Quyết định số 62/2011/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 Về quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập do tỉnh Bình Phước ban hành
- Số hiệu văn bản: 62/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Ngày ban hành: 18-11-2011
- Ngày có hiệu lực: 28-11-2011
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4745 ngày (13 năm 0 tháng 0 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2011/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 18 tháng 11 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ VƯỜN QUỐC GIA BÙ GIA MẬP, TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế Quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế Quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn;
Thực hiện Quyết định số 598/QĐ-UBND ngày 23/3/2011 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thành lập Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước;
Theo đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tại Tờ trình số 94 /TTr-VQG ngày 12/05/2011 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1088/TTr-SNV ngày 27/9/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 28/4/2008 của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHẬN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ VƯỜN QUỐC GIA BÙ GIA MẬP, TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 1. Vị trí
1. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (dưới đây gọi tắt Ban Quản lý Vườn) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh. Ban Quản lý Vườn chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh.
2. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Ban Quản lý: đặt tại thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
4. Văn phòng đại diện đặt tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Chức năng
Ban Quản lý Vườn có chức năng bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, duy trì tác dụng phòng hộ bền vững của rừng. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái, giáo dục môi trường và đầu tư phát triển vùng lõi và vùng đệm của Vườn.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý Vườn
1. Bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của Vườn.
a) Bảo tồn nguồn gen quý hiếm của hệ động thực vật, các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm thường xanh - rừng lá trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam bộ;
b) Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố tự nhiên;
c) Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn tính đa dạng sinh học.
2. Phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, sinh vật ngoại lai xâm hại rừng. Ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan.
3. Xây dựng các dự án đầu tư phát triển Vườn quốc gia và vùng đệm Vườn quốc gia, tổ chức thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
4. Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ công tác bảo tồn.
a) Tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển động thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động thực vật quý hiếm đặc biệt nguy cấp;
b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Vườn;
c) Xây dựng chương trình kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn, phát triển các nguồn gen động, thực vật;
đ) Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn phát triển tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế khi được cấp trên phê duyệt.
5. Tổ chức thực hiện dịch vụ môi trường.
a) Xây dựng, bảo vệ quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái của Vườn và tổ chức thực hiện, tạo nguồn thu để hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Tổ chức liên doanh, liên kết cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và được sự đồng ý của UBND tỉnh.
6. Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền giáo dục cho nhân dân địa phương về đa dạng sinh học và pháp luật về bảo vệ rừng. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng lõi và vùng đệm của rừng.
7. Nghiên cứu xây dựng mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, nông, ngư ở vùng đệm, mô hình du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.
8. Tổ chức họp giao ban về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hàng quý với UBND các xã giáp ranh, các Nông lâm trường, các đơn vị đang đứng chân trên địa bàn, để bàn bạc, thống nhất các phương án phối kết hợp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng hiệu quả nhất.
9. Quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Vườn theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản, vật tư, kinh phí nhà nước được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
11. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất với UBND tỉnh về các nhiệm vụ được giao.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 4. Tổ chức bộ máy
1. Ban lãnh đạo: Ban Quản lý Vườn do Giám đốc điều hành và có từ 01 đến 02 Phó Giám đốc giúp Giám đốc. Chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý cán bộ, công chức.
2. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Vườn:
a) Bộ phận giúp việc Giám đốc Vườn:
- Phòng Tổ chức - Hành chính;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính;
- Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế;
- Văn phòng đại diện tại thị xã Đồng Xoài.
b) Các đơn vị trực thuộc:
- Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn quốc gia (có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng do Giám đốc Ban Quản lý Vườn xây dựng trình UBND tỉnh xem xét, ban hành);
- Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng;
- Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.
(việc thành lập các Trung tâm do Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định khi Giám đốc Ban Quản lý Vườn đề nghị)
3. Mỗi phòng có Trưởng phòng và có từ 01 đến 02 Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiễm chức vụ Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng được thực hiện theo quy định phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi phòng do Giám đốc Ban Quản lý Vườn quy định.
Điều 5. Biên chế của Ban Quản lý Vườn:
1. Biên chế của các bộ phận giúp việc Giám đốc Ban Quản lý Vườn thuộc biên chế sự nghiệp (kể cả Phó Giám đốc và Kế toán trưởng Ban Quản lý Vườn).
2. Biên chế của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc biên chế hành chính được UBND tỉnh giao theo định biên tối đa 500 ha rừng đặc dụng có 01 công chức kiểm lâm.
3. Ngoài chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao, Giám đốc Ban Quản lý Vườn được ký kết hợp đồng lao động với những người có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện kế hoạch công tác đề ra, trong đó ưu tiên tiếp nhận là người địa phương. Việc ký kết hợp đồng lao động phải thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 6. Chế độ làm việc:
1. Ban Quản lý Vườn làm việc theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc Ban Quản lý chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND tỉnh và trước pháp luật về mọi mặt hoạt động của Vườn, là người được giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Vườn theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các Phó Giám đốc được Giám đốc phân công phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc, đồng thời cùng Giám đốc liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về phần việc được phân công phụ trách.
2. Các Phòng nghiệp vụ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được giao của Phòng. Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy quyền điều hành công việc của phòng khi Trưởng phòng đi vắng, nhiệm vụ cụ thể của viên chức, nhân viên trong Phòng do Trưởng phòng phân công.
3. Giám đốc Ban Quản lý Vườn thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, hàng quý, năm về UBND tỉnh, UBND huyện Bù Gia Mập, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Thực hiện các báo cáo chuyên ngành cho các sở, ngành liên quan theo yêu cầu cụ thể của từng công việc, từng chuyên ngành.
