tra, cập nhật số liệu phổ cập. Xây dựng mới 120 phòng học, sửa chữa nâng cấp 243 phòng học và làm mới 70 bếp ăn cho 70 trường chưa có bếp ăn với tổng diện tích 4200 m2 ; cung cấp trang thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 95 trường mầm non, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho 449 lớp và 500 bộ thiết bị cho trẻ em làm quen với tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu phổ cập. Khuyến khích thành lập mới các trường mầm non tư thục ở những nơi thuận lợi nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường; xây dựng chính sách tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp đóng góp nguồn lực xây dựng trường học và hỗ trợ nâng cao chất lượng. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mầm non mới cho 725 lớp mầm non 5 tuổi, nhất là các trường, lớp mẫu giáo tư thục. Bồi dưỡng chuẩn hóa 76 giáo viên chưa đạt chuẩn. Kiểm tra công nhận thành phố Quy Nhơn vào năm 2012 và các huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân, thị xã An Nhơn vào năm 2013; Sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
b. Giai đoạn 2014- 2015
- Tiếp tục tập trung vào đối tượng trẻ em vùng khó khăn để huy động đạt 100% số trẻ em 5 tuổi ra lớp mầm non. Trong đó phấn đấu 95 % trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Phân bổ ngân sách chi thường xuyên hằng năm với tỷ lệ hợp lý nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Xây dựng mới 135 phòng học, sửa chữa nâng cấp 284 phòng học và làm mới 80 bếp ăn cho 80 trường chưa có bếp ăn với tổng diện tích 4800 m2 ; cung cấp thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 55 trường và trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho 276 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Kiểm tra công nhận các huyện Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Vân Canh vào năm 2014 và các huyện An Lão, Phù Cát, Phù Mỹ vào năm 2015; Tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
6. Tổ chức thực hiện:
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao trong Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |