Quyết định số 3640/QĐ-CT ngày 21/12/2011 Hướng dẫn đánh giá, chấm điểm tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 3640/QĐ-CT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 21-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 21-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-03-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 810 ngày (2 năm 2 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-03-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3640/QĐ-CT | Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM CÁC TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 1620/QĐ - TTg ngày 20/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;
Căn cứ Kế hoạch số 4855/KH-UBND ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 910/SNV-TĐKT ngày 01/12/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.
| CHỦ TỊCH |
HƯỚNG DẪN
ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM CÁC TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3640/QĐ-CT ngày 21/12/ 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh)
A. CÁCH TÍNH ĐIỂM TIÊU CHÍ
I. VỀ QUY HOẠCH (90 điểm)
1. Tiêu chí 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch
1.1. Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: Xác định nhu cầu sử dụng đất cho bố trí vùng sản xuất và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hoá nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; bố trí hệ thống công trình thuỷ lợi, giao thông nội đồng ...
1.2. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường theo chuẩn mới, bao gồm: Bố trí hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp thoát nước VSMT, nghĩa trang, nghĩa địa, công viên cây xanh hồ nước, điểm tập kết và thu gom chất thải rắn …Hệ thống hạ tầng xã hội: trường học, trạm y tế, chợ, thiết chế văn hóa thể thao xã, thiết chế văn hóa thể thao từng thôn.
1.3. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có tại các thôn, xóm trên địa bàn hành chính xã phù hợp với đặc điểm sinh thái, truyền thống tập quán văn hóa địa phương theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hoá tốt đẹp.
2. Cách tính điểm
Có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được công bố quy hoạch và bản đồ quy hoạch được treo ở hội trường hoặc Phòng Tiếp dân tại trụ sở UBND xã. Mỗi quy hoạch được duyệt đạt 30 điểm (quy hoạch không được duyệt không có điểm).
3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng.
- Thực hiện theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh.
II. VỀ HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI (370 điểm)
1. Tiêu chí 2: Giao thông (110 điểm)
1.1. Nội dung tiêu chí
1.1.1. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải (30 điểm)
- Đường xã là đường nối trung tâm hành chính xã với các thôn hoặc đường nối giữa các xã (không thuộc đường huyện).
1.1.2. Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải (30 điểm)
- Đường thôn là đường nối giữa các thôn đến các xóm.
1.1.3. Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa(30 điểm)
- Đường xóm, ngõ là đường nối giữa các hộ gia đình (đường chung của liên gia).
1.1.4. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện (20 điểm)
- Đường trục chính nội đồng là đường chính nối từ đồng ruộng đến khu dân cư.
- Cứng hoá là mặt đường được trải bằng một trong những loại vật liệu sau: bê tông nhựa, đá dăm nhựa, bê tông xi măng và lát gạch.
1.2. Cách tính điểm
- Đạt 100% tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải đạt 30 điểm (không đạt 100% không có điểm).
- Đạt 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 50 %) tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải đạt 30 điểm; không đạt 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi không đạt 50 %) không có điểm.
- Đạt 100% cứng hóa (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 100 % trong đó có 50% cứng hóa) tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 30 điểm; không đạt 100% cứng hóa (riêng đối với các xã trung du, miền núi không đạt 100 % và đạt hoặc không đạt 50% cứng hóa) không có điểm.
- Đạt 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 50%) tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 20 điểm; không đạt 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi không đạt 50%) không có điểm.
1.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông vận tải tỉnh.
2. Tiêu chí 3: Thuỷ lợi (40 điểm)
2.1. Nội dung tiêu chí
2.1.1. Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cần sản xuất và dân sinh (20điểm)
- Về đê hoặc bờ bao chống lũ (đối với những xã có đê hoặc bờ bao chống lũ): được xây dựng đạt chuẩn về phòng chống lũ, bão và nước dâng theo quy định, bao gồm: hoàn chỉnh mặt cắt thiết kế, cứng hoá mặt đê và đường hành lang chân đê, trồng cỏ mái đê, trồng cây chân đê phía sông; làm lại hoặc tu sửa các cống dưới đê đảm bảo vững chắc, đồng bộ với mặt cắt đê; xử lý sạt lở đảm bảo ổn định, an toàn cho đê; đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp; có ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp xã, có đội quản lý đê nhân dân, đội tuần tra canh gác đê trong mùa lũ theo quy định, hoạt động có hiệu quả.
- Đối với công trình tưới tiêu:
+ Đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu chủ động cho diện tích gieo trồng lúa, diện tích rau màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt, thoát nước theo quy hoạch được duyệt.
+ Các công trình thuỷ lợi đảm bảo tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh phát huy đạt trên 75% năng lực thiết kế.
