cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 Về Quy định việc cấp giấy phép xây dựng tạm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 39/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 01-11-2011
  • Ngày có hiệu lực: 15-11-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1026 ngày (2 năm 9 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-09-2014, Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 Về Quy định việc cấp giấy phép xây dựng tạm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 57/2014/QĐ-UBND ngày 27/08/2014 Về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2011/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc cấp giấy phép xây dựng tạm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2011.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- TVTU, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Đài TRT, Báo Thừa Thiên Huế;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 01/10/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh các hoạt động liên quan đến cấp giấy phép xây dựng tạm đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt và công bố (bao gồm: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với khu vực đô thị; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc tỷ lệ 1/2000 đối với khu vực ngoài đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn) nhưng không phù hợp với quy hoạch đó và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các Chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có nhu cầu xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, nhà ở riêng lẻ nằm trong vùng đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt và công bố nhưng chưa thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Mục đích của việc cấp giấy phép xây dựng tạm

1. Tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ (sau đây gọi là Chủ đầu tư) trong vùng đã có quy hoạch được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện nhằm cải thiện điều kiện sống, làm việc của nhân dân, tránh lãng phí.

2. Quản lý xây dựng theo quy định của pháp luật, bảo vệ cảnh quan kiến trúc, môi trường.

3. Làm căn cứ để kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy mô, kết cấu của công trình

1. Quy mô công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm là dạng công trình bán kiên cố, tối đa là 2 tầng và tầng 2 không được đổ mái bằng bê tông cốt thép; tổng chiều cao công trình ≤ 9m. Trường hợp công trình hiện tại đã là 2 tầng hoặc lớn hơn 2 tầng thì khi sửa chữa, cải tạo không được nâng thêm tầng.

2. Kết cấu công trình do Chủ đầu tư tự quyết định và phải đảm bảo an toàn trong khai thác sử dụng.

Điều 5. Thời gian tồn tại của công trình

1. Công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm được tồn tại cho đến khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy hoạch. Chủ đầu tư phải tự phá dỡ toàn bộ công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm; trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và Chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế.

2. Trường hợp xác định được chính xác thời điểm thực hiện quy hoạch thì ghi rõ thời gian tồn tại của công trình trong giấy phép xây dựng tạm. Khi hết thời hạn tồn tại của công trình xây dựng tạm, nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch.

Điều 6. Điều kiện đền bù công trình xây dựng tạm

Các công trình xây dựng mới hoặc phần diện tích công trình xây dựng thêm (đối với trường hợp nhà cũ đã có và cần mở rộng, nâng tầng) theo giấy phép xây dựng tạm không được bồi thường hay hỗ trợ.

Việc đền bù, hỗ trợ chỉ thực hiện đối với:

- Phần diện tích hiện trạng công trình đã tồn tại trước khi cấp phép xây dựng tạm (nếu có); đồng thời, công trình tồn tại trước khi quy hoạch được công bố và không bị xử lý vi phạm. Phần hiện trạng công trình tồn tại trước khi cấp phép xây dựng tạm phải được thể hiện rõ trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng tạm, hồ sơ hoàn công để làm cơ sở xác định.

- Phần công trình được cấp phép xây dựng tạm nhưng có yêu cầu phải di chuyển trước thời hạn tồn tại (được nêu trong giấy phép xây dựng tạm).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan cấp giấy phép xây dựng

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện việc cấp phép xây dựng tạm trên địa bàn mình quản lý; ban hành quy định các khu vực cụ thể được xem xét cấp phép xây dựng tạm, thời gian tồn tại của công trình xây dựng tạm theo từng khu vực và thông báo công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.

2. Khi cần làm rõ thông tin liên quan đến cơ quan khác để phục vụ việc cấp giấy phép xây dựng mà không thuộc trách nhiệm của người đề nghị cấp phép xây dựng thì cơ quan tham mưu cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan có liên quan để làm rõ và xem xét, giải quyết.

Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận công văn lấy ý kiến, các tổ chức được hỏi ý kiến có trách nhiệm phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Quá thời hạn nêu trên, các tổ chức được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời thì xem như đã đồng ý.

3. Hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình cấp giấy phép; lưu trữ hồ sơ cấp phép xây dựng tạm và hồ sơ hoàn công để quản lý chặt chẽ việc cải tạo và xây dựng các công trình.

4. Các quy định khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn liên quan đến giấy phép xây dựng tạm thực hiện như giấy phép xây dựng chính thức.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Giám đốc Sở, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phổ biến, tổ chức thực hiện đúng Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp nội dung phản ánh vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo và đề xuất UBND xem xét, giải quyết./.