Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 Về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành
- Số hiệu văn bản: 20/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Ngày ban hành: 31-10-2011
- Ngày có hiệu lực: 10-11-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-07-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3529 ngày (9 năm 8 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-07-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2011/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 31 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình và Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công thương; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Công thương Ninh Bình với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi là các sở, ngành); UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
Công tác phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức có liên quan và phải đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp thực hiện nội dung quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (sau đây gọi là Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg).
2. Phối hợp thực hiện những công việc khác do UBND tỉnh giao có liên quan đến cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 4. Trách nhiệm chung
1. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề khác có liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.
2. Phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện và tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện nội dung quy định tại Quy chế này.
Điều 5. Trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành
1. Trách nhiệm của Sở Công Thương
a) Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh quy định tại Điều 4 của Quy chế này và quy định tại Điều 17, Khoản 1 Điều 19 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương.
b) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ:
- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Thực hiện thẩm định hồ sơ thành lập cụm công nghiệp, phát triển và mở rộng cụm công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Tổng hợp, đánh giá và báo cáo định kỳ UBND tỉnh và Bộ Công thương về tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp theo thẩm quyền;
- Đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tham mưu cho UBND tỉnh cấp, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy chứng nhận đầu tư; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các loại giấy phép khác thuộc thẩm quyền;
b) Xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến xây dựng và phát triển mở rộng cụm công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt;
c) Xây dựng các chương trình phối hợp, liên kết với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp theo vùng trình HĐND tỉnh hoặc UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện;
d) Lập kế hoạch vốn và dự trù phân bổ trong kỳ kế hoạch vốn xây dựng cơ bản để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
đ) Thẩm định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
a) Thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp;
b) Cấp phép xây dựng cho các công trình đầu tư theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thẩm định về nhu cầu sử dụng đất, vị trí, diện tích của cụm công nghiệp dự kiến thành lập, phát triển và mở rộng cụm công nghiệp trình UBND tỉnh quyết định; thẩm định hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức sử dụng đất trong cụm công nghiệp, trình UBND tỉnh quyết định và tổ chức thực hiện;
b) Ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức sử dụng đất trong cụm công nghiệp;
c) Hướng dẫn việc thu phí nước thải công nghiệp đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của cụm công nghiệp;
d) Hướng dẫn việc quản lý, bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp;
5. Trách nhiệm của Sở Tài chính
a) Thẩm định cơ chế, chính sách cho thuê đất, thẩm định và xác định giá đất cho thuê và giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê kết cấu hạ tầng, trình UBND tỉnh phê duyệt;
b) Thực hiện quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp sử dụng nguồn vốn ngân sách.
6. Trách nhiệm của các sở, ngành khác có liên quan
Chủ trì thực hiện những nội dung về quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phối hợp với các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.
Điều 6. Trách nhiệm cụ thể của UBND cấp huyện, cấp xã
1. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo việc lập hồ sơ thành lập, phát triển mở rộng, bổ sung quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp xã ở địa phương thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của UBND cấp xã
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, UBND cấp huyện, cấp xã để giải quyết những nội dung công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan đến tổ chức và cá nhân.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế
Sở Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan giúp UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này và chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả triển khai tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật cho UBND tỉnh và Bộ Công thương.
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này sẽ được khen thưởng theo Luật thi đua khen thưởng hiện hành. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân khác phản ánh kịp thời về Sở Công thương để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.