+ Các công trình thuỷ lợi có chủ quản lý đích thực đạt 100%; Có sự tham gia của người dân trong quản lý, vận hành và khai thác công trình thuỷ lợi. Công trình được duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm, chống xuống cấp, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước.
2.1. 2. Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá (20 điểm)
- Kiên cố hoá kênh mương là việc xây lát tấm bê tông, xây bằng đá, gạch hoặc lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng và đạt cao trình mực nước thiết kế; nâng cao năng suất tưới, tiết kiệm nước, tiết kiệm đất xây dựng, tiết kiệm điện, giảm chi phí quản lý, khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình.
- Kênh do xã quản lý là phần kênh mương thuộc phạm vi xã, do các tổ chức hợp tác dùng nước (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc Tổ chức dùng nước khác), của người dân quản lý, khai thác vận hành và duy tu sửa chữa hàng năm.
2.2. Cách tính điểm
- Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh đạt các yêu cầu trên đạt 20 điểm.
- Hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng được yêu cầu không có điểm.
- Thực hiện đạt 85% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 50%) km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá đạt 20 điểm (vượt 1% được cộng 1 điểm thưởng).
- Thực hiện đạt dưới 85% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 50%) km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá không có điểm.
2.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng.
- Thực hiện theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh.
3. Tiêu chí 4: Điện (20 điểm)
3.1. Nội dung tiêu chí
3.1.1. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện (10 điểm)
- Hệ thống điện gồm: Lưới điện phân phối, trạm biến áp phân phối, đường dây cấp trung áp, đường dây cấp hạ áp.
- Hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện được hiểu là đáp ứng các nội dung của Quy định kỹ thuật điện nông thôn năm 2006 (QĐKT-ĐNT-2006).
3.1.2. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn (10 điểm)
- Các nguồn cấp điện cho nông thôn gồm: Nguồn điện được cấp từ lưới điện quốc gia hoặc ngoài lưới điện quốc gia. Tại địa bàn chưa được cấp điện từ lưới điện quốc gia, tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét, áp dụng phương tiện phát điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, diesel… hoặc kết hợp các nguồn nói trên với quy mô công suất hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải và triển vọng phát triển trong vòng 5-10 năm tới.
Các hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn được xác định, trong quá trình sử dụng không gây ra sự cố điện. Các thiết bị sử dụng điện phải đảm bảo chất lượng an toàn khi sử dụng và chuyền dẫn.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm an toàn khi sử dụng điện để sản xuất theo các quy định sau:
+ Có nội quy về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả phổ biến đến bộ phận, cá nhân. Có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
+ Cán bộ, công nhân quản lý, sửa chữa điện có đủ điều kiện về chuyên môn, được huấn luyện và cấp thẻ về an toàn điện.
+ Thực hiện nghiêm chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, đảm bảo làm việc an toàn khi tiếp xúc với điện.
+ Thực hiện việc thống kê theo dõi, báo cáo về sự cố, tai nạn điện theo quy định.
3.2. Cách tính điểm
- Hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đáp ứng các nội dung của Quy định kỹ thuật điện nông thôn năm 2006 (QĐKT-ĐNT-2006) đạt 10 điểm (không đảm bảo không có điểm).
- Có 99% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 95%) số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 10 điểm; đạt 100% hoặc (trên 95% đối với các xã trung du, miền núi) được cộng 2 điểm thưởng; đạt dưới 99% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 95%) không có điểm.
3.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn abnr hướng dẫn của Bộ Công thương và Sở Công thương tỉnh.
4. Tiêu chí 5: Trường học (40 điểm)
4.1. Nội dung tiêu chí: Tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia (40 điểm)
- Trường mầm non, nhà trẻ có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia: xã có trường và các điểm trường, đảm bảo tất cả các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được phân chia theo độ tuổi và tổ chức cho trẻ ăn bán trú, cụ thể như sau:
+ Trường đặt tại trung tâm khu dân cư, thuận lợi cho trẻ đến trường, đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
+ Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: diện tích sân chơi; diện tích cây xanh; đường đi. Diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 20m2/học sinh. Khuôn viên có tường bao ngăn cách với bên ngoài bằng gạch, gỗ, kim loại hoặc cây xanh cắt tỉa làm hàng rào. Cổng chính có biển tên trường theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ trường mầm non. Tổng diện tích một trường tối thiểu là 3.000m2..
+ Có đủ phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị, phòng ngủ, phòng ăn, hiên chơi, phòng y tế, khu vệ sinh, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên có mái che… được xây dựng kiên cố. Nhà trẻ, trường mầm non có nguồn nước sạch và hệ thống cống rãnh hợp vệ sinh. Khu trẻ chơi được lát gạch, xi măng hoặc trồng thảm cỏ. Phòng sinh hoạt chung được trang bị đủ bàn ghế cho giáo viên và trẻ. Có máy vi tính, các phương tiện làm việc và các trang thiết bị y tế và đồ dùng theo dõi sức khoẻ trẻ.