4. Giám đốc Ban quản lý Vườn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện, UBND các xã giáp ranh với Vườn xây dựng Quy chế phối, kết hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên của Vườn trình UBND tỉnh ban hành.
Chương IV
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Đối với UBND tỉnh
1. Giám đốc Ban Quản lý Vườn thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với UBND tỉnh theo quy định và yêu cầu đột xuất. Trước khi thực hiện chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến chương trình công tác, kế hoạch chung của tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
2. Theo thẩm quyền quy định, Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Ban Quản lý Vườn thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, thực hiện các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài trên địa bàn Vườn quản lý.
3. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, theo chương trình, kế hoạch phối hợp với nước bạn Campuchia và tỉnh bạn Đắk Nông trong việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vùng lãnh thổ. Cùng bàn bạc phương án, biện pháp phối hợp triển khai các hoạt động dự án liên quan đến Vườn, trong vùng đệm phía nước bạn và tỉnh bạn.
Điều 8. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Vườn chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, lâm sinh, nông lâm kết hợp, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ kỹ thuật khác liên quan đến Vườn và vùng đệm của Vườn. Sở có trách nhiệm thẩm định các dự án đầu tư, dự án lâm sinh, dự án về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của Vườn, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định đầu tư.
Điều 9. Đối với UBND huyện Bù Gia Mập
1. UBND huyện giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với Vườn theo địa bàn hành chính, thường xuyên chỉ đạo xã Đắk Ơ, xã Bù Gia Mập tích cực hỗ trợ Ban Quản lý Vườn trong việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
2. Ban Quản lý Vườn chịu sự giám sát của UBND huyện về các hoạt động được giao theo quy định của pháp luật. Giám đốc Vườn có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; kết hợp với UBND các xã vùng đệm tổ chức quản lý, điều hành các cộng đồng, tổ chức trong việc giao, nhận khoán bảo vệ rừng.
3. Ban Quản lý Vườn chịu sự quản lý về công tác Đảng, đoàn thể của Đảng bộ huyện, có trách nhiệm thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ, các Quyết định khác của địa phương có liên quan đến Ban Quản lý Vườn.
Điều 10. Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Bù Gia Mập
Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bù Gia Mập tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, truy quét các tụ điểm mua, bán lâm sản, động vật hoang dã trên địa bàn vùng đệm. Trong trường hợp Vườn cần thêm lực lượng để chữa cháy rừng, truy quét các hành vi xâm hại rừng, phá rừng thì Vườn được phép đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Bù Gia Mập tăng cường lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ.
Điều 11. Đối với các sở, ban, ngành
Vườn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban, ngành; phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Ban Quản lý Vườn do UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên giao.
Điều 12. Đối với UBND các xã: Đắk Ơ và Bù Gia Mập
1. Ban Quản lý Vườn có trách nhiệm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các xã để tổ chức, xây dựng hệ thống quản lý, bảo vệ rừng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Ban Quản lý Vườn phối hợp với chính quyền địa phương quản lý và hướng dẫn các cộng đồng dân cư, các tổ chức, đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng theo các điều khoản hợp đồng giao khoán đã ký kết, Giám đốc Ban Quản lý Vườn được phép điều động lực lượng nhận khoán và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn triển khai lực lượng phối hợp với UBND xã tổ chức phòng chống cháy rừng và chống phá rừng khi có sự việc xảy ra, tổ chức chức truy quét các tụ điểm mua, bán lâm đặc sản trên địa bàn khi có yêu cầu của UBND xã.
2. UBND các xã vùng đệm tạo điều kiện thuận lợi, hợp tác chặt chẽ với Ban Quan lý Vườn trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức truy quét xoá bỏ các tụ điểm thu mua, bán lâm, đặc sản trên địa bàn của các xã.
Chương V
QUẢN LÝ VÙNG ĐỆM
Điều 13. Phạm vi ranh giới vùng đệm và chức năng vùng đệm
1. Phạm vi ranh giới vùng đệm:
a) Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất hoặc vùng đất có mặt nước sát với ranh giới của Vườn Quốc gia.
b) Vùng đệm rừng là vùng rừng liền kề với ranh giới Vườn Quốc gia có khoảng cách 1 - 2 km kể từ ranh giới Vườn trở ra.
c) Vùng đệm xã hội là vùng thuộc các cộng đồng dân cư đang sinh sống theo đơn vị hành chính cấp xã do UBND xã quản lý.
2. Chức năng vùng đệm:
a) Góp phần bảo tồn bền vững Vườn Quốc gia, nâng cao các giá trị bảo tồn chính rừng của vùng đệm. Tạo thêm khả năng giao lưu mở rộng các hệ sinh thái để các quần thể động vật, thực vật phát triển.
b) Tạo điều kiện mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm thông qua công tác bảo tồn Vườn Quốc gia; cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội vùng đệm, giảm thiểu những tác động có hại làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.
Điều 14. Trách nhiệm của Ban Quản lý Vườn đối với vùng đệm
1. Phối hợp với UBND các xã, các cộng đồng dân cư, các tổ chức xây dựng phương án và cùng tổ chức thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến vùng đệm và lợi ích do việc bảo vệ Vườn mang lại.
2. Tham gia hỗ trợ chính quyền địa phương hoạch định chính sách xã hội có liên quan đến bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Ban Quản lý Vườn lập dự án và là chủ đầu tư dự án vùng đệm. Tổ chức các biện pháp thu hút các cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng.
4. Tổ chức hội nghị giao ban với các xã vùng đệm mỗi năm hai lần để bàn bạc phương án phối, kết hợp bảo vệ rừng giữa Ban Quản lý Vườn với chính quyền địa phương.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH