Quyết định số 46/2011/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 Về Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- Số hiệu văn bản: 46/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 16-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 26-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-08-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3533 ngày (9 năm 8 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-08-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2011/QĐ-UBND | Vĩnh Yên, ngày 16 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 12/7/2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 14/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 152/TTr- SNNPTNT ngày 07 tháng 12 năm 2011, Báo cáo kết quả thẩm định số 122/BC-STP ngày 29/11/2011 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 51/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc “Ban hành Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc".
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng; các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết đinh số 46/2011/QĐ-UBND, ngày 16 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh
1. Quy định này quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Quy định này nhằm thực hiện các nội dung trong công tác QLBVR & PCCCR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; bảo vệ hệ sinh thái rừng; bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Công tác QLBVR & PCCCR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài thực hiện theo Quy định này còn thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Trách nhiệm QLBVR & PCCCR
1. Các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm) và giúp các chủ rừng để QLBVR & PCCCR theo quy định hiện hành.
2. UBND các cấp nơi có rừng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc QLBVR & PCCCR trong phạm vi địa phương mình. Lực lượng Kiểm lâm tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT), chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các chủ rừng thực hiện việc QLBVR & PCCCR; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác QLBVR & PCCCR.
3. Chủ rừng phải thực hiện QLBVR & PCCCR và phải chịu trách nhiệm về rừng do mình quản lý bị mất, bị cháy do nguyên nhân chủ quan gây ra.
Điều 3. Chủ rừng
1. Chủ rừng là tổ chức:
a) Cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao rừng, giao đất để phát triển rừng;
b) Các tổ chức trong nước khác được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng hoặc công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, nhận chuyển quyền sử dụng rừng, nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; Tổ chức nước ngoài đầu tư tại Vĩnh Phúc được Nhà nước cho thuê rừng, cho thuê đất để phát triển rừng.
2. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân:
a) Hộ gia đình, cá nhân trong nước được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng hoặc công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, nhận chuyển quyền sử dụng rừng, nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Vĩnh Phúc được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng.
c) Cá nhân nước ngoài đầu tư tại Vĩnh Phúc được Nhà nước cho thuê rừng, cho thuê đất để phát triển rừng.
Điều 4. Công trình PCCCR
Kênh, mương ngăn lửa, suối, hồ, đập; đường băng cản lửa, bể chứa nước được xây dựng hoặc cải tạo để phục vụ PCCCR; đường lâm sinh; trạm dự báo khí tượng ; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn quy định về PCCCR; hệ thống thông tin liên lạc; trạm bơm, hệ thống cấp nước chữa cháy và các công trình khác phục vụ cho PCCCR.
Điều 5. Mùa hanh khô, cấp dự báo cháy rừng, vật liệu cháy
1. Mùa hanh khô (mùa cháy rừng): Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thường (chủ yếu) từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau.
2. Cấp dự báo cháy rừng: Được chia thành 5 cấp, cụ thể theo bảng dưới đây
Cấp dự báo | Mức độ cảnh báo | Khả năng cháy rừng | Biển báo cháy |
I | Cấp thấp | Ít có khả năng cháy rừng | Mũi tên chỉ số I. |
II | Cấp trung bình | Có khả năng cháy rừng | Mũi tên chỉ số II. |
II | Cấp cao | Dễ xảy ra cháy rừng | Mũi tên chỉ số III. |
IV | Cấp nguy hiểm | Nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh | Mũi tên chỉ số IV. |
V | Cấp cực kỳ nguy hiểm | Có khả năng cháy rừng lớn và lan tràn nhanh trên tất cả các loại rừng | Mũi tên chỉ số V. |
3. Vật liệu cháy: Là tất cả những chất có khả năng bén lửa và bốc cháy trong điều kiện có đủ nguồn nhiệt và ô xy, bao gồm: Cành khô, lá dụng, thảm mục, mùn, cây bụi, lau lách,...
Điều 6. Vùng trọng điểm cháy
Vùng trọng điểm cháy là vùng chịu tác động của điều kiện khí hậu hanh khô kéo dài, trạng thái rừng có khối lượng vật liệu cháy lớn, có những loài cây dễ cháy, địa hình dốc hoặc những vùng có tần suất xuất hiện cháy rừng cao, đường điện cao thế, trường tập bắn đạn thật và các điều kiện khác dễ phát ra lửa gây cháy.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phân vùng trọng điểm cháy như sau :
1. Huyện Tam Đảo gồm các xã: Đạo Trù, Minh Quang, Đại Đình, Tam Quan và Hồ Sơn.
2. Thị xã Phúc Yên: Gồm các khu vực thuộc thôn Lập Đinh, Thanh Cao, Đồng Trầm thuộc xã Ngọc Thanh và diện tích rừng của Trung tâm Khoa học sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ.
3. Huyện Lập Thạch gồm các xã: Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Liễn Sơn, Quang Sơn, Vân Trục và diện tích rừng của Công ty lâm nghiệp Lập Thạch.
4. Huyện Sông Lô gồm các xã: Đồng Quế, Quang Yên, Lãng Công, Bạch Lưu, Hải Lựu và diện tích rừng của Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch.
5. Huyện Bình Xuyên gồm các xã: Trung Mỹ, Hương Sơn.
Chương II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG
Điều 7. Trách nhiệm của Sở NN & PTNT
1. Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác QLBVR & PCCCR trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan khác thực hiện công tác QLBVR & PCCCR.
3. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở NN & PTNT phối hợp với cơ quan Kiểm lâm trong công tác QLBVR & PCCCR.
4. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật phối hợp với cơ quan Kiểm lâm các cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y; dự báo sinh vật hại rừng; hướng dẫn hỗ trợ chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật hại rừng.
5. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 8 bản quy định này.
Điều 8. Trách nhiệm của Kiểm lâm
1. Trách nhiệm trong công tác QLBVR:
a) Chi cục Kiểm lâm giúp Sở NN & PTNT tham mưu UBND tỉnh; Hạt kiểm lâm huyện, thị xã tham mưu, giúp UBND cấp huyện; Kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; làm nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; phương án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng lâm sản; phối hợp với các ngành: Công an, Quân đội, các cơ quan khác tổ chức kiểm tra thực hiện phương án đã được phê duyệt.
b) Tổ chức, chỉ đạo, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện công tác QLBVR trên địa bàn.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; vận động các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.
d) Triển khai việc bố trí công chức Kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp ở địa phương.
đ) Phối hợp chính quyến các cấp tổ chức mạng lưới lực lượng bảo vệ rừng, chỉ đạo, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ và giám sát hoạt động của lực lượng này; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và tổ chức tổ, đội quần chúng phòng chống chặt phá rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
Cơ quan Kiểm lâm các cấp chủ trì phối hợp với Công an, Quân đội cùng cấp huy động lực lượng truy quét những cá nhân, tổ chức phá rừng, khai thác rừng trái phép và các hành vi vi phạm khác về bảo vệ rừng; xử lý kịp thời những trường hợp chống người thi hành công vụ.
e) Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng; kiểm tra, kiểm soát việc khai thác rừng, sử dụng rừng, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh lâm sản.
f) Tham mưu cho Sở NN &PTNT phối hợp với các tỉnh bạn bàn biện pháp bảo vệ rừng ở các vùng giáp ranh.
2. Trách nhiệm trong công tác PCCCR:
a) Kiểm lâm là cơ quan thường trực PCCCR – BVR các cấp, có trách nhiệm giúp Ban chỉ huy TKCN và PCCCR – BVR tỉnh, cấp huyện, cấp xã chỉ đạo thực hiện công tác PCCCR - BVR trên địa bàn; lập kế hoạch, biện pháp, giải pháp phòng cháy và chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp cho từng thời gian; là lực lượng chuyên trách về PCCCR. Khi cháy rừng xảy ra Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện huy động lực lượng, phương tiện do mình quản lý để phục vụ cho chữa cháy rừng; tham mưu cho cấp có thẩm quyền huy động các đơn vị vũ trang; huy đông lực lượng, phương tiện của các đơn vị, cá nhân đóng quân trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng trong những tình huống cấp thiết và cấp bách.
b) Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng; dự báo chính xác, thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến Ban chỉ huy cấp huyện, cấp xã. Phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc để đưa thông tin cấp dự báo (cảnh báo) cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
c) Giúp Sở NN & PTNT phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thẩm định về các giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với dự án trồng rừng, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phòng cháy và chữa cháy rừng và kinh phí đầu tư cho phòng cháy, chữa cháy trong dự án trồng rừng theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 09/2006/NĐ-CP; tham gia nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án trồng rừng và công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.
d) Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan khác thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCCR, phổ biến kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng trong toàn xã hội.
đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thường xuyên, định kỳ kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các khu rừng dễ cháy và các khu rừng có khả năng cháy; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng hoặc vi phạm quy định an toàn PCCCR.
e) Chi cục Kiểm lâm giúp Sở NN & PTNT tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND xã quyết định đình chỉ các hoạt động, hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 09/2006/NĐ-CP đã hết thời hạn tạm đình chỉ mà không khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng.
f) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phê duyệt phương án PCCCR do chủ rừng lập mà có sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc lực lượng Kiểm lâm quản lý.
Người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy.
g) Tổ chức hướng dẫn thành lập lực lương PCCCR ở cơ sở, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ PCCCR, trang bị dụng cụ cấn thiết, tổ chức huấn luyện và duy trì hoạt động của các lực lượng này; chỉ đạo, kiểm tra và cung cấp phương tiện, trang thiết bị, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ PCCCR cho Hạt kiểm lâm, Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR.
h) Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân điều tra làm rõ nguyên nhân cháy rừng, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
1. Phối hợp với Sở NN & PTNT (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm), UBND cấp huyện, cấp xã , các cơ quan khác và chủ rừng:
a) Thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm về PCCCR; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật PCCCR cho chủ rừng và lực lượng PCCCR ở cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra việc thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
b) Hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án PCCCR có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức ở địa phương và phê duyệt phương án đó. Khi cháy rừng xảy ra, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết tham gia chữa cháy.
2. Chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trong tỉnh:
a) Kiểm tra an toàn về PCCCR định kỳ đối với rừng dễ cháy, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng, khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt; kiểm tra việc thực hiện những yêu cầu, quy định về phòng cháy, chữa cháy.
b) Thường trực sẵn sàng chữa cháy vào mùa hanh khô, khi cháy rừng xảy ra trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy chữa cháy; thực hiện cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy; điều tra thủ phạm, xác minh nguyên nhân cháy rừng.
Điều 10. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Phối hợp với Sở NN & PTNT (trực tiếp là Chi cục kiểm lâm), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan có liên quan kiểm tra, truy quét các vi phạm về QLBVR & PCCCR; điều tra xác định thủ phạm gây cháy rừng; điều tra, xử lý các vụ phạm tội, các hành vi chống người thi hành công vụ trong công tác QLBVR & PCCCR.
2. Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết tham gia chữa cháy rừng
3. Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, thị xã, Ban chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan khác kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
1. Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện, các đơn vị quân đội phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các cấp, cơ quan Công an huy động lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng phương án hiệp đồng PCCCR với các đơn vị đóng quân trên địa bàn; huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội tham gia chữa cháy rừng theo phương án hiệp đồng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
2. Tổ chức giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các quy định về PCCCR.
3. Chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ và phát triển diện tích rừng được nhà nước giao theo quy định hiện hành; tổ chức thực hiện những quy định về PCCCR đối với những diện tích rừng được giao.
4. Tổ chức hội nghị hiệp đồng giao nhiệm vụ Phòng cháy chữa cháy rừng cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
5. Hàng năm, phối hợp với Sở NN & PTNT (trực tiếp là Chi cục kiểm lâm), Sở Cảnh sát PCCC giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
1. Chỉ đạo các đơn vị có hoạt động du lịch chấp hành các quy định về QLBVR & PCCCR trong địa bàn hoạt động, hướng dẫn khách du lịch chấp hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các quy định, nội quy về QLBVR & PCCCR; tuân thủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan Kiểm lâm các cấp và chủ rừng.
2. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các cấp xử lý những đơn vị, cá nhân có hoạt động du lịch vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp
1. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Phối hợp với Sở NN & PTNT (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm) và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc rụng (đất lâm nghiệp) thống nhất với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong việc giao đất gắn với giao rừng, cho thuê đất gắn với thuê rừng, thu hồi đất gắn với thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với chuyển mục đích sử dụng rừng theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh;
b) Khi có đề nghị của cơ quan Kiểm lâm, cung cấp thông tin trong hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính và tài liệu có liên quan đến quy hoạch đất lâm nghiệp cho Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN & PTNT theo kỳ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.
c) Phối hợp với Sở NN & PTNT (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm) tổ chức quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường rừng; giúp UBND tỉnh kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm và tranh chấp trong QLBVR của các chủ rừng có liên quan đến đất lâm nghiệp.
2. Trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Hạt Kiểm lâm, thực hiện trách nhiệm theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này trên địa bàn huyện, thị xã.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh
1. Tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QLBVR & PCCCR trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, UBND cấp huyện, cấp xã, các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền về QLBVR & PCCCR; thông báo các bản tin dự báo cháy rừng trong các thời điểm cần thiết.
Điều 15. Các cơ quan liên quan khác
Các cơ quan khác, theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về QLBVR & PCCCR. Khi nhận được lệnh điều động của cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng điều động người, phương tiện đến nơi xảy ra cháy rừng để phục vụ chữa cháy.
Điều 16. Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện có rừng
1. Trách nhiệm trong công tác QLBVR:
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định hiện hành.
b) Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra phá rừng trái phép, mất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích ở địa phương.
c) Tổ chức theo dõi diễn biến rừng, biến động đất lâm nghiệp và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
d) Huy động và chỉ đạo, giám sát sự phối hợp giữa Kiểm lâm và các lực lượng khác trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng; chỉ đạo UBND xã tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng tại địa phương, huy động lực lượng trên địa bàn giúp các chủ rừng ngăn chặn mọi hành vi phá hoại rừng.
đ) Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, thị tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quy định về QLBVR của chủ rừng.
e) Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
f) Chỉ đạo cơ quan Tài nguyên và Môi trường của huyện phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, thị xã tiến hành giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng cho các hộ gia đình, cá nhân; phối hợp với cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, xử lý các vi phạm và tranh chấp trong việc quản lý bảo vệ và sử dụng rừng của các chủ rừng.
Chỉ đạo cơ quan Tài nguyên và môi trường huyện cung cấp thông tin trong hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính và tài liệu liên quan đến đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo kỳ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do cơ quan Kiểm lâm thực hiện.
g) Chủ động phối hợp với UBND các huyện lân cận để thực hiện biện pháp QLBVR khu vực giáp ranh.
2. Trách nhiệm trong công tác PCCCR:
a) Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR cho nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động PCCCR.
b) Chỉ đạo các Ban chỉ huy TKCN và PCCCR – BVR của cấp huyện, xã và các ngành, các tổ chức trực thuộc trong việc thực hiện nhiệm vụ PCCCR trên địa bàn huyện.
c) Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra an toàn PCCCR theo chế độ định kỳ hoặc đột xuất trên địa bàn huyện, là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy hoặc tham gia chỉ huy chữa cháy khi có mặt tại nơi xảy ra cháy theo quy định.
d) Chỉ đạo diễn tập phương án PCCCR cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; chỉ đạo, điều hành sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện với các xã trong công tác PCCCR. Khi xảy ra cháy rừng huy động kịp thời lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy rừng; chỉ đạo điều tra nguyên nhân gây cháy rừng và khắc phục hậu quả vụ cháy rừng.
đ) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động, phục hồi hoạt động, đình chỉ hoạt động đối với các vi phạm quy định về PCCCR (các vi phạm quy định về PCCCR được quy định tại khoản 1 điều 17 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP) của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
e) Bố trí ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định.
Điều 17. Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng
1. Trách nhiệm trong công tác QLBVR:
a) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã theo quy định hiện hành.
b) Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về việc để xảy ra phá rừng trái phép, mất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích ở địa phương.
c) Tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các chế độ, chính sách của Nhà nước, các quy định của tỉnh về bảo vệ phát triển rừng; chỉ đạo, hướng dẫn chủ rừng, chủ lâm sản thực hiện các quy định của Nhà nước về khai thác rừng, lưu thông và kinh doanh lâm sản theo thẩm quyền trên địa bàn xã.
d) Quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, bao gồm: Diện tích, ranh giới các khu rừng, danh sách chủ rừng, các hợp đồng giao nhận khoán, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng của các chủ rừng với hộ gia đình, cá nhân trong xã.