- Trường tiểu học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia:
+ Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh.
+ Có khuôn viên không dưới 25m2/học sinh. Tổng diện tích một trường tối thiểu là 5.000m2..
+ Có đủ phòng học cho mỗi lớp học (diện tích phòng học bình quân không dưới 01m2/01 học sinh). Trong phòng học có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh, có trang bị hệ thống quạt. Bàn, ghế, bảng, bục giảng, hệ thống chiếu sáng, trang trí phòng học đúng quy cách. Được trang bị đầy đủ các loại thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Điều kiện vệ sinh đảm bảo các yêu cầu xanh, sạch, đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, thuận tiện cho học sinh đi học.
+ Có nhà tập đa năng, thư viện đạt chuẩn theo quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông.
+ Có đủ các phòng chức năng: phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng giáo viên, phòng hoạt động Đội, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng y tế học đường, phòng thiết bị giáo dục, phòng thường trực.
+ Trường có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh riêng cho cán bộ giáo viên và học sinh, riêng cho nam và nữ, có khu để xe, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào cây xanh bao quanh trường.
- Trường trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia:
+ Có tổng diện tích mặt bằng tính theo đầu học sinh ít nhất đạt từ 30m2/học sinh. Tổng diện tích một trường tối thiểu 10.000 m2.
+ Cơ cấu các khối công trình gồm có: Phòng học và phòng học bộ môn (có đủ phòng học để học nhiều nhất là hai ca trong 1 ngày.
+ Phòng học bộ môn xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng học xây dựng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành; phòng học có đủ bàn ghế học sinh phù hợp với lứa tuổi, bàn ghế của giáo viên, bảng viết và đủ điều kiện về ánh sáng, thoáng mát.
+ Nhà tập đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn - Đội, phòng truyền thống; phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn phòng, phòng họp toàn thể cán bộ và viên chức nhà trường, phòng giáo viên, phòng y tế học đường, nhà kho, phòng thường trực; khu sân chơi, bãi tập (có đủ thiết bị luyện tập thể dục thể thao và đảm bảo an toàn); khu vệ sinh và khu để xe.
+ Có hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước cho tất cả các khu vực theo quy định về vệ sinh môi trường.
4.2. Cách tính điểm
- Đạt 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 70%) trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 40 điểm.
- Đạt dưới 100% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 70%) trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia không có điểm.
4.3. Căn cứ chấm điểm
Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
5. Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí (40 điểm)
5.1. Nội dung tiêu chí
5.1.1. Tiêu chí diện tích và quy mô Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí xã
* Quỹ đất 15.000m2:
- Nhà văn hóa đa năng (Khối hoạt động trong nhà) = 675m2 , gồm:
+ Nhà tập luyện thể thao (bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…) = 360m2
+ Phòng quản lý điều hành = 18m2
+ Phòng truyền thống, thư viện = 36m2
+ Phòng máy tính Internet và truyền thanh = 36m2
+ Phòng giải khát = 36m2
+ Diện tích phụ trợ (50% x DTxd theo Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006) = 225m2
- Khối phụ trợ 342m2, bao gồm:
+ Sân khấu ngoài trời (30x10) = 300m2
+ Nhà vệ sinh công cộng = 42m2
* Quỹ đất 10.000m2 :
- Nhà văn hóa đa năng (Khối hoạt động trong nhà) = 675m2 , gồm:
+ Nhà tập luyện thể thao (bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…) = 360m2
+ Phòng quản lý điều hành = 18m2
+ Phòng truyền thống, thư viện = 36m2
+ Phòng máy tính Internet và truyền thanh = 36m2
+ Phòng giải khát = 36m2
+ Diện tích phụ trợ (50% x DTxd theo Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006) = 225m2
- Khối phụ trợ 342m2, bao gồm:
+ Sân khấu ngoài trời (30x10) = 300m2
+ Nhà vệ sinh công cộng = 42m2
5.1.2. Tiêu chí diện tích và quy mô Nhà văn hóa thôn
* Quỹ đất 1.500m2:
- Nhà hội trường 200 chỗ = 200m2 (0,7-m2/ch)
- Diện tích phụ trợ (50%xDTxd) = 100m2
- Khối phụ trợ (nhà vệ sinh công cộng) = 42m2
* Quỹ đất 1.000m2:
- Nhà hội trường 150 chỗ = 150m2 (0,7-m2/ch)
- Diện tích phụ trợ (50%xDTxd) = 75m2
- Khối phụ trợ (nhà vệ sinh công cộng) = 42m2
* Quỹ đất 500m2:
- Nhà hội trường 100 chỗ = 100m2 (0,7-m2/ch)
- Diện tích phụ trợ (50%xDTxd) = 50m2
- Khối phụ trợ (nhà vệ sinh công cộng) = 17m2
5.1.3. Tiêu chí về quản lý và tổ chức hoạt động Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí xã và Nhà văn hóa thôn
Theo Quyết định số 232/QĐ-VHTTDL ngày 27/07/2011 của Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí xã, phường, thị trấn, Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và tiêu chí đồng bằng và miền núi:
Nội dung | Cụ thể theo vùng | ||
Đồng bằng | Miền núi | ||
Trang thiết bị | Hội trường Nhà Văn hoá đa năng có đủ: Bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh | Có đủ | Đạt 80% |
Dụng cụ thể dục thể thao đảm bảo theo công trình thể dục thể thao và các môn thể thao của từng xã | Có đủ | Đạt 80% | |
Cán bộ | Cán bộ quản lý: có trình độ trung cấp về văn hóa, thể dục thể thao trở lên; được hưởng phụ cấp chuyên trách và bán chuyên trách | Đạt | Đạt |
Cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa, thể thao; được hợp đồng và hưởng thù lao bán chuyên trách | Đạt | Có cộng tác viên thường xuyên | |
Kinh phí hoạt động | - Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định hàng năm - Thù lao cho cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách được quy định tại Thông tư liên tịch 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 12 tháng 5 năm 2010 | Đảm bảo | Đảm bảo |
Hoạt động văn hóa văn nghệ | Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị | 12 cuộc/năm | Tối thiểu 4 cuộc/năm |
Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng | 4 cuộc/năm | Tối thiểu 2 cuộc/năm | |
Duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ | 5 câu lạc bộ trở lên | 3 câu lạc bộ trở lên | |
Thư viện, phòng đọc sách, báo | Hoạt động tốt | Có hoạt động | |
Hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc | Hoạt động tốt | Có hoạt động | |
Thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa | Tối thiểu 30% trở lên/tổng số dân. | Tối thiểu 20% trở lên/tổng số dân. | |
Hoạt động thể thao | Thi đấu thể thao | 6 cuộc/năm | 4 cuộc/năm |
Thu hút nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên | Tối thiểu 25% /tổng số dân | Tối thiểu 20% /tổng số dân. | |
Hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em | Thu hút trẻ em trên địa bàn dân cư tham gia hoạt động văn hóa, thể thao | Đạt 30% thời gian hoạt động | Đạt 20% thời gian hoạt động |
Chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ | Chỉ đạo, hướng dẫn nhà văn hóa, khu thể thao thôn (làng, ấp, bản) hiện có | Đạt 100% | Đạt 100% |
5.2. Cách tính điểm
- Có Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí xã đạt chuẩn theo quy định đạt 20 điểm.
- Có Trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí xã nhưng không đạt chuẩn theo quy định hoặc không có nhà văn hoá và khu thể thao không có điểm.
- Có 100% nhà văn hoá thôn đạt chuẩn theo quy định đạt 20 điểm.
- Có nhà văn hoá thôn nhưng không đạt chuẩn theo quy định hoặc không có nhà văn hoá thôn, không có điểm.
5.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.
6. Tiêu chí 7: Chợ nông thôn (25 điểm)
6.1. Nội dung tiêu chí: Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (25 điểm)
Chợ đạt chuẩn, bao gồm các hạng mục: Nhà chợ chính, Ban quản lý chợ, diện tích kinh doanh ngoài trời, nhà để xe, nhà WC công cộng, trạm điện, trạm bơm, khu thu gom rác.
Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng là chợ nằm trên địa bàn xã, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, diện tích đất xây dựng chợ xã đạt chuẩn là 3.000m2.
6.2. Cách tính điểm
- Chợ nông thôn được xây dựng đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 25 điểm.
- Chợ nông thôn được xây dựng không đạt chuẩn của Bộ Xây dựng không có điểm.
6.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương và Bộ Xây dựng.
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở Công thương tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh.
7. Tiêu chí 8: Bưu điện (35 điểm)
7.1. Nội dung tiêu chí
7.1.1. Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông (15 điểm)
Điểm phục vụ bưu chính viễn thông là các cơ sở vật chất của các thành phần kinh tế cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn xã cho người dân. Diện tích xây dựng 1 điểm phục vụ bưu chính viễn thông 150m2 (cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cả truy cập internet).
Xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông là xã có ít nhất một trong các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như: đại lý bưu điện, ki ốt, bưu cục, điểm bưu điện - văn hoá xã, thùng thư công cộng và các điểm truy nhập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác.
7.1.2. Có Internet đến thôn (20 điểm)
Xã có Internet về đến thôn là xã có 100% số thôn đã có điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng thuộc một trong các thành phần kinh tế đầu tư cung ứng dịch vụ.
7.2. Cách tính điểm
- Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt 15 điểm.