đ) Chỉ đạo các thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp đã được phê duyệt.
e) Thực hiện theo dõi diễn biến rừng, biến động đất lâm nghiệp, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo với cơ quan cấp huyện, Hạt Kiểm lâm huyện; chủ động hoặc phối hợp với cơ quan Kiểm lâm nắm bắt tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã; chỉ đạo bộ phận phụ trách Tài nguyên và Môi trường của xã phối hợp với Kiểm lâm phụ trách địa bàn cập nhật diễn biến đất lâm nghiệp.
f) Thực hiện việc bàn giao rừng tại thực địa cho các chủ rừng và xác nhận ranh giới rừng của các chủ rừng (hộ gia đình, cá nhân) trên thực địa.
g) Tổ chức lực lượng quần chúng của địa phương để bảo vệ rừng trên địa bàn xã, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, huỷ hoại rừng.
h) Chủ động phối hợp với UBND các xã lân cận để thực hiện biện pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
2. Trách nhiệm trong công tác PCCCR:
a) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR cho nhân dân; vận động mọi người thực hiện các quy định về PCCCR và tích cực PCCCR ở địa phương; thành lập lực lượng xung kích chữa cháy rừng được huấn luyện về nghiệp vụ, trang bị dụng cụ cần thiết sẵn sàng ứng cứu khi cháy rừng xảy ra.
b) Chủ tịch UBND cấp xã trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về PCCCR theo chế độ kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất; yêu cầu các chủ rừng thực hiện đầy đủ các quy định về PCCCR.
c) Chỉ đạo xây dựng và diễn tập phương án PCCCR; Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt phương án PCCCR thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình; là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy hoặc tham gia chỉ huy chữa cháy khi có mặt tại nơi xảy ra cháy theo quy định.
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động, phục hồi hoạt động, đình chỉ hoạt động đối với các vi phạm quy định về PCCCR (các vi phạm quy định về PCCCR được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP) của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.
đ) Khi xảy ra cháy rừng tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia chữa cháy rừng; phối hợp với chủ rừng và các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý các vi phạm về PCCCR.
Điều 18. Trách nhiệm của chủ rừng trong công tác QLBVR
1. Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng lực lượng và tổ chức bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác có liên quan.
2. Phối hợp với chính quyền cơ sở, lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, các cơ quan liên quan để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; các chủ rừng liền kề và khu vực lân cận có biện pháp liên kết với nhau để bảo vệ rừng chung.
3. Chủ rừng không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các quy định khác của pháp luật hiện hành mà để mất rừng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Trách nhiệm chung của chủ rừng trong việc PCCCR
1. Trước mùa hanh khô phải thường xuyên kiểm tra vật liệu cháy, dọn sạch hoặc có biện pháp làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong diện tích rừng của mình.
2. Nắm bắt tình hình rừng, báo cáo kịp thời khi phát hiện những nguy cơ, tác động có thể gây cháy rừng thuộc phạm vi mình quản lý cho chính quyền cấp xã, Kiểm lâm phụ trách địa bàn, cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cơ quan quản lý trực tiếp.
3. Tổ chức quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng.
4. Chủ rừng phải bố trí người canh gác lửa rừng trực 8 giờ/24 giờ trong ngày (từ 11giờ đến 19 giờ) khi cấp dự báo cháy rừng là cấp II, trực 10 giờ/24 giờ trong ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ) khi cấp dự báo cháy rừng là cấp III, trực 24 giờ/24 giờ trong ngày khi cấp dự báo cháy rừng là cấp IV, cấp V và bố trí lực lượng sẵn sàng kịp thời chữa cháy khi mới xảy ra cháy rừng đồng thời phải báo cháy rừng cho chính quyền cấp xã, Kiểm lâm phụ trách địa bàn, cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cơ quan quản lý trực tiếp.
5. Phối hợp với chủ rừng liền kề, chính quyền cấp xó, cơ quan, tổ chức liền kề thực hiện tốt cụng tỏc về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận.
6. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra về công tác PCCCR của cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy; Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
7. Chủ rừng trồng rừng, phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp có đường dây điện cao thế đi qua, hoặc thuộc hành lang an toàn đường dây điện cao thế thì phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp theo quy định hiện hành và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
Điều 20. Trách nhiệm của chủ rừng là tổ chức trong việc PCCCR
Chủ rừng là tổ chức, ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 19 của Quy chế này, còn phải thực hiện trách nhiệm sau:
1. Xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực tập, triển khai thực hiện có hiệu quả phương án đó. Phương án PCCCR phải được bổ sung chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi liên quan đến hoạt động PCCCR và thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần vào trước mùa hanh khô và thực tập đột xuất khi có yêu cầu;
2. Bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR; huấn luyện nghiệp vụ PCCCR; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội PCCCR và các hoạt động khác phục vụ cho công tác PCCCR.
3. Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết như: Máy bơm nước, máy cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì, dao phát, bàn dập lửa, quần áo chống cháy, giầy, tất đi rừng, đèn pin ...;
4. Ban hành và tổ chức thực hiện các nội quy, quy định PCCCR; xây dựng bảng tin, biển báo, biển cấm lửa và các công trình về PCCCR khác được bố trí phù hợp với đặc điểm của địa hình.
5. Trong mùa hanh khô, vào thứ sáu hàng tuần, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ báo cáo tình hình PCCCR về Cơ quan thường trực PCCCR- BVR các cấp .
6. Tổ chức kiểm tra thường xuyên người canh gác lửa rừng theo quy định tại khoản 4 Điều 19 bản Quy định này. Khi cấp dự báo cháy rừng là cấp IV, cấp V phải bố trí lực lượng canh gác lửa rừng trên chòi canh và ngoài hiện trường.
7. Đối với các khu rừng trong vùng trọng điểm cháy, ngoài việc thực hiện các quy định như trên còn phải áp dụng biện pháp tu bổ công trình PCCCR xong trước mùa hanh khô hàng năm.
Điều 21. Trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trong việc PCCCR
Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 19 của Quy chế này, còn phải thực hiện trách nhiệm sau:
1. Thực hiện nghiêm các nội quy, quy định, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCCR; bảo vệ nguyên vẹn các công trình PCCCR tự nhiên và nhân tạo.
2. Khi rừng thuộc vùng trọng điểm cháy, chủ rừng có diện tích rừng từ 10 ha trở lên phải xây dựng phương án PCCCR và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Các chủ rừng có diện tích rừng dưới 10 ha phải liên kết với các chủ rừng khác xây dựng phương án PCCCR.
3. Các chủ rừng liền kề phải ký cam kết phối hợp, hỗ trợ nhau để PCCCR chung. Cam kết có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại.
4. Phải tự nguyện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra trong thôn, xã hoặc các địa điểm khác khi có lệnh huy động của người có thẩm quyền.
5. Đối với chủ rừng có diện tích trên 10 ha phải đầu tư trang thiết bị cần thiết như: dao phát, bàn dập lửa, giầy, tất đi rừng, đèn pin... có lực lượng tuần tra, kiểm tra an toàn về PCCCR trong suốt những tháng của mùa hanh khô.
6. Đối với chủ rừng có diện tích từ 30 ha trở lên ngoài thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều này còn thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 20 bản Quy định này.
Điều 22. Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sống, hoạt động trong rừng, ven rừng
1. Giáo dục các thành viên trong tổ chức, gia đình mình thực hiện nghiêm các quy định về QLBVR & PCCCR.
2. Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
3. Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCCR; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.
Điều 23. Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng
1. Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây:
a) Chủ rừng;
b) Đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất;
c) Chính quyền địa phương sở tại;
d) Đơn vị Kiểm lâm hoặc Công an nơi gần nhất;
2. Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, b, c, và d khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo về vụ cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý thì phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện (huy động lực lượng, phương tiện theo thẩm quyền phân cấp) đến tổ chức chữa cháy kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đồng thời phải báo ngay cho cơ quan cấp trên của mình (diễn biến tình hình cháy rừng tại hiện trường, cơ quan Kiểm lâm sở tại phải thông tin liên tục cho cơ quan Kiểm lâm cấp trên). Nếu xét thấy với lực lượng, phương tiện tại chỗ không thể dập tắt được đám cháy, Cơ quan thường trực PCCCR - BVR cấp dưới báo cáo Cơ quan thường trực PCCCR - BVR cấp trên để huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu.
3. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy, chủ rừng và các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, các cơ quan được huy động phải tích cực chữa cháy, phải tuân theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy, tuân theo các quy định của pháp luật về PCCCR.
Điều 24. Người chỉ huy chữa cháy rừng
1. Người chỉ huy chữa cháy trong lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy là người có chức danh từ chỉ huy cấp đội Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trở lên. Trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có mặt tại đám cháy là người chỉ huy chữa cháy.