- Không có điểm phục vụ bưu chính viễn thông không có không có điểm.
- Có 100% số thôn đã có điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet đạt 20 điểm.
- Còn thôn không có điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet không có điểm.
7.3. Căn cứ chấm điểm
Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.
8. Tiêu chí 9: Nhà ở dân cư (60 điểm)
8.1. Nội dung tiêu chí
8.1.1. Nhà tạm, nhà dột nát (30 điểm)
Nhà tạm là loại nhà không đảm bảo mức độ sử dụng tiện nghi tối thiểu, thiếu các diện tích đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu: bếp, nhà vệ sinh xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo yêu cầu ‘‘3 cứng’’ (gồm nền cứng, khung cứng, mái cứng) và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
8.1.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (30 điểm)
Nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng có các chỉ tiêu sau:
- Diện tích nhà ở đạt từ 14m2/ người trở lên.
- Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên.
- Đảm bảo quy hoạch, bố trí không gian các công trình trong khuôn viên ở (gồm nhà ở và các công trình đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như bếp, nhà vệ sinh…) phải đảm bảo phù hợp, thuận tiện cho sinh hoạt đối với mọi thành viên trong gia đình; đồng thời các công trình đảm bảo yêu cầu tối thiểu về diện tích sử dụng.
- Có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường…. Giao thông đi lại từ chỗ ở phải kết nối với hệ thống giao thông chung của thôn, bản, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại cho người cũng như các phương tiện khác như xe thô sơ, xe máy…
- Kiến trúc, mẫu nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, từng vùng, miền.
8.2. Cách tính điểm
- Không có nhà tạm, nhà dột nát đạt 30 điểm.
- Còn nhà tạm nhà dột nát không có điểm.
- Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 90% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 75%) đạt 30 điểm; vượt 1% được cộng 1 điểm thưởng.
- Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt thấp hơn 90% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt thấp hơn 75%) không có điểm.
8.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng tỉnh.
III. VỀ KINH TẾ VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT (90 điểm)
1. Tiêu chí 10: Thu nhập (20 điểm)
1.1. Nội dung tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh (20 điểm)
Thu nhập bình quân đầu người/năm là tổng các nguồn thu nhập của hộ/năm chia đều cho số thành viên trong gia đình. Thu nhập của hộ gia đình bao gồm toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong thời gian một năm, gồm:
- Thu từ tiền công, tiền lương.
- Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất).
- Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất).
- Thu khác được tính vào thu nhập (không tính tiền rút tiết kiệm, vay thuần tuý, thu nợ và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được).
- Bình quân chung của tỉnh được hiểu là bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh.
* Phương pháp tính toán tiêu chí:
- Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã sẽ do xã tự điều tra theo mẫu điều tra thu nhập hộ gia đình của Tổng cục Thống kê.
- Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh (khu vực nông thôn) sẽ dựa vào công bố hàng năm của Cục thống kê của tỉnh.
- Thu nhập bình quân đầu người/năm so với bình quân chung của tỉnh được tính bằng cách lấy mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã chia cho mức thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn của tỉnh.
1.2. Cách tính điểm
- Có mức thu nhập bình quân đầu người/năm lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần (riêng đối với các xã trung du, miền núi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm lớn hơn hoặc bằng 1,2 lần) mức bình quân chung của tỉnh đạt 20 điểm.
- Có mức thu nhập bình quân đầu người/năm thấp hơn 1,5 lần (riêng đối với các xã trung du, miền núi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm thấp hơn 1,2) mức bình quân chung của tỉnh không có điểm.
2. Tiêu chí 11: Hộ nghèo (25 điểm)
2.1. Nội dung tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới chuẩn nghèo.
Chuẩn nghèo thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với khu vực nông thôn và khu vực thành thị.
2.2. Cách tính điểm
- Xã có tỷ lệ hộ nghèo bằng 3% (riêng đối với các xã trung du, miền núi tỷ lệ hộ nghèo bằng 10%) đạt 30 điểm; giảm 1% được cộng 2 điểm thưởng.
- Xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 3% (riêng đối với các xã trung du, miền núi tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 10%) không có điểm.
3. Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động (20 điểm)
3.1. Nội dung tiêu chí: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp
Lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là số người trong độ tuổi (nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi), có khả năng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong xã (bao gồm cả người tranh thủ lúc nông nhàn đi ra ngoài làm việc, đến thời vụ lại về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại xã).
Phương pháp xác định: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp bằng số lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của xã chia cho tổng số lao động trong độ tuổi ở xã.
3.2. Cách tính điểm
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt từ 25% trở xuống (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt từ 45% trở xuống) đạt 20 điểm.
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên 25% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt trên 45%) không có điểm.
4. Tiêu chí 13: Hình thức tổ chức sản xuất (25 điểm)
4.1. Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả
Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là trên địa bàn xã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã được thành lập chuyên sản xuất, làm một số dịch vụ hoặc kinh doanh tổng hợp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp; kinh doanh có lãi được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận.
4.2. Cách tính điểm
- Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 25 điểm,
- Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả không có điểm.
IV. VỀ VĂN HOÁ – XÃ HỘI – MÔI TRƯỜNG (290 điểm)
1. Tiêu chí 14: Giáo dục (90 điểm)
1.1. Nội dung tiêu chí
1.1.1. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở (40 điểm)
Tiêu chuẩn 1:
- Đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ.
- Huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt 90% (xã đặc biệt khó khăn 80%) trở lên.
- Ít nhất 80% (xã đặc biệt khó khăn 70%) số trẻ nhóm tuổi 11 – 14 tốt nghiệp tiểu học, số trẻ em còn lại trong độ tuổi này đang học tiểu học.
- Huy động 95% (xã đặc biệt khó khăn 80%) trở lên học sinh tốt nghiệp tiểu học hàng năm vào học lớp 6 THCS, phổ thông, bổ túc.
- Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất thực hiện dạy đủ các môn học của chương trình.
Tiêu chuẩn 2:
+ Tỉ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm từ 90% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên.
+ Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 đến hết 18 có bằng tốt nghiệp THCS cả hai hệ từ 80% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên.
1.1.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) (30 điểm)
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) là số học sinh của xã đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã và đang được tiếp tục học bậc trung học tại các trường phổ thông trung học, bổ túc văn hoá và học nghề.
Phương pháp xác định:
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học bậc trung học (%) |
| Số học sinh tốt nghiệp THCS của xã đã và đang được tiếp tục học bậc trung học tại các trường phổ thông trung học, bổ túc văn hoá và học nghề |
|
Tổng số học sinh của xã đã tốt nghiệp THCS |
1.1.3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (20 điểm)
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã: Là tỷ lệ lao động trong độ tuổi có khả năng lao động đã được tham gia hoặc đang tham gia các khoá đào tạo hoặc chương trình dạy nghề ngắn hạn, dài hạn chính quy, không chính quy và được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng: chứng chỉ học nghề, bằng trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học.
Phương pháp tính toán: Theo điều tra hàng năm của xã về trình độ đào tạo của lao động làm việc thường xuyên trong xã. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là số lao động được đào tạo chia cho tổng số lao động trong độ tuổi (đơn vị tính %) được tính theo công thức:
Lao động qua đào tạo (%) |
= | Lao động trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học |
x 100 |
Tổng số lao động trong độ tuổi |
1.2. Cách tính điểm
- Thực hiện phổ cập giáo dục trung học đạt 2 tiêu chuẩn đạt 40 điểm.
- Thực hiện phổ cập giáo dục trung học có một tiêu chuẩn không đạt không có điểm.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 90% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 70%) đạt 30 điểm; vượt 1% được cộng 1 điểm thưởng.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt dưới 90 % (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 70%) không có điểm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt trên 20%) đạt 20 điểm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt dưới 40% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 20%) không có điểm.
2. Tiêu chí 15: Y tế (50 điểm)
2.1. Nội dung tiêu chí
2.1.1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế (20 điểm)
Người dân được coi là tham gia bảo hiểm y tế khi đã tham gia một hoặc một số hình thức bảo hiểm y tế sau:
- Hình thức do ngân sách nhà nước hoặc quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, áp dụng đối với các đối tượng: Người nghèo; người dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em dưới 6 tuổi; cựu chiến binh; thân nhân người có công, quân đội, công an; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Hình thức tự đóng toàn bộ phí bảo hiểm y tế hoặc được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế, áp dụng cho các đối tượng còn lại kể cả những người lao động trong doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước nhưng đăng ký hộ khẩu thường trú sinh sống trên địa bàn xã.
Phương pháp tính toán:
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (%) | = | Số người có thẻ bảo hiểm y tế | x 100% |
Tổng dân số của xã |
2.1.2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia (30 điểm)
Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế được xác định căn cứ theo các quy định của Bộ Y tế.
2.2. Cách tính điểm
- Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 40% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt 20%) đạt 20 điểm; vượt 1% được cộng 1 điểm thưởng.
- Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt dưới 40% (riêng đối với các xã trung du, miền núi đạt dưới 20%) không có điểm.
- Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 30 điểm.
- Xã không đạt chuẩn quốc gia về y tế không có điểm.
3. Tiêu chí 16: Văn hoá (35 điểm)
3.1. Nội dung tiêu chí: Xã có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hoá theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3.2. Cách tính điểm
- Xã có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hoá đạt 35 điểm.
- Xã có dưới 70 % số thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hoá không có điểm.
3.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.