2. Trường hợp tại nơi xảy ra cháy rừng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được thực hiện như sau:
a) Cháy rừng mà chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người tham gia chỉ huy chữa cháy, người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy. Nếu tại nơi xảy ra cháy có mặt của Chủ tịch UBND cấp xã trở lên thì Chủ tịch là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
b) Cháy rừng mà chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì trưởng thôn hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy, người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy. Nếu tại nơi xảy ra cháy có mặt của Chủ tịch UBND cấp xã trở lên thì Chủ tịch là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
3. Khi người có chức danh cao nhất của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy thì những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này là người tham gia chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy và chịu sự phân công của người chỉ huy chữa cháy.
Điều 25. Kinh phí PCCCR
1. Hàng năm, Sở Tài chính cân đối kinh phí, bảo đảm hoạt động PCCCR theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP từ nguồn ngân sách của tỉnh.
2. Chế độ và chính sách đối với việc tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng (trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới sửa đổi hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC thì áp dụng văn bản đó).
3. Đối với diện tích trồng rừng hàng năm, kinh phí PCCCR được tính trong dự toán thiết kế dự án trồng rừng theo quy định hiện hành.
4. Đối với các chủ rừng không thụ hưởng ngân sách nhà nước thì tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCCR.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ RỪNG VI PHẠM VỀ PCCCR
Điều 26. Chủ rừng vi phạm quy định PCCCR, chưa gây cháy rừng
Các chủ rừng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 hoặc Điều 21 của bản Quy định này, chưa gây cháy rừng thì bị xử lý theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Nghị định 99/2009/NĐ-CP).
Điều 27. Chủ rừng vi phạm quy định PCCCR, gây cháy rừng
1. Các chủ rừng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 hoặc Điều 21 của bản Quy định này, để xảy ra cháy rừng, thì tuỳ theo diện tích cháy, bị xử lý theo quy định tại khoản 1 đến khoản 6 Điều 11 Nghị định 99/2009/NĐ-CP.
2. Chủ rừng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 hoặc Điều 21 của bản Quy định này, gây cháy rừng, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị thu hồi rừng (không áp dụng đối với chủ rừng là cơ quan, đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao rừng, giao đất để phát triển rừng) đồng thời thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 26 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Cụ thể như sau:
a) Chủ rừng là tổ chức: Trong một năm (trong một mùa hanh khô) để xảy ra cháy rừng trên 10% diện tích rừng được giao mà không có cơ sở chứng minh do nguyên nhân khác.
b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân: Trong một năm (trong một mùa hanh khô) để xảy ra 02 vụ cháy rừng trên 01 lô rừng, gây thiệt hại từ 01 ha trở lên mà không có cơ sở chứng minh do nguyên nhân khác.
Điều 28. Xử lý hộ nhận khoán bảo vệ rừng
Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng được pháp luật quy định, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCCR theo Hợp đồng đã ký kết với chủ rừng mà gây cháy rừng hoặc để xảy ra cháy rừng thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP còn bị chấm dứt hợp đồng bảo vệ rừng.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Chế độ báo cáo
Thực hiện chế độ báo cáo theo hệ thống Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR 3 cấp (xã - huyện - tỉnh).
Báo cáo thường xuyên (báo cáo tháng) chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR cấp xã báo cáo Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR cấp huyện; chậm nhất ngày 28 hàng tháng Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR cấp huyện báo cáo Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR cấp tỉnh.
Báo cáo thường xuyên và đột xuất của Ban chỉ huy TKCN, PCCCR - BVR cấp xã gửi về Hạt Kiểm lâm huyện, của Ban chỉ huy huyện gửi về Sở NN & PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Trung ương.
Điều 30. Khen thưởng - Kỷ luật
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc QLBVR & PCCCR được xét khen thưởng. Người nào tham gia chữa cháy rừng mà bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ hoặc tính mạng được xem xét trợ cấp và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định về QLBVR & PCCCR hoặc cố tình bao che cho kẻ xâm hại đến rừng, đốt rừng, gây cháy rừng thì tuỳ theo đối tượng, mức độ sẽ bị kỷ luật, bồi thường thiệt hại, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về QLBVR & PCCCR và những quy định tại văn bản này.
Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở NN & PTNT để báo cáo với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.