4. Tiêu chí 17: Môi trường (115 điểm)
4.1. Nội dung tiêu chí
4.1.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia (25 điểm)
- Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt – QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.
- Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn các yêu cầu chất lượng: Không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.
4.1.2. Các cơ sở sản xuất – kinh doanh, các hộ gia đình tăng gia sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường (20 điểm)
- Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: Các cơ sở sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp), các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản của hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường nếu trong quá trình sản xuất, chế biến có xả nước thải, chất thải rắn, mùi, khói bụi, tiếng ồn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
- Các hộ gia đình tăng gia sản xuất phải xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường.
4.1.3. Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh – sạch – đẹp (20 điểm)
Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh – sạch – đẹp gồm các nội dung:
- Không có cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
- Trong mỗi thôn đều có tổ dọn vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát quang dọn cỏ ở đường thu gom về nơi quy định để xử lý.
- Định kỳ tổ chức tổng vệ sinh với sự tham gia của mọi người dân.
- Tổ chức trồng cây xanh ở nơi công cộng, đường giao thông và các trục giao thông chính nội đồng.
- Tôn tạo các hồ nước tạo cảnh quan đẹp và điều hoà sinh thái.
4.1.4. Nghĩa trang được xây dựng theo qui hoạch (25 điểm)
- Mỗi thôn hoặc liên thôn cần quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài.
- Có quy chế về quản lý nghĩa trang quy định cụ thể khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng, tâm linh, nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng. Mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định.
- Cùng với việc quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang cần vận động người dân:
+ Thực hiện hoả táng thay cho chôn cất ở những nơi có điều kiện.
+ Thực hiện chôn cất tại nghĩa trang thay cho chôn cất tại vườn (ở những nơi còn phong tục này).
4.1.5. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định (25 điểm)
- Thực hiện thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo quy định.
- Các cơ sở phải thực hiện thu gom, phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn bằng các dụng cụ hợp vệ sinh theo hướng dẫn của tổ chức thu gom, vận chuyển; phải ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Người dân, các hộ gia đình và tổ thu gom rác thải thực hiện đổ rác, thu gom rác thải đúng thời gian và địa điểm do xã quy định.
4.2. Cách tính điểm
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 50% (riêng đối với các xã trung du, miền núi, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 70%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 45%) đạt 25 điểm; vượt 1% cộng 1 điểm thưởng.
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt dưới 90% hoặc đạt 90 %, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt dưới 50% (riêng đối với các xã trung du, miền núi, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt dưới 70% hoặc đạt 70 %, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt dưới 45%) không có điểm.
- Xã có các cơ sở sản xuất – kinh doanh, các hộ gia đình tăng gia sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường theo quy định đạt 20 điểm.
- Xã có cơ sở sản xuất – kinh doanh, các hộ gia đình tăng gia sản xuất không đạt tiêu chuẩn về môi trường theo quy định không có điểm.
- Xã thực hiện tốt các nội dung “không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh – sạch – đẹp” đạt 20 điểm, còn một nội dung thực hiện chưa tốt không có điểm.
- Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch và theo đúng quy định đạt 25 điểm.
- Xã còn thôn có nghĩa trang chưa xây dựng theo quy hoạch và theo đúng quy định không có điểm.
- Thực hiện tốt việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định đạt 25 điểm.
-Thực hiện việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải không theo quy định không có điểm.
4.3. Căn cứ chấm điểm
- Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng.
- Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc.
V. VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ (110 điểm)
1. Tiêu chí 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh (80 điểm)
1.1. Nội dung tiêu chí
1.1.1. Cán bộ xã đạt chuẩn (15 điểm)
- Cán bộ xã nêu ở tiêu chí này bao gồm cán bộ, công chức xã theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
- Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã và phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
1.1.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định (15 điểm)
Hệ thống tổ chức chính trị xã hội ở xã bao gồm:
- Tổ chức đảng: Đảng bộ xã và các chi bộ thôn, bản; các chi bộ ở các ngành thuộc xã và đơn vị đóng trên địa bàn sinh hoạt tại xã.
- Chính quyền: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, các ban giúp việc cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã và các trưởng thôn.
- Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh xã và các chi hội ở thôn, liên thôn (không bao gồm các tổ chức xã hội nghề nghiệp).
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định là tất cả các thôn, bản đều có các tổ chức “chân rết” của các cơ quan đoàn thể xã theo quy định như: các chi bộ đảng, các chi hội, trưởng thôn, bản. Không có tình trạng để “trắng” các tổ chức này ở các thôn bản.
1.1.3. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” (30 điểm)
- Đảng bộ hoặc chi bộ cơ sở “Trong sạch, vững mạnh” phải đảm bảo 05 yêu cầu theo quy định.
- Chính quyền “Trong sạch, vững mạnh” phải đảm bảo 07 yêu cầu theo quy định.
1.1.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên (20 điểm)
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của điều lệ; việc chấm điểm, công nhận danh hiệu theo qui định và điều lệ của từng tổ chức.
1.2. Cách tính điểm
- Cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định trên đạt 15 điểm.
- Xã còn cán bộ chưa đạt chuẩn không có điểm.
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định trên đạt 15 điểm.
- Không có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định trên không có điểm.
- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” được cơ quan cấp trên công nhận “trong sạch, vững mạnh” đạt 30 điểm (được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen được cộng 2 điểm thưởng),
- Đảng bộ, chính quyền xã không đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” không có điểm.
- 100% các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên đạt 30 điểm,
- Xã có đoàn thể không đạt danh hiệu tiên tiến không có điểm.
2. Tiêu chí 19: An ninh, trật tự xã hội (30 điểm)
2.1. Nội dung tiêu chí: An ninh, trật tự xã hội được giữ vững
An ninh, trật tự xã hội được giữ vững là giữ vững sự ổn định và phát triển của xã hội có tổ chức, có kỷ cương, trong trạng thái bình yên, trên cơ sở những quy định của pháp luật.
- Các chỉ tiêu cần phải đạt được của xã nông thôn mới:
Chỉ tiêu 1:
+ Đảng uỷ có Nghị quyết, UBND có kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
+ Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự và “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” theo hướng dẫn của ngành công an.
+ Hàng năm phân loại xã về “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” đạt từ loại khá trở lên.
+ Lực lượng công an xã được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh theo quy định của Pháp lệnh Công an xã và hướng dẫn của ngành Công an. Hàng năm phân loại thi đua tập thể công an xã đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” trở lên; không có cá nhân công an xã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Chỉ tiêu 2:
+ Không để xảy ra hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng. Không để xảy ra các hoạt động chống đối Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; không để xảy ra các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật; gây rối an ninh trật tự…
+ Không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân; khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Giải quyết dứt điểm, kịp thời, trong thời hạn cho phép các vụ việc khiếu nại, tố cáo mâu thuẫn liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Chỉ tiêu 3:
+ Kiềm chế và làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác so với năm trước, không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (từ 7 năm tù trở lên).
+ Kiềm chế và làm giảm tai nạn, tệ nạn xã hội so với năm trước. Không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn giao thông (giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương) và tai nạn lao động nghiêm trọng.
2.2. Cách tính điểm
- Thực hiện tốt 3 chỉ tiêu trên đạt 30 điểm (Công an xã đạt “Đơn vị quyết thắng” được UBND tỉnh tặng Bằng khen được cộng 2 điểm thưởng).
- Thực hiện còn chỉ tiêu chưa đạt không có điểm.
B. PHƯƠNG PHÁP CHẤM ĐIỂM
Các số liệu để tính điểm các chỉ tiêu thi đua được xác định thống nhất tại báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới của UBND xã hàng năm.
Chỉ chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Các chỉ tiêu không đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ không tính điểm.
Tổng số điểm là 1.000 điểm, trong đó điểm chuẩn là 950 điểm, điểm thưởng không vượt quá 50 điểm (chỉ tính điểm thưởng cho các tiêu chí theo Hướng dẫn).
C. CÔNG NHẬN XÃ, HUYỆN, TỈNH NÔNG THÔN MỚI
1. Công nhận xã nông thôn mới
Xã được công nhận là xã nông thôn mới khi thực hiện đạt chuẩn 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và đạt 950 điểm.
2. Huyện nông thôn mới
Huyện nông thôn mới khi có 75% xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành triển khai hướng dẫn việc chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới đảm bảo đúng nội dung, chất lượng, yêu cầu đề ra.
2. Đối với cấp huyện
- Ban Chỉ đạo cấp huyện: Ban Chỉ đạo cấp huyện có kế hoạch chỉ đạo cụ thể và theo dõi chấm điểm các xã nông thôn mới của huyện.
- Báo cáo tình hình thực hiện và kết quả chấm điểm xây dựng xã nông thôn mới hàng năm về Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Thi đua – Khen thưởng) trước ngày 30 tháng 3 hàng năm.
3. Đối với cấp xã
- 01 năm chấm điểm 1 lần vào tháng 2.
- Báo cáo về Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện trước ngày 30 tháng 2 hàng năm.
4. Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Thi đua – Khen thưởng)
Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Thi đua – Khen thưởng) chủ trì phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Vĩnh Phúc và các sở, ngành liên quan tiến hành thẩm định, chấm điểm phúc tra, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây nông thôn mới hàng năm và sơ kết, tổng kết giai đoạn (theo Kế hoạch số 4855/UBND-KH ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc).
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Thi đua – Khen thưởng) để được hướng dẫn, giải quyết.